Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

Cây Bonsai sừng sững sống qua 5 thế kỷ và câu chuyện kì diệu khiến cả thế giới thán phục

Sức sống mãnh liệt và câu chuyện kì diệu của cây bonsai 391 năm tuổi đã thể hiện ý chí quật cường, thiện chí hữu nghị, và cả một phần nào đó cốt cách đặc trưng của người Nhật.

Cây thông trắng Nhật Bản này đã được nghệ nhân trồng bonsai có tên Masaru Yamaki hiến tặng cùng với 52 cây quý khác cho Vườn thực vật Quốc gia Mỹ năm 1976 nhân dịp nước Mỹ kỷ niệm 200 năm ngày độc lập và từ đó đến nay, đây là cây cảnh lâu đời nhất trong khu vườn thực vật nổi tiếng nước Mỹ.

Nhưng ẩn sau cây bonsai này là một câu chuyện kì diệu mà không phải ai cũng biết, và khi biết rồi thì chắc chắn ai cũng kinh ngạc lẫn thán phục: Nó đã sống sót vượt qua vụ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima của Nhật hồi Thế chiến II.
Vụ ném bom nguyên tử với sức công phá hủy diệt đã làm chấn động nước Nhật và cả thế giới, nhưng cái cây bén rễ từ thế kỷ 17 này vẫn đứng vững và trường tồn với thời gian dù nằm ngay trong vùng ảnh hưởng của vụ ném bom.

Tháng 3/2001 khi hai người cháu trai của ông Yamaki từ Nhật đến Mỹ để thăm lại cái cây của ông mình, chính lúc này vườn thực vật mới được biết ý nghĩa của cây bonsai lâu đời mà ông Yamaki đã hiến tặng không một lời nhắn nhủ về lai lịch của nó.

Cây bonsai của ông Yamaki đã được gia đình trồng từ năm 1625, điều đó đồng nghĩa với việc từ năm 1625 cho tới năm 1976, mỗi ngày, cái cây đều được một người trong gia đình Yamaki quan tâm chăm sóc.

Vào ngày 6/8/1945, một quả bom nặng 4.400kg phát nổ tại Hiroshima vào lúc 8h15 sáng. Vườn cây nhà ông Yamaki nằm cách trung tâm vụ nổ bom hơn 3km. Nhưng thật kinh ngạc, cây bonsai đã không phụ lòng ông Yamaki, nó đã sống sót và vẫn đứng vững. Và cho đến thời điểm này, cây thông trắng của ông Yamaki đã sống lâu hơn nhiều so với vòng đời được kỳ vọng.
Đám mây phát ra từ quả bom nguyên tử hình cây nấm, tán cây bonsai của ông Yamaki cũng hình cây nấm. Mỗi khi lật lại hình ảnh về quả bom nguyên tử năm xưa rơi xuống Hiroshima, biết bao ký ức đau buồn lại trỗi dậy, còn hình ảnh về cây bonsai sống sót vượt qua biến cố đem lại niềm tin và sự thán phục.

Sức sống mãnh liệt và câu chuyện ẩn sau cây bonsai 391 năm tuổi của nghệ nhân người Nhật quả thực truyền cảm hứng. Cái cây đã âm thầm là cầu nối thể hiện ý chí quật cường, thiện chí hữu nghị, và cả một phần nào đó cốt cách đặc trưng của người Nhật.
Liên Hoa tổng hợp ( Nguồn : Đại Kỷ Nguyên )

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

Nghe và ngắm "Không Còn Mùa Thu" - Khánh Hà - VCH

"Không Còn Mùa Thu" tựa đề như một lời than chung cho những người một thời yêu đương.Thật êm ả, nhẹ nhàng tiếc nuối không gian bàng bạc của Thu, của những hò hẹn lá lao xao chạy vội đuổi theo từng gót chân, của những tối Trăng Thu e ấp thì thầm dựa bên nhau với bao ước hẹn...Tiết Thu đã gợi hứng cảm bao đắm say lãng mạn cho đời!Đã có biết bao thơ, văn, âm điệu nhạc trữ tình nổi tiếng ngợi ca!
"Không còn mùa Thu, trăng rơi bên thềm.Không còn lời ru, mơ trên môi mềm..."Lời đẹp như tranh thơ, tiết điệu mở đầu thật dịu êm, nhẹ nhàng ...Việt Anh người nhạc sĩ trẻ như đang trải nỗi lòng mình, "lời ru" cùng với "môi mềm" sao tình tứ, thật gợi hình, người nghe thẫn thờ hoài niệm....

"Anh làm mùa Thu, cho em mơ màng.Anh làm lời ru quấn qúyt bên nàng..."Đắm say như vậy nhưng đâu có biết hợp rồi sẽ tan, để sẽ có một ngày."Em đi tiếc gì Thu Vàng, tiếc gì Xuân sang..."
Âm điệu Việt Anh buồn chan chứa, có lẽ dòng nhạc khởi đi từ những tiết tấu đầu nổi tiếng "Người Đi Xa Mãi", "Dòng Sông Lơ Đãng", "Hoa Có Vàng Nơi Ấy"... cho tới "Không Còn Mùa Thu", đã có sắc thái trữ tình lãng mạn ảnh hưởng từ âm nhạc Tiền Chiến, thêm vào âm hưởng Blues Jazz Tây Phương Việt Anh thường đưa vào dòng nhạc mình, nên dễ được mọi người yêu thích.
VCH thực hiện PPS với sắc thái đầy Thu xen cùng bao dáng hình mềm mại hòa quyện, cảnh và người đẹp quyến rũ vô cùng!Ống kính thu hình chi tiết, xa đến gần, rõ từng mái tóc, kể cả từng sợi, các áo tà tung bay...Hình ảnh những thiếu nữ thẫn thờ nhìn xa xăm, như đang mơ tưởng ai trong Thu, đẹp nhất có lẽ dáng áo xanh nằm trên thảm hoa đỏ nhạt, mầu sắc tương phản đẹp vô ngần...Từng slide, VCH kén chọn kỹ lưỡng kèm theo nội dung lời hát, dẫn người coi  như cũng hòa nhập vào Thu và để bỗng dưng bất chợt hoài niệm về mùa Thu xa xăm nào đó...
Giọng hát Khánh Hà tuyệt vời, rõ từng âm, kỹ thuật vững vàng nhưng luôn làm rung động người nghe.
Xin click link, coi full screen với hình ảnh High Resolution rất rõ nét.

Cám ơn VCH, đã lâu mới lại cho phổ biến một PPS đáng giá đến bằng hữu. TNT

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

Andre Rieu - "Plaisir D'Amour"


Trịnh Công Sơn và Mạ ( mẹ )

Cho đến bây giờ, sự ra đi của mạ, sự ra đi của anh vẫn là hai nỗi đau khủng khiếp không gì bù lấp nổi cho tất cả anh chị em chúng tôi. Tất cả.
“Ngày mạ mất, anh tôi viết "Đường xa vạn dặm".Ngày mở cửa mạ, là 49 ngày theo phong tục của Việt Nam, anh tôi mang theo bản nhạc đó bên người, cầm guitar ngồi hát bên mộ mạ. Hát xong rồi đốt. "Mẹ bỏ tôi đi đường xa hoạn nạn/ Giấc ngủ chưa tròn mẹ bỏ tôi đi/… Mẹ bỏ con đi đường xa vạn dặm". Cho đến bây giờ, sự ra đi của mạ, sự ra đi của anh vẫn là hai nỗi đau khủng khiếp không gì bù lấp nổi". 
1. Mạ tôi - bà Lê Thị Quỳnh vốn là hoa khôi của trường Jeanne D'Arc (Huế). Hồi đi học, mạ được rất nhiều người để ý nhưng phải lòng ba tôi. Ngày đó, ba viết thư tình cho mạ nhiều lắm. Đến nỗi, ba mất mấy chục năm sau, thư ba viết mạ vẫn còn giữ nguyên y. Khi chúng tôi lớn lên, lâu lâu vẫn thấy mạ mang hộp thư ba viết ra phơi nắng cho đỡ ẩm mốc. Mặc dù người không còn nhưng quần áo, giày dép của ba, mấy chục năm sau đó vẫn như vừa mới đây. Mỗi tuần, mạ đều mang giày ba ra đánh xi và hong nắng. Lúc dọn bàn ăn, bao giờ, mạ cũng để ra một cái ghế trống và một phần ăn trên bàn. Và thể nào, cũng rót thêm một ly rượu chát mời ba về.Ba không may bị tai nạn rồi mất. Khi đó ông mới 39 tuổi. Mạ tôi ở tuổi 34, trở thành góa phụ một mình với 8 người con nhỏ. Anh Sơn lúc đó vừa mới 16 tuổi. Mạ tôi và anh tôi, hai con người nhỏ bé, yếu ớt nhất của cuộc đời.Thời ba vào Sài Gòn, có quen ông Đồng Khánh - chủ tiệm xe lớn nhất Chợ Lớn thời đó. Ba bắt đầu mở tiệm kinh doanh xe đạp, ở Sài Gòn đặt tên là Quỳnh Sơn (tên mạ và tên anh Sơn ghép lại), ở Huế là Thanh Tâm (tên ba và chị gái tôi ghép lại). Sau khi ba mất đi, để lại một sản nghiệp lớn. Tuy nhiên, anh Sơn và anh Hà (anh thứ 2) không may bị thương rồi đổ bệnh trong một lần tập Judo với nhau, mạ phải mời bác sỹ người Pháp chữa bệnh cho hai anh. Đồng thời, mạ cũng phải đi đi về về giữa Huế và Sài Gòn gặp ông Đồng Khánh để bàn chuyện làm ăn, tiếp tục duy trì tiệm xe. Ngoài xe đạp, cửa hàng nhập thêm xe gắn máy, ví dụ như xe Gobel, xe Velo Solex… 
Hình ảnh gia đình. Ảnh: Tư liệu.
Một mình mạ chạy xuôi chạy ngược lo cho đàn con, vừa phải lo kiếm tiền. Nhà tôi lúc đó khá giả lắm, về Huế hỏi tiệm xe Thanh Tâm hầu như ai cũng biết. Mặc dầu bận thế nhưng cuối tuần, lúc nào, mạ cũng thu xếp công việc để dắt các con đi chùa và ra thăm mộ ba. Rất đều đặn, thành thói quen. Mạ tụng kinh mỗi ngày. Ngồi bên cạnh lúc nào cũng có anh Sơn. Có lẽ từ đó, ngay từ nhỏ, mấy anh em trong nhà đã thấm đạo Phật rồi. Mạ tôi lúc nào cũng đem kinh Phật ra dạy dỗ con cái. Mạ nói sống hay rồi thì phải sống hay hơn. Sống đẹp rồi thì phải sống đẹp hơn.Anh tôi từ nhỏ tới lớn thường học trường Tây. Lúc đó, giấy tờ cũng đã xong xuôi để chuẩn bị đi Pháp học. Nhưng ba mất đột ngột nên anh đã quyết đinh ở lại để giúp mẹ, dạy dỗ các em. Anh trở thành người bạn, người đồng hành bên mạ.Mạ đội 8 người con trên đầu đi qua bao nhiêu bão tố của cuộc đời. Chúng tôi có ngày hôm nay cũng là do công mạ dạy dỗ. Mạ là tấm gương cho con cái noi theo. Mạ làm tất cả mọi việc để nuôi con và vẫn có thì giờ làm từ thiện. Mạ luôn dạy con lộc bất tận hưởng, luôn chia sẻ với người nghèo. Chúng tôi còn nhớ như in, ngày mạ mất, đại diện của 67 ngôi chùa trên toàn lãnh thổ Việt Nam đến niêm hương. Lúc đó, các anh chị em rất ngạc nhiên hỏi sao biết mạ con mất. Họ bảo rằng: từ năm 1975 tới giờ, mạ các con là người gửi gạo hằng tháng cho các chùa. 
2. Mạ là một người văn hay chữ tốt. Bà làm thơ hay và hát cũng hay nữa. Cái tiếc nhất là qua bao nhiêu biến cố của chiến tranh, từ năm 1968 đến mùa hè đỏ lửa 1972, gia đình phải di tản trong tinh thần hoảng loạn, ra đi tay không, chẳng mang theo được bất cứ thứ gì. Tất cả tài liệu, hình ảnh mất hết. Thật đáng tiếc. Mặc dù không còn giữ lại được thứ gì nhưng trong trí nhớ của các con, mạ hay đọc thơ và nói về Kim Vân Kiều Truyện, nói về Truyện Kiều. Mạ bình luận hay lắm. Chúng tôi hồi đó chưa học tới Truyện Kiều nhưng đã hiểu về Truyện Kiều rất nhiều vì ngày nào cũng được tiếp xúc qua mạ.Chúng tôi nghĩ, để có được một người như anh Sơn, không phải tự nhiên được. Anh lớn lên trong một môi trường giáo dục văn minh thời đó, hấp thụ triết lý Đông - Tây, lại nhận được tình cảm của ba mạ, lại là người chứng kiến tất cả những thăng trầm của gia đình, của đất nước nên anh Sơn ngay từ nhỏ đã là một con người khác thường. Mỗi lần anh viết xong một bài nhạc, người anh "khoe" đầu tiên là mạ. Lúc nào cũng thế, anh bảo, mạ ơi, Sơn mới làm được bài này, mạ nghe... Mạ là người rất tế nhị. Nghe xong, mạ nhẹ nhàng nói Sơn ơi, mạ nghĩ nếu chữ đó Sơn dùng thử chữ này thì Sơn nghĩ sao.Bây giờ ngẫm lại, mạ thì không có gì để nói thêm được nữa. Đó là một người đàn bà đẹp, giỏi giang và suốt cả cuộc đời hi sinh cho chồng con. Khi mạ mất, mọi người từ anh Sơn xuống tới tôi, không ai nói với nhau điều gì mà ai cũng chỉ muốn đi theo mạ. Anh Sơn cũng đổ bệnh luôn từ ngày đó. Trong 3 ngày tang lễ, 8 anh em chúng tôi từ người bình thường chỉ còn da bọc xương. Để thấy rằng, mất mát đó đã đến tận cùng. Chúng tôi nằm quanh quan tài mạ, cứ thế, cứ thế. Sau này, khi anh Sơn mất đi, cảm giác đó lại quay về lần nữa. Trong cuộc đời này, chưa bao giờ chúng tôi nghĩ sẽ mất mạ, mất anh. Đó là 2 trụ cột, 2 chỗ dựa đầy bao dung, thành kính nhất của cuộc đời này. Khi mất đi rồi, nỗi đau khủng khiếp lắm, không ngôn từ nào diễn tả hết được.Ba mạ và anh Sơn ai cũng nghiêm khắc trong việc dạy dỗ. Tôi nhớ mạ có lần kể, ngày xưa, trên bàn ăn, ba và mạ ngồi đầu bàn, hai bên là các con. Ba dạy các con ngồi ăn, cái tay phải để như thế nào, khi có người lớn ngồi cùng bàn, không được phép để 2 cái tay lên trên bàn ra sao, khi người lớn nhất đụng đũa vào đĩa nào thì các con mới bắt đầu được phép đụng đũa vào đĩa đó.Mạ dạy các con ngủ dậy phải mở mùng ra xếp thẳng bỏ vào tủ, ga giường 4 góc phải thẳng. Nếu không phải giờ ngủ thì không được phép lên giường. Lí do: Chỉ được ngủ khi đúng giờ ngủ. Nếu không phải giờ ngủ, chỉ được phép ngồi trên ghế đọc sách hay làm gì thì làm, nhưng tuyệt nhiên không được leo lên giường.  
Bà Lê Thị Quỳnh, người sinh thành cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Tư liệu gia đình.
Thứ nữa, cuối tuần là ngày nghỉ học, ngủ dậy phải tắm, các anh bận áo sơ mi, bỏ vào quần tây đàng hoàng; con gái thì phải thay bộ đầm, không được mặc pyjama. Nên nhiều lúc, có người qua chơi thấy anh Sơn ăn mặc chỉnh tề, hỏi anh đi đâu vậy. Nguyên tắc này được truyền lại đến đời con cháu chúng tôi. Mạ mất, anh Sơn trở thành "mạ" của chúng tôi. Anh dạy chúng tôi "dạ - thưa", dạy chúng tôi làm người, sống hay, sống đẹp. Bài học ngày xưa mạ dạy, bây giờ anh tôi làm thay.Anh Sơn là một người ai cũng biết là hiền lành, nhân ái, nghệ sỹ. Nhưng trong gia đình, anh rất nghiêm khắc đối với các em. Anh hay nói, sau nầy với các em, anh thấy rất là thương vì lúc ba mất, các em còn nhỏ nhưng anh lúc nào cũng sợ, sợ trách nhiệm nặng nề, sợ các em hư hỏng, nhất là em gái. Anh thấy tự có lỗi nếu để điều đó xảy ra nên anh rất nghiêm khắc kỷ luật. Anh dạy em gái ăn uống, đi đứng, nói chuyện ra sao. Anh bắt chúng tôi mỗi ngày tập đi, để sách nặng trên đầu, đi thẳng theo đường ô ca-rô. Rồi anh bảo, con gái đi hai cái chân như thế nào là rất xấu. Anh dạy con gái phải mặc áo kín. Anh Sơn ảnh hưởng mạ, ảnh hưởng ba. Dưới sự chỉ dạy của anh, chúng tôi thường có thời khóa biểu và ai cũng phải làm theo răm rắp. Cuối tuần mới được tiếp bạn 15 phút. Lúc đó khủng khiếp lắm. Nhưng giờ nhìn lại, bao nhiêu cái tế nhị, cái tốt trong cuộc sống mà chúng tôi có được ngày hôm nay là nhờ mạ, nhờ anh.
3. Đôi khi chúng tôi nghĩ, đời mình hóa ra cũng dở. Vì không làm được như lời mạ, lời anh chỉ dạy. Cũng vì mặc cảm đó in sâu vào tâm cảm của mấy anh chị em nên sự ra đi của mạ, của anh Sơn mang đến một nỗi buồn đau, một mất mát thật lớn.Mạ tôi mất khi anh Sơn ở tuổi 50. Anh tôi viết Đường xa vạn dặm nghe thắt lòng. "Mẹ bỏ tôi đi, đường xa vạn dặm/ Mẹ bỏ con đi đường xa mịt mùng". Ngày mở cửa mạ, là 49 ngày theo phong tục của Việt Nam, anh tôi mang theo bản nhạc đó bên người, cầm guitar ngồi hát bên mộ mạ. Hát xong rồi đốt. Cho đến bây giờ, sự ra đi của mạ, sự ra đi của anh vẫn là hai nỗi đau khủng khiếp không gì bù lấp nổi cho tất cả anh chị em chúng tôi. Tất cả.Sau khi mạ mất, gia đình mời thầy về tụng kinh 100 ngày. Tụng đến ngày thứ 100, có một chuyện lạ đến giờ ai cũng nhớ. Thường thì đúng 6 giờ sáng, thầy mới bắt đầu tụng kinh. Thế nhưng hôm đó, chưa đến giờ, các anh chị em trong nhà đều nghe thấy tiếng gõ mõ, tưởng là ngủ quên, quá giờ tụng kinh. Lúc chạy xuống thì không thấy ai hết, đồng hồ mới hơn 5 giờ. Lúc đó, tự nhiên nghe tiếng chuông, gõ mõ vang rất rõ ràng. Sau hỏi lại thầy, thầy giải thích trong kinh Phật có những trang đó, giờ phút đó, mạ lên trời.Chúng tôi không tường tận một cách chính xác hết được những nội dung trong kinh Phật. Chỉ hiểu nôm na rằng, những người làm điều ác thì sau khi chết sẽ bị đày xuống địa ngục, ai làm điều tốt thì lên thiên đường. Trong kinh Phật, tiếng chuông ấy như một lời chào của mạ gửi đến các con trước khi về cõi an lành.
4. Những mảnh vụn về người đàn bà đặc biệt này được ghi lại theo lời kể của hai người em gái cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn là nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu và ca sỹ Trịnh Vĩnh Trinh. Ngồi trò chuyện tại căn nhà lưu giữ quá nhiều kỷ niệm, nhìn đâu cũng thành kỷ niệm ấy, tôi hỏi, sống mà nhớ nhung quá, luyến lưu quá, cũng buồn quá chứ?"Đúng là đời sống có quá nhiều kỷ niệm thì buồn. Nhưng buồn của thời trẻ khác. Buồn của những ngày bây giờ khác. Là cái buồn của người đi qua một cuộc bể dâu. Và có những cái buồn tưởng rằng không thể vực dậy nổi thì ở tuổi này rồi, mình cũng phải tự tìm lối thoát cho mình". Hai cô em gái của nhạc sỹ nói rằng, ông trời chia đều vui buồn cho mỗi người. Chỉ khác với nhau một điều, đó là mình nhìn về cái buồn, cái vui đó ở mức độ như thế nào và lối thoát như thế nào. Ngay cả những cái mình được, mình thấy được quá nhiều thì mình sướng. Người ta thấy được nhưng chưa đủ thì lại là không hạnh phúc.Dù rằng, đó là một lần đến với nhân gian hao gầy này hay một buổi nao buồn phiền, "người đi vắng về nơi bế bồng".

Đậu Dung

Mời xem lại :
Đóa Hoa Vô Thường & vuconghienPlaylist

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2016

Điều trị thoái hóa đốt sống cổ bằng phương pháp xoa bóp

Điều trị thoái hóa đốt sống cổ bằng phương pháp xát cổ:
Lấy tay phải xát cổ trái từ trên xuống và ngược lại, mỗi bên 15 lần.


Động tác 1: Xát cổ

Điều trị thoái hóa đốt sống cổ bằng phương pháp xát gáy:

Các ngón tay của hai bàn tay đan vào nhau ôm vào sau gáy kéo qua kéo lại 10 lần.


Động tác 2: Xát gáy

Điều trị thoái hóa đốt sống cổ bằng phương pháp xát vùng giữa hai xương bả vai:

Cúi đầu về phía trước, vắt bàn tay cùng bên ra phía sau xát trên xuống dưới lên 10 đến 15 lần.


Động tác 3: Xát vùng giữa hai xương bả vai

Điều trị thoái hóa đốt sống cổ bằng phương pháp bóp các cơ vùng gáy:

Cúi đầu về phía trước, dùng bàn tay bóp cơ cổ từ trên xuống 10 đến 15 lần.


Động tác 4: Bóp các cơ vùng gáy

Điều trị thoái hóa đốt sống cổ bằng phương pháp véo gân dưới nách:

Dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ véo các gân dưới nách bên đối diện và ngược lại sao cho có cảm giác tê tức truyền xuống tận ngón tay.


Động tác 5: Véo gân dưới nách

Điều trị thoái hóa đốt sống cổ bằng phương pháp bấm huyệt:

Phương huyệt được chọn gồm một số huyệt như: huyệt Á thị, Phong trì, Kiên tỉnh, Hậu khê.
– Huyệt Á thị: Theo y học cổ truyền, huyệt Á thị còn có tên khác là Thiên ứng huyệt, vị trí của nó chính là điểm đau của bệnh. Người bệnh có thể tự tìm và xác định được vài huyệt Á thị. Lưu ý huyệt này có thể trùng với một số huyệt khác. Khi tìm huyệt cần dùng đầu ngón tay day hoặc bấm nhẹ nhàng để phát hiện điểm đau cho chính xác. Khi đã phát hiện được điểm đau thì bấm mỗi điểm 1 – 2 phút.

– Bấm huyệt Phong trì: Đặt 2 ngón tay vào 2 huyệt (ở chỗ lõm hai bên từ chỗ lõm giữa cơ ức – đòn – chũm và phần trên cơ thang) 4 ngón kia ôm lấy đầu, dùng lực bấm vào huyệt từ 1 – 2 phút sao cho có cảm giác tức nóng là được.

– Bấm huyệt Kiên tỉnh: Dùng ngón trỏ hoặc ngón giữa bấm huyệt bên đối diện từ 1 – 2 phút (huyệt ở chỗ lõm đỉnh vai, khi giơ ngang tay).

– Bấm huyệt Hậu khê: Dùng ngón tay cái bấm huyệt bên đối diện và ngược lại từ 1 đến 2 phút (huyệt ở đầu nếp ngang thứ 2 (phía sau) của khớp xương bàn tay – ngón tay út khi bàn tay hơi nắm lại).
Huyệt hậu khê
Chú ý: Để điều trị tốt thoái hóa đốt sống cổ, cần dùng đều ngón tay cái hoặc ngón tay trỏ để bấm huyệt, phải bấm vuông góc với huyệt để tạo lực mạnh, đây chính là cung phản xạ cảm giác đau ở người bệnh mà khoa học đã chứng minh.
Kết quả hình ảnh cho vị trí huyệt á thị

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

VÔ TÂM

Kết quả hình ảnh cho vô tâmChuyện kể một đệ tử từ xa lặn lội đến tìm thầy học đạo, bất kể gió mưa, băng tuyết. Vị thầy là một thiền sư từ Tây Trúc đến, tu thiền nhiều năm, ngồi nhìn vách đá. Đệ tử quỳ trước hang động suốt nhiều ngày đêm, áo quần tơi tả, đói lạnh, xanh xao… Vị thiền sư vẫn mặc. Cho đến một hôm, thấy thử thách như vậy là đã đủ, thiền sư quát hỏi:
“Ngươi đến tìm ta có việc chi?”
Đệ tử lập cập thưa: “Con chỉ muốn được tâm an”.
“Vậy ngươi đưa tâm đây Ta an cho”, thiền sư bảo.

Đệ tử bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm tâm. Có lẽ tâm ở trong thân. Có lẽ tâm ở sau con mắt. Có lẽ tâm ở mấy sợi thần kinh, ở mấy nếp nhăn trên vỏ não hay tâm ở vùng dưới đồi, hypothalamus…Không thấy đâu cả. Hay tâm ở ngoài thân. Ở nơi sắc tướng, nơi âm thanh, nơi mùi hương, nơi vị giác… cũng không thấy. Hay tâm là ý? Giác quan thứ sáu, núp sau năm giác quan tai mắt mũi lưỡi mà ai cũng biết. Cũng không thấy. Hay tâm là thức? Là cái nhận biết, biện biệt, so sánh, đánh giá nằm… sau cái ý, luôn xô đẩy con người vào chốn thị phi hơn kém, tham sân si, mạn, nghi, kiến? Cũng không phải. Hay tâm ở trong cái hủ chứa, còn gọi là tàng thức, tích cóp đủ thứ trên đời, từ ngàn kiếp rong chơi, những chủng tử, những hạt mầm. Cũng không phải.
Đệ tử nói: “Con không tìm thấy tâm đâu cả”.

Thiền sư nâng người đệ tử nhiều ngày đêm đã quỳ trên tuyết giá toàn thân gần như sắp đóng băng đứng lên, cho dựa vào người mình rồi ân cần bảo:
“Vậy là ta đã an tâm cho con rồi đó”.

Thì ra, tìm không thấy tâm đâu tức là đã làm cho tâm an. Mà thiệt. Tâm tưởng có mà không có. Không nắm bắt được. Tâm quá khứ, tâm hiện tại, tâm vị lai đều không thể tìm thấy (bất khả đắc). Tâm vô sở trụ. Không trụ vào đâu cả, không dính vào đâu cả thì biết đâu mà tìm! Tâm mà trụ thì tâm bất an ngay, bị “quái ngại”, bị “khủng bố” ngay. Tâm “vô sở đắc”, “tâm bất sinh”…

Trong suốt hành trình tìm kiếm tâm đó có lẽ đệ tử đã mệt nhoài, đôi lần suýt ngất, rơi vào trạng thái vô ngã thực sự, đã không qua khỏi mắt vị thầy…

Đừng tìm kiếm mất công. Nó sẵn đó. Nó luôn sẵn đó. Vằng vặc. Mênh mông. Thuần khiết. Thanh tịnh. Thường hằng. “Bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh…”.

Khi Thức kia thành Trí thì đã trở thành một “đại viên cảnh trí” hay “nhất thiết chủng trí”. Mạt-na thành Bình đẳng chánh trí, không phân biệt nữa và giác quan thứ sáu kia thành Diệu quan sát trí. Chân không mà diệu hữu. Diệu hữu mà chân không. Vui thay!

Cho nên Trần Nhân Tông bảo: “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”.

Tôi học được một chữ Hán. Chữ tướng, gồm một bên là chữ mộc (cây), một bên là chữ mục (mắt). Căn với trần gặp nhau thì thành cái tướng, cái hình thể, cái trình hiện, bày biện ra cho thấy. Khi thêm vào một chữ tâm thì thành chữ tưởng, sinh sự ngay, nào phân biệt, nào dính mắc, phan duyên lằng nhằng, chằng chịt, gỡ không ra!
Tiếng Việt hay thiệt: Tướng với Tưởng chỉ khác nhau chút xíu ở cái dấu sắc thành dấu hỏi đó thôi!

Đỗ Hồng Ngọc

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2016

Nghệ thuật... ngủ - Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Kết quả hình ảnh cho ngủCó người nói ngủ chiếm một phần ba cuộc đời, uổng phí quá! Đừng ngủ thì lợi hơn! Nhưng lợi đâu không thấy chỉ thấy mất ngủ vài ba đêm thì đầu óc không sảng khoái để làm việc, năng suất thấp, mất ngủ lâu dài hơn thì dẫn tới bệnh tâm thần và cuối cùng thì thay vì cuôc sống dài ra lại bị rút ngắn đi một cách đáng tiếc!

 Không biết tại sao ngày càng có nhiều người mất ngủ trên thế giới phẳng này! Thuốc ngủ là một trong những thứ thuốc bán chạy nhất hiện nay trên thế giới.
Hình như đời sống ngày càng bận rộn, ngày càng náo động, ngày càng bất an, đầy “điên đảo mộng tưởng” thì con người ngày càng mất ngủ. Và đó cũng là lý do tại sao ngày nay người ta càng cần tới… Thiền.

Phải, chỉ có thiền mới có thể “cứu rỗi” một thế giới đầy náo loạn như vậy! Thiền cũng có thể thay cho… ngủ, dù thiền không phải là ngủ, trái lại thiền là tỉnh giác. Thế nhưng, về mặt sinh học, thiền tiêu hao năng lượng rất ít, ít hơn cả giấc ngủ, nhờ đó tiết kiệm được năng lượng, không phải tiêu hao cho cái tâm náo động. Khi tâm được an, “an tịnh tâm hành” thực sự thì năng lượng tiêu hao giảm hơn một nửa. Nhưng không phải ai cũng thành công với thiền nên “một nghệ thuật ngủ” là cần thiết để giảm bớt… thuốc ngủ!

Có một “nghệ thuật… ngủ” như sau: Khi nào buồn ngủ thì đi ngủ ngay.

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên.

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên!

Đừng ráng. Ráng thì khó mà dỗ lại giấc ngủ! Chưa buồn ngủ thì kệ nó, việc gì phải ngủ! Cơ thể sẽ biết cách tự điều chỉnh, nghĩa là biết cách ngủ bù! Tiếng Việt ta thiệt hay. Không nói mắc ngủ mà nói “buồn ngủ”? Vì buồn mới dễ ngủ. Vui khó ngủ. Vui là kích thích, là hào hứng, là rộn rả.. Thở gấp, tim đập nhanh, huyết áp tăng. Buồn, mọi thứ xìu xuống. Giảm kích thích. Thở chậm, tim đập chậm và huyết áp cũng giảm.

Cho nên cách dỗ giấc ngủ tốt nhất là làm cho cơ thể rơi vào trạng thái “buồn”. Đó là cách tách “thân xác” ra khỏi “thân hơi”. Buông xả toàn bộ thân xác, như rả nó ra, xì nó xuống, làm cho nó xẹp lép, hết căng. Đặt tay chân trong tư thế tự nhiên không gò ép, miễn dễ chịu.Khi “thân xác” đã xẹp lép, lửng lơ như vậy rồi thì tập trung chú ý tới “thân hơi”, tức là hơi thở của ta. Không cần phải cố gắng điều khiển hơi thở, ráng sức điều hoà hơi thở chi cả. Bởi còn ráng, còn cố gắng thì còn căng, không gọi là buông xả đựơc! Cứ để “thân hơi” tự nhiên, nó sẽ biết lúc nào vào lúc nào ra, lúc nào nhiều lúc nào ít. Nó có cơ chế điều chỉnh tự động tùy nồng độ dưỡng khí (O2) và thán khí (CO2) tác động lên trung khu hô hấp ở hành tủy. Vậy là ta rơi vào… giấc ngủ lúc nào không hay!

Cái khó lúc mới tập là ta thường dễ bị tràn ngập bởi những ý tưởng này nọ, những tính toán, những giận hờn, những âu lo… làm ta sôi lên. Mà đã sôi lên thì có trời mới ngủ đựơc! Lúc đó nếu ta biết cách dùng thân hơi “dụ” thân xác, bằng cách tập trung theo dõi xem thân hơi đang dở trò gì, xì xọp ra sao, nhanh chậm, nhiều ít ra sao một lúc ta sẽ cắt đứt được dòng nghĩ tưởng. Thần kinh của ta trong cùng một lúc không thể nghĩ đến hai việc. Đã nghĩ việc này thì quên việc kiaKhi ta nghĩ đến thân hơi, tập trung quan sát nó, thì ta đã đánh lạc hướng những cái nghĩ tưởng khác. Đã có người khuyên nên dỗ giấc ngủ bằng cách đếm sao trên trời hoặc nghĩ đến một dòng sông tuổi thơ, một bãi biển vắng người…! Thật ra đếm sao cũng còn căng thẳng, mất công nhớ số; nghĩ đến dòng sông tuổi thơ thì nhớ chuyện tắm ở truồng… Cứ chuyện này dắt chuyện kia mãi không ngớt.

Chỉ có cách tìm một cái gì đó thật trung tính, không tạo kích thích thì đó là cách quan sát thân hơi. Thân hơi sẵn có, không phải tìm kiếm đâu xa, ngay trước mũi mình, cũng không đòi nghĩ tưởng gì cả. Bởi ta phải thở bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Thở ở trong ta mà như ở ngoài ta, chẳng cần ta, chẳng có ta. Thử hít một hơi thiệt dài, thiệt mạnh, thiệt sâu xem sao? Chỉ một lúc là đầu váng mắt hoa, phải tự động thở ra ngay, không muốn không được. Thử thở ra một hơi thiệt dài, thiệt mạnh, thiệt lâu xem sao! Chỉ một lúc là nó tự động thở vào, không muốn không đựơc! Nói cách khác, cái “thân hơi” đó nó tự ý, tự động. Do đó, ta có thể dùng thân hơi như một công cụ để … dụ thân thể quên đi tất cả những chuyện khác. Mà đã quên thì hết căng, hết căng thì xìu, xìu thì… buồn, buồn thì… ngủ vậy !

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

Chiều Trong Quán Cà Phê

image1

Chiều Trong Quán Cà Phê


Cây viết đã hết mực
Bình minh chìm trong tách cà phê
Em hãy uống sữa
Chúng tôi sẽ đi vào lúc mười hai giờ trưa
Giờ mặt trời đi xuống
Mấy giờ xe lửa chạy


Em là gái của tám phương trời
Anh là trai của vô phương mù mịt
Chỉ còn tách cà phê
Chỉ còn sự trung thành của tách cà phê
Với dòng nước đen của đời anh
Rồi vũ trụ sẽ tan tành như khói thuốc
Anh sẽ hiện về
Trong từng phím nhạc em đàn đêm lạnh
Em đã đi
Anh không đến đâu
Chỗ hẹn vắng người
Trời mưa trong đáy giếng đầu đông
Chiều nay
Tôi buồn như gió lạ
Thổi về trên mái rạ
Đêm khuya.

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

Chim Bạch hạc

Những Tấm Hình Về Hạc Hương Nhiếp Ảnh 
( Ảnh chụp Quê hương lòai Hạc hay là Vùng Xóm Hạc)  
Nhiếp ảnh gia: Ôn Vũ Lộ (WenYulu) 
Chụp ở vùng
 Trát Long (Zhalung) thuộc vùng Hắc Long Giang.







































Máy chụp :CANON EOS 300D

Góc Thư giản

Khi thấy chữ nhỏ muốn cho to ra, hãy nhấn vô Ctrl Key (bên trái phía dưới bàn gõ) đồng thời gõ vô Key dấu + (góc phải phía trên). Nếu gõ một lần chữ chưa đủ lớn, thì gõ hai lần, ba lần ...
Ngược lại, Bấm Ctrl KeyKey dấu -( kế góc phải phía dưới ), chữ sẽ nhỏ lại.