Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2023

Nhạc sĩ PHẠM DUY

 

Phạm Duy sinh tại Hà Nội năm 1921, theo học các Trường Trung Học Thăng Long, Cao Ðẳng Mỹ Thuật, Kỹ Nghệ Thực Hành, tự học nhạc và đi huấn nghệ tại Pháp trong hai năm 1954-1955, học trò của Robert Lopez và bàng thính viên tại Institut de Musicologie, Paris.

Khởi sự đời nhạc của mình là một ca sĩ trong gánh hát Ðức Huy, đi hát lưu động trong những năm 1943-1945. Rồi trở thành cán bộ văn nghệ trong cuộc Kháng Chiến chống Pháp. Vào sinh sống tại miền Nam một vài năm trước khi đất nước bị phân chia, trong suốt hơn 20 năm, Phạm Duy là người phản ảnh đầy đủ mọi khía cạnh đời sống tình cảm của người dân trong nước.

Phạm Duy chia sự nghiệp của mình ra nhiều giai đoạn :

* Khởi đi từ dân ca, ghi lại hình ảnh người dân Việt Nam trong thời đấu tranh giành độc lập rồi tới trường ca là liên khúc của nhiều bài dân ca, nói lên sự vĩ đại của dân tộc Việt.

* Sau đó là tâm ca, những bài ca thức tỉnh lương tâm, phản đối bạo lực và lòng phi nhân.

* Tới đạo ca, mang tính chất thiền ca, là những bài hát đi tìm sự thật.

* Rồi tới tục ca, những bài hát tiếu lâm nói thẳng vào cuộc đời đầy rẫy ngụy thiện.

* Tới bé canữ ca và bình ca là những khúc hoan ca.

* Chưa kể những tình khúc mà suốt 40 năm qua, nghĩa là trải qua ba thế hệ, bất cứ đôi tình nhân Việt Nam nào cũng đều hát tới và sẽ nhớ mãi.

Sau biến cố tháng Tư năm 1975, Phạm Duy và gia đình di cư qua Hoa Kỳ, cư ngụ tại Midway City, California, tiếp tục hành nghề hát rong và thường xuyên có mặt tại khắp nơi trên thế giới để hát những bài thuộc loại mới là tị nạn ca, ngục ca và hoàng cầm ca.

Từ mùa Xuân 1988, với sự hợp tác của con trai Duy Cường, Phạm Duy chuyển hướng từ nhạc đơn điệu qua nhạc đa điệu. Sau khi tung ra 10 bài rong ca với nhan đề Người Tình Già Trên Ðầu Non hay là Hát Cho Năm 2000, Phạm Duy hoàn tất Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ, bài này được khởi soạn từ 1975 và phải đợi 15 năm sau mới hoàn thành. Các trường ca Con Ðường Cái Quan và Mẹ Việt Nam cũng được phóng tác để trở thành nhạc giao hưởng.

Tới 1992 thì Phạm Duy rời lĩnh vực nhạc xã hội để tiến qua nhạc tâm linh với những nhạc phẩm Ðạo Khúc Thiền Ca, Trường Ca Hàn Mặc Tử...

1995 là lúc Phạm Duy đi vào kỹ thuật để thăng tiến nghệ thuật, tức là đi vào lãnh vực Multimedia. Ðĩa CD-Rom đầu tiên của người Việt Nam trên thế giới đã ra đời, mang tựa đề Voyage Through Motherland - Hành Trình Trên Ðất Mẹ (với trường ca Con Ðường Cái Quan là bản nhạc chính).

Từ 1997, Phạm Duy muốn được kết thúc sự nghiệp của mình vào năm 2000 và sẽ hoàn tất vào lúc đó một nhạc phẩm lớn, mang cao vọng thăng hoa được con đường dân ca mà ông đã chọn từ khi mới nhập cuộc hát rong, hát dạo. Nhạc phẩm đó là MINH HỌA TRUYỆN KIỀU, hoàn tất năm 2010.

Nhạc sĩ Phạm Duy đã hồi hương năm 2005, và tạ thế tại Sài Gòn ngày 27 tháng 1 năm 2013, trong niềm tiếc thương vô hạn của những người yêu quý dòng nhạc Phạm Duy.



Click here : Nhạc Sĩ PHẠM DUY


Nhạc sĩ PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG ( Hoài Bắc )


Phạm Đình Chương
 (1929 – 1991) là một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc tiền chiến và là một tên tuổi lớn của tân nhạc Việt Nam. Ngoài ra ông còn là một ca sĩ với nghệ danh Hoài Bắc.

Phạm Đình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. Quê nội ông ở Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, thân phụ của Phạm Đình Chương là ông Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được hai người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long.

Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh.

Ông được nhiều người chỉ dẫn nhạc lý nhưng phần lớn vẫn là tự học. Trong những năm đầu kháng chiến, Phạm Đình Chương cùng các anh em Phạm Đình Viêm, Phạm Thị Quang Thái và Phạm Thị Băng Thanh gia nhập ban văn nghệ Quân đội ở Liên Khu IV.

Phạm Đình Chương bắt đầu sáng tác vào năm 1947, khi 18 tuổi, nhưng phần nhiều những nhạc phẩm của ông thường được xếp vào dòng tiền chiến bởi mang phong cách trữ tình lãng mạn. Các nhạc phẩm đầu tiên như Ra đi khi trời vừa sángHò leo núi... có không khí hùng kháng, tươi trẻ.

Năm 1951 ông và gia đình chuyển vào miền Nam. Với nghệ danh Hoài Bắc, ông cùng các anh em Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng lập ban hợp ca Thăng Long danh tiếng. Thời kỳ này các sáng tác của ông thường mang âm hưởng của miền Bắc như nói lên tâm trạng hoài hương của mình: Khúc giao duyênThằng CuộiĐược mùaTiếng dân chài... Thời gian sau đó, ông viết nhiều bản nhạc nổi tiếng và vui tươi hơn: Xóm đêmĐợi chờLy rượu mừngĐón xuân...

Sau khi cuộc hôn nhân với ca sĩ Khánh Ngọc tan vỡ, ông bắt đầu sáng tác tình ca. Ông đem tâm trạng đau thương vào những bài nhạc tình da diết, đau nhức, buốt giá tâm can: Đêm cuối cùng,Thuở ban đầuNgười đi qua đời tôiNửa hồn thương đau.

Có thể nói Phạm Đình Chương là một trong những nhạc sĩ phổ thơ hay nhất. Nhiều bản nhạc phổ thơ của ông đã trở thành những bài hát bất hủ, có một sức sống riêng như: Đôi mắt người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Mộng dưới hoa (thơ Đinh Hùng), Nửa hồn thương đau (thơ Thanh Tâm Tuyền), Đêm nhớ trăng Sài Gòn (thơ Du Tử Lê)... Phạm Đình Chương cũng đóng góp cho tân nhạc một bản trường ca bất hủ Hội trùng dương viết về ba con sông Việt Nam: sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long.

Sau 1975 Phạm Đình Chương định cư tại California, Hoa Kỳ. Ông mất 22 tháng 8 năm 1991 tại California. Theo một số tài liệu khác thì ông mất năm 1993.

Theo wikipedia.org

Click here :  Nhạc sĩ PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG

Nhạc sĩ NGÔ THỤY MIÊN

 

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên sinh ngày 26 tháng 9 năm 1948 tại Hải Phòng, và là con thứ hai trong một gia đình 7 người con. Ông lớn lên trong môi trường sách vở và thơ văn, do gia đình ông có mở một nhà sách tên Thanh Bình ở Hải Phòng, và sau này ở trên đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) khi vào định cư ở Sài Gòn. Tại đây, ông học trường Trung học Nguyễn Trãi và sau đó là Trường Đại học Khoa học Sài Gòn.

Trong thập niên 1960, Ngô Thụy Miên có theo học vĩ cầm với Giáo sư Đỗ Thế Phiệt, và nhạc pháp với Giáo sư Hùng Lân tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Thời gian học ở đây, ông quen biết với Đoàn Thanh Vân (con gái của diễn viên Đoàn Châu Mậu), và hai người đã có một mối tình.[1]

Từ năm 1970 đến 1975, Ngô Thụy Miên làm kiểm soát viên không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất. Cũng khoảng thời gian đó, ông là Trưởng ban nhạc Luân Phiên tại Đài phát thanh Quân đội.[2]

Năm 1963, ông bắt đầu viết nhạc. Tình khúc đầu tiên mà ông sáng tác là bài "Chiều nay không có em" hoàn tất vào tháng 2 năm 1965, được giới sinh viên học sinh lúc bấy giờ hưởng ứng rất nồng nhiệt.

Vài năm sau, ông cho xuất bản một tập nhạc đầu tay lấy tựa "Tình khúc Đông Quân" (Đông Quân chính là bút hiệu đầu đời của ông trước khi đổi qua bút hiệu Ngô Thụy Miên bây giờ) in ronéo phát hành tại Sài Gòn năm 1969. Trong đó có nhiều bài đáng chú ý như: "Giáng ngọc", "Mùa thu này cho em" (sau đổi là "Mùa thu cho em"), "Gọi nắng" (sau đổi là "Giọt nắng hồng"), "Dấu vết tình yêu" (sau đổi là "Dấu tình sầu"), "Cho những mùa thu" (sau đổi là "Thu trong mắt em"), "Tình khúc tháng 6", "Mùa thu về trong mắt em" (sau đổi là "Mắt thu") và "Ngày mai em đi"... Tiếp theo, Ngô Thụy Miên có những nhạc phẩm phổ từ thơ của nhà thơ Nguyên Sa như: "Áo lụa Hà Đông", "Paris có gì lạ không em", "Tuổi 13"...

Năm 1974, Ngô Thụy Miên thực hiện băng nhạc đầu tay Tình Ca Ngô Thụy Miên gồm 17 tình khúc đã được viết trong khoảng thời gian 1965 – 1972. Với sự góp mặt của các ca sĩ và nhạc sĩ như Khánh LyDuy TrácThái ThanhLệ Thu, Thanh Lan, Duy Quang,...

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông vượt biên đến tị nạn tại đảo Pulau Bidong của Malaysia, và chính thức ra mắt một sáng tác viết từ năm 1975 là bài "Em còn nhớ mùa xuân" gởi tặng riêng cho người yêu của ông là Đoàn Thanh Vân. Sau 6 tháng ở trại tị nạn, nhạc sĩ được nước thứ ba bảo lãnh cho sang Montréal (Canada) vào tháng 4 năm 1979.

Từ San Diego (Hoa Kỳ), Đoàn Thanh Vân được tin người yêu đã đến được Canada, đã bay sang nối kết lại cuộc tình đã bị dở dang vì thời cuộc. Cùng năm 1979, cả hai qua sống tại San Diego rồi dời lên Quận Cam, California. Qua năm 1980, Ngô Thụy Miên bắt đầu đi làm về ngành điện toán cho trường UCLA, tại thành phố Olympia thuộc tiểu bang Washington.

Trong thập niên 1990, nhạc sĩ tiếp tục sáng tác với những ca khúc mới như "Cần thiết", "Em về mùa thu", "Trong nỗi nhớ muộn màng",… và nhất là Riêng một góc trời (1996). Năm 2000, nhạc phẩm "Mưa trên cuộc tình tôi" của ông được khán thính giả đón nhận một cách đặc biệt.

Tổng cộng đến nay, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã sáng tác được trên 70 ca khúc, với khoảng 20 bài từ trong nước. Theo đánh giá của nhiều người, thì Ngô Thụy Miên chính là "một nhạc sĩ tài hoa đích thực"...[3]

Trung tâm Thúy Nga từng thực hiện chương trình vinh danh và những sáng tác của ông:

Nói về việc bén duyên với các bản tình ca, nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên cho biết:[4]

"Với tôi, chiến tranh chỉ là giai đoạn. Tình yêu mới là vĩnh cửu. Từ khi bắt đầu viết nhạc, tôi đã chọn cho mình một hướng đi, đó là tình ca. Và trước tôi cũng như sau tôi đã có nhiều nhạc sĩ viết về chiến tranh, về quê hương, về thân phận… Tất cả chúng tôi đều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam, mỗi người một khuynh hướng khác nhau. Tôi chỉ xin được nhớ đến như một người viết Tình Ca không hơn không kém.

Tôi không viết nhạc để sống, mà tôi sống để viết nhạc… Nếu đời hay người đời chia sẻ được với tôi thì đó là một niềm vui".

Theo: wikipedia (BKTTTV )


Nhạc sĩ TRẦN THIỆN THANH ( Nhật Trường )


Trần Thiện Thanh (12 tháng 6 năm 1942 – 13 tháng 5 năm 2005) là một trong những nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng nhất giai đoạn trước 1975. Một số bút hiệu khác của ông là Anh Chương (tên con trai ông), Trần Thiện Thanh Toàn (em trai ông, đã tử trận), Thanh Trân Trần Thị. Ông còn là ca sĩ với nghệ danh Nhật Trường và được xem như là một trong bốn giọng nam nổi tiếng nhất của nhạc vàng ("tứ trụ nhạc vàng"), ba người còn lại là: Hùng Cường, Duy Khánh, Chế Linh.

Trần Thiện Thanh sinh năm 1942 tại Phan Thiết. Ông đến Sài Gòn năm 1958, sau khi học xong thì làm giáo viên trung học. Sau đó, ông tốt nghiệp trường Hạ sĩ quan năm 1965, phục vụ tại Cục Tâm lý chiến Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa cho đến cuối tháng tư năm 1975. Ông cũng làm việc tại Ðài Phát thanh và Truyền hình Quân Ðội, từng là Trưởng ban văn nghệ của đài và sau năm 1968 còn phụ trách thêm chương trình phóng sự chiến trường.

Đầu thập niên 1960, Nhật Trường lập ban Tứ Ca Nhật Trường gồm ông và 3 nữ ca sĩ: Như Thủy (em gái của ông), Vân Quỳnh và Diễm Chi("nữ hoàng" của phong trào du ca chuyên hát nhạc Nguyễn Đức Quang, Ngô Mạnh Thu, Miên Đức Thắng, Bùi Công Thuấn). Ngoài ra, ông còn điều hành trung tâm phát hành nhạc và thu băng tên là “Tiếng Hát Đôi Mươi”.

Trong những năm cuối thập niên 1960, Hùng Cường, Chế Linh và Nhật Trường thường mặc quân phục lên sân khấu để hát nhạc lính. Ông hoạt động rất nhiều với các đài phát thanh VTVN và đài Truyền hình Việt Nam thời đó. Trong các phim kịch với đề tài người lính, Nhật Trường hay diễn chung với Thanh Lan.
Đầu thập niên 1970, ông thực hiện một số nhạc cảnh về Đại úy Nguyễn Văn Đương trong đó ông đóng vai người lính còn Thanh Lan đóng vai người vợ hậu phương Nguyễn Thị Lệ. Đây là một tiết mục thu hút nhiều khán giả xem TV thời kì đó và loạt nhạc cảnh này đã được chuyển thành phim với tên Trên đỉnh mùa đông.
Sau 1975, ông nằm trong danh sách những nghệ sĩ bị Nhà nước CHXHCN Việt Nam cấm hoạt động. Năm 1984, Trần Thiện Thanh được phép hoạt động lại. Nhưng ông từ chối làm việc dưới chế độ mới mặc dù ông vẫn soạn nhạc.
Năm 1993, ông di cư sang Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình, ODP. Sau một thời gian sống tại Mỹ thì ông kết hôn với nữ ca sĩ Mỹ Lan.
Trần Thiện Thanh qua đời vào ngày 13 tháng 5 năm 2005 tại nhà riêng ở thành phố Westminster,Quận Cam do bệnh ung thư phổi.

Theo wikipedia.org

Click here : Nhạc Sĩ TRẦN THIỆN THANH

Góc Thư giản

Khi thấy chữ nhỏ muốn cho to ra, hãy nhấn vô Ctrl Key (bên trái phía dưới bàn gõ) đồng thời gõ vô Key dấu + (góc phải phía trên). Nếu gõ một lần chữ chưa đủ lớn, thì gõ hai lần, ba lần ...
Ngược lại, Bấm Ctrl KeyKey dấu -( kế góc phải phía dưới ), chữ sẽ nhỏ lại.