Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

Những người đàn bà qua tranh Đinh Cường


thieu_nu_trong_thanh_noi-dinh_cuong
Thiếu nữ trong thành nội
dinhcuong
Đã từ lâu tôi muốn viết về Đinh Cường, dù tôi có duyên viết về chân dung tác giả, kể cả chân dung những ông tướng thời Cộng hòa. Nhưng tự thấy không đủ sức và không đủ thân để viết về Đinh Cường, một khuôn mặt lớn trong sinh hoạt nghệ thuật của miền Nam và hải ngoại khởi đi từ Sài gòn-Huế nửa thế kỷ trước qua miền Đông Hoa kỳ miệt Virginia những năm tháng gần đây.
Đinh Cường là một con người tài hoa, tài hoa trong nét vẽ, tài hoa trong thơ văn, một tài hoa bẩm sinh, nhưng rõ nét vẫn là tài hoa trong tranh.
Chính từ tranh mà nhiều người như chúng tôi yêu Đinh Cường và mến mộ anh từ thuở thư sinh đến tuổi về chiều. Rất tiếc yêu chưa phải là hiểu, mến mộ chưa hẳn là biết nhiều về những tác phẩm của anh, mà khối lượng đồ sộ và giá trị sáng tác của nó đòi hỏi phải có sự phân tích đánh giá của những con mắt nhà nghề sở trường về phê bình lý luận nghệ thuật.

Nhân đọc lại Người họa sĩ ở đường Natick, một bài viết của Phạm Cao Hoàng, người gần gũi với Đinh Cường khi viết về thói quen sinh hoạt của người nghệ sĩ bạn anh, tôi nảy ra ý định cũng muốn biểu lộ vài suy nghĩ khiêm tốn.
dinh_cuong_trong_phong_ve
Họa sĩ Đinh Cường trong phòng vẽ ở đường Natick
(Photo by PCH 2013)
Nếu như âm nhạc có các fan thì các bộ môn nghệ thuật khác cũng có người hâm mộ, chỉ khác khi xem tranh hoặc khi đọc một bài thơ, muốn bày tỏ nỗi niềm trân trọng và yêu mến tác giả những fan như chúng tôi không có dịp…vỗ tay.
Dù không được vỗ tay nhưng thời buổi này khi internet đã vào cuộc, các độc giả có quyền biểu lộ tâm tư cảm xúc của mình qua các comments. Bài viết này không dám đi xa mà chỉ xin được coi như một lời bình về những gì cảm nhận được qua một khía cạnh khá độc đáo trong tranh của Đinh Cường gần như biểu hiện bàng bạc trong nhiều tác phẩm dù có chủ đề khác nhau, qua không gian và thời gian khác nhau nhưng vẫn thấy bóng dáng của người đàn bà ‘made by D.C.’ không bao giờ nhàm chán dù vừa được vẽ từ một cảnh thu về trong garage ngôi nhà của tác giả ở đường Natick mới đây hay ngôi thánh đường cạnh đồi cù ở Đà lạt mấy chục năm xưa trên thành phố sương mù.
mua_thu-dinh_cuong
Mùa thu
dinhcuong
Tôi nhớ có lần viết bài Nhân Đinh Cường nhớ bạn, người viết Diễm Xưa dịp 13 năm ngày giỗ của TCS tôi có gởi cho Bắc Phong kèm theo e-mail xin anh chuyển dùm cho Đinh Cường, trong đó có nhắc đến cái ý này.
“Có dịp nào liên lạc với Đinh Cường xin Anh cho tôi gởi lời chào thăm tới một nghệ sĩ mà dấu ấn của ‘người thiếu nữ huyền thoại trong tranh phảng phất trong nhiều tác phẩm cả nửa thế kỷ xem hoài không chán.”
Chủ biên Sáng Tạo đã mau mắn chuyển tiếp nguyên văn và cũng không chậm trễ khi hồi báo lại tôi lời nhắn của Đinh Cường cám ơn những dòng chữ của anh ĐXT thật an ủi và ấm lòng.
Thế mới biết trong tình nghệ sĩ sự quen thân diễn ra rất nhanh trong quan hệ tác giả và fan hâm mộ, dù một lần chưa có dịp gặp gỡ nhau.
Tôi vốn yêu Huế đã có lần bầy tỏ qua đoản văn Mười năm biết Huế, tình cờ khi xem được bức tranh minh họa trên Sáng Tạo, mang tên Theo em về Huế với hình ảnh một cô gái Huế bóng dáng thon thả, khuôn mặt kiêu sa, mái tóc buông thả, một hình tượng rất chung lại rất riêng của Đinh Cường khi phác thảo bóng dáng phụ nữ cho từng bức tranh, dù được vẽ từ bất cứ chất liệu nào, sơn dầu hay mầu nước, trên bố hay trên giấy, người xem tranh vẫn nhận ra người đẹp của ĐC, nhìn tổng thể tưởng như trùng lặp nhưng ngắm kỹ và liên hệ với chủ đề tác giả muốn gửi gấm ta sẽ thấy thích thú với cảm giác vừa tươi mát vừa bâng khuâng mỗi lần gặp lại ‘cố nhân’.
Vẫn chiếc áo dài truyền thống décolleté, vẫn mái tóc nửa thề nửa thõng, it khi cắt ngắn, vẫn đôi mắt hơi ướt đượm buồn, dù đứng, dù ngồi, dù nằm, dù tựa dù dựa vào nhau, trong quán cà phê hay ngoài công viên, bên bờ sông Hương hay trên sườn đồi Dran, giữa cảnh thu về miền Virginia hay cảnh tuyết rơi bên hồ vùng Đông Bắc, những phụ nữ trong từng tác phẩm vẫn thể hiện được những nét riêng mà tài tình ở chỗ qua ánh mắt, khóe miệng, vầng trán, ngần cổ, vòng tay, bàn tay, ngón tay, bộ ngực, vòng vai tưởng chừng như cùng khuôn đúc nhưng vẫn tráng lên những nước men lạ làm cho người đàn bà trong tranh của Đinh Cường mang dấu ấn của một phụ nữ huyền thoại có thể là chỉ sáng tạo cho riêng anh mà sau này lại là của chung cho giới hâm mộ, nhưng độc đáo ở chỗ không ai có thể bắt chước trong sáng tác và cũng không thể lập lại hoàn toàn bắng chính tác giả trong những tác phẩm sau.
Vóc dáng của người đẹp Theo em về Huế làm tôi liên tưởng đến mấy câu thơ của Phùng Quánmột nhà thơ gốc Huế,
Một vùng tóc như một vùng biển tối
Vầng mắt em thăm thẳm tia nhìn
Những ngón tay ngón chân có mùi hoa dại
Cái cổ trần như rong dưới đáy sông Hương
(Trăng hoàng cung)
Tất nhiên nói đến Huế phải gợi nhớ dòng sông Hương, cầu Trường Tiền, những con đò, những bến đợi, Đinh Cường không quên các tình tiết thơ mộng này nhưng anh cũng chỉ dành cho một không gian nhỏ mang tính biểu tượng, cái chính vẫn là mảng màu và đường nét của người đẹp cố đô, bóng dáng muôn thuở khiến bao thi nhân thời tiền chiến đến các người lính thời cộng hòa khi qua quốc lộ 1 cây số 17, đều như bị bỏ bùa rồi dò dấu chân em ‘theo em về Huế.’ Chẳng vậy mà có ai đó đã nói, nếu chọn người làm vợ xin lấy một cô gái Bắc, nếu có một người bạn để tâm tình xin chọn cô em gái miền Nam, và muốn có một người tình không gì bằng phải lòng cô gái Huế. Đọc xong cái ý này có lần đùa với bạn, tôi cho người hạnh phúc nhất trần gian khi có diễm phúc được cả ba điều ước.
theo_em_ve_hue-dinh_cuong
Theo em về Huế
dinhcuong
Cũng từ bức tranh này ngẫu hứng khi xem xong, người làm thơ ở mức trung bình như tôi cũng viết được một bài thơ mang cùng đề tựa và quả là một hạnh phúc trong thú viết lách khi bài thơ được đưa lên Sáng Tạo, một sân chơi lẽ ra chỉ dành cho những nhà thơ đã thành danh và những người yêu thơ bốn phương.
Nói đến tranh và người đẹp của Đinh Cường không thể không nói đến nơi chốn, Huế và cao nguyên Lang Biang (Dran, Đàlạt) như là những điểm tựa gợi hứng cho sáng tác mà ‘thơ mộng & lãng mạn’ vốn dĩ là hai nét đặc thù khi ĐC lấy hội họa để làm thơ thể hiện bằng ‘sắc màu & đường nét’ qua tranh của anh (theo cách nhìn của VOA).
Những người đàn bà luôn đeo đuổi chân anh, không kể hai thời kỳ vàng son trước 75 và sau khi ra hải ngoại, anh đã cầm cọ vẽ lại vào ba năm 83,84,85 của thời kỳ khó khăn khi nghệ sĩ không chịu vẽ cho mục tiêu tuyên truyền là một cái tội, thế mà tình cờ tôi tìm được trong một Gallery trên mạng, thích thú khi thấy ba người đàn bà được phác họa từ những địa danh quen thuộc khi ĐC thăm lại chốn xưa, anh vẫn giữ được phong độ trong cung cách thể hiện, tuy đường cọ có mạnh và sắc hơn nhưng vẫn thăng hoa được cái vóc dáng huyền thoại trong ba tác phẩm ít người chú ý này.
Dù tò mò cách mấy người ta vẫn không biết tên của người phụ nữ trong tranh của Đinh Cường. Chân dung thì có, giai thoại thì không. Đinh Cường muốn giữ cho riêng mình, chúng tôi xin tôn trọng người nghệ sĩ và không đi xa hơn.
Chân dung Tuyết Nhung
Chân dung Tuyết Nhung
dinhcuong
Có một tác phẩm duy nhất anh vẽ chân dung và trang trọng đặt tên ‘Chân dung Tuyết Nhung’. Tuyết Nhung là ai, thế là đủ cho những người gần gũi và ái mộ tác giả.
Đỗ Xuân Tê
Cali, Buồn tàn thu 2014
Nguồn : sangtao-thu vien van hoc nghe thuat

Gauguin: Người tạo nên huyền thoại


Gauguin - Chân Dung Tự Họa Với Bảng Màu 
1894
 
Gauguin: Maker of Myth là tên gọi cuộc triển lãm từ tháng 3 còn tiếp đến 6 tháng 6 năm 2011 tại National Gallery of Art, Washington DC ở tòa nhà phía đông, với hơn một trăm bức tranh sơn dầu, phác thảo, phù điêu gỗ, tượng gỗ… là cuộc triển lãm lớn về Gauguin trong vòng hai mươi năm nay tại Hoa Kỳ. Khách vào xem khỏi phải mua vé như ở các Viện Bảo Tàng của các tiểu bang khác. Thú vị và hạnh phúc biết bao khi bước vào phòng trưng bày như lạc vào một thế giới ngoài đảo hoang, thế giới tranh đầm ấm đầy chất suy tư của người nghệ sĩ đã đánh đổi cả cuộc đời mình cho nghệ thuật. Cha Pháp, mẹ người Pérou, thời thơ ấu ở Nam Mỹ, luôn mơ và hoài nhớ những vùng đất xa lạ… đã bỏ ngang việc làm ở ngân hàng để đuổi theo giấc mộng lớn là hội họa ở Bretagne, Martinique, Dominique, Tahiti – nhất là Tahiti – luôn cảm thấy phải xa lánh đời sống nơi chốn phồn hoa, về ẩn mình nơi hoang dã, và đã tạo ra cả một thế giới nghệ thuật đầy huyền thoại.

 
Đinh Cường – Thầy Hạnh Viên – Chơn Pháp Nguyễn Hữu Hiệu
Trước cửa đi vào phòng bày tranh Gauguin, National Gallery of Art
Đầu mùa hè năm 1886 từ Paris lên Bretagne, miền Tây-Bắc nước Pháp, nơi có những giáo đường xây lên từ thời Trung cổ và những cơn giá rét từ biển khơi lùa về, Gauguin đã đắm mình, trầm ngâm và vẽ những bức tranh sơn dầu khổ lớn đầu tiên… tiêu biểu nhất phải kể đến bức The Yellow Christ ( Thiên Chuá vàng ) vẽ năm 1889 và bức Vision after the Sermon ( Nhãn tuyến sau thời thánh kinh ) vẽ trước đó một năm, là những tác phẩm ghi dấu thành tựu lớn của Gauguin được đánh đổi bằng sự gian khó tột cùng… phải đi dán bích chương cho các hãng quảng cáo một ngày ba quan ruỡi kiếm sống để tiếp tục vẽ. Màu vàng chanh hiếm quý trên tượng Chúa hay trên vùng đồi có những tàn cây đỏ như những giọt nước mắt nóng đầy say đắm bi thảm của người nghệ sĩ giang hồ lúc ấy đã 38 tuổi.
 

 
Xưởng Vẽ Gauguin Tại Bretagne
 Trước đó một trong những bức tranh đầu lòng The Seine at Pont d’Inéa (sông Seine tại cầu Inéa) vẽ năm 1875 màu sắc còn nặng nề, u tối mang không khí của tranh Pissarro trong trường phái Ấn tượng, Pissarro cũng là người đã nâng đỡ Gauguin nhiều trong bước đầu trên con đường nghệ thuật. Trường phái ấn tượng với Renoir, Manet, Monet, Pissarro không cám dỗ Gauguin lắm dù có tham dự vài lần triển lãm chung…  Tâm hồn ông luôn chìm đắm trong tìm kiếm như muốn quay về một chốn u minh nào của thời tiền sử hay chốn cỏ nội hoa rừng mộc mạc…
 

 
Thiên Chúa Vàng 1889
 Và ông đã rời Bretagne qua ở Tahiti, một đảo nhỏ nằm đơn độc giữa biển Đại tây dương trên con đường hàng hải nối từ Úc Châu đến Nam Mỹ .
 Đêm mùng 8 tháng 6 năm 1891, sau hai tháng đi đường biển Gauguin đã nhìn thấy đốm lửa lạ kỳ trôi xiêu vẹo trên mặt biển, dước góc trời tối thâm u kia đã như rực sáng khi người họa sĩ rũ bỏ hết mọi thứ văn minh bước lên bờ.  Từ đây cả tâm hổn thể xác hòa nhập cùng gió biển và mặt trời và những thổ dân chất phác mang vẻ đẹp thánh thiện, diệu kỳ.  Có thể nói Tahiti đã giúp Gauguin trưởng thành và định hình một thế giới tranh riêng của mình đầy chất tượng trưng và sâu thẳm của trí tưởng. Ôi cái màu vàng đất, màu xanh non, màu đỏ son, màu nâu nhẹ của da thịt … tất cả như còn nguyên chất quyến rũ ta biết bao như nắng như gió, như cát biển, tất cả đều ánh lên tươi sáng dưới mặt trời – một mặt trời chỉ có ở Tahiti – chỉ có trong tranh Gauguin, nhìn tranh ông như thấy cả hương hoa và thanh âm trộn cùng màu sắc, làm nhớ câu thơ của Baudelaire, thi sĩ cùng thời với ông trong Fleurs du Mal (Hoa của Thương đau): Les parfums, les couleurs et les sons se répondent (Hương hoa, màu sắc và thanh âm cùng đáp lại). Thật vậy, hôm nay hạnh phúc được xem những tác phẩm của Gauguin, nhất là những kiệt tác vẽ ở Tahiti như: Nafea faa ipoipo? (Khi nào cô đi lấy chồng), The White Horse ( Ngựa Trắng ), Ta Matete ( Chợ đông), Merahi metua no Teha’ amana (Tổ tiên của Teha’ amana) đầy thơ mộng, huyền nhiệm lạ lùng, nhất là khi đứng trước bức “Nirvana” ( Niết bàn – 1889) như cái duyên đưa Thầy Hạnh Viên từ ngôi chùa Già Lam xa tít bên Gia Định, Việt Nam đến đây, cùng tôi và Chơn Pháp Nguyễn Hữu Hiệu – tác giả Con đường sáng tạo, Quế Sơn Võ Tánh ấn hành lần thứ nhất 1971, Hồng Hà ấn hành lần thứ hai 1973 – đi xem cuộc triển lãm tranh Gauguin hiếm có này.

  
Nhãn Tuyến Sau Thời Thánh Kinh 1888

Chúng Ta Từ Đâu Đến ?
Chúng Ta Là Ai ?
Chúng Ta Đi Đâu ?
1897
Trong cuộc đời và trong cả hội họa cũng vậy, rất có thể anh bỏ qua không cần Thượng Đế, nhưng anh, kẻ khổ đau, anh không thể bỏ qua không cần tới một điều cao viễn hơn anh, chính là đời anh: quyền năng sáng tạo.

Vincent Van Gogh, Thư cho Théo, ngày 1 tháng chín 1888

Xin mượn lời trích trên đây nơi trang đầu sách của Nguyễn Hữu Hiệu để tưởng nhớ đến Gauguin, giang hồ và sáng tạo – người tạo nên huyền thoại.

Virginia, April 16, 2011
Đinh Cường
 


Bức tranh sơn dầu ‘Khi nào em lấy chồng?’
Nafea Faa Ipoipo) vẽ năm 1892
được bán với giá gần 300 triệu đô la,
hiện là bức tranh đắt nhất thế giới.

1848- Paul Gauguin, tên đầy đủ là Eugène Henri Paul Gauguin sinh ngày 7 tháng 6 tại Paris, đường Notre-Dame-de-Lorette . Cha là Pierre Guillaume Clovis Gauguin quê ở Orléans và mẹ Aline Marie Chazal quê Lima, Pérou
1849- Ngày 8 tháng 8 cả gia đình đi Pérou, cha mất dọc đường
1855- Trở lại Pháp sống với gia đình bên nội ở Orléans, học xong trung học
1862- Mẹ muốn gởi theo học trường Hàng Hải (the Naval Academy) nhưng bỏ dở
1865- Thủy thủ trên thuyền Luzitano đi Rio de Janeiro chu du thế giới hai năm
1870- Nhập ngũ được sung vào hải quân, một năm sau giải ngũ đi làm ngân hàng Paul Bertin tại Paris
1873- Cưới vợ Mette Gad, người Đan Mạch, có 4 con trai và một con gái , Émile, Aline, Clovis, Jean René, Paul Rollon
1876- Triển lãm những tác phẩm đầu tiên
1879- Triển lãm chung với 4 hoạ sĩ nhóm Ấn tượng: Manet, Degas, Renoir và Pissarro
1886- Sống ở Pont-Aven, vùng Bretagne, năm sau đi Panama, Martinique rồi trở lại Bretagne cùng ở và vẽ với Van Gogh tại Arles, một trận cãi vã dữ dội… Hai người bạn từ nhau năm 1888
1889- Triển lãm tại Café Volpini
1891- Qua sống tại Papeete, Tahiti
1894- Sống với Annah, người mẫu Tahiti 13 tuổi
Cùng đi Anh, Pháp với Annah
1895- Trở lại Tahiti
1897- Con gái Aline mất
Vẽ bức tranh nổi tiếng Where Do We Come From? What are We? Where Are We Going? (Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta là ai? Chúng ta đi đâu?) dài 4m11, cao 1m 41 hiện lưu giữ tại Viện Bảo Tàng Mỹ thuật Boston.
xuất bản Noa Noa, tập ghi chú của Gauguin những ngày ở Tahiti.
1902- Gauguin bị bệnh nặng không còn vẽ được
1903- Mất ngày 8 tháng 5 vì bệnh tim, 55 tuổi, mộ chôn tại Nghĩa trang Công Giáo Atuona (Marquises)


Họa sĩ Tanaka Isson

Tanaka Isson -

Paul Gauguin của Nhật Bản 

Nguyễn Đình Đăng (sưu tầm và giới thiệu)

Tanaka Isson [田中一村] (22/9/1908 – 11/9/1977) sinh tại thành phố Tochigi thuộc tỉnh Tochigi ở Đông Bắc Tokyo. Bố ông là một nhà điêu khắc. Tanaka Isson có năng khiếu hội họa từ rất sớm. Năm lên 7 tuổi ông được tặng thưởng vì vẽ một bức tranh màu nước đẹp.

Năm 18 tuổi (1926) Tanaka Isson vào học tại trường Mỹ thuật Tokyo – tiền thân của Đại học Mỹ thuật Âm nhạc Quốc gia Tokyo ngày nay. Tại đây Tanaka Isson theo học hội họa truyền thống Nhật Bản. (Ở Nhật, người ta phân biệt hai dòng hội họa: Nihonga 日本画 tức hội họa truyền thống Nhật Bản, và Yōga 洋画 tức hội họa du nhập từ Tây phương). Tuy nhiên chỉ sau vài tháng ông đã phải thôi học vì bố ông qua đời, không có ai trợ cấp cho ông học tiếp.
Từ đó Tanaka Isson vừa đi làm kiếm sống vừa tự học vẽ. Từ năm 1938 ông sống tại tỉnh Chiba – phía Đông Nam Tokyo. Tuy nhiên các bức tranh của ông thường bị các triển lãm công cộng từ chối trưng bày. Không được giới mỹ thuật chính thống (và cũng rất bảo thủ) ở Tokyo chấp nhận, ông gặp khó khăn trên con đường thành danh. Tranh của ông hầu như không bán được.
Trong Đệ nhị Thế chiến, Tanaka Isson sống trong nghèo khổ và ốm đau, nhưng vẫn tiếp tục vẽ. Mãi tới năm 1947, giới mỹ thuật Nhật Bản mới biết tới tên ông sau khi tranh của ông lọt vào một cuộc triển lãm do Kawabata Riyushi (1885 – 1966) – một trong ba danh họa truyền thống Nhật Bản thời hậu chiến – tài trợ.
Năm 1958, ở tuổi 50, Tanaka Isson bỏ Tokyo tới sống ẩn dật tại Amami Oshima – một hòn đảo diện tích trên 700 km2 ở phía Tây Nam quần đảo Nhật Bản. Tanaka Isson đã phát hiện ra vẻ đẹp kỳ lạ của hòn đảo cận nhiệt đới này trong một chuyến đi tới đây vài năm trước đó. Tại đây ông thuê một căn nhà nhỏ làm nơi sinh sống và xưởng vẽ. Trong ảnh: Ngôi nhà – xưởng vẽ của Tanaka Isson tại đảo Amami Oshima.
Để kiếm sống ông vào làm việc tại một xưởng dệt trên đảo. Ông mất sau một cơn đau tim tại Amami năm 69 tuổi, trong nghèo khổ, cô đơn và vô danh.
Trong 19 năm sống tại Amami, Tanaka Isson đã vẽ những bức tranh cỡ lớn bằng màu truyền thống Nhật Bản trên lụa. Tuy không vẽ được nhiều vì điều kiện sống khó khăn, ông đã sáng tạo nên các bức tranh phong cảnh mang vẻ đẹp kỳ lạ của Amami. (Các bức trích dẫn trong bài này là vài tác phẩm trong số đó).
Năm 1984, đài truyền hình NHK đã phát một bộ phim tài liệu về Tanaka Isson và hội họa của ông. Ngay lập tức một cơn sốt Tanaka Isson lan ra toàn nước Nhật.
Tranh của Tanaka Isson rất khác biệt dòng tranh Nihonga nặng tính họa viện đương thời. Được tạo nên bằng tài năng, nghị lực và niềm say mê bất chấp cuộc sống nghèo khổ, hội họa và cuộc đời của Tanaka Isson đã khiến công chúng Nhật đặc biệt xúc động. Nhiều người coi ông là Paul Gauguin của Nhật Bản.
Năm 2001, 24 năm sau khi ông mất, một bảo tàng mỹ thuật mang tên ông đã được khánh thành tại đảo Amami Oshima, trưng bày nhiều tác phẩm của ông. Ảnh: Một phần Bảo tàng Mỹ thuật Tanaka Isson tại Amami Oshima (được thiết kế giống các vựa thóc của người Amami).




Ảnh: Một góc triển lãm “Giác quan thứ sáu” (10 – 25/5/2011) tại Bảo tàng Mỹ thuật Tanaka Isson.

Sau chuyến đi Amami nói trên, người viết bài này đã vẽ bức tranh nhan đề Amami, Amami! (xem hình bên dưới) và viết một bài cùng tên liên quan tới bức tranh này.


Nguyễn Đình Đăng, “Amami, Amami!”, 2012, sơn dầu trên linen canvas, 60.6 x 72.7 cm.

 Theo : SOI

Căn hộ gọn gàng điển hình của người Nhật

Người Nhật luôn thu xếp được tất cả các tiện nghi cơ bản trong một không gian hẹp.
Tại sao nhà tắm ở Nhật hay có một chiếc ghế nhỏ
can-ho-gon-gang-dien-hinh-cua-nguoi-nhat
Tokyo là thành phố đắt đỏ về mọi mặt, nhất là chi phí nhà cửa. Chỉ có những người giàu mới có điều kiện để sống ở các ngôi nhà riêng rộng rãi. Đa số người dân sống trong chung cư cao tầng.
can-ho-gon-gang-dien-hinh-cua-nguoi-nhat-1
Thiết kế của các tòa nhà khá đơn giản với những dãy hành lang dài. Nhiều người nước ngoài khi sang du lịch, làm việc ở đây cũng thuê trọ trong căn hộ của người địa phương để tiết kiệm chi phí.
can-ho-gon-gang-dien-hinh-cua-nguoi-nhat-2
Người Nhật không đi giày dép ở ngoài đường vào trong nhà. Bởi vậy, họ thường làm sàn nhà cao hơn một chút để phân tách với chỗ để giày dép, ô đi mưa.
can-ho-gon-gang-dien-hinh-cua-nguoi-nhat-3
Căn hộ này rất nhỏ nhưng đầy đủ không gian chức năng cơ bản. Phòng khách cũng là chỗ làm việc, bàn ăn liên thông với giường ngủ. Một chiếc bàn nhỏ được tận dụng vào nhiều mục đích khác nhau.
can-ho-gon-gang-dien-hinh-cua-nguoi-nhat-4
Khu vực sát cửa sổ được dành để kê giường ngủ.
can-ho-gon-gang-dien-hinh-cua-nguoi-nhat-5
Rèm vải truyền thống Noren phân tách khu vực này với bếp và khu vệ sinh.
can-ho-gon-gang-dien-hinh-cua-nguoi-nhat-6
Bếp được bố trí gọn gàng ngay sát cửa ra vào có đầy đủ ngăn tủ, máy hút mùi.
can-ho-gon-gang-dien-hinh-cua-nguoi-nhat-7
Bếp nấu và chậu rửa được đặt sát cạnh nhau do giới hạn về diện tích.
can-ho-gon-gang-dien-hinh-cua-nguoi-nhat-8
Lò vi sóng và tủ lạnh được đặt trong nhà.
can-ho-gon-gang-dien-hinh-cua-nguoi-nhat-9
Tủ quần áo được đặt ở gần cửa ra vào với các móc treo, ngăn đồ.
can-ho-gon-gang-dien-hinh-cua-nguoi-nhat-10
Khu vệ sinh siêu nhỏ nhưng vẫn có bồn tắm.
can-ho-gon-gang-dien-hinh-cua-nguoi-nhat-11
Người Nhật thích sử dụng cây xanh, các món đồ nhỏ xinh để trang trí nhà cửa.
can-ho-gon-gang-dien-hinh-cua-nguoi-nhat-12
Tổng thể các ngôi nhà Nhật có vẻ đơn điệu nhưng từng chi tiết lại có nét thú vị, duyên dáng riêng.
Lam Huyền






Ảnh: Vimka
Theo :http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/nha-dep/khong-gian-song/

Họa sĩ Quốc Dũng 'Nhớ' con gái Hà Nội xưa

Yếm thắm, má đào, ao sen, lu nước, gốc đa..., nhất là vẻ trầm mặc, xưa cũ của thủ đô qua vóc dáng 'thắt đáy lưng ong' của người con gái... được thể hiện trong 24 bức tranh sơn dầu mang tên 'Nhớ'. Tranh của họa sĩ Quốc Dũng, đang triển lãm tại TP HCM.
Gần 15 năm cầm cọ vẽ, Quốc Dũng mải miết sáng tác cùng một chủ đề: vẻ đẹp xưa của người con gái Việt Nam để có được triển lãm cá nhân sơn dầu Duyên xưa 1 tại Hà Nội (năm 2003),Duyên xưa 2 tại TP HCM (năm 2004). Họa sĩ tự do này cho biết, cốt cách, tinh thần của người phụ nữ Việt Nam qua hình ảnh người bà, người mẹ, người chị... luôn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ trong anh.
Quốc Dũng thực hiện bộ tranh triển lãm lần này trong vòng một năm. Anh làm việc với khoảng 50 người mẫu, phần lớn là sinh viên, học sinh, chụp ảnh chân dung của họ, sau đó chọn lọc khuôn mặt không quá sắc sảo, không quá hiện đại để thể hiện vào tranh. "Hôm nay, vô Nam triển lãm không phải 'trốn rét' mà để giới thiệu với người Sài Gòn vẻ đẹp dịu dàng của giai nhân xứ Bắc", anh đùa. 
Nguyễn Quốc Dũng, sinh năm 1959 tại Hà Nội, từng theo học Đại học Mỹ thuật công nghiệp, tốt nghiệp năm 1984. Dù rất gắn bó với hội họa, anh vẫn đến với nhiếp ảnh như một chốn để "xả stress". Ngày 8/3 năm nay, họa sĩ sẽ có một triển lãm ảnh chung với nghệ sĩ Trần Huy Hoan và Quách Đông Phương tại Hà thành.Triển lãm Nhớ diễn ra từ 16 đến 27/2 tại Gallery Tự Do, 53 Hồ Tùng Mậu, quận 1, TP HCM.Sau đây là vài tác phẩm trong bộ tranh triển lãm

Thoại Hà (vnexpress.net)

Góc Thư giản

Khi thấy chữ nhỏ muốn cho to ra, hãy nhấn vô Ctrl Key (bên trái phía dưới bàn gõ) đồng thời gõ vô Key dấu + (góc phải phía trên). Nếu gõ một lần chữ chưa đủ lớn, thì gõ hai lần, ba lần ...
Ngược lại, Bấm Ctrl KeyKey dấu -( kế góc phải phía dưới ), chữ sẽ nhỏ lại.