Thứ Năm, 12 tháng 10, 2023

Nhạc sĩ Từ Công Phụng và nhạc phẩm Bây giờ tháng mấy



Trong sinh hoạt âm nhạc ở miền Nam trước năm 1975, có 3 cặp “uyên ương” thường xuất hiện trên sân khấu. Đó là cặp Trịnh Công Sơn - Khánh Ly, cặp Lê Uyên & Phương và cặp Từ Dung - Từ Công Phụng. Hai cặp đầu rất “nổi đình nổi đám”, trái lại cặp sau thì rất... bí ẩn !
Thực ra thì với khán giả lứa tuổi trung niên, nhiều người vẫn còn nhớ đến cặp song ca Từ Dung - Từ Công Phụng bởi cái “e” nhạc của họ. Không dữ dội, nồng nàn như Lê Uyên Phương hoặc triết lý cao siêu như nhạc Trịnh, nhạc của Từ Công Phụng đầy chất trữ tình, êm ái với ca từ trau chuốt, sang trọng...
Trai tài gặp giai nhân
Từ Công Phụng sinh năm 1942 tại Văn Lâm (Phan Rang, Ninh Thuận), là người dân tộc Chăm, với những tố chất âm nhạc phát triển trong tâm hồn từ rất sớm. Cậu bé họ Từ đã từng ngây ngất khi nghe người anh cả đệm đàn guitar hát Con thuyền không bến (Đặng Thế Phong) hoặc Trương Chi (Văn Cao)... Mày mò học đàn với người anh rồi Từ Công Phụng trở thành cây văn nghệ nòng cốt của các trường trung học Duy Tân, Phan Rang, Đà Lạt, với giọng hát rất truyền cảm. Không qua một trường lớp chính quy nào, nhưng với năng khiếu bẩm sinh và tâm hồn nhạy cảm, năm học lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ) anh viết tác phẩm đầu tay Bây giờ tháng mấy lúc mới 18 tuổi (1960). Tuy nhiên do bản tính nhút nhát và không mấy tự tin vào tác phẩm đầu tay nên chỉ khi Từ Công Phụng lên sống ở Đà Lạt, hợp tác với Lê Uyên & Phương trong ban nhạc Ngàn Thông thì ca khúc Bây giờ tháng mấy mới được phát trên Đài phát thanh Đà Lạt và lập tức nổi tiếng... Từ đó, vừa tự học vừa sáng tác, Từ Công Phụng cho ra đời những ca khúc trữ tình mà sang trọng, chen lẫn chút chán chường, chua xót như: Mùa xuân trên đỉnh bình yên, Tuổi xa người, Mắt lệ cho người...
Từ Dung là con gái của nhà văn Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long) trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, là cháu ruột của hai nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) và Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân). Cô sinh năm 1945, là con út trong số 4 người con (3 gái, 1 trai) của nhà văn. Từ Dung mồ côi cha năm 3 tuổi (Hoàng Đạo lên cơn đau tim và qua đời ngày 22.7.1948 trên chuyến xe lửa từ Hồng Kông về Quảng Châu, Trung Quốc). Không biết bà Hoàng Đạo đưa các con vào Sài Gòn lúc nào nhưng người ta cũng đã ghi nhận trong đám tang nhà văn Nhất Linh vào ngày 7.7.1963, cô đội mũ tang đi trong đoàn người đưa tiễn. Năm 1965, Từ Dung tốt nghiệp tú tài toàn phần và đến năm 1969 lấy bằng cử nhân văn chương. Không chỉ học hành đến nơi đến chốn, Từ Dung còn là một giai nhân của Sài Gòn lúc bấy giờ, cô từng đoạt danh hiệu á hậu trong một cuộc thi sắc đẹp tại miền Nam với vẻ đẹp lộng lẫy và nổi bật làn da trắng...
Từ Dung rất say mê ca hát và được trời ban cho một chất giọng khá hay. Cô theo học thanh nhạc với ca sĩ Châu Hà (vợ của nhạc sĩ Văn Phụng). Chính môi trường này đã đưa đẩy Từ Dung gặp gỡ Từ Công Phụng. Ngoại hình to lớn nhưng phong thái lại rất nghệ sĩ, ăn nói nhẹ nhàng, lịch sự của Từ Công Phụng đã chinh phục trái tim người đẹp.
Đoạn cuối cuộc tình
Lần đầu họ xuất hiện bên nhau là ở quán Văn trong khuôn viên Đại học Văn khoa với ca khúc Bây giờ tháng mấy vào năm 1967. Họ thường sinh hoạt ở quán Văn cùng thời với cặp Khánh Ly - Trịnh Công Sơn. Sau khi quán Văn đóng cửa thì họ chuyển về quán Gió của Nam Lộc trên đường Võ Tánh.
Năm 1971, Từ Dung bắt đầu xuất hiện trên ti vi và có mặt trong cuộn băng Tơ Vàng 3. Cô song ca với Từ Công Phụng hai bài: Vùng trời kỷ niệm, Mùa thu mây ngàn và đơn ca ba bài: Đêm không cùng, Lời cuối và Đêm độc thoại. Riêng ca khúc Trên ngọn tình sầu được phổ từ bài thơ nổi tiếng của Du Tử Lê Khúc thêm cho Huyền Châu. Đó không phải là bài hát Từ Công Phụng sáng tác riêng cho Từ Dung nhưng đã từng được đôi uyên ương này song ca. Ca từ (lời thơ) lại như viết sẵn, như tiên tri về cuộc tình của hai người: “Hạnh phúc tôi, hạnh phúc tôi từ những ngày con nước về. Ngoài trời mưa mau, ngoài trời mưa mau. Tay vuốt mặt không cùng. Bầy sẻ cũ hom hem. Chiều mái xám rêu xanh. Trời êm cao chân nhỏ. Cũng không về trên dòng sông tội lỗi... Tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh. Môi thâm khô từ thuở định hôn người. Ngày tháng hạ khi không mà trở rét. Giọt nắng vàng lung linh màu lạnh ngắt. Sao khi không người ngoảnh mặt kiêu sa...”.
Sau năm 1975, họ hùn vốn với một gia đình khác mở quán cà phê trên đường Trần Quang Khải (quận 1, TP.HCM) lấy tên là “Café Từ Dung”. Quán có cây đàn piano trắng, lâu lâu lại có violin, tức là chơi nhạc sống. Nhạc sĩ, ca sĩ hoặc ai lên hát thì khỏi phải trả tiền cà phê và thường thì hát “nhạc chui” tức là nhạc trước 1975. Trịnh Công Sơn, Lệ Thu và nhiều nghệ sĩ khác từng lui tới quán này...
Sống với nhau có một con gái thì Từ Dung - Từ Công Phụng chia tay, một cuộc chia tay lặng lẽ, chẳng ai biết được nguyên nhân...
Năm 1980, Từ Công Phụng sang Mỹ và lập gia đình với một người phụ nữ tên là Kim Ái. Thời gian này, Từ Dung còn ở lại Việt Nam, bà mướn một căn phòng trong cư xá Ngân hàng (quận 3) và có biểu hiện trầm cảm. Bà ít khi mở miệng nói với ai một lời nào. Đêm đêm, bà thường ngồi lặng lẽ trong bóng tối trước hiên thềm như một pho tượng. Một thời gian sau, Từ Dung qua cơn trầm cảm, cũng sang định cư tại Hawaii (Mỹ) và đã lập gia đình với một người đàn ông Mỹ
Theo FB Long Đàng

Bây giờ tháng mấy - SĨ PHÚ trình bày

Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em
Lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm
Chiều nay nếu em đừng hờn dỗi
Cách nhau một lần thôi
Tâm hồn mình đâu lẻ đôi
Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em
Anh đi tìm màu hoa em cài
Chiều nay nhớ em rồi và nhớ
Áo em đẹp màu thơ
Môi tràn đầy ước mơ
Mai đây anh đưa em đi về
Mưa giăng chiều nắng tàn
Cho buốt lạnh chúng mình
Em ơi thôi đừng hờn anh nữa
Nhìn nhau buồn vời vợi
Để mùa đông buốt giá bờ vai mềm
Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em
Anh đi tìm mùa xuân trên đời
Mùa đông chết đi rồi mùa xuân
Mắt em đẹp trời sao
Cho mình thương nhớ nhau
Mai đây anh đưa em đi về
Mưa giăng chiều nắng tàn
Cho buốt lạnh chúng mình


Em ơi thôi đừng hờn anh nữa
Nhìn nhau buồn vời vợi
Để mùa đông buốt giá bờ vai mềm
Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em
Anh đi tìm mùa xuân trên đời
Mùa đông chết đi rồi mùa xuân
Mắt em đẹp trời sao
Cho mình thương nhớ nhau

Những bài hát nổi tiếng của Nhạc sĩ Từ Cong Phụng :

Giọt lệ cho ngàn sau : 

Kiếp dã tràng : 


Trên ngọn tình sầu : 

Mắt lệ cho người : 

Tình tự mùa xuân : 

Tuổi xa người : 

Click here : Nhạc Sĩ TỪ CÔNG PHỤNG


NHẠC SĨ NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (sinh 1932 - 2018), nguyên là một sĩ quan Bộ binh cao cấp của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Đại tá. Ông xuất thân từ trường Thiếu sinh quân Quốc gia Việt Nam và sau đó là trường Võ bị Địa phương do Chính phủ Quốc gia mở ra tại miền Nam Việt Nam vào cuối thập niên 40 của thế kỷ trước. Ông còn là một Nhạc sĩ nổi tiếng trước năm 1975. Một số bút danh khác của ông là Phượng Linh, Phương Hà, Vì Dân và Đông Phương Tử.
Tiểu sử và Binh nghiệp
Ông sinh ngày 15 tháng 3 năm 1932 tại quận1, Sài Gòn, miền Nam Việt Nam trong một gia đình nguyên là một điền chủ lớn có nhiều ruộng đất ở Tây Ninh. Thiếu thời, do gia đình có điều kiện, ông học tại tư gia dưới sự hướng dẫn của thầy học. Sau ông theo học bậc Trung học tại trường Huỳnh Khương Ninh, Đa Kao. Năm 1945, Chính quyền Pháp đóng cửa trường Huỳnh Khương Ninh. Năm 1946, gia đình gửi ông vào trường Thiếu sinh quân Việt Nam ở Vũng Tàu, khi ấy ông mới 14 tuổi.
Thời gian tại trường Thiếu sinh quân Vũng Tàu, ông được học nhạc với các Giảng viên âm nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Pháp sang giảng dạy. Chỉ sau một thời gian ngắn, ông trở thành một thành viên của ban Quân nhạc Thiếu sinh quân, học cách sử dụng nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Năm 16 tuổi, ông đã có những sáng tác đầu tay như "Thiếu sinh quân hành khúc", "Tạm biệt mùa hè"...Năm 19 tuổi, ông rời trường Thiếu sinh quân và được cấp Chứng chỉ tốt nghiệp tương đương với văn bằng Tú tài bán phần.
Quân đội Quốc gia Việt Nam
Cuối năm 1951, ông chính thức nhập ngũ vào Quân đội Quốc gia, mang số quân: 52/120.117. Ông được theo học khóa 4 trường Võ bị Địa phương Nam Việt Vũng Tàu, Tháng 10 năm 1952, mãn khóa tốt nghiệp Thủ khoa với cấp bậc Thiếu úy. Qua năm 1953, ông được cử đi học khóa huấn luyện "Ðại đội trưởng" tại trường Võ bị Ðà Lạt. Năm 1954, ông được gửi ra Hà Nội theo học khóa "Tiểu đoàn trưởng" tại Trung tâm Chiến thuật Hà Nội. Ra trường, ông được giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trọng pháo 553 và là Tiểu đoàn trưởng trẻ nhất của Quân đội Quốc gia khi mới 22 tuổi. Sau Hiệp định Genève 20/7/1954, di chuyển vào Nam ông được thăng cấp Trung úy, phục vụ tại Phân khu Đồng Tháp Mười với chức vụ Trưởng phòng Hành quân, dưới quyền Đại tá Nguyễn Văn Là.
Quân đội Việt Nam Cộng hòa
Đầu tháng 11 năm 1955, ông chuyển biên chế sang Quân đội Việt Nam Cộng hòa, được cử kiêm nhiệm chức vụ Trưởng phòng 3 (Tác chiến) của Phân khu Đồng Tháp Mười. Năm 1956 ông tham gia Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu do tướng Dương Văn Minh làm Tư lệnh, tướng Minh từng đến bắt tay ông tỏ lòng ngưỡng mộ. Cuối năm 1957, ông được cử đi du học khóa Chỉ huy tham mưu tại Tiểu bang Hawaii, Hoa Kỳ. Ngày Quốc khánh Đệ nhất Cộng hòa 26 tháng 10 năm 1959, ông được thăng cấp Đại úy tại nhiệm.
Sau ngày Đảo chính 1/11/1963, ông được thăng cấp Thiếu tá và được chuyển về Bộ Tổng Tham mưu phục vụ ở Khối Lãnh thổ. Ngày Quân lực 19 tháng 6 năm 1968, ông được thăng cấp Trung tá phụ trách một Phòng trong Khối Lãnh thổ. Ngày Quốc khánh Đệ nhị Cộng hòa 1 tháng 11 năm 1972, ông được thăng cấp Đại tá chuyển sang làm Chánh Văn phòng cho Tổng Tham mưu Phó. Ông đã ở chức vụ này cho đến cuối tháng 4 năm 1975.
1975
Sau ngày 30 tháng 4, ông bị bắt đi Học tập cải tạo, bắt đầu từ trại Suối Máu, một thời gian sau, ông bị đưa về giam ở trại tù Chí Hòa cho đến khi được trả tự do vào năm 1985. Kể từ đó ông đã ngừng sáng tác nhạc. Ông không xin đi xuất cảnh theo diện H.O.
Hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc
Ông đã từng nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc ở Sài Gòn trước 30 tháng 4 năm 1975. Trong thập niên 1950, ông nổi tiếng khi là Trưởng Đoàn văn nghệ Vì Dân với thành phần Ca Nhạc sĩ tên tuổi như Mạnh Phát, Minh Kỳ, Hoài Linh, Thu Hồ, Quách Đàm, Minh Diệu, Khánh Ngọc và các nghệ sĩ danh tiếng như Kim Cương, Vân Hùng, Ba Vân, Bảy Xê, Trần Văn Trạch, diễn viên điện ảnh Trang Thiên Kim... Ông đã tổ chức và điều khiển các chương trình Đại nhạc hội tại Sài Gòn và khắp các tỉnh của Việt Nam Cộng hòa.
Từ năm 1958, ông là Trưởng ban Ca nhạc Tiếng thời gian của Đài Phát thanh Sài Gòn, gồm những danh ca, nhạc sĩ danh tiếng như Lệ Thanh, Hà Thanh, Minh Diệu, Khánh Ngọc, Mạnh Phát, Thu Hồ, Quách Đàm, Anh Ngọc... Năm sau ông là Trưởng ban tổ chức Đại hội thi đua Văn nghệ toàn quốc ở cấp Quốc gia, đã quy tụ trên 40 Đoàn Văn nghệ đại diện cho cả Miền Nam cùng tranh giải suốt 15 ngày đêm tại Sài Gòn. Ông cũng từng nhận giải Âm nhạc Quốc gia, một giải thường do Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân trao tặng.
Ông còn là Giám đốc hãng băng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca, cộng tác với những nhạc sĩ tên tuổi như Lê Văn Thiện, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi, Y Vân... Hai cơ sở của ông cho ra đời nhiều chương trình tân nhạc cũng như cổ nhạc gồm các vở Tuồng và Cải lương. Chính ông là người đã tiên phong thực hiện album riêng cho từng ca sĩ mà trước đó chưa từng ai làm. Ông đã thực hiện loạt băng nhạc Sơn Ca nổi tiếng trong đó có Khánh Ly với băng nhạc Sơn Ca 7, Thái Thanh và Ban Thăng Long - Sơn Ca 10, Lệ Thu - Sơn Ca 9, Phương Dung - Sơn Ca 5 và 11, Giao Linh - Sơn Ca 6, Sơn Ca - Sơn Ca 8... và một số album riêng cho Trịnh Công Sơn.
Nhiều sáng tác của ông viết về chủ đề người lính Miền Nam thời đó. Nhạc phẩm "Phiên gác đêm xuân" được ông viết vào đêm 30 Tết năm 1956 khi gác phiên ở khu 9 Đồng Tháp Mười. "Chiều mưa biên giới" ra đời năm 1956 và nổi tiếng qua tiếng hát của Trần Văn Trạch. "Chiều mưa biên giới" và "Mấy dặm sơn khê" đã từng gây cho ông nhiều khó khăn khi bị Bộ Thông tin Việt Nam Cộng hòa ra quyết định cấm phổ biến vì lý do phản chiến vào năm 1961. "Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp" nổi tiếng qua tiếng hát của Hà Thanh nhưng thường bị nhầm với nhạc phẩm Khúc Tình Kinh Kha của Phạm Duy. Hà Thanh cũng chính là ca sĩ trình bày thành công nhất các nhạc phẩm của ông.
Ông còn có nhiều bút danh khác như Phượng Linh, Phương Hà trên một số nhạc phẩm tình cảm như "Khi đã yêu", "Thầm kín", "Niềm đau dĩ vãng", "Nhớ một chiều xuân"... Với bút danh Đông Phương Tử và Phượng Linh, ông đã viết nhạc nền và đạo diễn cho trên 50 vở tuồng, Cải lương nổi tiếng ở Miền Nam trước năm 1975 như "Nửa đời hương phấn", "Đoạn tuyệt", "Tiếng hạc trong trăng", "Mưa rừng"...
- Nguyễn Văn Đông - Thông tin tổng hợp từ nguồn Wikipedia
- Nguyễn Văn Đông - 70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam (xem phần 29)
- Nguyễn Văn Đông - Paris By Night 125
- Nguyễn Văn Đông - Nghe nhạc chọn lọc
- Nguyễn Văn Đông - 50 ca khúc chọn lọc
- Nguyễn Văn Đông - Album Mấy dậm sơn khê
- Nguyễn Văn Đông - Album Sắc hoa màu nhớ
- Nguyễn Văn Đông - Ca khúc nhạc vàng bất hủ
- Nguyễn Văn Đông - Ca khúc thu âm trước năm 1975
- Nguyễn Văn Đông - Binh nghiệp và nhạc nghiệp
- Nguyễn Văn Đông - Tác giả và tác phẩm
- Ca sĩ Thanh Tuyền tưởng niệm nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông
- Nguyễn Văn Đông - Tiếng hát Hà Thanh
- Tưởng niệm nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông - Phan Anh Dũng biên soạn
- Nguyễn Văn Đông - Bài hát có lời và hợp âm

Mấy dặm sơn khê - Nguyễn văn Đông - Hùng Cường

Sắc Hoa Màu Nhớ - Nguyễn văn Đông - DUY TRÁC

Lê Trọng Nguyễn và “Nắng chiều”


 Lê Trọng Nguyễn và “Nắng chiều”, bản tình ca của Hội An
Lê Trọng Nguyễn sinh ngày 1 tháng 5 năm 1926 tại Điện Bàn, Quảng Nam trong một gia đình khá giả. Nhà ông ngày ấy là Trường tư thục Hoàng Hồ ở Hội An. Thân phụ ông qua đời sớm, thân mẫu ông đã một tay quán xuyến gia đình nuôi hai con ăn học cho tới tuổi trưởng thành. Vì yêu âm nhạc và chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp, Lê Trọng Nguyễn đã tự học nhạc và ghi danh theo học hàm thụ Trường Âm nhạc École Universelle tại Pháp và sau đó trở thành hội viên của tổ chức S.A.C.E.M. Ông khởi sự viết nhạc từ năm 1946 với những tác phẩm đầu tay như “Đừng quên nhau”, “Trăng lại sáng, thuyền lãng tử”, “Lời Việt nữ”, “Ngày mai trời lại sáng”.
Ông từng là một thầy giáo dạy nhạc ở Trường trung học Nguyễn Duy Hiệu (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) có tâm hồn lãng mạn, khi ra đường luôn luôn có mấy tờ giấy kẻ sẵn dòng nhạc và cây bút máy trong túi áo. Khi có cảm hứng bất chợt, ông thường đứng lại hoặc ngồi xuống bên vệ đường viết nhạc. Nhạc phẩm “Chiều bên giáo đường” ra đời trong sân nhà thờ Hội An; nhạc phẩm “Bến giang đầu” ra đời ở vùng cồn dâu Gò Nổi (Điện Bàn) và nhạc phẩm “Lá rơi bên thềm” ra đời trong khuôn viên chùa Bà Mụ ở Hội An...
Sau khi lập gia đình với một thiếu nữ làm việc cho hãng hàng không Air Việt Nam, ông rời Đà Nẵng về sống ở Sài gòn. Sau năm 1975, ông mở lớp dạy nhạc tại nhà và tự chế tạo các loại đàn để mưu sinh. Ông sang Mỹ định cư vào tháng 3 năm 1983 cùng vợ và 4 người con. Ông mất ngày 9 tháng 1 năm 2004 tại bệnh viện City of Hope, Rosemead (Mỹ) vì bệnh ung thư phổi.
“Nắng chiều” (1953) là ca khúc của Lê Trọng Nguyễn không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn được biết đến nhiều ở Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông với tên “Bản tình ca Việt Nam”. “Nắng chiều” cũng là ca khúc trong bộ phim cùng tên năm 1971 của đạo diễn Lê Mộng Hoàng với sự tham gia diễn xuất của nữ nghệ sĩ Thanh Nga và nam nghệ sĩ Hùng Cường.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cho biết ca khúc “Nắng chiều" của Lê Trọng Nguyễn là bài bolero đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam”: “Bolero phát xuất từ Tây Ban Nha là điệu nhạc nhảy, du nhập sang Pháp, được các nhạc sĩ viết nhạc cổ điển sử dụng để viết các chương trong các hòa tấu khúc và nhạc kịch của mình. Đến cuối thế kỷ 19, bolero vẫn là nhạc không lời. Bolero du nhập vào các quốc gia vùng Caribê và Nam Mỹ, được dùng để viết ca khúc, trở thành nhạc có lời, được đón nhận nồng nhiệt bởi nó gần gũi với kiểu chơi nhạc lãng mạn, phóng khoáng của người Mỹ La tinh… Bolero du nhập vào Việt Nam vào những năm 1950. Trước năm 1952, nền tân nhạc non trẻ của Việt Nam đã có những ca khúc được gọi là nhạc cải cách rồi tân nhạc, trong đó có nhiều bài rất hay, rất nổi tiếng. Năm 1952, có một nhạc sĩ kiêm nhà nghiên cứu âm nhạc người Quảng Nam thẩm thấu điệu thức bolero, viết ra bài rumba – bolero đầu tiên, biến bolero trở thành hẳn một dòng nhạc tình ca. Bài rumba – bolero đầu tiên ấy nhanh chóng trở thành bài tình ca nổi tiếng trong hậu bán thế kỷ 20, tỏa sáng rực rỡ nhờ những cơ duyên tốt đẹp. Đó là nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn với ca khúc “Nắng chiều”. Lê Trọng Nguyễn viết “Nắng chiều” năm 1952 lúc ông đi chơi ở Huế. Hình tượng gợi cảm xúc trong ca khúc này là cô gái dịu dàng người gốc Quy Nhơn đang ở cùng cha mẹ tại Hội An. Không hiểu hai người quen biết, thương yêu nhau thế nào mà cả 4 ca khúc của Lê Trọng Nguyễn viết về cô gái này đều có ca từ rất say đắm, lãng mạn. Có lẽ mối tình ấy không đi đến đâu nên gợi nhiều sầu thương trong tâm hồn nhạc sĩ… (Lắng nghe giai điệu bolero, Vũ Đức Sao Biển, tr. 30, 31, 34)
Trong một cuộc phỏng vấn, Lê Trọng Nguyễn đã kể về hoàn cảnh sáng tác ca khúc này: "Tôi viết bản đó ở Huế vào năm 1953, sau khi bỏ vùng kháng chiến về thành... Tâm sự của tôi trong bài ‘Nắng chiều' nó như thế này: sau cuộc đảo chính của Nhật vào đêm 9 tháng 3 năm 1945, có một gia đình công chức Nam triều từ Qui Nhơn chạy ra tạm trú ở Hội An, mà tôi cũng ở Hội An lúc đó. Gia đình đó có một người con gái. Tôi yêu người con gái ấy”.
Duyên gặp gỡ giữa Lê Trọng Nguyễn và nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã là nguyên do khiến cho ca khúc “Nắng chiều” được phổ biến sâu rộng như lời kể của nữ ca sĩ Quỳnh Giao: “Năm 1958, Nguyễn Hiền điều hợp chương trình văn nghệ của Hội chợ Thị Nghè và mời được một đoàn ca vũ nhạc Nhật Bản từ Tokyo qua lưu diễn 2 tuần. Trong đoàn có ca sĩ Midori Satkusi muốn tìm một ca khúc của ta để trình bày. Dù chưa quen Lê Trọng Nguyễn, Nguyễn Hiền đã tìm “Nắng chiều” do Lê Trọng Nguyễn sáng tác 5 năm trước, đưa cho nàng tập và hướng dẫn cách trình bày. Từ đấy, “Nắng chiều” đã hắt ánh sáng lên vòm trời quốc tế, trở thành một trong những ca khúc Việt Nam được quen biết nhất tại Á châu…” (Màu tím hoàng hôn giữa Nguyễn Hiền và Lê Trọng Nguyễn).
NẮNG CHIỀU
Qua bến nước xưa lá hoa về chiều
Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa
Khi đến cuối thôn chân bước không hồn
Nhớ sao là nhớ bóng người ngày thơ.
Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy
Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh
Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm
Má em màu ngà tóc thề nhẹ vương.
Nay anh về qua sân nắng
Chạnh nhớ câu thề tim tái tê
Chẳng biết bây giờ
Người em gái duyên ghé về đâu.
Nay anh về nương dâu úa
Giọng hát câu hò thôi hết đưa
Hình bóng yêu kiều
Kề hoa tím biết đâu mà tìm.
Anh nhớ xót xa dưới tre la ngà
Gợn buồn nhìn anh em nói: "Mến anh!"
Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi
Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi...
Ca khúc “Nắng chiều” với giọng ca Hùng Cường & Quỳnh Giao hát bè trong phim "Nắng chiều": https://youtu.be/VxxZzIM5HqE
Ca khúc “Nắng chiều” với giọng ca Kim Anh & Doanh Doanh: https://youtu.be/jIBTyWbOnmM
Ca khúc “Nắng chiều” với giọng ca Lê Anh Dũng: https://youtu.be/DqvdUA0k4-o
Ca khúc “Nắng chiều” tiếng Nhật: https://youtu.be/LYMdBN2wkVk
Ca khúc “Nắng chiều” tiếng Hoa: https://youtu.be/HJrYYxGjv5w
Câu chuyện văn nghệ với ca sĩ Qùỳnh Giao: https://youtu.be/pGGiHr-Id6o

Nắng chiều - NS Lê Trọng Nguyễn - CS Kim Anh - Doanh Doanh


Theo : FB Huỳnh Duy Lộc

Nhạc sĩ với Một sáng tác duy nhất

 Trong sinh hoạt âm nhạc của chúng ta thập niên 40, 50 đã có một số tác giả “ôm đàn tới giữa đời” một lần, và rồi biến mất. Những nhạc sĩ chỉ với sáng tác duy nhất, rồi thôi…
Hình như nhạc sĩ của chúng ta chỉ có một sáng tác duy nhất không nhiều. Võ Đức Phấn với Cùng Một Kiếp Hoa, Từ Vũ với Gái Xuân, Lê Bình với Đường Lên Sơn Cước, Lê Trạch Lựu với Em tôi, Đường Chiều với Hồng Duyệt và có thể còn vài người nữa mà Bích Huyền không biết hết.
Không hiểu vì lý do gì mà họ chỉ viết có một ca khúc, và những ca khúc ấy lại được yêu và nhớ mãi…

 Dương Hồng Duyệt là một trong lớp thanh niên mới lớn vào Nam khi đất nước bị chia cắt. Các học sinh sinh viên thập niên 55-65, chắc chưa ai quên được chương trình phát thanh dành cho học sinh sinh viên do Dương Hồng Duyệt phụ trách trên đài phát thanh Quốc Gia. Đỗ Đình Tuân (Đỗ Tuấn), Phạm Vận, Duy Trác, Thể Tần, Hồng Hảo, Mai Hương, Bạch Tuyết, Mai Ngân, Mai Hân đếu đã hát trong chương trình này.
Dương Hồng Duyệt học Luật. Ông chơi nhạc chỉ để giải trí. Sáng tác duy nhất của ông là bài Đường Chiều làm ngạc nhiên ngay cả những bạn bè của ông. Nhưng cũng ngay từ lần đầu được nghe, người ta đã có thể dự đoán sự thành công của bài hát sau này. Đường Chiều được hầu hết các ca sĩ đương thời hát.
Nhịp điệu Blue đã buồn, nghe lại càng buồn hơn khi cả người hát lẫn tác giả bài bát đều đã khuất. Dương Hồng Duyệt đã chết trong một chuyến vượt biên đường biển tháng Tư năm 1975. Văn Quân qua đời tại hải ngoại trong một cơn bạo bệnh khi tuổi đời còn rất trẻ.
Bài thứ hai trong “sáng tác duy nhất của nhạc sĩ” trong cc/TN này là Em Tôi của Lê Trạch Lựu.
 Em Tôi xuất hiện cùng thời với Tiếng Hát Lênh Đênh của Lương Ngọc Châu và Tử Phác. Hai nhạc sĩ này có một điểm giống nhau là họ đều học nhạc và bắt đầu sáng tác ở Việt Nam, sau đó đi Pháp rồi không thấy đâu nữa.
Hình như Lê Trạch Lựu còn viết một bài nữa nhưng ít người hát và biết. Hình như nó đã bị cái bóng của Em Tôi che khuất.
Em tôi ưa đứng
Nhìn trời xanh xanh
Mang theo đôi mắt
Buồn vương giấc mơ
 Bài thứ ba trong cc/Tn hôm nay cũng là bài hát duy nhất của nhạc sĩ Lê Bình: đó là Đường Lên Sơn Cước. Bài hát có số tuổi trên ½ thế kỷ.

Rừng núi là nguồn cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ của chúng ta, như Ngọc Bích với Thiếu Nữ Trên Ngàn, Tô Hải với Nụ Cười Sơn Cước, Trăng Sơn Cước của Văn Phụng… Với Lê Bình thì ĐLSC ghi lại bước chân phiêu lãng của các chàng trai thành phố, tới một miền sơn cước nào đó, và để lại nơi ấy một mối tình.

Nếu Ngọc Bích, Tô Hải, Văn Phụng cho người nghe cảm tưởng, khi viết những ca khúc đó các tác giả chìm sâu trong cảnh thì Đường lên sơn cước của Lê Bình lại cho người nghe cảm tưởng hình như tác giả ở ngoài cảnh (ông đứng bên ngoài núi rừng) và đang trên đường nhập lại.

Vì, âm điệu của bài hát tuy vẫn toát ra cái chất hoang vu của cao nguyên, nhưng “sáng” hơn. Nhạc và ca từ của Lê Bình cho người nghe cái cảm tưởng ấy.

Đường lên núi rừng sao hãi hùng
Ôi, gió lộng, muôn lá động, cành trong bóng thê lương
Chiều nay gió ngừng bên suối rừng
Giăng nước bạc, nghe tiếng nhạc hồn vương bóng cố hương

Mây bay về đâu? Chim bay về đâu?
Xin cho tôi nhắn tới nàng đôi câu
Ra đi vì đâu? Chia ly vì đâu?
Khăn tay còn thắm lệ sầu

Tình ca không còn chỉ là những lời tỏ tình, mà cùng một lúc, người ta còn bày tỏ cả lòng yêu đời, tiếc đời, phản ứng trước những tang thương, đe dọa, người ta không làm gì được, có khi còn có thể coi như những lời minh oan vô tội trước trời đất nữa.


Bích Huyền

(Viết theo tài liệu của nhà văn Nguyễn Đình Toàn)Nguồn : V.O.A Tiếng Việt
Đường chiều - HỒNG DUYỆT - Elvis Phương trình bày
Đường lên sơn cước - LÊ BÌNH -Thanh Lan trình bày
Em tôi - LÊ TRẠCH LỰU - Quỳnh Dao trình bày


Góc Thư giản

Khi thấy chữ nhỏ muốn cho to ra, hãy nhấn vô Ctrl Key (bên trái phía dưới bàn gõ) đồng thời gõ vô Key dấu + (góc phải phía trên). Nếu gõ một lần chữ chưa đủ lớn, thì gõ hai lần, ba lần ...
Ngược lại, Bấm Ctrl KeyKey dấu -( kế góc phải phía dưới ), chữ sẽ nhỏ lại.