Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

Hơi thở là con bướm trắng tung tăng trên cỏ- Phạm Công Thiện

Mỗi lúc quên hết sáng tác và sáng tạo thì sáng tác và sáng tạo lại hiện đến. Không cần tìm cảm hứng thì lúc nào cảm hứng cũng xuất hiện, mỗi lúc quên mình và viết và vẽ và sống. Càng sáng tác thì càng xa lìa đời sống thường nhật, nhưng đó chỉ là giai đoạn đầu. Càng tiếp tục đi sâu vào chu kỳ bí ẩn của sáng tạo thì lại càng trở về khám phá lại đời sống thường nhật, càng yêu đời, tha thiết với cuộc đời tầm thường, tha thiết với cái chết tầm thường, ngay đến tất cả lo âu sợ hãi cũng trở thành thơ mộng cần thiết. Những cử chỉ nhỏ nhặt nhất của đời sống mỗi ngày biến chuyển thành ra phép lạ tuyệt vời. Thực ra, chỉ là gọi ép, chứ không có gì là sáng tác, sáng tạo hay cảm hứng. Mình không bao giờ là tác giả; mình chỉ thụ động mở lòng ra phơi phới để đón nhận những quà tặng của thần linh; thần linh có hay không có, chẳng đáng bận tâm.Thần linh là tất cả những gì xa lạ, vượt qua mình; những gì vượt qua mình và không phải thuộc về mình mới đích thực là mình. Càng cố gắng giữ lại thì càng mất; càng muốn đi tới một cái gì thì càng không tới cái gì cả. Càng chán đời thì càng yêu đời; càng yêu đời thì càng cảm tạ cuộc đời và cảm tạ nỗi chết. Mỗi lần tâm thức được chuyển hoá trọn vẹn thì tất cả nghịch cảnh khó khăn nhất đều là thuận cảnh đầy thần linh di động. Nó đang mở lòng phơi phới với gió, chim, đất, trời, chiêm bao và thực tại. Tất cả mọi sự đều có ý nghĩa, nếu mình không còn muốn gì nữa. Chỉ một ý tưởng thoáng qua cũng đủ đóng khép lại cả một thế giới, và một thế giới khác được mở ra huy hoàng với một ý tưởng sáng rực. Phải thường trực lưu ý rằng tâm thức mình trống trải và trống rỗng, vừa trống rỗng vừa sáng rực. Sự rực ngời của tâm thức là điều không thể tránh được; trong đêm tối hoang vu nhất của đời người vẫn rực sáng tâm thức bất động, tâm thức thuỷ tinh, tâm thức lưu ly. Tâm thức không là cái gì cả; đó là sức mạnh khủng khiếp của tâm thức. Tâm thức là hư vô mà không phải hư vô, hư không mà không phải hư không. Những lúc mình mất đất đứng và mất hết tất cả thì hư vô lộng hành. Sống với hư vô là điều kiện tối thiểu để chợt nhận ra rằng tất cả mọi sự đều thơ mộng và cần thiết. Chỗ đi tới của cuộc hành trình vô tận là mỗi bước chân; chuẩn bị lên đường là đã lên đường; chưa lên đường là đã lên đường. Phát bồ đề tâm là đã thực hiện bồ đề tâm. Thực sự muốn thành Phật thì tức nhiên đã thành Phật rồi; trong đời sống, rất ít ai thực sự muốn cho đúng nghĩa. Chỉ thực sự muốn cho đúng nghĩa là lúc nào tâm thức hoàn toàn trống rỗng và rực sáng; lúc ấy,đạt tới ý muốn hay không đạt được ý muốn bỗng trở thành phù phiếm, vì chính tâm thức cũng là phù phiếm, mộng, huyễn, dương diệm, ảnh, hoá... Bầy quạ đen bay vụt từ tâm thức. Tâm thức là hơi thở di động; hư vô đang thở trên trang giấy. Nó ngồi viết, không cố gắng, không mục đích, không ý nghĩa. Nó không đi tìm hạnh phúc. Nó đang ngồi thở thanh bình, thở im lặng, thở gió, thở trái đất. Hơi thở không thuộc về ai cả. Hơi thở là con bướm trắng tung tăng trên cỏ...



-----------------

CÔ “BẮC KỲ NHO NHỎ” BÂY GIỜ RA SAO?

ntn_-_oanh_1-large-content
Đôi mắt tròn, đen, như búp bê
Cô đã nhìn anh rất... Bắc Kỳ
(1973)

CÔ “BẮC KỲ NHO NHỎ” BÂY GIỜ RA SAO?

Thuyết phục mãi, chị Hoàng Thị Kim Oanh – nguyên mẫu trong bài thơ “ Cô Bắc kỳ nho nhỏ” của nhà thơ quá cố Nguyễn Tất Nhiên – mới đồng ý chia sẻ với tôi những hoài niệm tuổi học trò… Chị kể khi xưa chị hiền lành, nhưng không khờ khạo đến mức, không biết có nhiều cây si trước ngõ nhà mình. Nhưng điều đó, chỉ khiến chị mỗi lúc một ngại ngùng giao tiếp. Dần dà, chị sống khép kín tựa cô chim non trong chiếc lồng son. Ba mẹ của chị đông con, nhưng các con của ông bà rất thuận hòa, hết lòng yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Với suy nghĩ non nớt lúc bấy giờ, như vậy đã quá đủ cho cuộc sống riêng của chị.

Thật ra, chị Oanh không thuộc tuýp người lãng mạn. Ngoài tình thương yêu của ba mẹ và anh chị em trong gia đình, chị gần như không có nhu cầu tình cảm nào khác.
Hỏi chị khi xưa, có biết “Oanh là nguyên mẫu trong bài thơ của anh Hải?..”
Chị cười hiền lành: “Chị có biết, nhưng hồi đó chị sợ muốn chết luôn… ”
Biết chị thích đọc sách, anh Hải mang tặng chị nhiều quyển sách bìa cứng bọc gáy vàng rất đẹp. Anh cũng tặng chị nhiều cánh thiệp xinh xinh vào những dịp lễ, và cũng có khi anh tặng thiệp chỉ vì… thích vậy thôi! Và đặc biệt, anh Hải luôn tặng chị Oanh những bài thơ tình còn… nóng hôi hổi của anh, ngay khi thơ xuất hiện trên các trang tạp chí học trò. Tuy nhút nhát và kiệm lời, nhưng cô tiểu chủ cà phê Ca Dao luôn cư xử đúng mực với khách hàng đến quán.
Trước ngày sang Pháp, anh Hải mang đến cho chị Oanh một va-li đầy sách quí “ Em giữ sách cho anh…” Sau khi anh Hải ra đi, một phụ nữ trẻ tìm đến và đưa cho chị Oanh bức thư tay, bảo do anh Hải gửi. Nội dung thư, anh Hải nhắn chị giao va-li sách cho người cầm thư. Chị thoáng băn khoăn, vì nét chữ trong thư không giống nét chữ anh Hải thường xuyên gửi chị. Nhưng vốn cả tin, chị đã giao va-li sách của anh Hải cho người phụ nữ – mà đến tận bây giờ, chị vẫn chưa biết rõ – cô ấy là ai và từ đâu đến? Chị đã để lạc mất những quyển sách quí, như món quà từ biệt của anh Hải trước ngày anh xa xứ. Chỉ vì “cô Bắc kỳ nho nhỏ” ngày xưa ấy, nào biết chi “toan tính chuyện lọc lừa”, như anh Hải từng lên án… một người con gái Bắc khác.

 ntn_-_oanh_2-large-content

Tôi có cảm giác, thời gian quá thiên vị nguyên mẫu “ Cô Bắc kỳ nho nhỏ” trong thơ của Nguyễn Tất Nhiên. Không còn trẻ nữa – Tất nhiên rồi! – nhưng chị Oanh vẫn giữ nguyên vẻ đẹp thánh thiện thời con gái. Chị hứa một ngày đẹp trời, sẽ cho tôi xem lại những bút tích học trò của nhà thơ tài hoa bạc mệnh Nguyễn Tất Nhiên. Các con của chị, từ lâu cũng tò mò và vòi vĩnh mẹ Oanh cho xem “kho kỷ vật” từ lâu chị trân trọng giữ gìn. Chị Hoàng Thị Kim Oanh bây giờ vẫn nền nã dịu dàng, nhưng không hề “ ngầm ý khoe khoang” hay “ giả bộ ngoan hiền”, như lúc sinh thời nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên đã “trách oan”… một cô Bắc kỳ khác…
Tháng 11/2013
Diệp Hoàng Mai
Nguồn : www.ngoquyen.org

Phụ đính:
Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ


Đôi mắt tròn, đen, như búp bế
Cô đã nhìn anh rất ... Bắc Kỳ
Anh vái trời cho cô dễ dạy
Để anh đừng uổng mớ tình si

Anh vái trời cho cô thích mộng
Để anh ngồi kể chuyện nằm mơ
"Đêm qua có một chàng bươm bướm
Nguyện chết khô trên giấy học trò "

Anh chắc rằng cô sinh trong nam
Cảnh tượng di cư chắc lạ lùng ?
Khi nghe ai luyến thương Hà Nội
Chắc cô nghe bằng tim dửng dưng

Anh vái trời cho cô dửng dưng
Coi như Hà Nội - xứ hoang đường
Để anh còn dắt cô đi dạo
Còn rủ cô vào rạp cải lương

Anh vái trời cô thích cải lương
"Thích kẻ anh hùng diệt bạo tàn"
Mốt mai thê thảm quanh đời sống
Cô sẽ còn đôi chút lạc quan

Đôi mắt tròn, đen, như búp bế
Cô nhớ nhìn thiên hạ lận lường
Mà hãy nhìn anh cay lắm chuyện
Nhưng còn con trẻ chuyện yêu đương
Nguyễn Tất Nhiên (1973)



Bài hát : Cô Bắc kỳ nho nhỏ - Nhạc :Phạm Duy - Ca sĩ : Vũ Khanh - Thơ : Nguyễn Tất Nhiên

NGUYÊN SA - Màu kỷ niệm khó phai.


Hôm đó, lũ học trò chúng tôi lao xao trước lớp chờ thầy tới. Không hiểu sao, hôm đó tôi lại láu táu hỏi giật các bạn:
“Lan phệ đến chưa?”

Lan phệ là hỗn danh lũ học trò con gái vẫn gọi lén thầy Lan. Tiếng trả lời ngay phía sau làm tôi bủn rủn tay chân trong tiếng khúc khích của chúng bạn:
“Nó đây rồi!”
Người trả lời là Trần Bích Lan, ông thầy dạy triết mà vóc dáng lại chẳng có vẻ gì khô cằn khắc khổ của triết gia như lũ học trò vẫn hình dung. Ông tỉnh khô bước vào lớp.

Tuổi học trò có kỷ niệm khó quên như vậy là nhờ những ông thầy triết nhân kiêm thi sĩ. Thơ Nguyên Sa Trần Bích Lan đến với chúng tôi ở lứa tuổi đó. Giờ đây nếu chẳng còn nhớ gì về môn triết thì thơ ông vẫn khơi dậy những cảm xúc học trò. Ðây là nói về thơ Nguyên Sa thời trước, chứ sau này, cho đến khi ông gần mất, thơ ông đã vươn ra những không gian khác.

Tuổi ấu thơ của chúng tôi trùng hợp với tuổi xuân của Việt Nam Cộng Hòa, của miền Nam tự do sau Genève. Lúc đó, mọi người như đều khao khát cái mới, có lẽ một phần để đoạn tuyệt với một nửa đau thương bên kia Bến Hải. Phần nữa là do sự thôi thúc của miền Nam, vùng đất có sự khoáng đạt rất mới. Lúc đó, hình như một thế hệ nhà thơ đã xuất hiện, trong đó có người du học từ Pháp về. Nguyên Sa là một, và có lẽ nổi bật nhất, trong lớp người đó.

Nguyên Sa từ Paris về lại thổi vào Sài Gòn hương vị dịu mát của Hà Nội. Bài Áo Lụa Hà Ðông có tác dụng đến như vậy mà không lạ sao? Từ bài đó, tôi tin rằng khi nghe thơ Nguyên Sa người di cư từ miền Bắc đều nhớ về Hà Nội hoặc khí hậu tưởng như Hà Nội. Không mấy ai băn khoăn về Paris nữa dù lúc đó rất thời thượng, có một ma lực với người làm thơ ở Sài Gòn. Với Nguyên Sa, Paris có lẽ đã là tiền kiếp. Chứ Hà Nội, chứ miền Bắc và kỷ niệm ấu thời trước buổi di cư mới là hiện tại trong thơ.

Ðọc thơ Nguyên Sa - lúc đó, mới đọc thôi, chưa nghe và chưa hát - đọc thơ Nguyên Sa, lũ học trò đều thấy bồi hồi đến nóng đôi má vì ông viết thơ tình mà không hiểu sao, chúng tôi nhất quyết rằng đó là thơ tình cho học trò. Giờ này đây tôi vẫn nghĩ vậy và chỉ mong là thế hệ nào cũng có mấy cậu học trò pha mực làm thơ, khiến các cô gái đến tuổi đôi tám lại phân vân khi chọn màu áo đi học.

Thời đó, hầu như đứa nào trong chúng tôi cũng giấu trong cặp vài bài thơ, không Nguyên Sa thì Nhất Tuấn. Các nhà thơ ấy làm thơ cho lũ con gái kẹp tóc thời Sài Gòn còn thanh bình, và với tôi, kỷ niệm ấm êm đó vẫn là những gì đáng nhớ nhất. Không phải vậy sao, mỗi khi thấy mưa rào nổi bong bóng trên sân là mình lại nhớ về quê nhà, về tuổi mộng mơ còn vầy mưa ngoài ngõ, và thơ Nguyên Sa lại khua trong trí nhớ cả một trời ấu thơ đã mất.

Một điều phải nói ngay là thơ Nguyên Sa được phổ nhạc không nhiều bằng một số nhà thơ khác, nhưng bài nào đã được đưa vào nhạc là ngự trị mãi ở một vị trí rất cao.

Quỳnh Giao nghĩ rằng thơ Nguyên Sa khó phổ nhạc hơn nhiều bài khác vì tự nó đã có nét nhạc riêng, ở tiết tấu nhịp điệu riêng. Có bài đọc lên là đã như hát rồi. Mưa Tháng Sáu là một ví dụ làm tôi liên tưởng tới một bài luân vụ dìu dặt nhịp. Bài Cần Thiết cũng có giai điệu riêng, đọc lên đã thấy chất nhạc rất mới ở ý thơ. Người nhạc sĩ thật rất khó phả thêm hồn nhạc vào bài thơ đã có sẵn cái thần của nó.

Ngược lại, thơ của ông còn đòi hỏi nơi nhạc sĩ một sự hy sinh lớn, đó là dụng công làm nổi chất nhạc vốn có của bài thơ. Trước có Phạm Ðình Chương và sau có Ngô Thụy Miên là đã thành công như vậy. Nếu có yêu Màu Kỷ Niệm của Phạm Ðình Chương hay Áo Lụa Hà Ðông của Ngô Thụy Miên, chúng ta nên cám ơn sự cố gắng đầy tài hoa của hai nhạc sĩ này. Vì họ đem nhạc làm đẹp cho bài thơ, chứ không dùng bài thơ diễn tả chất nhạc của mình.

Hai điều đó khác nhau rất xa, và khi trình bày các ca khúc này, ca sĩ là người trước tiên cảm được điều đó.

Những người quen Nguyên Sa thường nói rằng ông chính là một enfant terrible mà làm gì cũng phải thành công thì thôi, chứ không phải là con người thơ, lãng mạn với thơ tình. Quỳnh Giao không dám luận bàn về mấy điều ấy và cho rằng Nguyên Sa đi tới thành công ở thơ.

Ông là người làm thơ đã thổi vào tuổi thơ của nhiều thế hệ chúng tôi những rung động đầu đời, khi thấy cây lá xôn xao nơi sân trường. Và điều đó là đáng kể nhất. Nguyên Sa không còn nữa, nhưng cầm thơ ông trên tay, đọc thơ ông ở trong trí, hát thơ ông khi nhìn ra khoảnh vườn, Quỳnh Giao thấy màu xanh của kỷ niệm vẫn nuột nà mơn mởn.

Nguyên Sa để lại một cây cầu vẫn đưa chúng tôi về quê hương và tuổi thanh xuân của mình...

Quỳnh Giao

CÂY KIM ĐAN



(ảnh internet)
Tôi vừa ra khỏi ngôi nhà thờ, sau buổi lễ cầu nguyện đưa một người thân vừa ra đi. Trên đường về, trời mưa xối xả, những hạt nước mưa trôi ngoằn ngoèo trên mặt kính xe. Hình ảnh những giọt nước mắt trên khuôn mặt ủ dột của bà chị đầu đàn vừa mất đi người chồng thân yêu lại hiện ra, người chị mạnh mẽ ngày nào,giờ đây rũ rượi như một tàu lá úa, mất hết sinh lực. Cổ tôi nghèn nghẹn, tôi hiểu hết nỗi đau mất mác lớn lao mà chị đang chịu đựng, bởi vì đó là hình ảnh tôi của hơn 15 năm về trước.
Người ta thường ví von, mất người đầu ấp tay gối, như mất đi một chiếc dép, chiếc kia phải lê lết đi nốt quãng đời còn lại. Nhưng đối với tôi, một người say mê "đan len", thì mất người thương yêu như mất một chiếc que đan, chiếc còn lại không thể đan nốt chiếc áo đời dang d của hai người.

Từ ngày còn bé, tôi đã mê đan. Sau 1975, chợ đóng cửa, nhưng tôi cũng tìm được những chiếc áo len gọi là “viện trợ” bán ở chợ trời, đem về tháo, giặt, rồi đan áo cho con. Ngày mới yêu nhau, tôi thường trói hai cánh tay anh bằng những sợi len Vĩnh Thịnh 3 sợi, được tháo ra, để chỉ dùng một sợi. Vì phải ngồi yên chờ tôi quấn len, nên anh thường đùa : "Sợ hai bàn tay anh hay sao mà cứ trói thế này !". Đan áo len đã phần nào nuôi sống gia đình tôi sau 1975 khi anh trở về và không tìm được việc làm.

Tôi ghiền đan như đàn ông nghiện thuốc lá. Nhớ lại những ngày tháng cũ, trong các buổi họp nhà trường với bao chỉ trích, kiểm điểm, lên kế hoạch, đạt chỉ tiêu... tôi thường ngồi vào góc nhỏ, im lặng và đan áo. Thầy tôi - Thầy Lê Trọng Sơn - thường mỉm cười nhẹ nhàng bảo : "Cô chọn đúng thái độ, ngậm miệng mà sống" .

Tôi yêu những búp len đủ màu sắc, sợi to, sợi nhỏ, xốp, êm êm , mềm mại trong lòng bàn tay. Con tôi thường bảo : "Má ngược đời, người ta shopping áo quần, trang sức. Còn Má cứ shopping len". Đời sống của tôi được dể chịu, nhẹ nhàng, cũng nhờ đan len. Nhớ lại năm 2013, trong chuyến về VN, tôi phải ra Huế thăm quê. Mưa dầm dề suốt mấy ngày đêm không tạnh. Buổi sáng tôi mặc áo mưa, thích đi bộ ra chợ An Cựu, để thưởng thức những tô cơm hến cay nồng, hay những chén cháo gạo đỏ với cá cơm kho khô thơm phức. Rồi tôi lội bùn vào những hàng len để mua những búp len trắng xinh xắn. Nhưng tôi không thể nào mua được cây kim đan, bởi vì không ai hiểu tôi muốn mua gì ! Một cô bé nhiệt tình dẫn tôi ra đến đầu chợ, nơi bán giường, chỉ tôi : " Đây, nm Kim Đan"; tôi cười ngặt nghẽo vì sự hiểu lầm, đành trở vào chợ, đổi giọng Huế, mới mua được cây que đan len, theo tiếng gọi của người địa phương. Trên chuyến tàu lửa trở vào Qui Nhơn, tôi bình yên ngồi đan, nhìn lên bầu trời xanh đan nhiều mây trắng,,nhìn xuống chân đèo Hải Vân sóng biển vỗ vào bờ đá trắng xóa, và biển một màu xanh biếc. Ôi ! Tôi yêu quá chừng, quê hương tôi đẹp làm sao...

Đan len giúp tôi giết thì giờ trong những lúc ngồi chờ bác sĩ, hay trong những chuyến bay dài về Việt Nam thăm Mẹ. Với những chiếc mũ, tất bé xinh xinh, đủ màu sắc. Sản phẩm tôi tạo ra đủ loại, mọi cái ghi lại một kỷ niệm trong đời tôi. Chiếc áo nầy đan khi bị mổ chân, chiếc khăn tím kia đan trên đường đi Las Vegas với các bạn trong nhóm múa. Với cái nóng thiêu đốt ban ngày rồi ban đêm, vì trục trặc máy bay, chúng tôi phải ngồi qua đêm tại phi trường, chịu đựng lạnh cóng, cả bọn dựa vào nhau cho ấm, ước ao có được chiếc mền,thế là cuộn len của tôi được xử dụng. Hoàng Thu còn tìm được một cuộn giấy, đem quấn chân cho mọi người, cả bọn trông như những xác ướp Ai Cập. Đã vậy Hoàng Thu còn nhảy múa làm cả bọn cười ngất, hành khách khác cũng vui cười lây. Cảm ơn một chuyến đi hạnh phúc. Sau này khi trí óc không còn minh mẫn, thì những gì tôi tạo ra sẽ giúp tôi gợi nhớ nhiều kỷ niệm.

Vợ chồng như hai cây que đan, cùng nhau dệt tấm áo đời, mỗi mũi đan là một ngày trôi qua. Khi bất cẩn, ta để rơi vài mũi đan lệch lạc sẽ làm chiếc áo bị tì vết. Có lúc cuộn len bị rối bời, như đời sống chung có nhiều phức tạp. Để tháo gỡ, chúng ta phải nâng niu, nhẹ nhàng, nếu mạnh tay, len sẽ đứt, có nối lại cũng không còn lành lặn. Vì vậy những bất đồng của cả hai, nếu không  bình tĩnh và khôn khéo, chúng ta sẽ làm hỏng mất, sẽ đẩy cái yêu thành ghét rất dễ dàng, vì khoảng cách giữa ghét và yêu chỉ bằng sợi tóc.

Mất một chiếc dép, chúng ta có thể khập khểnh bước thấp, bước cao, đi nốt quãng đời còn lại. Nhưng mất đi một cây kim đan, chiếc còn lại không thể hoàn thành nốt chiếc áo dang dở, nó chỉ còn biết nằm yên trong một nơi nào đó, rồi bị lãng quên. Với những cặp vợ chồng đã hoàn thành tấm áo đời êm ả, thì có lúc nên tháo áo ra, giặt len lại rồi cả hai cùng đan chiếc áo mới khác. Đó là lúc chúng ta nên tháo ra những đơn điệu tẻ nhạt của cuộc sống cũ. Hãy cùng nhau tận hưởng những chuyến du lịch với bạn bè để làm mới lại đời sống, làm mới lại chiếc áo hai người cùng đan.

Tôi không được may mắn dệt tấm áo đời trọn vẹn với người chồng yêu quí. Thời gian và cuộc sống đã đẩy tôi quay lưng với quá khứ để vùng dậy đi tiếp. Đi vào nơi mà trong thâm tâm, dù không muốn, mình phải đành chấp nhận. Tôi cảm ơn thượng đế đã cho tôi cỏ cây hoa lá để tôi tận hưởng mùi hương, cho sự hùng vĩ của đất trời để tôi cảm nhận sự nhỏ bé của con người. Đời là một sự tuần hoàn, sự sống rồi chết, như mặt trời mọc, lặn mỗi ngày. Vậy mà biết bao người không nhận thức được sự  hữu hạn của kiếp nhân sinh, để mà sống với nhau bằng cả tấm lòng chân thật.

Tuổi chúng ta đã gần đến đoạn kết, sự sống đếm từng tuần đi qua, vậy đã là hạnh phúc lắm rồi. Chúng ta sắp trở thành những cây già, cằn cỗi, sẽ phải bứng ra khỏi chậu, để thay vào đó bằng những mầm non mới. Vì vậy, chúng ta nên sống bằng cả tấm lòng tử tế, phải biết trân quí những giờ phút ngắn ngủi còn lại bên nhau, để tấm áo đời cả hai cùng đan sẽ đẹp mãi cho đến ngày ta ra đi...

Peace Nguyễn
(Giai Phẩm Quang Trung - Xuân Bính Thân 2016 / Texas, 11/11/2015)

Góc Thư giản

Khi thấy chữ nhỏ muốn cho to ra, hãy nhấn vô Ctrl Key (bên trái phía dưới bàn gõ) đồng thời gõ vô Key dấu + (góc phải phía trên). Nếu gõ một lần chữ chưa đủ lớn, thì gõ hai lần, ba lần ...
Ngược lại, Bấm Ctrl KeyKey dấu -( kế góc phải phía dưới ), chữ sẽ nhỏ lại.