Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

Cho Đi và Nhận Lại

Đôi khi bạn cảm thấy cuộc đời này thật bất công! Bạn đã cho đi quá nhiều mà không nhận lại được bao nhiêu...
Vấn đề thực ra rất đơn giản. Khi bạn cho đi là bạn đã nhận được nhiều hơn thế, đó là những niềm vui vô hình mà bạn không chạm vào được.
Bạn thắc mắc rằng tại sao khi người khác buồn thì bạn luôn ở bên cạnh họ để xoa dịu vết thương lòng cho họ, rồi đến khi họ tìm lại được niềm vui họ sẽ lại quên bạn.
Còn bạn, khi bạn buồn ai sẽ là người lắng nghe và thấu hiểu nỗi lòng của bạn đây?
Bạn ạ! Cuộc đời này là một vòng tròn. Thật ra không có sự bất công nào đối với bạn ở đây hết, có hay chăng sự nhận lại từ người khác chỉ là đến sớm hay muộn với bạn mà thôi và cái quan trọng là bạn có mở rộng lòng mình để nhận nó hay không!
Tất cả chúng ta sinh ra và tồn tại trên đời này đều mắc nợ nhau. Cho đi, nhận lại là hình thức luân phiên để trả nợ lẫn nhau.
Khi bạn cho đi những điều tốt đẹp thì bạn sẽ nhận được sự bình yên trong tâm hồn. Bạn phải hiểu rằng cho đi không có nghĩa là có sự toan tính ở đây.
Bạn càng tính tóan thì bạn lại càng cảm thấy bị dồn nén, bạn cho đi mà tâm bạn không tịnh. Khi ấy bạn vừa phải cho mà vừa không được nhận niềm vui vô hình từ chính bản thân cái cho đi của bạn.
Tất cả mọi thứ chúng ta làm cho nhau đều có sự vay trả. Đôi khi là sự vay trả hữu hình và đôi khi cũng là một sự vay trả vô hình.
Mỗi người chúng ta quen biết nhau, yêu nhau, ghét nhau, căm thù nhau... âu cũng là cái duyên. Có duyên mới biết, mới quen, mới yêu, mới ghét!
Cái duyên ban đầu là do trời định nhưng để gắn bó lâu dài, muốn biến cái duyên ấy thành tình yêu thương thì là do chúng ta quyết định, nhờ vào cái cho đi của mỗi người.
Nhưng bạn nên nhớ, trong tình yêu không có sự trông mong được nhận lại, bởi tình yêu luôn luôn là một thứ điều luật không công bằng của trái tim, không có định nghĩa cũng chẳng có lý lẽ.
Có hay chăng một la` bạn nhận được hạnh phúc. Không thì bạn nhận được sự chán chường, đau khổ!
Tất cả đều trong một vòng tròn luẩn quẩn.
Nhưng dù biết đôi khi cuộc sống không được như ý muốn của ta, bạn hãy cứ cho đi. Cho đi là bạn đã tự yêu thương lấy chính bản thân mình. Bạn đã hòa vào dòng chảy của cuộc sống, của đời người.
Đời người như dòng sông, như cuộc sống hoà tan với thời gian, luôn trôi đi nhưng không ngừng đổi mới, mãi biến chuyển nhưng muôn đời vẫn thế.
Tất cả dòng sông rồi sẽ đi về biển, từ biển bao la sẽ rót vào những dòng sông mênh mông tràn đầy, mạch luân lưu không ngơi nghỉ ấy là cuộc sống.
Sẽ không bao giờ có cái chết vì nơi tận cùng cũng là khởi thủy cho những mầm sống mới ...

Đôi dòng về vẽ Chân dung

Vẽ chân dung là một hướng đi của hội họa đã phát triển từ lâu. Thời trung cổ hướng đi này lấn át các hướng đi khác có lẽ do được bao bọc bởi những danh gia vọng tộc. Họa sĩ vẽ chân dung cho những người trong gia đình giầu có và nhận tiền thù lao khá.

Những bức chân dung là thành phần trong gia phả ghi lại nhân dáng, khóe mắt, nụ cười, hoặc bán thân hay trong lễ phục của cha mẹ, ông bà  để con cháu có những ý niệm cụ thể về tổ tiên của mình. Chân dung còn là những kỷ vật. Khác với văn thơ có thể ghi lại theo lời kể bất cứ lúc nào sau khi nhân vật đã khuất, nhưng hội họa không thể tưởng tượng ra để vẽ lại một  người đã khuất một cách sinh động được.



Bên cạnh đây là bức họa "Napoléon Vượt Rặng Núi Alps". Đó là tên đặt cho 5 phiên bản vẽ trên vải bố bằng sơn dầu chân dung Napoléon Bonaparte do họa sĩ Jacques-Louis David người Pháp vẽ trong khoảng từ năm 1801 đến 1805. Bức tranh vẽ cảnh lý tưởng cuộc viễn chinh có thực của Napoléon và đạo quân của ông vượt đèo St Bernard trên rặng Alps năm 1800 để tiến vào Tây Ban Nha.



Bức tranh tiên khởi vẫn còn ở Madrid cho đến năm 1812 sau đó thì Joseph Bonaparte (Anh của Napoléon Bonaparte) mang theo khi ông ta bị truất phế khỏi ngôi vua Tây Ban Nha và đi đầy bên Mỹ. Bức tranh truyền cho hậu duệ và người cháu gái ba đời tên Eugenie Bonaparte viết di chúc tặng bức tranh cho bảo tàng viện Château de Malmaison năm 1949.



Như vậy tuy khởi đầu vẽ do ý định của gia đình, nhưng về sau nhiều bức chân dung, nhất là vẽ những nhận vật quan trọng đã trở thành kỷ vật và tài sản của các cơ sở văn hóa quốc gia.




Bên trái là bức Benjamin Franklin (1785) do Họa sĩ  Joseph Duplessis, đã được Cafritz Foundation tặng cho  Phòng Trưng Bày Chân Dung Quốc Gia Hoa Kỳ (NPG) năm 1987. Benjamin Franklin là một nhà lý thuyết chính trị, một chính khách, một khoa học gia góp nhiều phát minh, một người chống chế độ độc đoán cả về chính trị lẫn tôn giáo... Lịch sử Mỹ coi ông như một trong những người cha đẻ Hiệp chúng quốc Mỹ Châu.



Cho dù về sau xuất hiện bộ môn nhiếp ảnh nhưng vẫn không làm hội họa chân dung bị lép vế, đơn giản là vì nhiếp ảnh không thay thế được hội họa trong hướng đi này nhờ hội họa có mức độ sáng tạo rộng và tự do hơn, dùng chất liệu bền đặc biệt là sơn dầu.



Cũng may là nhờ tính phổ thông nên giá cả dễ chịu mà cũng rất nghệ thuật, nhiếp ảnh giúp những gia đình nghèo và trung lưu ngày nay dùng hình chụp lưu lại những kỷ niệm của tiên tổ, nhanh chóng và vừa túi tiền. Nhưng những danh gia vọng tộc và những người khó tính hơn vẫn dùng tranh sơn dầu để ghi lại hình ảnh những người thân. Nhiều nhà có phòng riêng trưng bày tranh ảnh tổ tiên giống như một bảo tàng viện nho nhỏ.




Bên phải là bức chân dung tương đối mới vẽ tổng thống George Bush do họa sĩ John Howard Sanden vẽ. Họa sĩ Sanden ở vào nhóm thiểu số những họa sĩ thành danh và thành công ngay khi còn sống. Bức chân dung bên cạnh đã được trau chuốt, không phải để đẹp hơn mà là để phù hợp với thị hiếu chung, nên ít tiêu biểu cho lối vẽ ấn tượng của ông. Đa phần những bức chân dung ông vẽ thường dừng lại với những nét mạnh bạo nhưng rất phóng khoáng và có một nét đẹp riêng, nhất là hậu cảnh hay những chi tiết phụ. Vả lại những bức chân dung dẫn giải ở đây quá nhỏ nên khó nhận ra những nét cọ mạnh bạo của người vẽ.


Mỗi người có một lối vẽ riêng, một cung cách diễn tả không giống hay đôi khi đối chọi nhau. Chúng ta lấy trường hợp của John Sanden và Daniel Greené để so chiếu hai lối vẽ này.


Tuy dùng lối vẽ khác nhau nhưng cả hai đều đạt đến mức thượng thừa tạo ra  những bức chân dung sống động và tuyệt vời.


John H. Sanden tự nhận vẽ theo lối  ấn tượng hiểu là những nét cọ ít hòa với nhau mà đứng bên cạnh nhau tựa như trong hình mosaic. Lối vẽ của Sanden đòi hỏi nét vẽ phải chính xác, mạnh và sẽ ở đấy cho đến khi bức tranh hoàn tất. Thế nên lượng sơn trên cọ, độ nóng hay lạnh của mầu (hue), sắc độ của mầu (value) cường độ của mầu (intensity) và vị trí đặt cọ tất cả đều phải chính xác. Trong quyển Portraits from Life in 29 steps, ông đề ra 9 nguyên tắc tạo thành lối vẽ ông gọi là Premier coup technique. Một trong 9 nguyên tắc này, là "Nét cọ nào cũng được tính đến", hiểu là mọi nét cọ đều quan trọng. Để hình dung điểm này ông nói "Cọ của họa sĩ bay lượn trên canvas".


Lối vẽ của Sanden chậm mà chắc, ít sửa chữa hoặc sửa đổi nên hóa ra lại nhanh. Bên cạnh là bức chân dung ông đưa ra làm ví dụ mô tả lối vẽ của mình, tôi  chụp lại từ quyển sách đã dẫn, vì thấy nó có những nét đặc trưng nhất. 
Phòng vẽ của John H. Sanden ngăn nắp sạch sẽ. Khi vẽ ông mặc áo khoác để bảo vệ bộ đồ chững chạc mặc bên trong. Điều này cho thấy phần nào ông là một nghệ sĩ có kỷ luật bản thân cao.



Lối vẽ chân dung "Premier Coup Technique" đòi hỏi sự chính xác ngay từ đầu. Hệ quả là mỗi nét vẽ phải ở đúng vị trí của nó. Phải bám sát drawing (những đường đã vẽ ra trước khi sơn). Khi một nét cọ đã sai sẽ dẫn đến những nét cọ sau sẽ sai và bức vẽ chắc chắn sẽ hỏng.



Một người ngưỡng mộ lối vẽ của Sanden đã viết rằng "Hình chân dung dường như cứ từ chiếc cọ của ông mà chảy ra thành một bức tranh hoàn tất có thể nói là chỉ với một lớp sơn vẽ duy nhất." 
Tôi đã có một bài viết ngắn về người họa sĩ vẽ tranh quảng cáo phim cho rạp Nam Quang hồi xưa ở Sài gòn. Ông là một họa sĩ vẽ chân dung có thiên tài thực sự của Việt Nam. Bây giờ tôi xin thêm một câu về ông: Nếu như tôi được học vẽ chân dung với ông từ thuở ấy, thì hôm nay tôi đã không cần nghiên cứu hay ít ra không cần nghiên cứu nhiều về cách vẽ của Sanden.



Trong khi lối vẽ của Sanden có vẻ phóng túng (thật ra không phóng túng tí nào!), thì có những người vẽ chân dung hết sức tỉ mỉ, các lớp sơn chồng chéo lên nhau. Nhiều khi những lớp sơn vẽ trước rút cục không còn lộ ra bao nhiêu hay bị những lớp sơn sau phủ kín khi tranh hoàn tất. 



Họa sĩ thuôc nhóm có lối vẽ ngược lại với Sanden cũng đông đảo. Chúng ta chỉ lấy một vài danh họa để làm tiêu biểu



Bên cạnh đây là bức chân dung do họa sĩ Daniel Greené vẽ và nó đúng là một tác phẩm bậc thầy. Một người khi xem ông vẽ biểu diễn đã viết: "I was very surprised by several things in the Daniel Greene video. When I looked at the completed portrait, I thought it was highly finished and smooth. As I watched him develop it, I was very surprised at how patchy and blocky the early stages were." - Tôi rất ngạc nhiên vì nhiều điều trong cuốn video của Daniel Greené.  Khi nhìn vào bức tranh đã xong tôi thấy bức tranh được hoàn thành tuyệt vời và trơn tru. Tôi rất đỗi ngạc nhiên khi thấy những lớp sơn trước ẩn hiện ra sao (trong bức tranh khi tranh hoàn tất.)



Bức chân dung bên cạnh do họa sĩ David A. Leffel vẽ. Nếu phóng lớn ra chúng ta thấy các nét cọ tạo ra bức tranh không lớn. Nhưng ngược lại là những nét chấm, gạch, rê cọ nhỏ. Ông thường để người mẫu dưới luống sáng mạnh để tạo ra độ tương phản rất bất ngờ (dramatic contrast). 



Những dòng nhận xét về Daniel Greené trên kia cũng có thể dùng để nói đến những bức chân dung của họa sĩ Leffel.


Thực ra phân cực để dễ quan niệm, chứ thưòng thường hai kỹ thuật trên đây pha trộn với nhau trong cùng một cách vẽ. Nhất là càng về sau càng như vậy
Có những họa sĩ tân thời hôm nay kết hợp cả hai lối vẽ để thực hiện những tác phẩm của họ, chẳng hạn như Pino Daeni. Chúng ta thử nhìn vào  bức họa "Morning Light" của ông bên cạnh tất sẽ nhận ra ngay sự kết hợp này. Thân thể với làn da mịn màng vẫn đứng cạnh được những nét cọ mạnh bạo tự tin vẽ quần áo và hậu cảnh.

Nếu nét cọ nhận ra dễ dàng chẳng hạn khi nhìn từ xa, thì đấy là một điểm để chúng ta nói đó là bức họa chịu ảnh hưởng lối vẽ ấn tượng.



**



Nói chuyện về nghệ thuật thì lan man biết chừng nào cho xong. Nhưng chẳng lẽ ở tuổi sáu bảy bó, hễ gặp nhau là nói đến thuốc men bệnh tật hay sao. Mà nói rộng ra vui với nghệ thuật cũng là một cách chữa lành hay phòng ngừa bệnh tật nhất là những thứ bệnh phát sinh từ buồn nản, cô độc, căng thẳng.



Thoạt kỳ thủy khi đi sâu vào hội họa, tôi chẳng có ý dùng hội họa để phòng chữa bệnh tật. Làm như thế chỉ vì thích thú. Cũng may nhờ vậy hôm nay có được cách giải trí khi không còn trẻ. Từ nhỏ đã thích vẽ và thích đọc sách về vẽ. Nhưng thực sự nghiên cứu về hội họa đặc biệt về sơn dầu mới chỉ hơn mười năm nay. Nghiên cứu về hướng chân dung lại còn mới hơn nữa. Nhưng được một điều vừa đọc vừa múa máy bút cọ nên vui và học nhanh hơn.



Tôi vẽ chân dung "chính hiệu con nai" rất ít. Vẽ chân dung chính hiệu hiểu là vẽ một người nhất định có thật trong thực tế và khi nhìn vào bức tranh, người ta nhận ra ngay người trong tranh là ai.



Tuy vẽ chân dung thực thụ không nhiều nhưng khi vẽ nhân dạng trong những bức tranh visionary từ lâu cũng giúp tôi hiểu ra vẽ chân dung phải như thế nào.



Bức chân dung bên cạnh là một trong số rất ít bức chân dung tôi đã vẽ. Nó đẹp hay xấu, đạt hay không đạt xin để quý anh chị cho điểm.  
(16x20 inch - Oil on canvas by A.C.La)



Vài dòng về hội họa xin gửi quý anh chị đọc cho vui. Đặc biệt gửi các bạn H.H, Phạm Thành Châu, Nguyễn Quan Minh, Như Thương, Minh H...những người hay "xoi mói" tranh của tại hạ.


Xuân 2013  A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh
Xem thêm :  Vẽ chân dung bằng sơn dầu 

Tìm hiểu cách vẽ chân dung bằng sơn dầu từ nhiếp ảnh. Bản tóm tắt.

Qui luật Hội họa căn bản

Tất cả mọi sự việc trên đời dù khó khăn hay giản dị, đều có những quy luật căn bản thành văn hay bất thành văn. Nắm vững được những quy luật này chúng ta sẽ dễ dàng thành công hơn thay vì phải mò mẫm tìm tòi mất khá nhiều thời gian. Quy luật căn bản dưới đây sẽ giúp cho chúng ta tránh được những lỗi lầm thường mắc phải mà không biết giải quyết ra sao. Sự việc này làm cho ta thấy chán nản vì không hài lòng với tác phẩm và thường đi đến chỗ bỏ cuộc. Những quy luật này dầu sao cũng chỉ là kim chỉ nam cho bước đầu. Chỉ cần một vài giờ để hiểu những quy luật, nhưng khi thực thi hay nói cách khác là áp dụng những quy luật này cần phải có thời gian thực tập. 
Kiên tâm thực tập là điều chính yếu đảm bảo cho sự thành công.
Dù cho có tài năng thiên phú, dù cho có thuộc lào quy luật mà thiếu thực tập cũng không giúp gì được.
ÁNH SÁNG (LIGHT)
Ánh sáng là linh hồn của vạn vật, của bức tranh. Nếu không có ánh sáng, vạn vật trở nên buồn tẻ, bức tranh thiếu những mầu sắc đậm nhạt khác nhau, sẽ trở nên chán ngắt. Nên nhờ ánh sáng, do mặt trời ở trên cao chiếu xuống, cho nên những phần có ánh nắng chiếu vào và những mặt phẳng (surface) bao giờ cũng phải sáng hơn những phần không có ánh sáng rọi vào. Bức tranh là một tờ giấy hay khung vải chỉ có một mặt phẳng, cho nên nắm vững được định luật quan trọng này ta sẽ dễ dàng tạo được chiều sâu.
BỐ CỤC (COMPOSITION)
Trước khi phác họa (sketch) cần phải chú ý đến bố cục để tránh những lỗi lầm căn bản. Thông thường người ta chia khung vải ra làm 16 phần đều nhau. Khi vẽ, những điểm chính yếu (point of interest hay focal point) cần phải đặt ở 3 góc theo hình L trong ranh giới 4 phần ở giữa và tránh đặt vào giữa trung tâm điểm của khung vải.
Tuy nhiên quy luật này không phải là bất dịch.
BÓNG TỐI (SHADOW)
Người ta thường dùng các màu tím lạnh để diễn tả bóng tối như Cobalt blue hay Dioxazine purple + thalo blue.
CÂN XỨNG (PROPORTION) 
Khi vẽ 2 người hay vật ở cùng một điểm phải chú ý đến sự cân xứng. Thí dụ cái ghế không thể vẽ quá lớn so với cái bàn, người đàn ông không thể nhỏ hơn người đàn bà, ngoại trừ khi ta muốn nhấn mạnh ở điểm đó. Đừng gây thắc mắc cho người thưởng ngoạn về những lỗi lầm này.
CHIỀU SÂU (DEPTH)
Khung vải chỉ là một mặt phẳng không có chiều sâu. Nhưng ta có thể tạo chiều sâu của bức tranh bằng những quy luật:
Xa nhỏ, gần lớn.
Gần rõ chi tiết, xa mờ.
Hình trước đè lên hình sau.
Mầu nóng (warm color) phía trước, mầu lạnh (cool color) phía xa
CHI TIẾT (DETAIL)
Chi tiết trong họa phẩm chỉ nên thực hiện vào giai đoạn cuối, sau khi đã hài lòng với bố cục, đường nét và mầu sắc như vậy sẽ không mất nhiều thì giờ để thay đổi lại.
CHỦ ĐỀ (MAIN SUBJECT) 
Bức tranh cần diễn tả làm sao cho người thưởng ngoạn nhận thức được người vẽ muốn truyền đạt một điều gì. Vì vậy hãy nên giản dị, không nên chọn những chủ đề quá bí hiểm.
ĐIỂM CHÍNH (MAIN POINT, CENTER OF INTEREST)
Sắp xếp sao cho những điểm chính thích hợp với bố cuc.
Mầu sắc của điểm chính phải sáng, phải tươi hơn những vật chung quanh.
ĐƯỜNG NÉT (LINE & SHAPE)
Tránh dùng những đường quá thẳng.
Tránh dùng những đường song.
Tránh vẽ nhữnh hình thù giống nhau. Thí dụ vẽ 2 con cá, nên đổi hướng, đổi mầu, đổi kích thước v.v…
HẬU CẢNH (BACK GROUND) 
Trong một bức tranh, hậu cảnh bao giờ cũng phải mờ, không rõ chi tiết. Mầu phải nhạt và có lẫn đôi chút mầu lạnh trong đó.
KỸ THUẬT (TECHNIQUE) 
Người ta vẽ tranh bằng 2 kỹ thuật khác nhau. Kỹ thuật mầu nước khác vơ"I kỹ thuật sơn dầu nhưng tựu chung có 2 cách: Vẽ thẳng (Direct approach) và vẽ 1 hay nhiều lớp lót (under painting).
LỚP LÓT (UNDER PAINTING) 
Với kỹ thuật này, người ta vẽ lớp mầu này chồng lên lớp mầu kia. Thông thường người ta vẽ mầu đậm trước và sẽ vẽ mầu nhạt lên trên. Lớp lót bao giờ cũng mỏng hơn là lớp sau. Có thể dùng nhiều mầu khác nhau.
MẦU SẮC (COLOR)
Những mầu vẽ không phải là cùng một cường độ (intensity) như nhau. Thí dụ mầu Thalogreen hay Thalo blue bao giờ cũng mạnh hơn những mầu xanh khác. Cần phải thực hành mới rõ.
Pha mầu luôn luôn phải có một chút mầu trắng trong đó. Không nên pha quá 4 mầu, trước khi pha phải rửa sạch dao hoặc bút, nếu không sẽ thành mầu chết. Tuy nhiên những mầu chết này sẽ làm nổi bật những mầu tươi sáng.
Muốn cho mầu đậm hơn, cho thêm chút mầu đối nghịch (complementary color), không nên cho mầu đen.
Muốn cho mầu sáng ra cho thêm chút mầu sáng hơn (brighter), không nên cho mầu trắng.
Muốn có sự hài hòa mầu sắc (harmony of color), hãy pha một chút mầu với mầu ở bên cạnh hay là cho một chút mầu của điểm chính vào tứ phía của bức tranh hay là cho một chút mầu sáng vào những mầu tối chết. Thí dụ vẽ hoa hồng nên cho một chút mầu hồng vào trong mầu xanh của lá và chút mầu xanh vào mầu hồng của hoa.
NÉT BÚT (BRUSHE STROKE)
Thông thường người ta hay mắc phải nững khuyết điểm là quá nặng tay với nét bút. Chỉ nên dùng bút đặt mầu vào chỗ. Vẽ mạnh quá mầu sơn sẽ trở nên bằng phẳng (flat). Khi vẽ lá cây, nét bút phải theo chiều của lá. Vẽ núi non, sông nước, nét bút cần theo triền núi và xuôi theo giòng nước. Khi diễn tả cảnh vật êm đềm thơ mộng, nét bút cần phải mờ dịu không trông rõ. Khi vẽ những vật ở gần có thể dùng những nét bút mạnh và sơ sài mầu sắc và sự đậm nhạt tương phản nhưng nét bút này không hợp với lối vẽ tự nhiên.
Nét bút cũng phải kể thêm một loại vẽ khô (dry brushes) tức là lấy mầu vào bút rồi thấm cho khô để khi vẽ mầu ra hơi nhạt.
TẦM MẮT (EYE LEVEL)
Trước khi phác họa (sketch) cần phải xác định tầm mắt ở chỗ nào trong bức tranh. Sự xác định này sẽ làm cho bức họa hợp lý hơn. Trong phong cảnh tầm mắt và đường chân trời là một và thường ở vị trí 1/3 hay 1/5 bức tranh. Nếu quá gần không thể tạo ra chiều sâu được.
XA GẦN
Ngoài những quy luật để tạo chiều sâu đã nói ở trên, ta có thể dùng mầu sắc để diễn tả theo thứ tự sau đâu:
Cận điểm         Chân trời

|Đỏ, Cam (Red, Orange)
|Cam, Vàng (Orange, Yellow)
|Vành, Xanh lá cầy (Yellow, Green)
|Xanh lá cây, Xanh lơ (Green, Blue)
|Tím, Xanh lơ (Violet, blue)
Xám, Xanh (Grey, Blue)


Quy luật về hội họa còn nhiều, nhưng nếu hiểu thấu đáo những điểm kể trên và cộng vào với công thức 1 K 3 T chúng ta sẽ thành công dễ dàng. Đó là:
KIÊN TÂM THỰC TẬP và QUY LUẬT CĂN BẢN.
Placentia 6/2004
BÙI XUÂN ĐÁNG

Kỹ thuật vẽ màu nước



 Màu nước là một chất liệu vẽ trong suốt như nước, thường được dùng với bút pháp rộng rãi, xây dựng bố cục bằng những mảng lớn nhưng lại sâu sắc, mượt mà về sắc điệu gây một cảm giác rung động khó tả. Khả năng và phương tiện sử dụng màu nước về mặt kỹ thuật là không có giới hạn, nhưng là một loại chất liệu khó sử dụng nên phụ thuộc rất nhiều vào tài năng sáng tạo và khí chất của họa sĩ “Cứ vẽ đi vẽ lại một trăm lần thì bức tranh sẽ đơn giản đi”.

Tính chất:

Tên gọi của các chất màu nước bắt nguồn từ tiếng La-tinh. “Aqua” là nước, được chế tạo từ những sắc tố chịu ánh sáng (các chất nhuộm) và các chất kết dính.

Đối với màu nước những chất màu có độ trong suốt cao vì vậy trong các hộp màu nước, những chất màu có độ hạt và độ phủ đặc như các chất màu vàng cát mi, màu lục đậm và những chất màu tương tự đúng ra là hoàn toàn không có.

Những thuộc tính cơ bản của màu nước đó là tính trong suốt và nhẹ nhàng, cũng như tính thuần khiết và tính cường độ của các chất màu. Những thuộc tính ấy của nó là do luôn luôn đặt các lớp màu mỏng lên giấy và vì thế các lớp màu đó trở nên trong suốt đối với những tia sáng xuyên qua. Ánh sáng phản chiếu từ nền giấy trắng sau khi nhuốm một thứ màu thuần khiết sẽ dội về mặt ta một cảm giác màu sắc với độ thuần khiết và cường độ của nó mà k bị hổn loạn. Sự khác nhau chỉ là do một lớp màu nào đó có độ màu bảo hòa nhiều hay ít mà thôi. Những thuộc tính kỹ thuật của màu nước đã tạo ra cho nó một đặc điểm riêng và một sự hấp dẫn về những âm hưởng màu sắc. Một lớp màu tô đậm khi đang ướt thì sáng rõ, mạnh mẽ, nhưng khi khô đi thì sẽ mờ đục, héo úa, nhìn bạc và bẩn.

* Trộn lẫn một màu trong suốt với một chất màu không trong suốt sẽ tạo ra một thứ màu tái nhợt sau khi khô.

* Trộn lẫn các chất màu trong suốt, ta thu được một hỗn hợp màu trong suốt.

* Trộn lẫn các chất màu không trong suốt, sẽ cho ra hỗn hợp cùng loại, chỉ kém những hổn hợp các chất màu trong suốt ở độ bảo hòa.

Kỹ thuật vẽ:

Khi bắt đầu vẽ từ đối tượng, chúng ta bắt buộc phải theo dõi các sắc thái màu, so sánh chúng với nhau tạo nên một sắc màu cần thiết bằng cách dùng một trong hai hay kết hợp hai phương pháp sau đây. Cần phải học nhìn tự nhiên, làm chủ một hệ thống tri giác nhất định. Phải biết kết hợp hài hòa các chi tiết trong quan hệ với nhau cũng như với toàn bộ.

Nếu vẽ theo truyền thống màu nước cổ điển, tức là theo kỹ thuật chồng màu, thì nên bắt đầu từ những sắc sáng nhất rồi dần dần phủ lên chúng những sắc mạnh. Khi đã đặt xong màu cho những bộ phận được chiếu sáng ở đối tượng rồi, khi chúng ta chuyển qua các độ trung gian, thì một lần nữa, chúng ta lại không được quên tính hoàn chỉnh của sự cảm thụ, không được quên so sánh các độ trung gian với nhau, ấm với ấm, lạnh với lạnh. Phải nắm vững phương pháp màu nước cổ điển, như một sắc này lên một sắc khác sáng hơn. Có thể vẽ bàng cọ đẫm màu hoặc vẽ bằng nhát cọ hơi khô khiến cho kỹ thuật của người vẽ được phong phú hơn.

Nếu vẽ bằng kỹ thuật pha màu ngay, có thể bắt đầu từ những chổ đậm nhất. Kỹ năng để sử dụng những khả năng của nhát cọ và những mảng lớn: dùng những lớp màu nước đơn sắc làm cho mặt giấy có dạng hạt chiếu xuyên qua những lớp đó, chia nhỏ các nhát cọ trong những trường hợp này, kết chúng lại trong những trường hợp khác…Hãy cố thử dùng nhiều thủ pháp thể hiện kỹ thuật khác nhau trong khi vẽ. Điều chủ yếu là nhạy cảm và kỹ năng biết nhìn đúng và hiểu được đối tượng.. Trong bài vẽ, những chổ có vệt sáng là do mắt giấy trắng để lại, những chổ có vệt ánh mờ có thể dùng dao cạo nạo giấy đi. Trong những trường hợp khi kỹ thuật nhát cọ chỉ đi theo một lối, thì bức vẽ mất đi những phẩm chất của mình. Để đạt được sức truyền cảm và sức thuyết phục lớn nhất của hội họa màu nước, cần phải biết sử dụng các thủ pháp khác nhau. Cần nhớ chỉ có thể đi một nhát cọ tươi mát khi nào cọ đẫm đầy chất màu hòa tan.

Chồng màu:

Khi đặt một lớp màu trong suốt lên một lớp màu trong suốt khác, để cho lớp dưới không bị nhòe, phải để cho nó khô đi trước khi phủ lên một lớp khác. Phương pháp này dựa vào qui luật cộng màu quang học. Phương pháp vẽ chồng màu có những giới hạn của nó. Chẳng hạn không thể có màu lục, tím, da cam thật đều đặn và mạnh mẽ. Với phương pháp vẽ chồng màu có thể đạt tới độ sâu, độ bảo hòa của một sắc màu, cường độ chung của nó bằng cách phủ liên tục lớp màu trong suốt này lên lớp màu trong suốt khác đã khô.

Lúc đầu nên đặt lên những sắc sáng rồi lại phủ lên một lớp màu trong suốt khác… cho đến lúc hoàn thành. Một điều hoàn toàn cần thiết là phải theo đúng trình tự phủ các màu không trong suốt lên các màu trong suốt. Phương pháp vẽ chồng màu đòi hỏi phải xác định những ranh giới chính xác của mỗi lớp màu được phủ lên.

Khi có nhiều lớp màu, mỗi lớp phải đủ mỏng và trong suốt để cho ánh sáng phản xạ xuyên qua được. Phải phủ những lớp đầu tiên bằng các chất màu trong suốt và càng giống nhau về thuộc tính của chúng càng tốt. Việc sử dụng các chất màu có dạng hạt, dày đặt là thích hợp hơn ở giai đoạn cuối cùng, để tăng thêm ý nghĩa của chất liệu và tính cụ thể của các bộ phận khác nhau trong một bức vẽ nghiên cứu.

Pha màu:

Mỗi chi tiết được bắt đầu và kết thúc trong một lượt vẽ. Sau đó do đã nhìn thấy cái chung, thì chuyển sang chi tiết tiếp theo và cứ tiếp tục như vậy. Tất cả các màu đều được pha giống ngay hiện vật theo cường độ cần thiết.

Khi pha màu không nên dùng nhiều chất màu, cần tạo bằng ba màu trở xuống. Khi muốn có một màu sắc mạnh và bảo hòa cũng cần đến những chất màu có một độ màu mạnh. Còn khi tạo ra những màu không bảo hòa, người ta thường dùng những chất màu hổn hợp có một độ bảo hòa yếu hơn, chẳng hạn dùng màu đất hoặc thêm một chút màu không trong suốt (nâu hoặc đen) vào một chất màu bảo hòa trong suốt. Nên ghi ngay những tương phản chủ yếu trong đối tượng vẽ. Nền trắng trên giấy cũng đóng vai trò màu trắng, khi cần phải giữ lại một vài chổ giấy trắng. Giấy trắng sáng có thể dội lên như một màu sắc có sắc thái ấm hoặc lạnh, thích hợp trong sự tương phản với chung quanh.

 Vật liệu: Giấy và cọ:

Đối với màu nước, giấy dày có mặt hạt được xem là tốt nhất. Cần phải lo tới tình trạng bị ngã vàng vì một đặc điểm của vẽ màu nước là sự phản xạ của giấy qua lớp màu. Mặt giấy hơi có hạt hết sức tốt cho vẽ màu nước: nó giúp tăng thêm chiều sâu của màu sắc trên giấy. Phải bồi giấy nếu trường hợp dùng khuôn khổ lớn.

Khi vẽ, cần giữ gìn cẩn thận mặt giấy, không nên để nó bị vết nhờn và không tẩy nhiều. Trước khi bắt đầu vẽ bằng các chất màu, để làm cho hết nhờn, cần rửa mặt giấy bằng nước với xà phòng (bọt biển) rồi sau đó lau cẩn thận bằng bông hoặc giũ bằng nước sạch. Khi vẽ không nên đặt giấy nghiêng quá vì màu sẽ chảy dài. Trước khi bắt đầu vẽ bằng các chất màu, nên phủ trước lên toàn mặt giấy một lớp màu xanh da trời thật nhạt gần như không thấy rõ. Thủ pháp ấy tránh sự ngã vàng của giấy.

Thường ta dùng những loại cọ có lông cứng phối hợp với những loại cọ lông điêu. Cần giữ gìn cọ trong thời gian vẽ cũng như cần giấy thấm để sửa nếu thừa màu. Để sửa bức vẽ, phải chùi hẳn từng bộ phận và dùng dao cạo. Cọ vẽ màu nước thường mềm mại, tinh tế và có khả năng mao dẫn tốt. Nên dùng nhiều cọ từ số 0 đến số 12 để dễ phù hợp các mảng vẽ muốn thực hiện.

Khi mua cọ, nên thử bằng cách nhúng nước, nếu đầu mũi cọ vẫn chắc khi bị thấm là tốt. Đừng bao giờ cất cọ khi chưa khô vì sẽ làm hỏng nó và không thả ngâm nó trong nước.

Tranh màu nước:

Các tác phẩm màu nước trong các viện bảo tàng mỹ thuật, thường được trưng bày trong những tủ kính, có rèm dày che lại. Vì dưới tác động trực tiếp của ánh sáng, màu nước có thể thay đổi đi phần nào về màu sắc và một vài loại giấy sẽ vàng đi. Những tấm rèm ấy giữ cho màu nước khỏi bị phai màu, giữ được sự tươi mát ban đầu của chất màu.

Trong điều kiện ở nhà, các bức vẽ màu nước thường được xếp cách nhau bằng những tờ giấy in roneo hoặc giấy bọc thật sạch và giữ trong cặp lớn. Nên để ở những chổ khô ráo, tránh ẩm.

Nếu treo tường, thì cách đóng khung tốt nhất đối với màu nước là một nền trắng giản dị và khuôn khổ thích hợp với tranh, để cho lề khung màu trắng càng tăng thêm vẽ phóng khoáng nhẹ nhàng của chất liệu.

Tranh màu nước có thể thể hiện những sắc thái tình cảm và tâm trạng hết sức khác nhau của con người. Hãy giữ được sự nhạy cảm và xúc động trước sự vật. Tranh màu nước phong phú, nhiều màu sắc, các chất màu vang lên như một hòa sắc trang trọng và đầy lãng mạn.

Trích : Hội tụ tri thức Việt
Giới thiệu tranh vẽ màu nước đẹp : Các loài hoa..(trich FB Lê Luận -
album của Adisorn Pornsirikarn.

































Bài vẽ Chân dung

Các bước cơ bản để thực hiện bài vẽ chân dung
Ngày nay các tư liệu hình hoạ vô cùng phong phú , với đủ các phong cách khác nhau , các tư liệu đó đều rất tốt , điển hình là các tư liệu của Trung Quốc , rất gần gũi & giá cả hợp lí . Nhưng có một vấn đề rằng chúng ta chưa thể vẽ được như thế ,hay chúng ta ảo tưởng rằng chúng ta đã vẽ được như thế .Để vẽ được như họ chúng ta cần phải nỗ lực rất nhiều , việc học vẽ không thể đốt cháy giai đoạn được .

Các tư liệu có trên thị trường thường hoặc là chỉ có bài vẽ hoàn thiện , hoặc trình bầy rất vắn tắt . Với những bạn đã có kinh nghiệm vẽ để nghiên cứu được cũng không phải là điều dễ dàng chứ đừng nói là các bạn mới bắt đầu học vẽ . Vậy tôi xin mạn phép lập một topic này để chia sẻ với các bạn phần nào trong việc những bước đầu học vẽ hình hoạ . 
Các bạn thường bắt đầu ngay với những đường cong , điều này không sai nhưng nó sẽ làm các bạn lúng túng vì để vẽ được đường cong chính xác là rất khó . Theo tôi các bạn nên chia đường cong thành các phân đoạn nhỏ để khái quát hình thể và làm khung định vị cho đường cong . Chắc hẳn đường thẳng thì ai cũng vẽ được vì chỉ cần tìm 2 điểm rồi nối vào nhau là xong . Các bạn hãy dùng những đoạn thẳng để bắt các hướng chính của mẫu đồng thời khái quát tổng thể một cách nhanh chóng . Các bạn phải chấp nhận công đoạn này nếu muốn đi xa hơn với môn hình hoạ, nếu không các bạn cũng sẽ chỉ vẽ "hay hay" thế thôi chứ không thể gọi là vững hình hoạ được . 


* Ở bước khái quát đầu tiên các bạn nên vẽ thật nhẹ tay Vì chúng ta sẽ thực hiện bước thứ 2 trồng lên bước thứ nhất ,nên thực hiện nét vẽ với bút chì hơi nghiêng trên mặt giấy ,thả lỏng lực cổ tay và khớp vai, cũng không nên cầm bút quá chặt .Các nét vẽ sai và vẽ thừa các bạn cứ để lại vì đôi khi những nét vẽ sai ẩn ở phía dưới tạo nên hiệu quả rung của hình thể làm cho bài vẽ mềm mại hơn .


*Trong bước thứ 2 các bạn tập phân tích hình khối , có thể bài vẽ trong có vẻ khô cứng , nhưng không sao hết vì thà khô cứng máy móc còn hơn hời hợt .Các bạn cứ trình bày hết cái hiểu về hình thể của mình trên mặt giấy , nhưng nên nhớ là những nét phía bên tối các bạn nên phác dày và xốp còn các nét bên sáng các bạn nên vẽ thưa và mỏng , nhớ dựng kỹ đường giáp ranh giữa sáng & tối .



*Sang đến bước thứ 3 các bạn dựa theo các khung mảng đã dựng bắt đầu thực hiện việc thể hiện đậm nhạt . Các bạn không nên lên bóng của từng chi tiết mà nên lên những diện lớn trước . Theo tôi tốt các bạn nên nối liền toàn bộ vùng bóng tối thành 1 tuyến lớn để tách hình thể thành 2 phần sáng và tối , ban đầu các bạn chỉ nên vẽ 2 sắc độ , khi tương quan lớn đã xong chúng ta mới thêm đậm bằng cách trồng thêm các lớp chì theo hướng của khối ( khối nghiêng thế nào thì nét nghiêng theo hướng đó ) . Công đoạn này các bạn luôn phải vẽ trong trạng thái nheo mắt hoặc vẽ được một phần các bạn nên lùi ra xa để xem tương quan , điều này là cần thiết vì nó sẽ giúp bạn sẽ tự đánh giá bài vẽ một cách khách quan .Các bạn cứ vẽ thô đừng vội chau chuốt hình thể & nên hạn chế dùng tẩy ,chỉ những phần nào sai một cách quá đáng thì mới tẩy bớt đi vì nếu có cục tẩy kè kè bên cạnh các bạn sẽ không thể mạnh dạn vẽ được .






Các bạn mới bắt đầu học vẽ thường gặp một số khó khăn nhất định trong việc vẽ một bài hình hoạ . Khi mới làm quen với việc học vẽ bạn hẳn không hài lòng với cách xây dựng hình thể cứng nhắc như robot , điều đó hoàn toàn không giống với những gì bạn nhìn thấy và những gì mà bạn mong muốn với môn hình hoạ .

* Để thực hiện bước hoàn thiện các bạn cần phải luyện tập nhiều về sắc độ để có một đôi tay khéo léo kèm theo phải quan sát & phân tích thật kỹ . 
Trên đây tôi giải trình ở mức độ tối giản & cố gắng vẽ các nét thô rõ để các bạn nhìn thấy các bước làm việc , hy vọng sẽ có ích phần nào với những bạn mới học vẽ , còn với những bạn đã học lâu năm hoặc sinh viên thì chắc hẳn tự các bạn đã có ngôn ngữ của riêng mình và rằng hình hoạ có rất nhiều phong cách , đây cũng chỉ là một trong những cách dành cho trình độ cơ bản . 
Theo Mythuatvietnam.info

Vẽ tĩnh vật - Màu bột

Hình ảnh


Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh



Hình ảnhHình ảnh

Hình ảnh

Góc Thư giản

Khi thấy chữ nhỏ muốn cho to ra, hãy nhấn vô Ctrl Key (bên trái phía dưới bàn gõ) đồng thời gõ vô Key dấu + (góc phải phía trên). Nếu gõ một lần chữ chưa đủ lớn, thì gõ hai lần, ba lần ...
Ngược lại, Bấm Ctrl KeyKey dấu -( kế góc phải phía dưới ), chữ sẽ nhỏ lại.