Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

14 điều răn của Đức Phật

Theo Đại đức Thích Nhật Từ, 14 điều này vốn được lưu truyền tại chùa Thiếu Lâm, Trung Quốc. Không có bài kinh nào trong các bộ Kinh tạng Pa-li, A-hàm kinh và kinh Đại Thừa chứa đủ 14 điều này. Tác giả có thể là các nhà sư chùa Thiếu Lâm và họ đã biên tập, trích dẫn ý tưởng từ các bản kinh, và tập hợp lại theo trật tự mình đặt ra. Việc truy tìm lại nguyên gốc các câu riêng lẻ từ kinh Phật là điều rất khó.
Trong nhiều bản in "14 điều răn của Phật" được phổ biến tại Việt Nam có chữ ký của hòa thượng Kim Cương Tử ở dưới như là người phát hiện và sưu tầm.


Những điều ghi nhớ trong cuộc đời

Đây là một lá thư của ông Tôn Vận Tuyền, một chính khách nổi tiếng của Đài Loan gởi cho các con của ông lúc ông còn sống.
Xin chia sẻ với cả nhà:
Các con thân mến,
Đời sống là vô thường, không ai biết trước mình sống được bao lâu, có những việc cần nếu được nói ra sớm để hiểu thì hay hơn.
Dưới đây là những điều nên ghi nhớ trong cuộc đời :
1. Nếu có người đối xử với con không tốt, đừng thèm để tâm cho mất thời giờ. Trong cuộc đời này, không ai có bổn phận phải đối xử tốt với con cả, ngoại trừ cha và mẹ của các con. Nếu có người đối xử tốt với con, ngoài việc các con phải biết ơn, trân quý, các con cũng nên thận trọng một chút, vì người đời thường làm việc gì cũng có mục đích của nó, chớ có vội vàng cho là bạn tốt của mình ngay.

2. Không có người nào mà không thể thay thế được cả; không có vật gì mà nhất thiết phải sở hữu, bám chặt lấy nó. Nếu hiểu rõ được nguyên lý này, thì sau này trong cuộc đời, lỡ người bạn đời không còn muốn cùng đi trọn cuộc đời, hay vì lý do gì con bị mất đi những gì trân quý nhất trong đời, thì cũng nên hiểu, đó cũng không phải là chuyện trời sập.

3. Đời người ngắn ngủi, nếu hôm nay ta để lãng phí thời gian, mai đây hiểu được thì thấy rằng quãng đời đó đã vĩnh viễn mất rồi! Cho nên, nếu ta càng biết trân quý sinh mạng của mình càng sớm, thì ta được tận hưởng cuộc đời mình càng nhiều hơn. Trông mong được sống trường thọ, chi bằng mình cứ tận hưởng cuộc đời mình ngay từ bây giờ.

4. Trên đời nầy chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Ái tình chỉ là một cảm xúc nhất thời. Cảm giác này, tuyệt đối sẽ theo thời gian, hoàn cảnh mà biến thiên, thay đổi. Nếu người yêu bất diệt rời bỏ con rồi, hãy chịu khó nhẫn nại một chút, để thời gian dần dần trôi qua, để tâm tư mình từ từ lắng đọng, cái đau khổ cũng sẽ từ từ nhạt nhòa đi. Không nên cứ ôm áp cái ảo ảnh yêu thương mãi, cũng không nên quá bi lụy vì thất tình!

5. Tuy có nhiều người trên thế giới này thành công, nổi tiếng mà chẳng có học hành nhiều, có bằng cấp cao, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là không cần học hành nhiều sẽ thành công. Kiến thức đạt được do việc học hành, giáo dục là vũ khí trong tay của mình. Ta có thể lập nên sự nghiệp với bàn tay trắng, nhưng không thể trong tay không có tấc sắt. Nên nhớ kỹ điều này !

6. Ba không yêu cầu các con phải phụng dưỡng ba trong nửa quãng đời còn lại của ba sau này. Ngược lại, ba cũng không thể bao bọc nửa quãng đời sau này của các con. Lúc các con đã trưởng thành, độc lập, đó cũng là lúc ba đã làm tròn thiên chức của ba. Sau này, các con có đi xe bus công cộng hay đi ô tô nhà, các con ăn súp vi cá hay ăn mì gói, đều là trách nhiệm của các con.

7. Các con có thể yêu cầu mình phải giữ chữ TÍN, nhưng không thể bắt người khác phải giữ chữ TÍN với mình. Các con có thể yêu cầu mình phải đối xử TỐT với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối xử tốt với mình. Mình đối xử người ta thế nào, không có nghĩa là người ta sẽ đối xử lại mình như thế ấy. Nếu không hiểu rõ được điều này, sẽ tự chuốc lấy buồn phiền cho mình.

8. Trong hai mươi năm qua, ba tuần nào cũng mua vé số, nhưng vẫn nghèo trắng tay. Điều này, chứng tỏ muốn phát đạt, phải siêng năng làm ăn mới khá được.Trên thế gian này, không có cái gì miễn phí cả.

9. Sum hợp gia đình, thân thích đều là duyên phận, bất luận trong kiếp này chúng ta sống chung với nhau được bao lâu, như thế nào, nên trân quý khoảng thời gian chúng ta được chung sống với nhau. Kiếp sau, dù ta có thuơng hay không thương, cũng không có dịp gặp lại nhau đâu.
(từ note của anh Nguyễn Tuấn Quỳnh)
Facebook Vietnam

BỆNH LÀ QUÀ TẶNG.

(BBT xin gởi đến bạn đọc buổi trò chuyện thân mật giữa thầy Thích Chân Pháp Đăng và BBT. Các bạn sẽ được nghe những tâm sự chân thành cũng như kinh nghiệm quý hiếm có được khi thầy vượt qua những giai đoạn khó khăn của bệnh tật.)
Người phỏng vấn: Thưa thầy! Con cảm ơn thầy cho chúng con một buổi tiếp xúc. Con biết thầy là đệ tử lớn của Sư Ông, nhưng thầy không ở Làng thường xuyên, thầy phải trụ trì tu viện Rừng Phong ở Mỹ. Xin thầy cho chúng con biết thầy tu tập theo pháp môn Sư Ông năm nào? Xuất gia đã bao nhiêu năm?
Thầy Pháp Đăng: Mình xuất gia tại Mai Thôn Đạo Tràng năm 1990. Mùa Đông năm 1999 Tăng thân gửi qua tu tập tại tu viện Rừng Phong. Năm 2006-2007, ba anh em đi tìm đất vùng New York để thành lập tu viện Bích Nham. Mùa đông năm 2008, mình về Làng Mai an cư kiết Đông, hết an cư kiết Đông ấy, mình về chăm sóc mạ bị tai biến đang ở Tu viện Lộc Uyển. Tháng 8, 2008 mình và sư cô Tuệ Nghiêm đưa mạ về Việt Nam trị liệu. Sư cô ở lại chùa Kiều Đàm chăm sóc cho mạ, và mình vào tu ở tu viện Từ Hiếu.
Trong thời gian 2005 đến bây giờ, mình thường về ở Chùa Tổ, có khi 6 tháng, có khi một năm hay có lúc một năm rưỡi. Ngoài thời gian ấy ra, mình ở tu viện Lộc Uyển một thời gian, ở Bích Nham một thời gian. Trong thời gian 10 năm ấy, mình về Làng Mai chỉ có hai mùa Hè và một mùa Đông. Tính ra cho đến bây giờ, mình đã xuất gia được 21 năm. Tuy nhiên, nói tới thời gian mình cảm thấy mắc cở bởi mình tu tập vẫn còn yếu kém lắm.
Người phỏng vấn: Thầy gốc ở Huế. Thầy có duyên tu tập ở Chùa Tổ. Nếu tính từ 2005 đến nay, thầy đã ở đó năm sáu năm rồi. Gần đây, con nghe thầy bị bệnh nặng, xin thầy chia sẻ cho chúng con biết chuyện gì đã xảy ra không ạ?
Thầy Pháp Đăng: Dạ vâng! Mình bị bệnh ung thư ruột già. Bệnh này có trong thân thể lâu rồi, ít nhất 6-7 tháng. Nó đau quằn quại! Mỗi lần đau, mình tuyệt thực 2-3 ngày. Mình thường lên cơn sốt vào ban đêm. Thời gian đó, mình đang tu tập tại Cát Tường ở nên Mĩ. Ban đêm ở Cát Tường lạnh lắm thế mà đau đến đổ mồ hôi. Mình cứ tưởng đau cái gì thôi như đau ruột thừa mà đau ruột thừa kiểu này chịu không nổi. Tuyệt thực hai ba ngày thì nó xuống lại. Lúc ấy mình chỉ uống nước trái cây và ăn cháo oatmeal. Mình không sợ bệnh mà cũng không sợ chết và có khả năng chịu đựng cái đau nên mình vẫn sống vui, thiền hành, thiền tọa và thỉnh thoảng cũng đi hướng dẫn khóa tu nơi này, nơi kia. Hoàn toàn mình không biết cơn bệnh nặng như thế.
Người Phỏng Vấn: Khi nào, các bác sĩ khám ra được bệnh của thầy?
Thầy Pháp Đăng: Vào cuối năm 2010, mình về Việt Nam để làm trai đàn chẩn tế cầu nguyện cho ba và ông bà tổ tiên. Lý do là có đứa cháu gái dâu thường cứ thấy ba mình xuất hiện. Ba đã mất gần bốn chục năm rồi, thế mà cháu nói là ông ngoại cứ tới thăm đứa con trai của cháu. Chị mình nói rằng: “Thầy ơi! Có thể nào ba vẫn chưa siêu thoát không thầy à? Ba đã mất gần bốn chục năm rồi mà.” Mình trả lời với chị là để thầy về Việt Nam làm trai đàn chẩn tế cầu nguyện để hồi hướng công đức cho ba.
Thời gian ấy cơn đau quằn quại lắm nhưng mình không cho ai biết. Trước khi vào lễ trai đàn chẩn tế để giải oan cho thập loại cô hồn, mình lạy Lương Hoàng Sám hơn một tuần. Lạy liên tục tuy mình vẫn đau, đôi lúc cơn đau quằn quại. May có các thầy Từ Hiếu xuống yểm trợ, sáng hai thầy, chiều hai thầy. Mình đứng làm chủ lễ. Anh em tu miên mật như vậy đó. Đến khi xong trai đàn chẩn tế thì cơn đau trở nặng, ăn không được, phải nhịn cả tuần. Không biết tính làm sao, gia đình đưa lên bệnh viện thì họ tìm không ra bệnh. Họ cho ba loại trụ sinh uống vào càng đau kiệt quệ hơn. Cuối cùng, mình nhớ đến bác sĩ Tôn Thất Cầu, trưởng khoa ung bướu bệnh viện Trung Ương Huế. Khi Sư Thúc bệnh, bác sĩ chăm sóc hết lòng. Với lại, vợ bác sĩ, chị Ngãi thường lên chùa Từ Hiếu nghe mình giảng pháp. Sau khi gọi, bác sĩ nói thầy phải lên cấp cứu gấp. Họ nội soi, thử máu và phát hiện ra một khối u to bằng quả trứng vịt ở ruột già.
Người Phỏng Vấn: Khi đó, ngoài đau, kiệt sức, nó còn hành hạ gì nữa không thưa thầy! Thầy có sụt cân không?
Thầy Pháp Đăng: Mình sụt cân dữ lắm, từ 64 kg xuống còn 50 kg, thiếu máu trầm trọng, hồng huyết cầu bị phá nhiều. Họ giải phẩu khối u trong vòng một tuần. Sau khi thử nghiệm, các bác sĩ cho biết nó là u ác tính ở giai đoạn thứ ba. Để cho chắc ăn, họ mổ khoảng chừng một gang hai bên khối u rồi mới nối ruột già lại với nhau. Để chuẩn bị cho cuộc giải phẩu, họ làm nhiều thử nghiệm nên trong thời gian ấy mình phải nhịn đói đến 16 ngày nữa, tổng cộng thời gian nhịn đói là 20 ngày.
Người Phỏng Vấn: Khi mổ thầy có giai đoạn thập tử nhất sinh không?
Thầy Pháp Đăng: Dạ vâng có! Khi vào mổ, mình yêu cầu các bác sĩ không chích thuốc tê. Bác sĩ nói: “Như vậy, thầy chịu không nổi đâu, nó đau lắm.” Mình nói là tôi sẽ chịu nổi. Mấy tháng nay tôi đã chịu được cơn đau. Bác sĩ nói: “Con nghe lời thầy, nhưng mà họ vẫn chích thuốc tê như thường.”
Sau giải phẩu một ngày, sư cô Thuần Khánh nói: “Có lúc anh không còn thở nữa, thấy anh tiều tụy quá nên em sợ ghê!” Mình kiệt sức quá vì nhịn đói đến hai chục ngày, và năm sáu tháng cơn đau tàn phá quá nhiều sức khỏe.
Người Phỏng Vấn: Thời gian mổ là bao lâu thưa thầy?
Thầy Pháp Đăng: Dạ hai, ba tiếng.
Người Phỏng Vấn: May mắn cho thầy họ là những chuyên khoa mổ bướu. Vậy, thầy ở bệnh viện bao nhiêu ngày.
Thầy Pháp Đăng: Nhập viện đến khi xuất viện là mười sáu ngày. Ngày thứ năm sau khi mổ mới bắt đầu uống nước được. Ruột già thông thì mới uống được. Ngày hôm sau ăn cháo thật lỏng và ăn cháo được là mình muốn xuất viện. Mình biết không khí, năng lượng rất quan trọng, và môi trường Chùa Tổ giúp mình hồi phục sức khỏe rất mau.
Người Phỏng Vấn: Theo con được biết những ca mổ thường từ hai tuần đến một tháng, thầy có năm ngày xuất viện thì thầy có nhiều sức khỏe để hồi phục quá. Thưa thầy xin thầy chia sẻ sau đó bác sĩ có muốn thầy hóa trị hay xạ trị gì không ạ?
Thầy Pháp Đăng: Hai ngày sau mổ, mình muốn ngồi thiền dù còn rất đau. Mấy đứa em đỡ mình ngồi dậy ngồi thiền. Ngày thứ ba, mình muốn tập đi để cho vết thương cử động, máu tới vết thương thì nó mau lành. Lúc đang ở Chùa Tổ, bác sĩ Cầu cùng người vợ lên thăm và bác sĩ hỏi: “Ngày hôm nay nữa là thầy mổ đến ngày thứ mấy rồi.” Mình trả lời dạ được tám ngày và mới ăn được có hai ba ngày. Bác sĩ nói: “Trong một tuần nữa, thầy phải vô hóa trị liền.”
Gia đình không có muốn mình hóa trị ở Việt Nam. Họ thật sự không tin tưởng y khoa Việt Nam. Gia đình muốn mình về Mỹ khám lại cho chắc. Và nếu cần hóa trị thì điều trị tại Hoa Kỳ dù sao kỹ thuật bên kia cũng cao hơn. Sư Ông nói với thầy Pháp Niệm và sư cô Chân Không gọi về bảo sư anh qua Pháp để tăng thân lo và hóa trị ở Pháp. Bác sĩ Tôn Thất Cầu nói là trong vòng một tháng thì thầy phải hóa trị liền, nếu trể tế bào ung thư có thể mọc lại thì bó tay thôi.
Người Phỏng Vấn: Con biết sự nguy hiểm việc giải phẩu bướu ác tính sau đó bướu nhỏ ở nhiều nơi trong cơ thể có thể đột phát một cách dữ dội nên các bác sĩ khuyên thầy phải hóa trị sớm. Nhưng vì lý do nào mà thầy không theo lời yêu cầu đó?
Thầy Pháp Đăng: Mình tin lời bác sĩ nhưng mình tin Phật hơn. Mình thấy như thế này. Sống chết đều có cái mạng do nghiệp lực. Nếu nghiệp mình phải chết thì làm cách gì mình cũng chết ạ. Cho nên sống được nữa tháng mình cảm thấy hạnh phúc rồi. Nhưng thật sự, mình không tin phương pháp hóa trị. Lý do mình cũng có nghiên cứu sơ qua về các loại hóa chất. Chất hóa trị ấy tàn phá không chỉ tế bào ung thư mà tàn phá hết cả cơ thể. Sau khi xuất viện, mình đã quyết định không hóa trị, dù bác sĩ thúc như thế nào đi nữa. Bác sĩ bảo là điều trị ít nhất là tám ống, mỗi tháng hóa trị một lần. Quyết định qua Làng Mai để nương tựa Sư Ông và Tăng thân, mình dùng phép hành thiền và ăn cơm gạo lứt theo pháp Osawa để điều trị. May mắn khi vào Sài Gòn để ngày hôm sau đi Pháp, có một vài bạn nói rằng có thầy lương y có thể trị được bệnh ung thư nên mình đi gặp các vị lương y ấy. Sau khi bắt mạch, cả hai đều nói là trị được trong vòng 3 tháng.
Người Phỏng Vấn: Dạ thưa thầy! Họ trị bằng thuốc nam nay thuốc bắc?
Thầy Pháp Đăng: Cả hai loại. Thuốc nam có công năng trị bệnh. Thuốc bắc có công năng bồi bổ và làm cho âm dương, khí huyết đều hòa lại.
Người Phỏng Vấn: Thầy may mắn uống thuốc lấy từ thảo mộc. Thuốc có khó uống, có hành hạ gì không thưa thầy?
Thầy Pháp Đăng: Thuốc uống rất dễ. Mình uống thuốc của cô lương y này. Cô nói thuốc rất rõ ràng là Tử Linh Chi, Đông Trùng Hạ Thảo, bông củ cải trắng, củ cải đỏ. Tử Linh Chi cô gọi là nấm độc nhưng hình như là nấm Linh Chi con. Cô dùng những thứ đó bào chế ra một loại thuốc mà thử nghiệm cho nhiều người ung thư rồi, bướu to cũng teo lại. Nhưng đặc biệt là cô nói: “Con tuy là dùng thuốc nhưng phải xoa bóp cho thầy mỗi ngày để đẩy cho khí huyết lưu thông, đẩy cho máu lưu chuyển và thứ hai là đẩy cho độc tố ra khỏi cơ thể.
Người Phỏng Vấn: Thưa thầy, khi cô ta xoa có sâu và mạnh?
Thầy Pháp Đăng: Xoa sâu và đúng huyệt! Cô không xoa từng huyệt mà cô đẩy một đường dài.
Người Phỏng Vấn: Khi xoa như vậy có đau không ạ ?
Thầy Pháp Đăng: Không đau! Mới bước đầu hơi đau nhưng quen rồi thấy khỏe. Cô đẩy cơ thể cho thông, đưa các tế bào ung thư núp trong các huyệt đạo ra và đưa thuốc tới các nơi trong cơ thể.
Người Phỏng Vấn: Ngoài việc thiền tập, thầy thấy cái gì quan trọng nhất, thuốc men hay các phương pháp hổ trợ khác quan trọng nhất ?
Thầy Pháp Đăng: Quan trọng nhất là cái tâm của mình. Mình nghĩ chắc chắn sẽ lành cho nên mỗi khi có ai hỏi thầy sao rồi. Mình trả lời là mình đang lành lại. Thứ hai là sống vui. Mình không biết rõ sống thêm được bao nhiêu ngày nên tự động sống vui. Mình vui cười và yêu đời cả ngày.
Người Phỏng Vấn: Như vậy, thưa thầy về sức khỏe thầy có luyện tập gì khác không ?
Thầy Pháp Đăng: Mình đi bộ đều đặn ngày hai tiếng đồng hồ, sáng một tiếng chiều một tiếng. Mình ngồi thiền rất nhiều và thực tập phương pháp thở, thở càng sâu càng tốt.
Người Phỏng Vấn: Thầy ngồi thiền nhiều là một giờ hay hai giờ ?
Thầy Pháp Đăng: Buổi sáng, mình ngồi khoảng chừng một tiếng đồng hồ. Ăn sáng xong, mình đi thiền hành vài vòng ra bờ sông, rồi ngồi thêm một tiếng đồng hồ nữa. Lúc đó, cô lương y mới đến điều trị. Sau buổi trưa, nghỉ ngơi một chút, mình ra ngoài dòng sông ấy ngồi thiền thêm một tiếng rưỡi, hai tiếng nữa, rồi trở về chùa trước giờ tụng kinh.
Kinh tụng ở chùa là Tịnh Độ, Pháp Hoa, Sám Hối... Tối lại, mình ngồi thêm một tiếng nữa. Mình thấy quan trọng là cái tâm phải yên tĩnh. Nó mới có khả năng điều trị. Nếu lo sợ nhiều quá thì cơ thể tổn hao năng lượng, mà năng lượng rất là quan trọng vì nó điều khiển bộ miển dịch, đề kháng...
Người Phỏng Vấn: Xin thầy chia sẻ cho chúng con biết là lúc nào thầy cảm thấy đói trong người. Theo như con học được biết cơ thể bắt đầu phục hồi là mình thấy đói. Như vậy sau khi mổ bao nhiêu ngày thì bắt đầu thấy đói ?
Thầy Pháp Đăng: Mình thấy đói thường lắm nhưng ăn không được, lý do là cái ruột nó còn đau nên mình rất cẩn thận, vì mình nhịn đến hai chục ngày.
Người Phỏng Vấn: Thưa thầy, thầy ăn kiêng những thứ gì ?
Thầy Pháp Đăng: Thời gian mổ xong đa số ăn toàn nước cháo. Mười ngày như vậy ăn cháo đặc từ từ. Sau mười ngày đó mình mới vào Sài gòn. Trong lúc uống thuốc thì mình ăn cơm rất nhão, cơm gạo lứt với cà rốt hầm, đậu hầm, uống nước đó. Ăn rất lành mạnh. Ăn liên tục như vậy trong một tháng rưỡi hai tháng, ăn đồ rất mềm, đồ rau củ hấp rất nhừ, các loại đậu đen, đậu đỏ…
Người Phỏng Vấn: Khi thầy ăn như vậy thầy thấy có ngon miệng không thưa thầy ?
Thầy Pháp Đăng: Ngon miệng lắm và rất là khỏe trong người.
Người Phỏng Vấn: Thầy có dùng được trái cây không thưa thầy ?
Thầy Pháp Đăng: Cô lương y nói được dùng trái cây nhưng không ăn chung với thức ăn mà dùng riêng. Khi nào dùng trái cây thì chọn trái cây không có chất độc.
Người Phỏng Vấn: Khi ăn như vậy thì thầy thấy trong người nó khỏe. Không cần ăn nhiều vẫn khỏe phải không thưa thầy?
Thầy Pháp Đăng: Ăn nhiều cũng được nhưng bao tử mình còn yếu sau một thời gian dài bị cắt nên mình ăn vừa đủ, cỡ chừng một chén, ăn theo kiểu thiền, ăn từ từ, nhai thật kỹ.
Người Phỏng Vấn: Thầy có muốn nhắn nhủ với chúng con những gì khi bị bệnh tật không? Cái quan trọng nhất theo thầy nói là tinh thần của mình. Như vậy làm thế nào để mình có niềm tin ?
Thầy Pháp Đăng: Mình thấy rõ ràng là thời gian tu tập với Tăng thân trong 20 năm đã tu luyện tinh thần cho mình. Cho nên khi gặp bệnh thì mình có niềm tin rất mạnh, tâm mình rất mạnh, không phải ai cũng được như vậy. Có nhiều người khi bệnh là hoảng rồi, chính cái hoảng sợ đó làm cho mình chết sớm chứ không phải căn bệnh. Hoảng sợ làm cho mình ăn không ngon, ngủ không yên, mất nhiều năng lượng. Khi mất nhiều năng lượng, tế bào ung thư sẽ tấn công trở lại. Vấn đề là đời sống tu học, thực tập hàng ngày rất quan trọng.
Thứ hai mình có niềm tin rất vững giáo lý về nghiệp. Hễ nghiệp mình chết sớm thì có xin thêm một ngày cũng không được. Nếu nghiệp mình chưa chết thì không bao giờ chết sớm được. Đừng có sợ chết phải chấp nhận đối diện với sự thật là mình còn sống trong vài tháng nữa để sống cho hết lòng, đàng hoàng. Nguyên tắc là vậy.
Sự thật khi gần chết, mình sống sâu sắc lắm. Bệnh cũng là một ân sủng. Bệnh là món quà báo động cho mình: Anh chỉ còn thời gian ngắn để sống, thay vì lo sợ thì mình sống vui lên. Nó là cơ hội thay đổi nếp sống. Thứ ba phải tin tưởng rằng mình chắc chắn sẽ lành bệnh thì tự nhiên nó tạo ra sức mạnh để hồi phục.
Người Phỏng Vấn: Con nghe trong thời gian bị bệnh thầy cũng làm việc như thường, cũng đi chia sẻ kinh nghiệm tu học với tăng thân và giúp đỡ được nhiều người có niềm tin vào pháp môn. Xin thầy có thể nói rõ hơn cho chúng con biết không ạ?
Thầy Pháp Đăng: Thật ra sau khi mổ một tháng đầu sức khỏe mình còn yếu lắm. Có lẽ do bị công phá quá nhiều, thứ hai lúc mổ cũng mất nhiều máu và sức lực. Sau mười ngày ở Từ Hiếu (tức mười ngày sau khi rời khỏi bệnh viện về ở chùa), khoảng chừng mười bốn ngày từ lúc mổ, các thầy nói là hai hôm nữa sư anh đi Pháp không biết có thể trở lại được hay không, nên sư anh phải cho bài pháp thoại cuối cùng giống như ngày xưa trước khi Bụt nhập diệt. Mình trả lời sư anh không có hơi, nói không ra tiếng nữa, làm sao nói Pháp. Họ nói sư anh ráng đi, đạo tràng ở đây ai cũng thương sư anh hết, tất cả từ các thầy, các sư cô đến Phật tử rất thích sư anh giảng. Sư anh phải giảng bài cuối! Hôm đó, thầy Từ Hải nói sư anh giảng luôn cho Thiện Tài Đồng Tử một bài ngắn. Bài giảng đó ngắn lại là sâu sắc nhất. Sư cô Thuần Khánh nói: “Đó là bài pháp thoại hay nhất của sư anh.”
Khi vào Sài Gòn chuẩn bị bay về Pháp thì mình quyết định ở lại Thủ Đức để trị bệnh như đã nói trên. Thỉnh thoảng mình có đi hướng dẫn đạo tràng, bói kiều đầu năm ở Pháp Vân. Mồng 10 tết các bạn tổ chức cho mình bói kiều cho sinh viên học sinh nhóm Xuân Phong, nghĩa là mình không có ngại chuyện bệnh tật, coi nó là chuyện bình thường bởi mình tin là sẽ lành lại cho nên tâm hồn mình thật là thoải mái. Nếu cần giúp cuộc đời là mình sẵn sàng, thế nhưng cái hơi ngắn ngủi, sức lực hơi yếu. Mình không có gì quan tâm hay lo ngại chuyện đó, vì biết rằng mình sẽ lành bệnh, sẽ hồi phục nên làm được nhiều chuyện. Mình còn đi hướng dẫn ngày tu nữa, có nhiều bạn tới thăm mình. Hầu như mỗi ngày đều có người tới thăm, tham vấn, thăm hỏi, đàm đạo. Mình luôn chia sẻ tận tình giống như không có bệnh tật gì. Nhiều người hỏi: “Tại sao thầy bệnh sao mà giọng nói thầy tốt ghê, sang sảng, đầy năng lượng?” Ai cũng ngạc nhiên!
Người Phỏng Vấn: Dạ thưa thầy! Thầy có trở lại thăm các bác sĩ đã chăm sóc cho thầy. Hiện nay thầy có theo dõi bệnh tình không ạ ?
Thầy Pháp Đăng: Sáng mình trị với cô lương y ấy, chiều mình trị với một ông lương y khác. Ông này nói: “Con chuyên trị về tai biến và ung thư.” Phòng mạch ông ở quận tám, có hệ thống mát xa, châm cứu, một dãy dài và nhiều người tai biến, ung thư đến điều trị với ông. Đặc biệt là tai biến, ông trị lành rất nhiều người. Ông bắt mạch và nói: “Con sẽ trị lành bệnh cho thầy”. Ông nói:
“Thầy cứ uống thuốc cô ấy, đến chiều thầy uống thuốc con. Thuốc con là thuốc đơn giản. Thuốc nam là những loại lá thuốc đơn giản nhưng mà biết cách phối hợp thì nó cũng trị được ung thư, không cần dùng các loại thuốc qúa cầu kỳ như Đông Trùng Hạ Thảo, Tử Linh Chi... Những loại này quá mắc!
Mình rất may mắn gặp được hai người lương y này giỏi. Sau khi rời Việt Nam, cô lương y bổ cho mình ba thang thuốc làm bằng viên để mình tiếp tục uống cho chắc giúp tiêu diệt sạch tất cả các tế bào ung thư.
Người Phỏng Vấn: Thầy có định trở lại thăm các bác sĩ đã giải phẩu cho thầy hoặc làm các thử nghiệm về Tây y không, thưa thầy ?
Thầy Pháp Đăng: Khi điều trị với hai vị bác sĩ đông y thì khoảng chừng hai tháng rưỡi sau đó, mình có đi thử máu thì họ nói máu rất tốt. Mình chọn bác sĩ nội soi rất giỏi thì cô nói không thấy u nào hết. Cô bác sĩ này hỏi:
- Thầy bị gì mà nội soi.
Mình nói là bị ung thư đại tràng.
- Cô nói đại tràng như thế nào? Mình nói là u ác giai đoạn ba.
Cô hỏi:
- Thầy đã điều trị hóa chất chưa?
Mình trả lời:
- Dạ chưa! Tôi không thích theo phương pháp đó.
Và cô hỏi:
- Thầy trị bằng cách gì?
Mình trả lời:
- Tôi đang trị về đông y thuốc nam và thuốc bắc.
Cô vừa soi vừa nói:
- Ung thư này không dễ trị lắm đâu thầy. Thầy nên vô hóa trị đi. Ung thư này đã làm nhiều người chết. Tuy con soi không thấy khối u nào nhưng nó có thể tái phát bất cứ khi nào không hay. Thầy nên vô hóa trị ngay.
Mình cũng cười thôi. Sau hai tháng rưỡi điều trị không tìm thầy khối u nào hết. Đó là tin mừng!
Người Phỏng Vấn: Tức là nó không tái phát trong hai tháng rưỡi. Theo thầy mình phải tiếp tục sự chữa trị. Mình đề phòng bằng cách nào? Thầy có phương pháp gì để chia sẻ với chúng con không ?
Thầy Pháp Đăng: Mình thật sự cũng không tin lắm vào các bác sĩ, Có thể có năm hay sáu ông bác sĩ toàn là trưởng khoa, phó khoa hội chẩn. Họ nói: “Đây là một ung thư ác tính giai đoạn thứ ba.” Giai đoạn thứ tư là giai đoạn cuối. Mình cũng không tin lắm. Có thể họ lầm, có thể đây chỉ là một khối u thôi, không phải là u nhảy. Đó là cách mình suy nghĩ và chiêm nghiệm.

Nếu thật sự đó là u ác thì trong mười mấy, hai chục năm tu tập đã làm cho cái u đứng yên một chổ. Có thể do Bụt, Tổ, ông bà tổ tiên gia hộ nên cái u đó đứng yên trong thân thể khá lâu. Bác sĩ Tôn Thất Cầu nói:
- Nó to như vậy thì tệ lắm đã có mặt mười năm rồi. Nó ăn máu, hút hồng huyết cầu trong cơ thể.
Cắt đứt cái u đi thì có thể nó không còn chân nữa. Mình có niềm tin là đã lành hẳn bệnh. Niềm tin lành bệnh này giúp mình không cần phải đối trị với nó mà chỉ sống vui, ngăn ngừa sự tái phát.
Người Phỏng Vấn: Hiện nay, cách ăn uống có bình thường hay có gì đặc biệt không?
Thầy Pháp Đăng: Mình ăn uống bình thường nhưng có kiêng chút dầu mỡ. Cái chi có chút dầu mỡ thì mình không ăn. Cái gì lành mạnh, đồ luộc, cơm gạo lứt, nước canh thì mình ăn. Mình kỵ nhất là ăn trái cây chung với cơm. Mình ăn trái cây riêng, tức là ăn trái cây trước một giờ. Khi ăn cơm chỉ là cơm thôi. Mình ăn rau cải bình thường, rau cải tươi, thức ăn không dầu mỡ.
Người Phỏng Vấn: Con chúc thầy tiếp tục sống vui, sống khỏe để phụng sự cho tăng thân. Thầy là tấm gương sáng cho chúng con đi theo. Nếu chúng con lỡ gặp phải khó khăn bệnh tật gì thì thầy có muốn chia sẻ gì thêm không ạ?
Thầy Pháp Đăng: Thưa đại chúng! Mình xin nói một điều cuối là khi gặp bệnh tật thì bạn đừng có sợ hãi. Hãy xem đây là một ân sủng, món quà của cuộc đời tặng để bạn sống sâu sắc những giây phút còn lại. Nếu bệnh tật quyết định bạn chỉ còn có một năm nữa hay ít hơn thì cũng là một món quà quí. Vấn đề là sống vui. Đôi khi từ giai đoạn chỉ còn một năm nữa, có thể bạn lại sống thọ lâu hơn.
Cơ thể chỉ là một phần nhỏ, cái tâm mới mạnh mẽ và vĩ đại hơn nhiều. Cái tâm có thể chuyển được tình trạng của cơ thể. Bệnh tật không thể nào tránh được, có khi do nghiệp lực nhưng đôi khi do các chất độc từ thức ăn thức uống tạo ra. Quan trọng là khi đối diện với nó, bạn nhớ đây là món quà, ân sủng mà đừng lo sợ. Chính cái lo sợ làm cho bạn chết sớm. Bao nhiêu người chết đều do lo sợ, không chấp nhận cái bệnh và cứ suy nghĩ cái bệnh này chắc chắn không có thể trị được.
Bạn luôn nói rõ là bệnh này có thể trị được, trị bằng nhiều cách, nhưng cái tâm là mạnh nhất. Sức mạnh của tâm có thể thay đổi tất cả những tế bào trong cơ thể. Quan trọng nhất là sống vui tươi, yêu đời.
Tất cả các khó khăn gì trong thân thể và nỗi khổ đau gì trong tâm hồn đều có thể trị lành. Bạn phải có niềm tin như vậy. Thời gian trị bệnh vừa qua, ai cũng nghĩ hai vị lương y đó đã trị lành cho mình, nhưng vẫn có những người khác uống thuốc với của hai người ấy vẫn chết như thường. Vậy, bạn phải tin sự tu tập, niềm vui, lòng tự tin của bạn mới là phương pháp trị liệu cao nhất. Tin rằng bạn sẽ lành bệnh.
Nguồn : Langmai Online

THỞ và THIỀN

...Tôi đến với Thiền rất trễ. Trước đó, những năm hai mươi tuổi tôi cũng có đọc thiền, biết thiền qua sách vở, qua Krishnamurti, Suzuki, thầy Minh Châu, thầy Nhất Hạnh… nhưng đọc để biết, để có kiến thức thế thôi. Tôi cảm thấy thiền là cái gì đó huyền bí xa vời, có phần như mê tín dị đoan nên chỉ “kính nhi viễn chi”. Tôi là một bác sĩ, hơn 12 năm làm ở Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Saigon, rồi hơn 20 năm phụ trách Trung tâm truyền thông và Giáo dục sức khỏe, thực hiện các chương trình Chăm sóc sức khỏe ban đầu (Primary He alth Care), tham gia giảng dạy ở đại học Y, viết sách báo v.v… làm việc như điên, cho đến một hôm người ta phải đưa tôi đi bệnh viện để mổ sọ não cấp cứu vì tai biến mạch máu não. Từ lúc lơ mơ đến lúc tỉnh dậy ở phòng hồi sức… hình như tôi đã trải qua một cuộc… phiêu lưu kỳ thú! Khi bước đi được trên nền đất những bước đầu tiên lẩm đẩm như một em bé, tôi thấy quả là một phép lạ. Tôi nhìn tôi trong gương với cái đầu trọc lóc mà thấy tức cười. Bạn bè trong ngành ai cũng thương cho thật nhiều thuốc. Tôi chọn dùng một thứ duy nhất bởi biết bệnh mình không thể chữa bằng thuốc mà phải thay đổi cách sống, cách nghĩ, cách làm. Phải tìm một con đường khác thôi. Rồi tình cờ tôi đọc lại Tâm Kinh “ Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát Nhã ba-la-mật-đa thời chiếu kiến ngũ uẫn giai không, độ nhất thiết khổ ách…”. Những câu kinh xưa mịt mờ bây giờ bỗng sáng rõ lạ lùng với tôi. Phải rồi. Phải tự tại thôi. Phải dựa vào chính mình thôi. Tôi vừa tìm hiểu kinh thư vừa lục toang đống sách y khoa đã học từ mấy chục năm trước để tìm kiếm con đường mới mẻ này. Thì ra đã sẵn có một con đường mà bấy lâu tôi mãi xa lạ. “Đây là con đường độc nhất dẫn tới thanh tịnh cho chúng sanh, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng đắc Niết Bàn…” (Satipatthana, Tứ Niệm Xứ).
Con đường độc nhất ư? Có thể dẫn tới thanh tịnh ư? Còn mong gì hơn khi ta đang sống trong một thời đại đầy “điên đảo mộng tưởng”. Có thể diệt trừ khổ ưu ư? Còn mong gì hơn khi ta đang sống một nếp sống đầy khổ đau và phiền muộn. Rồi còn thành tựu chánh trí nữa ư?… Thì ra cái “trí” của ta bấy lâu chỉ là cái trí tích cóp, cái “thức” của ta bấy lâu chỉ là cái thức phân biệt, thị phi…
Thầy thuốc chỉ chữa được cái đau mà không chữa được cái khổ, chỉ chữa được cái bệnh mà không chữa được cái hoạn. Do vậy mà dù khoa học y học ngày càng phát triển với những thành tựu đáng kinh ngạc nhưng cũng chỉ là manh mún và thiếu sót, lệch lạc, tình trạng tâm thần, tự tử, bạo lực, bất an và các bệnh do hành vi lối sống gây ra như tim mạch, tiểu đường, béo phì… cứ ngày càng phát triển! Thiền, phải chăng là một lối thoát?
“… Và này các Tỳ-kheo, như thế nào là tu tập nhập tức xuất tức niệm? Ở đây vị Tỳ- kheo đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, ngồi kiết già, lưng thẳng và trú niệm trước mặt. Chánh niệm vị ấy thở vô; chánh niệm vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy biết: “Tôi thở vô dài” hay thở ra dài, vị ấy biết: “Tôi thở ra dài” Hay thở vô ngắn, vị ấy biết: “Tôi thở vô ngán” Hay thở ra ngắn, vị ấy biết: “Tôi thở ra ngắn”… (Anapanasatisutta, Thích Minh Châu dịch).
Với “kỹ thuật” thiền Anapanasati – Nhập tức xuất tức niệm, An-ban thủ ý hay “Quán niệm hơi thở”- được dạy trong kinh Tứ niệm xứ (Satipathana): “con đường độc nhất dẫn tới thanh tịnh cho chúng sanh, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí…”, một phương pháp thiền căn bản, có cơ sở khoa học, sinh y học, mang lại sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống vừa là con đường tâm linh, giúp “thấy biết” Vô thường, Vô ngã, Không, Duyên sinh, Thực tướng vô tướng… đưa tới “giải thoát và giải thoát tri kiến” … chẳng phải tuyệt vời sao?
Tôi vừa tìm hiểu Anapanasati trong kinh sách vừa lục lọi lại toàn bộ kiến thức y khoa của mình về cơ thể học, sinh lý học, sinh lý bệnh học và cả mối quan hệ giữa thân và tâm, cơ chế hoạt động của não bộ v.v… rồi có kế hoạch đi vào thiền tập, thực hành, sau khi tham vấn một vài vị sư, thầy mà tôi tin tưởng, quý mến.
Có một sự nhất quán, xuyên suốt trong lời dạy thiền định của Phật, từ Tứ niệm xứ (Satipatthàna) tới Thân hành niệm (Kàyagatàsati), rồi Nhập tức xuất tức niệm (Ànàpànasati), đó là THỞ. Kinh viết “Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra. Thở vào dài thì biết thở vào dài, thở ra ngắn thì biết thở ra ngắn…”. Tóm lại, là luôn quán sát hơi thở, đặt niệm (Sati, nhớ, nghĩ) vào hơi thở. Chỉ có vậy. Mà vô vàn. Mà “bất khả tư nghì”!
Nhưng khi đọc câu “Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra…” có thể gây hiểu lầm ở đây, bởi ai mà chẳng biết thở cơ chứ! Mới sinh ra thì đã phải thở rồi kia mà! Thế nhưng ở đây không phải là biết thở, mà là nhận thức được (recognize), ý thức rõ (realize), cảm nhận được (perceive) cái sự thở, cái hơi thở đang đi vào và đang đi ra. Đó mới là điều cốt lõi! Nhận thức, ý thức, cảm nhận, ấy chính là niệm (nhớ), là quán (quan sát, suy tưởng) về sự thở, về hơi thở. Nhờ đó mà một mặt, ta giải thoát tâm ta khỏi những vướng mắc lăng xăng, một mặt ta nhận ra ý nghĩa cuộc sống và từ đó, buông bỏ bao nỗi lo toan, sợ hãi của kiếp nhân sinh để có sức khỏe và hạnh phúc.
Dù gọi là Thiền (Việt) hay Chan (Hoa), Zen ( Nhật)… thì cũng đều có nguồn gốc từ Dhyana (Sanskrit) hay Jhanas (Pali). Theo ngữ nguyên thì Jha là nhìn, là quán sát, là theo dõi và Ana là thở, hơi thở, là khí. Vậy, jhanas hay dhyana chính là “quán sát hơi thở”, “nhận thức hơi thở”. Vấn đề là tại sao và cách nào để chỉ từ một việc có vẻ rất giản đơn là quán sát hơi thở lại có thể dẫn tới tuệ giác, một sự chuyển hóa từ “khí” mà thành “trí”?
Âu Mỹ mới đi sâu nghiên cứu về thiền chừng khoảng hơn nửa thế kỷ nay nhưng ngày nay thiền đã được coi là một phương pháp trị liệu hiệu quả trong y học. Trong thiền định, hành giả có thể giảm hơn 40% nhu cầu Oxy và giảm 50% nhịp thở. Lúc đầu các nhà khoa học nghĩ rằng thiền cũng giống như giấc ngủ hay nghỉ ngơi tích cực, nhưng qua các nghiên cứu cho thấy thiền khác hẳn, thực sự là một trạng thái tỉnh giác, ở mức tiêu thụ năng lượng thấp nhất tùy trình độ hành giả! Ở những hành giả thực hành thiền dài khoảng 30-40 phút thấy mức lactate trong động mạch giảm, phenylalanine tăng 20%, hoạt động hệ giao cảm giảm trên bề mặt da và nhịp tim cũng giảm đáng kể. Về nội tiết, thấy giảm cortisol (hormone chủ yếu của stress) và ACTH; TSH cũng giảm, trong khi đó arginine vasopressin, được coi là có vai trò trong học tập và trí nhớ lại gia tăng đáng kể. Hiện ngày càng có nhiều nghiên cứu về beta-endorphin, corticotropin, melatonin, DHEA, hứa hẹn giải thích cơ chế tác dụng của thiền trên nhiều mặt về y sinh học… Hoạt động điện não đồ EEG cho thấy thiền có sự khác biệt với nghỉ và ngủ. Nhờ những tiến bộ về kỹ thuật thăm dò chức năng não bộ như PET (Positron Emission Tomography) và nhất là fMRI (functional Magnetic Resonance Imaging) đo lượng tưới máu não, cho thấy ở thiền giả một số vùng não được tưới nhiều hơn vùng khác, chứng tỏ thiền không phải là giấc ngủ, trái lại là một trạng thái an tịnh tỉnh giác (state of restful alertness). Điều này cho thấy thiền giả không phải tiêu hao nhiều năng lượng cho các hoạt động của vỏ não. Các nghiên cứu về sinh lý học trong thiền vẫn còn đang tiếp diễn, thế nhưng đã chứng minh được thiền có khả năng làm giảm stress, giảm huyết áp, tạo sự sảng khoái… là yếu tố của sức khỏe, của chất lượng cuộc sống.
Thống kê của cơ quan bảo hiểm y tế cho thấy thiền giúp giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân và giảm số lần đi khám bệnh.
Nghiên cứu đối chứng về cơn đau kinh niên, lo âu, trầm cảm, thiền làm giảm 50% các triệu chứng tâm thần nói chung và giảm 70% triệu chứng lo âu.
Một nghiên cứu trên học sinh cấp 2 có thực tập thiền, cho thấy kết quả học tập tốt hơn, có khả năng tập trung, có thói quen làm việc, cải thiện hành vi (xung đột, hung hãn), tăng lòng tự tín, khả năng hợp tác và quan hệ với người khác.
Thiền cũng giúp làm giảm cân, giảm béo phì, nghiện thuốc lá, rượu và các chất ma túy nói chung. Đặc biệt, một nghiên cứu đối chứng ở 44 bệnh viện cho thấy thiền đã giúp làm giảm sai sót chuyên môn y khoa đến 50%, đồng thời cũng làm giảm 70% các vụ khiếu kiện của bệnh nhân đối với bệnh viện.
Trở lại với thiền Anapanasati, câu hỏi đặt ra là tại sao quán sát hơi thở? Sao lại không chọn các đối tượng khác để quán sát? Thật ra “quán sát” gì cũng được, từ hòn đá, cục sỏi, tới làn sóng, tiếng gió, hạt sương, ánh nắng … nhưng quán sát hơi thở thì tiện lợi hơn, hiệu quả hơn mà không sợ những tai biến có thể có trong quá trình “hành thiền”. Ngay cả trong cơ thể, tim đập khó theo dõi, hoàn toàn ngoài ý muốn, khó can thiệp. Dạ dày thì làm việc âm thầm, cũng khó mà quan sát. Trừ hơi thở! Hơi thở dễ quan sát nhất vì nó nằm ngay trước mũi mình, ngay dưới mắt mình! Lúc nào cũng phải thở. Ở đâu cũng phải thở. Cái hay nữa là quán sát nó thì không ai nhìn thấy, chỉ riêng ta biết với ta thôi! Mỗi phút lại phải thở cả chục lần. Lúc mau lúc chậm, lúc ngắn lúc dài, lúc phì phò lúc êm dịu. Hơi thở lại rất nhạy với cảm xúc. Trước một cảnh đẹp, ta “nín thở”. Lúc lo âu, ta hổn hển. Lúc sảng khoái ta lâng lâng. Lúc sợ hãi, hồi hộp ta thở nhiều kiểu khác nhau, muôn hình vạn trạng. Và nhờ đó mà thấy vô thường. Nhờ đó mà ta quán sát được cái tâm ta. Thở lại gắn mật thiết với các hoạt động cơ bắp. Khi mệt, ta mệt “bở hơi tai”, mệt đứt hơi, mệt hết hơi; khi khỏe, ta thở nhẹ nhàng sảng khoái! Nhờ đó mà ta quán sát được cái thân ta. Hơi thở chính là sợi dây nhạy cảm nối kết thân với tâm. Thở vừa ý thức, vừa vô thức. Như không cần ta. Như ở ngoài ta. Như không có ta. Ở đó, một trạng thái vô ngã, không thời gian, không không gian. Thở gắn với sự sống chết của kiếp người. Còn sống còn thở, chết hết thở, tắt thở, ngừng thở. Đời người thực ra chỉ là… một hơi thở! Khi chào đời em bé khóc thét lên một tiếng thật to để hít mạnh không khí vào phổi để rồi khi lìa đời, cụ già lại thở hắt ra một cái, trả lại cho đời tất cả những gì đã vay mượn! Giữa hai lần thở vào thở ra đó là những đợt thở… lăn tăn như những làn sóng nhỏ, mà nối kết các làn sóng nhỏ lăn tăn đó lại với nhau ta có cuộc rong chơi trong cõi “Ta bà”! Mỗi hơi thở vào ra trung bình khoảng 5-10 giây. Mỗi giây, trong cơ thể con người đã có hằng trăm triệu tế bào hồng cầu bị hủy diệt và hằng trăm triệu hồng cầu khác được sản sinh. Quán sát hơi thở do đó ta thấy được sự sinh diệt trong từng sát-na.
Thở có thể làm chuyển biến tâm trạng, chuyển hóa cảm xúc, hành vi ta nữa. Đang sôi giận mà kịp nhớ lại, quán sát sự thở của mình thì thấy tức cười, bèn quên giận mà hơi thở được điều hòa trở lại lúc nào không hay: điểm hưng phấn trên vỏ não đã bị dịch chuyển! Nói khác đi, ta có thể dùng cách quán sát hơi thở để tự kiểm soát cảm xúc và hành vi của mình. Quán sát hơi thở cũng lôi kéo ta trở về hiện tại – không còn đắm mình vào dĩ vãng hay tương lai. Bởi vì thở là thở trong hiện tại. Ở đây và bây giờ.
Phổi ta như một cái máy bơm, lồng ngực như cái xy-lanh (cylindre), cơ hoành là cơ hô hấp chính, như một cái pit-tông (piston) thụt lên thụt xuống ( giống bễ lò rèn). Cơ hoành có thể nhích lên xuống khoảng 7 cm, mà mỗi 1 cm đã hút vào hoặc đẩy ra 250 ml không khí. Thực tế cơ hoành chỉ cần nhích lên xuống chừng một vài cm là đủ… sống. Cũng cần nhớ rằng phổi “phình xẹp” để đưa khí vào ra là nhờ có áp suất thay đổi. Khi áp suất âm trong phổi và các phế nang thì khí bên ngoài tự động lùa vào, tuôn vào, lấp đầy phổi, cho đến một lúc lượng khí bên trong đầy dần lên thì chuyển sang áp suất dương, sẽ đẩy khí ra. Có một thời điểm áp suất cân bằng nhau, hay nói cách khác, áp suất bằng không (0 = zéro), thì khí bên trong cơ thể và bên ngoài vũ trụ chan hòa thành một, không phân biệt. Đó chính là quãng lặng. Quãng lặng đó ở cuối thì thở ra – trước khi thở vào trở lại – thường kéo dài, thong dong, nhẹ nhàng, yên tịnh, vì không hề tốn năng lượng. Như chim lượn bay, không phải vỗ cánh, như xe ngon trớn chạy ở số không, không tốn nhiên liệu! Tôi cho đó chính là giai đoạn “Prana”. Pra có nghĩa là trước và Ana là thở vào (trước thì thở vào cũng có nghĩa là sau thì thở ra). Prana đã được biết đến từ xa xưa. Yoga, khí công, cũng như y học Đông phương đã nói đến Prana từ thời cổ đại. Trong yoga có “pranayama” là kiểm soát hơi thở. Trong thiền định, không còn là vấn đề kiểm soát hơi thở nữa mà hơi thở sẽ tự kiểm soát! Đến một lúc nào đó, khi vào sâu trong thiền định, hành giả sẽ không cảm nhận mình thở nữa (tứ thiền). Hơi thở nhẹ gần như ngưng bặt. An tịnh. Hòa tan. Tan biến. Có thể nói đến một phương pháp thiền – tạm gọi là “Pranasati” ở đây chăng? – tức đặt “niệm” vào quãng lặng. Và thực chất cũng không còn cả niệm, một trạng thái “vô niệm” hoàn toàn chăng? Những hành giả giàu kinh nghiệm (thiện xảo) cho biết có thể vào định ngay hơi thở đầu tiên có lẽ nhờ rèn tập mà khoảng lặng ngày càng dài ra, mênh mông ra như không còn biên giới, như hòa tan vào hư không, lắng đọng, thanh thoát. Lúc đó không còn ý niệm về không gian, thời gian, về ta, về người…
Hô hấp diễn ra trong từng tế bào, nhằm tạo ra năng lượng cho cơ thể hoạt động và tồn tại. Người lao động nặng cần năng lượng gấp ba bốn lần người bình thường, trong đó hoạt động cơ bắp đã chiếm gần một nửa. Riêng não bộ, với trọng lượng rất nhỏ bé, chỉ khoảng 2% thể trọng mà đã tiêu dùng đến 25% năng lượng của cơ thể. Giận dữ , lo âu, sợ hãi tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Cho nên những lúc đó ta dễ cảm thấy kiệt sức, rã rời! Ngủ là một cách giảm tiêu hao năng lượng, nhưng vẫn còn co cơ, vẫn còn chiêm bao. Một đêm ác mộng sẽ thấy bải hoải toàn thân khi thức giấc! Thiền giúp tiết giảm tiêu thụ năng lượng một cách đáng kể, còn hơn cả giấc ngủ. Một khi cơ thể giảm tiêu thụ năng lượng thì các tế bào được nghỉ ngơi, nên toàn thân cảm thấy thấy nhẹ nhàng sảng khoái. Trạng thái nhẹ nhàng sảng khoái đó xảy ra trên từng tế bào của cơ thể. Một cảm giác lâng lâng dễ chịu toàn thân của hành giả, đó chính là trạng thái hỷ lạc (thiền duyệt).
Cơ thể ta có khoảng trăm ngàn tỷ tế bào. Mỗi tế bào thực chất là một “sinh vật” háo ăn, háo làm, háo tiêu thụ Oxy (để kết hợp với thức ăn qua những phản ứng gọi là Oxyt-hóa) nhằm tạo ra năng lượng. Nhưng Oxyt-hóa càng mạnh thì càng tạo thêm các gốc tự do và các chất… bã, làm cho cơ thể mau mệt mỏi, mau già nua! Giống như một thanh sắt để ngoài nắng gió một thời gian sẽ bị Oxyt-hóa thành rỉ sét. Khi cơ thể đã chùng xuống, đã giãn cơ, tức giảm tiêu hao năng lượng một cách đáng kể rồi thì cũng sẽ thấy không cần thiết phải cung cấp các dưỡng chất qua thức ăn (bột, đạm, dầu mỡ)… nữa. Ăn ít mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng thì cơ thể đỡ vất vả, các tế bào đỡ hùng hục làm việc, tinh thần sẽ sảng khoái. Các nghiên cứu trên sinh vật bị cho nhịn đói vừa phải thấy sống lâu hơn và trẻ lâu hơn! Hành giả thực hành thiền hơn 5 năm có tuổi già sinh lý trẻ hơn 12 năm so với người cùng tuổi, dựa trên 3 yếu tố là huyết áp, khả năng điều tiết nhìn gần của thị giác và khả năng phân biệt của thính giác.
Ai có thể ‘thở” giùm ai? Ai có thể “thiền” giùm ai?
(ĐHN)
(Tập san LIỄU QUÁN, Huế, tháng 5-2015)

CÂU CHUYỆN VỀ LÒNG BIẾT ƠN.

Có một chàng trai trẻ vừa tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc nộp đơn dự tuyển vào một vị trí quản lý tại một công ty lớn.
Anh ta vượt qua các vòng đầu tiên. Đến vòng cuối cùng, đích thân ông Giám đốc phỏng vấn để đưa ra quyết định cuối cùng.
Ông Giám đốc phát hiện ra một điều từ CV của chàng trai trẻ rằng trong suốt các năm học, anh ta luôn đạt thành tích học tập một cách xuất sắc. Từ trường Trung học cho đến khi vào Đại học và thi tốt nghiệp, không năm nào mà chàng trai này không đạt được danh hiệu xuất sắc.
Ông Giám đốc hỏi, “Anh có bao giờ nhận được học bổng từ trường không”. “Không bao giờ”, chàng trai trả lời.
Ông Giám đốc bèn hỏi tiếp,”Vậy là cha anh đã trả toàn bộ học phí cho anh phải không?”. Chàng trai trẻ trả lời:” Cha tôi đã mất từ hồi tôi được một tuổi, toàn bộ số tiền học phí là do mẹ tôi gánh vác”.
“Vậy mẹ anh làm việc ở công ty nào?” Ông Giám đốc hỏi. Chàng trai trẻ bèn trả lời, “Mẹ tôi làm công việc giặt quần áo”.
Ông Giám đốc nghe vậy bèn đề nghị chàng trai trẻ đưa hai bàn tay ra cho ông xem. Hai bàn tay chàng trai khá đẹp và mềm mại.
Ông Giám đốc hỏi:” Vậy trước đây có bao giờ anh giúp đỡ mẹ anh trong việc giặt quần áo chưa?”. “Chưa bao giờ”, chàng trai trẻ trả lời, “Mẹ tôi lúc nào cũng chỉ muốn tôi học và đọc thật nhiều sách. Hơn nữa, mẹ tôi có thể giặt quần áo nhanh hơn tôi.”
Ông Giám đốc nghe thấy vậy bèn nói: “ Tôi có một yêu cầu. Hôm nay lúc anh về nhà, hãy đi và rửa hai bàn tay của mẹ anh. Rồi hãy đến gặp tôi vào sáng ngày hôm sau”.
Chàng trai trẻ cảm giác rằng cơ hội trúng tuyển của mình vào công ty này rất cao. Anh ta liền vui vẻ về nhà gặp mẹ và nói với bà hãy để anh ra rửa hai bàn tay của bà ngày hôm nay. Bà mẹ nghe vậy cảm thấy rất lạ, trong lòng bà dấy lên những cảm xúc vui buồn lẫn lộn, bà bèn đưa hai bàn tay mình ra cho chàng trai.
Chàng trai trẻ chầm chậm rửa sạch bàn tay của mẹ mình. Từng giọt nước mắt của chàng trai rơi xuống khi anh ta thực hiện công việc của mình.Lần đầu tiên chàng trai nhận ra rằng đôi bàn tay của mẹ mình thật là nhăn nheo, hơn nữa hai bàn tay còn chằng chịt những vết sẹo và chai sạn. Những vết sẹo này hẳn là rất đau đớn vì chàng trai cảm nhận được bà mẹ khẽ rùng mình mỗi khi chàng trai rửa chúng trong nước.
Đây cũng là lần đầu tiên chàng trai trẻ nhận ra rằng chính đôi bàn tay này hàng ngày làm công việc giặt quần áo để có thể trang trải đủ tiền học phí của anh ta ở trường học. Những vết sẹo trên đôi bàn tay của bà mẹ cũng là cái giá cho kết quả đậu tốt nghiệp, cho những bảng điểm xuất sắc và cho cả tương lai của anh ta.
Sau khi rửa sạch đôi bàn tay của bà mẹ, chàng trai trẻ lặng lẽ giặt nốt luôn chỗ quần áo còn lại trong ngày.
Tối hôm đó, bà mẹ và chàng trai đã nói chuyện với nhau rất lâu.
Sáng ngày hôm sau, chàng trai trẻ quay lại công ty phỏng vấn.
Ông Giám đốc nhận thấy nước mắt còn đọng trên khóe mắt của chàng trai trẻ bèn hỏi:” Anh có thể cho tôi biết anh đã làm gì và học được những gì ở nhà của anh ngày hôm qua không?”
Chàng trai trả lời:” Tôi đã rửa đôi bàn tay của mẹ tôi, và tôi cũng đã giặt nốt chỗ quần áo còn lại.”
Vậy anh hãy cho tôi biết cảm giác của anh như thế nào?” Ông Giám đốc hỏi.
Chàng trai trẻ bèn trả lời trong nước mắt:
Thứ nhất: Tôi hiểu được nhờ có mẹ mà tôi có được ngày hôm nay.
Thứ hai: Tôi hiểu được kiếm tiền vất vả đến như thế nào.
Thứ ba: Tôi đã nhận thức được sự quan trọng và giá trị của tình cảm gia đình.
Ông Giám đốc nói:” Đó chính xác là những gì tôi cần tìm ở một nhà quản lý. Tôi muốn tìm những ứng viên có thể nhận thức được sự giúp đỡ của những người khác, người có thể hiểu được sự khó nhọc của người khác khi hoàn thành một công việc nào đó, và là người không đặt tiền bạc là mục đích sống duy nhất của mình. Xin chúc mừng. Anh đã được tuyển.”
Sau đó, chàng trai trẻ làm việc rất chăm chỉ và nhận được sự nể trọng của các nhân viên của mình. Mỗi thành viên trong nhóm làm việc rất cần cù và đoàn kết. Tình hình kinh doanh của công ty phát triển đạt mức doanh thu cao một cách đáng kinh ngạc.

(Sưu tầm)

Cái TÂM là gì ?

PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)
Cái Tâm là cái gì? Chúng ta thường nói rằng mọi sự đều do tâm tạo ra. Điều này lại càng chính xác hơn nữa, nếu chúng ta đừng bao giờ đồng nhất và đồng hóa với cái bản ngã hay cái “tôi” nội tại của chính mình. Hiểu được tâm là gì chính là điều khó khăn nhất trong những điều khó khăn nhất của kiếp người. Cái lòng của mình hay cái lòng của người đời không phải là chuyện dễ hiểu như chúng ta thường tưởng như vậy.
Đừng bao giờ tự nhận rằng mình tự hiểu cái lòng mình hay hiểu được lòng người; có ý thức trọn vẹn như vậy thì mới có khả năng tạ ơn, ngưỡng mộ, và tôn kính tất cả những gì khó khăn và khó hiểu nhất hiện nay. Mỗi khi mình vừa tìm cái tâm thì tâm đã đi mất rồi. Tâm không phải là cái mà mình có thể đạt tới được trong quá khứ, hiện tại, và tương lai. Điều bí mật lạ thường là cái tâm không ở thời gian và không ở trong không gian mà vẫn bùng sáng liên tục.
Điều đầu tiên cần hiểu về cái tâm là cái tâm không là một cái gì cả mà tâm lại không là hư vô. Nói về bản chất hay về tính thể của cái tâm là tạm dùng danh từ dễ hiểu để gọi một cái không hề giống như cái mình tưởng nhận lầm lạc. Nói theo danh từ Phật Pháp thì tâm không có tự tính, vì không có tự tính (vô tự tính) nên không có thực thể, không có hữu thể. Tâm là Không Tính mà Không Tính lại chính là Tâm. Điều cuối cùng cần nhớ thường trực: cái Tâm vốn là trống trải, trong veo, sáng ngời, vô ngại, thông đạt. Sự trống rỗng ở đây không phải là không có gì cả mà lại biết được tất cả, sáng và sướng đồng lúc.
Cái tâm thường tình của chúng ta:
Tâm thức thường ngày của chúng ta không bao giờ được trọn vẹn trong sạch, không có lúc nào mình không thấy tham lam, không có lúc nào mà không tham dục, không tham ái. Lúc nào mình cũng đeo níu, giữ chặt một cái gì đó, lúc nào cũng rất dễ sân hận, bực tức, nổi giận; thường khi người si tối tăm điên dại, lắm lúc ghen ghét đố kỵ với sự vinh quang thành công của kẻ khác, ít khi mình vui sướng hồn nhiên trọn vẹn khi nhìn thấy sự hạnh phúc sung sướng của người khác.
Chính cái tâm thức thường ngày và thường tình đã đẩy xô mình rơi xuống đầu thai vào ba nẻo xấu: địa ngục, ngạ quỉ và súc vật. Những cõi bị đầu thai này đều có thực nhãn tiền, không phải bày đặt ra để dọa người đời. Tất nhiên sáu nẻo luân hồi đều do tâm tạo ra, như người nằm chiêm bao nhìn thấy đủ ác mộng hoặc nhìn thấy cảnh đẹp trong mộng, khiến mình sợ hãi hoặc sung sướng. Những sự việc, những cảnh sắc, những hình ảnh trong mộng không có thực, mà mộng có thực.
Chiêm bao vẫn có thực, mặc dù những gì xảy ra trong chiêm bao đều là những gì không thực sự xảy ra lúc tỉnh thức giống như sự tưởng tượng có thực, mặc dù mình biết rằng những điều tưởng tượng đều không có thực. Chỉ khi nào tâm thức mình đạt tới trạng thái trống trải, trống rỗng, trong sạch, trong suốt, trong veo, sáng rực, sáng ngời, không có chướng ngại (vô ngại) và biết được hết mọi sự, tức là vừa trong sáng, vừa trống rỗng, vừa vô ngại vừa thông đạt tất cả mọi sự, đồng lúc với sự trống trải của tâm thức rực sáng là cơn sung sướng cực độ (cực lạc) phát dậy liền.
Tất cả đều có sẵn trong tâm thức chúng ta:
Nếu chúng ta biết cách điều động hướng dẫn trí tưởng tượng của chúng ta, chúng ta sẽ giựt mình nhận ngay rằng sức mạnh kinh hồn của trí tưởng tượng linh hoạt trong mọi bình diện đời sống, những điều lớn lao nhất trong đời đều có sẵn trong chúng ta. Chính sức mạnh của trí tưởng tượng có khả năng vô biên sáng tạo ra những cái cụ thể mà chúng ta thường gọi là thực tại và thực tế. Tất cả những điều chúng ta tưởng tượng mỗi ngày chính là điều xô đẩy mình (lúc chết) đầu thai vào những cõi tối tăm xấu ác bi thảm. Biết tưởng tượng ra điều cao đẹp thì được sống cõi cao đẹp.
Chuyển hóa tâm thức cũng là một cách tích cực xoay chuyển trí tưởng tượng mình vào trên đỉnh núi, mở rộng tầm nhìn của mình vọng thẳng lên bầu trời bao la mênh mông, quán tưởng, và quán tượng vô số chư Phật và chư Đại Bồ Tát đang vân tập như mây ngũ sắc đầy trời. Tất cả đều có sẵn trong tâm thức của chúng ta, chỉ khi nào tâm được trống trải, trống rỗng, sáng ngời, sáng rực thực sự, lúc ấy niềm cực lạc xuất hiện trọn vẹn đồng lúc với sự thông đạt vô ngại của Không Tính.
Phải làm gì để đạt tới được sự xoay chuyển trọn vẹn của tâm thức quay trở về lại Phật Tính?
Bước đầu tiên là phải qui y Tam Bảo. Khi đã qui y Tam Bảo thì không bao giờ trở lại qui y thế gian và qui y thế tục, không bao giờ có thể qui y tà ma hay quỉ thần ngoại đạo, dù có phải chịu tử hình hay bị phá hủy thân mạng cũng dứt khoát không bao giờ từ bỏ Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), nhất cử nhất động, mỗi một cử chỉ và mỗi một hơi thở đều xoay hướng tạ ơn, ngưỡng mộ, và tôn kính Phật, Pháp, Tăng. Một lúc nào đó, hơi thở sẽ trở nên thơm ngát như bông sen.
Tam Bảo chính là tâm thức của chúng ta:
Mỗi lúc tâm thức mình bất ngờ được chuyển hóa toàn diện, được lọc sạch trong sáng rực ngời, lúc ấy Phật, Pháp và Tăng không còn là cái gì ở bên ngoài mình, không còn cách biệt với mình: Tam Bảo trở thành bản thân và bản thức của chính mình. Qui y Tam Bảo, tri ơn, ngưỡng mộ, tôn kính Phật, Pháp và Tăng: đó là tri ơn, ngưỡng mộ, tôn kính “bản lai diện mục” của mình. Mình thờ phụng, quì lạy liên tục, cúng dường, sám hối, thỉnh cầu sự hiện diện thường xuyên của tất cả những gì cao quí nhất.
Đời người chỉ có ý nghĩa thực sự mỗi khi mình được thường trực sống thở ngay vào bên trong lòng bông sen thơm trắng, lúc thành Phật thì chính mình sẽ ngồi trên cái bông sen tinh khiết ấy. Phật tử đúng nghĩa phải là người qui y Tam Bảo và không bao giờ qui y tám pháp của thế gian, Phật tử đúng nghĩa xa lìa dứt khoát tám điều dao động bản thân một cách dữ dội nhất, gọi là tám cơn gíó chướng:
1) Vui sướng khi được khen ngợi ca tụng.
2) Đau đớn khi bị mắng chửi.
3) Vui sướng khi được lợi lộc tài sản.
4) Đau khổ khi mất lợi lộc tài sản.
5) Vui sướng khi được nổi tiếng, khi được thành công.
6) Đau khổ vì bị thất bại hay vô danh.
7) Vui sướng khi được tiện nghi thoải mái.
8) Đau đớn khi bị mất tiện nghi.
Nói gọn lại: danh thơm, tiếng xấu, được mất, khen, chê, sướng, khổ. Dù tu hành trọn đời cho đến 95 tuổi, lúc chết lại bất ngờ bị một trong tám cơn gió chướng này thổi đến làm dao động tâm thức, lúc ấy, vừa chết liền đọa ngay địa ngục, vì đã đánh mất Bồ Đề Tâm.
Do đó, điều quan trọng vô cùng, mỗi khi vừa qui Tam Bảo, phải dứt khoát vững vàng, kiên định, bất lay chuyển trước tám ngọn gió đời và phát nguyện thể hiện Bồ Đề Tâm.
Không có Bồ Đề Tâm thì chẳng có Phật, Pháp, và Tăng:
Nhà đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã dịch “Bồ Đề Tâm” là “lòng Bồ Đề”, chữ “lòng” đã nói lên tất cả dị biệt siêu việt của tiếng nói quê hương. Đạo Phật không xuất thế và cũng không nhập thế: Đạo Phật vẫn liên tục chuyển thế trong từng giây phút trôi qua trên mặt đất và trong cả toàn thể vũ trụ với hàng trăm tỷ thiên hà bao la.
Bồ Đề Tâm là gì? Lòng Bồ Đề là tấm lòng sắt son quyết kiệt chứng nhập Giác Ngộ viên mãn vì lợi ích mênh mọng sâu rộng cho tất cả chúng sinh.
Bồ Đề là bỏ mình cho người khác.
Bỏ mình cho tất cả mọi kẻ khác và cho tất cả sinh vật khác một cách sáng suốt, trong sạch, trống trải, rực ngời, khỏe mạnh. Điều này không phải chỉ nằm trong ý nguyện hay đại nguyện thôi mà lại được thực hiện trọn vẹn ngay trong từng bước chân của bực Bồ Tát trên con đường thu nhiếp lại cứu cánh tối hậu: mỗi bước chân đã là lộ trình trọn vẹn, chỗ đi tới đã lập tức được thực hiện trong từng bước chân, vì chứng nhập rằng không có đến và không có đi, mà Bồ Tát Hạnh có nghĩa là vẫn đi hoài, vì lợi ích sâu rộng cho chúng sinh.
Khi nào còn Bồ Đề Tâm thì còn Bồ Tát và còn Phật, Pháp và Tăng. Tam Bảo sẽ bị tiêu diệt trên mặt đất này nếu tất cả mọi người đều quên mất Bồ Đề Tâm. Lúc sáu bảy tỉ người đều quên mất Bồ Đề Tâm, lúc ấy chỉ còn một người duy nhất thể hiện chứng nhập Bồ Đề Tâm thì Phật, Pháp và Tăng vẫn còn xuất hiện để cứu thoát nhân loại. Bồ Đề Tâm hay lòng Bồ Đề là lòng phát hiện Giác Ngộ viên mãn vì lợi ích phi thường cho tất cả sinh vật của tất cả vũ trụ. Theo nghĩa bình thường, Bồ Đề Tâm được thể hiện nơi lòng từ bi sâu rộng bao la. Theo nghĩa phi thưòng, Bồ Đề Tâm được thực hiện qua sự chứng nhập Không Tính: tất cả đều không có tự tính, tất cả đều trống trải, rực sáng, vô ngại, cực lạc.
Phạm Công Thiện
Nguồn: Chùa Diệu Pháp
Thư Viện Sáng Tạo

CHO và NHẬN

Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên "người bạn của sinh viên" vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh.
Trên đường đi, hai người bắt gặp một đôi giày cũ nằm giữa đường. Họ cho rằng đó là đôi giày của một nông dân nghèo làm việc ở một cánh đồng gần bên, có lẽ ông ta đang chuẩn bị kết thúc ngày làm việc của mình.
Anh sinh viên quay sang nói với vị giáo sư: "Chúng ta hãy thử trêu chọc người nông dân xem sao. Em sẽ giấu giày của ông ta rồi thầy và em cùng trốn vào sau những bụi cây kia để xem thái độ ông ta ra sao khi không tìm thấy đôi giày."
Vị giáo sư ngăn lại: "Này, anh bạn trẻ, chúng ta đừng bao giờ đem những người nghèo ra để trêu chọc mua vui cho bản thân. Nhưng em là một sinh viên khá giả, em có thể tìm cho mình một niềm vui lớn hơn nhiều nhờ vào người nông dân này đấy. Em hãy đặt một đồng tiền vào mỗi chiếc giày của ông ta và chờ xem phản ứng ông ta ra sao."
Người sinh viên làm như lời vị giáo sư chỉ dẫn, sau đó cả hai cùng trốn vào sau bụi cây gần đó.
Chẳng mấy chốc người nông dân đã xong việc và băng qua cánh đồng đến nơi đặt giày và áo khoác của mình. Người nông dân vừa mặc áo khoác vừa xỏ chân vào một chiếc giày thì cảm thấy có vật gì cứng cứng bên trong, ông ta cúi xuống xem đó là vật gì và tìm thấy một đồng tiền. Sự kinh ngạc bàng hoàng hiện rõ trên gương mặt ông. Ông ta chăm chú nhìn đồng tiền, lật hai mặt đồng tiền qua lại và ngắm nhìn thật kỹ. Rồi ông nhìn khắp xung quanh nhưng chẳng thấy ai. Lúc bấy giờ ông bỏ đồng tiền vào túi, và tiếp tục xỏ chân vào chiếc giày còn lại. Sự ngạc nhiên của ông dường như được nhân lên gấp bội, khi ông tìm thấy đồng tiền thứ hai bên trong chiếc giày. Với cảm xúc tràn ngập trong lòng, người nông dân quì xuống, ngước mặt lên trời và đọc to lời cảm tạ chân thành của mình. Ông bày tỏ sự cảm tạ đối với bàn tay vô hình nhưng hào phóng đã đem lại một món quà đúng lúc, cứu giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẫn, người vợ bệnh tật không ai chăm sóc và đàn con đang thiếu ăn.
Anh sinh viên lặng người đi vì xúc động, nước mắt giàn giụa. Vị giáo sư lên tiếng: "Bây giờ em có cảm thấy vui hơn lúc trước nếu như em đem ông ta ra làm trò đùa không?" Người thanh niên trả lời: "Giáo sư đã dạy cho em một bài học mà em sẽ không bao giờ quên. Đến bây giờ em mới hiểu được ý nghĩa thật sự của câu nói mà trước đây em không hiểu: "Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về"



Tuy GẦN mà XA

Có một vị hiền triết đã hỏi các đệ tử rằng:
“Tại sao trong cơn giận dữ người ta thường phải hét thật to vào mặt nhau ?”
Sau một lúc suy nghĩ, một trong những đệ tử ấy đã trả lời:
“Bởi vì người ta mất bình tĩnh, mất tự chủ!”
Vị hiền triết không đồng ý với câu trả lời, ngài bảo:
“Nhưng tại sao phải hét lên trong khi cả hai đang ở cạnh nhau, tại sao không thể nói với một âm thanh vừa phải đủ nghe ?”
Các đệ tử lại phải ngẫm nghĩ để trả lời nhưng không có câu giải thích nào khiến vị thầy của họ hài lòng.
Sau cùng ông bảo:
“Khi hai người đang giận nhau thì trái tim của họ đã không còn ở gần nhau nữa. Từ trong thâm tâm họ cảm thấy giữa họ và người kia có một khoảng cách rất xa, nên muốn nói cho nhau nghe thì họ phải dùng hết sức bình sinh để nói thật to.
Sự giận dữ càng lớn thì khoảng cách càng xa, họ càng phải nói to hơn để tiếng nói của họ bao trùm khoảng cách ấy.”
Ngưng một chút, ngài lại hỏi:
“Còn khi hai người bắt đầu yêu nhau thì thế nào? Họ không bao giờ hét to mà chỉ nói nhỏ nhẹ, tại sao? Bởi vì trái tim của họ cận kề nhau. Khoảng cách giữa họ rất nhỏ…”
Rồi ngài lại tiếp tục:
“Khi hai người ấy đã yêu nhau thật đậm đà thì họ không nói nữa, họ chỉ thì thầm, họ đã đến rất gần nhau bằng tình yêu của họ. Cuối cùng ngay cả thì thầm cũng không cần thiết nữa, họ chỉ cần đưa mắt nhìn nhau, thế thôi! Vì qua ánh mắt đó họ đã biết đối phương nghĩ gì, muốn gì ..”
Ngài kết luân:
“Khi các con bàn cãi với nhau về một vấn đề, phải giữ trái tim của các con lúc nào cũng cận kề. Đừng bao giờ thốt ra điều gì khiến các con cảm thấy xa cách nhau… Nếu không thì có một ngày khoảng cách ấy càng lúc càng rộng, càng xa thì các con sẽ không còn tìm ra được đường quay trở về !”

HÃY BUÔNG RA .

Tôi nghe buổi Thuyết Pháp tại chùa Thiên Môn. Xin thuật lại để quí vị cùng nghe. Sau phần thuyết giảng, đến phần Pháp đàm. Thầy mời quí Phật tử đặt câu hỏi để cùng thảo luận.
Tận cuối hội trường, có một ông già, đứng dậy chắp tay cung kinh xin hỏi:
- Kính bạch thầy. Con hiện đang bị bệnh. Hết đau đầu đến đau khớp, đau thận, tiểu đường, cao huyết áp. Bây giờ lại bị bại một chân nữa ạ! Suốt đêm qua con trằn trọc mãi không sao ngủ được do bệnh nó hành hạ xác thân… Cúi xin thầy thương xót chỉ bảo cho con làm sao cho hết đau bệnh? Xin thầy cầu nguyện Đức Phật gia hộ cho con được hết bệnh, khỏe mạnh như xưa…
Thầy lên tiếng nhỏ nhẹ, thong thả nói: - Thưa bác, thưa đạo hữu. Đức Phật đã dạy: Cõi thế gian tràn đầy đau khổ! Trong đó có định luật: SINH, LÃO, BỆNH, TỬ thì đau khổ vô cùng mà bác thì đang đi vào giai đoạn “Bệnh tật”, tức giai đoạn “Hư hoại”. Vạn vật là thế; tất cả đều bị luật “Vô Thường” chi phối. Chẳng hạn như cái áo bác đang mặc, khi mới mua về, vẻ đẹp đẽ, mềm mại, óng mướt, tươi thắm… Nhưng nay bác mặc đã lâu rồi; màu đã bạc, gấu đã sờn, vai đã rách và vải đã mục. Nó đang ở tiến trình hư hoại! Không có gì có thể còn mãi được, vì bản chất tự nhiên là như vậy, mà thân xác bác cũng đang như vậy. Ngay khi bác mới sinh ra thì bác xinh đẹp, rồi bác lớn lên khỏe mạnh. Giờ đây bác đang già yếu và đang ở thời kỳ bệnh hoạn (Sanh, Trụ, Hoại, Diệt). Vậy bác phải chấp nhận điều đó, bác hãy thấu hiểu bản chất của nó, để bác phải chấp nhận nó mà sống an lạc với nó, dù nó ở bất cứ giai đoạn nào.
Bây giờ thân thể của bác đang bắt đầu suy yếu, hư hoại theo tuổi đời chồng chất. Thì bác đừng cưỡng lại điều đó, vì đó là qui luật tự nhiên của thân xác. Chân lý không bao giờ thay đổi đó là: Sinh ra > Già cỗi > Bệnh hoạn > Rồi chết đi! Không cách chi làm khác đi được. Thời gian vận hành của định luật đã chín mùi rồi đấy bác ạ! - -
Ông già đó nói tiếp: - Bẩm thầy, nhưng con chưa muốn chết vội, vì con và cháu của con chưa khôn lớn. Nhất là còn nhiều công việc con đang làm dở dang chưa hoàn tất, con cần giải quyết cho xong đã.
- Ồ! Tất cả chỉ là vậy, bác chẳng làm gì khác hơn khiến bác phải lo lắng. Công việc của thề gian, bác hãy để mặc thế gian cho họ tự giải quyết lấy. Bác nên hiểu rằng: Giầu hay nghèo, già hay trẻ, đẹp hay xấu, người hay vật. Bất cứ ai, bất cứ vật gi, bất cứ ở đâu cũng không thể giữ mãi tình trạng nguyên thủy như lúc ban đầu được. Mọi người, mọi vật đều phải thay đổi khác đi theo một định luật: Sinh, Trụ, Hoại. Diệt mà không cách chi sửa đổi được. Điều mà bác có thể làm được là bác tự quán chiếu, soi rọi về thân xác và tâm thức của bác, để bác thấy tính: “Vô ngã” của vạn vật. Để không thấy có cái gì là “Tôi hoặc là của tôi”, mà chỉ là giả có, tạm có mà thôi (Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. = Cái gì có hình có tướng, đều là giả có, chứ không thật có). Ngay như nhà cửa, sự nghiệp, danh vọng, vợ, chồng, con cái của bác cũng chỉ là: “Của bác trên danh nghĩa, chúng không thực sự thuộc về bác. Chúng thuộc về tự nhiên!!! Như lời bác vừa cầu mong, chẳng những không đạt được. Thân bác vẫn đau đớn như thường và cách suy nghĩ sai lầm của bác còn đau khổ hơn nhiều nữa. Vì cầu mong mà không được là khổ (Cầu bật đắc khổ). Bởi vậy, bác phải nhìn mọi thứ đúng theo bản chất của nó và đừng níu kéo nó, đừng tiếc thương nó: “HÃY BUÔNG NÓ RA”. Bác hãy rũ sạch mọi thứ bên ngoài. Bác hãy “Buông ra!”. Bác đừng bám víu vợ, chồng, con cái, quyến thuộc, tài sản, công danh… Vì nhưng thứ đó bác không thể mang theo được, hoặc bác không “buông”, thì nó cũng phải “buông” bác mà thôi. Cho nên bác “Hãy Buông Ra!”, bởi mọi thứ đều Vô Ngã: “Không tôi và Không của tôi”. Tất cả rồi sẽ biến mất; chẳng còn gì. Bác phải nhận biết cho bằng được điều này, và sau khi biết rồi thì bác hãy ‘buông’ tất cả. Đừng bận tâm về con cái, bây giớ chúng còn trẻ. Rồi mai này chúng cũng sẽ già cả y như bác ngày hôm nay. Không ai trên thế gian này có thể trốn thoát được định luật: sinh tru hoại diệt... Nếu bác “Buông ra” được mọi thứ thì bác mới thấy được chân lý. Vậy bác đừng lo lắng và đừng ôm giữ bất cứ điều gì thì bác sẽ thanh thản trong mọi tình huống bác ạ!
Ông già hỏi nữa: - Bẩm bạch thầy, nghe thầy dạy dễ quá, nhưng làm sao con ‘buông ra’ cho được?
- Nếu bác ‘buông ra’ không được thì bác sẽ vô cùng đau khổ. Vì không ‘buông ra’ cũng chẳng được. Bởi mọi thứ nó không thuộc về của bác, kể cả chính xác thân bác nữa. Lúc này bác hãy tập trung tâm tưởng, để cho nó được an nhiên tự tại, còn mọi việc đã có người khác lo. Bác hãy tự nhủ lòng rằng: “Chung sự” (Tôi hết việc rồi )- Tư tưởng ham sống lâu sẽ làm bác đau khổ. Cho dù bác mong muốn thiết tha tới đâu cũng chẳng được. Muôn sự đều vô thường và luôn luôn không cố định… “Sau khi sinh ra > Nó biến hoại > Sau khi sinh ra > Nó diệt đi ! Đức Phật cũng thế, bác và cả bàn dân thiên hạ cũng đều như thế. Vậy mà bác muốn xác thân bác còn mãi sao được?
Bác hãy nhìn vào hơi thở thì biết. Nó đi vô rồi lại đi ra, bản chất của nó là vậy. Bác chẳng thể ngăn cản sự đi ra và đi vô của nó được. Bác thử nghĩ coi: “Có thể nào bác thở ra mà không thở vào được chăng?”. Tức là hơi thở nó đi vào, rồi nó lại đi ra. Khi nó ra rồi thì nó lại phải đi vào. Tự nhiên là như vậy, không cách chi làm khác được. Y chang sự quá trình bác sinh ra rồi già nua rồi bệnh tật rồi chết đi! Đó là điều hoàn toàn tự nhiên và bình thường…
Nếu bác không sinh ra, thì lấy gì bây giờ bác bị đau bệnh! Và lấy gì để mai mốt bác chết! Bác có hiểu điều đó không ???
- Kính bạch thày, con ngộ được những gì thầy vừa dạy, nhưng con vẫn lo sợ quá chừng!
Thầy cầm ly nước uống nhấp giọng, đoạn thày nói thêm:
- Bác nên hiểu rằng: Vạn sự ở đời là như vậy, khi bác nhận thức được đúng đắn thì bác đừng do dự: “Hãy buông ra tất cả, hãy dẹp bỏ tất cả”. Dù bác không buông nó ra thì mọi thứ nó cũng bắt đầu buông bác ra đó. Này nhé! Như những bộ phận trong cơ thể của bác nó cũng đang muốn rời xa bác đấy. Vì những bộ phận ấy nó đã sống đủ thời hạn với bác rồi, nên nó sắp ra đi đó. Bản chất của nó là: “Đã đến, thì phải ra đi”. Bởi thế gian là không có sự bình thường hay mãi mãi, dù bất cứ ở đâu, bất cứ thời nào, bất cứ thành phần giai cấp nào; người giầu có, kẻ nghèo khó, người lớn cũng như trẻ nhỏ, người có học cũng như người thất học…v.v. Cũng không thể có sự bình thường được. Ai ai cũng phải xoay vần theo luật “Vô Thường” chi phối. Quán triệt được điều đó, bác sẽ chả còn quyến luyến bất cứ sự gì. Bác hãy ‘Buông ra” chứ không còn nắm giữ được nữa, ví có giữ cũng chẳng đặng. Bác buông ra, thì tâm bác sẽ thảnh thơi; không buồn mà cũng chẳng vui, không khiếp sợ và cũng chẳng liều lĩnh. Lúc bấy giờ lòng bác sẽ an ổn với trí tuệ hiểu biết: “Vạn vật không bao giờ có thể thường còn mãi mãi được”.
“ĐẶC TÍNH PHẢI ĐỔI THAY CỦA VẠN VẬT, KHÔNG BAO GIỜ THAY ĐỔI”.
Nếu bác có nhiều thứ, bác sẽ phải bỏ lại nhiều thứ. Nếu bác có ít thứ, bác sẽ bỏ lại ít thứ; giầu có là giầu có, nổi danh là nổi danh, sống lâu là sống lâu… chẳng có gì khác biệt, mọi sự cũng thế thôi! Vậy bác hãy buông nó ra, buông cho đến khi nào tâm trí bác an lạc! Mọi sự bác không còn cảm thấy khổ đau hay sung sướng. Mọi- thứ bác không còn thấy là của bác nữa; Sung sướng và khổ đau cũng đểu Hoại, Diệt và Mất tiêu như nhau… Duy chỉ có một thứ là còn và còn vĩnh viễn là của bác. Đó là “Phật tánh” là vĩnh cửu của bác mà thôi.
- Kính bạch thầy, con đã ngộ!!!
- Vậy sao! Bác giải thích xem nào ?
- Thưa thầy, chỉ có định luật: Vô Thường” là bất biến, là vĩnh cửu, là thường còn. Ngoài ra, tất cả các Pháp; muôn vàn vạn sự ở đời này đều luôn luôn biến đổi không bao giờ ngừng. Chẳng hạn như:
*THÂN VÔ THƯỜNG: Nay khỏe mạnh, mai ốm đau. Nay đang sống, mai đã chết…
*TÂM VÔ THƯỜNG: Nay đang mến thương nhau, mai chuyển sang hận thù ân oán nhau…
*TÀI SẢN VÔ THƯỜNG: Của cải nay còn, mai hết. Tức là tiện nghi vật chất không thể tồn tại mãi được… Vật thể này biến đổi chất liệu thành ra vật thể khác. Sự vật không bao giờ cố định cả.
Thầy cười hoan hỷ, đoạn thầy hỏi:
- Đúng, bác hiểu khá đấy, như vậy bác sẽ làm gì khi bác hiểu như vậy?
- Kính bạch thầy, con sẽ buông ra tất cả mà không bám víu vào bất cứ điều gì trên thế gian này. Để mọi sự chảy suôi như dòng nước. Tính của nước luôn chảy xuống chỗ chũng (thủy lưu tại hạ), dù chỗ đó là đất hay cát, hoặc ruộng vườn. Bản chất của nước là như vậy, con cũng phải giữ tâm như vậy. Tại sao? Bẩm thưa thầy, bởi nước luôn chảy một cách tự nhiên xuống chỗ thấp mà không có cách nào cho nó chảy một cách tự nhiên lên trên cao được. Đó là định luật của càn khôn vũ trụ mà thầy vừa chỉ dậy cho con.
- Vâng! Bác hiểu được như thế, tức là bác đã thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ của bác rồi đấy. Bây giờ chỉ còn một điều là bác đưa vào thực hành những gì bác vừa chứng ngộ là đạt quả Phật rồi đó.
Ông già ngạc nhiên thưa:
- Kính thưa thầy, con ngỡ là thành Phật khó lắm chứ! Đâu đơn giản như thầy vừa nói ? -
- Phật đã có sẵn ngay trong bác rồi. Nguời đời thường mang ông Phật thật, đi tìm kiếm ông Phật ở ngoài, ở chốn xa xôi không sao thấy được, để cầu xin van vái… Trong lúc ông Phật ở ngay trong mình thí lại bỏ quên.
- Bạch thầy, con vốn ngu tối xin thầy khai thị cho con được rõ ràng hơn, chứ thầy nói như thế làm sao con hiểu được.
- Có khó gì đâu: “Phật Tức Tâm”. Mọi người trong chúng ta đã có sẵn một ông Phật ở trong ta rồi. Nhưng vì u mê tăm tối, nên tham lam: Sắc, Tài, Danh một cách vô độ mà không hiểu rằng những thứ đó do nhân duyên giả hợp tạm có. Hợp rồi tan, sinh rồi diệt! ngay như xác thân bác cũng tạm có đó. Rồi trở thành không đó có bao lâu! Tựa hồ như bóng phù du, như ào ảnh, như khói sương… Nhưng vì si mê chạy theo níu kéo nó. Nên thành chúng sinh mà thôi. Bây giờ bác đã giác ngộ và bác buông ra những thứ mà trước đây bác bám víu vì ngỡ là thật… Vậy là bác đã thành Phật rồi. Bởi Phật và Chúng sinh chỉ khác nhau có một bước:
MÊ LÀ CHÚNG SINH, GIÁC NGỘ LÀ PHẬT
Phật và chúng sinh, chỉ khác nhau có vậy. Ví dụ: Ông bà thân sinh ra bác, cho bác ăn học tới nơi tới chốn; là con người trí thức đàng hoàng... Nhưng vì u mê! Bác ham chơi, đàn đúm với chúng bạn, sa đà say sưa trác táng, hưởng thụ thú vui vật chất, dẫn đến sa đọa hư hỏng. Khi ấy, bác là kẻ tồi tệ xấu xa… Nay gặp duyên may bác giác ngộ. Thấy được lẽ thật. Bác bỏ con đường hư thân mất nết, trở lại con người thật của mình… Với bằng cấp và kiến thức có sẵn của mình. Bác tận tụy làm ăn, liêm chính, giữ uy tín đạo đức… Là bác trở thành người cao sang, quí phái… Như vậy, một con người của bác có hai giai đọan:
a) Giai đoạn 1: Bác là kẻ xấu xa, cho dù bác có bằng cấp là người học thức.
b) Giai đoạn 2: Bác là người cao quí. Do bác giác ngộ được chân lý đạo Pháp…
Tức là trước thì bác kà kẻ xấu xa do u mê! Sau bác thành người cao quí do bác giác ngộ. Nghĩa là xấu xa hay cao quí chỉ khác nhau có u mê hay giác ngộ mà thôi. Và Phật hay chúng sanh cũng chỉ khác nhau có thế…
Đoạn thầy đọc bài kệ
Chiều nay lộng gió thu về
Lá vàng tơi tả tràn trề khắp nơi
Đời người như hạt sương rơi
Lung linh một thoáng mặt trời chiếu tan.
Thân em như đóa hoa lan
Ngươì đời yêu thích muôn vàn đắm say
Nhưng rồi chẳng được bao ngày
Cánh hoa tàn úa đổi thay hoàn toàn.
Trích trong : Đạo Phật ngày nay


Bức tranh The praying hands

Albrecht Durer(1471-1528) sinh tại Nurenberg, nước Đức, là một họa sĩ, một nhà khắc tranh trên gỗ và kim loại, một chuyên gia về nghệ thuật nổi tiếng ở châu Âu.
Ông vẽ nhiều bức tranh nổi tiếng, được trưng bày tại các cuộc triển lãm mỹ thuật thế giới.
Bàn Tay Cầu Nguyện là bức tranh nhiều người biết nhất. Ông mô tả đôi bàn tay như đang chắp lại để nguyện cầu.
Bức tranh độc đáo do nguồn gốc của nó. Tác phẩm nghệ thuật ấy họa lại đôi bàn tay gân guốc một đại ân nhân của tác giả.
Durer sinh ra trong một gia đình nghèo có đến 18 anh chị em. Để hoàn thành giấc mơ trở thành họa sĩ, Albert em của Durer đã phải vất vả nhọc nhằn trong hầm mỏ suốt bốn năm … kiếm tiền cho anh đến trường.
Theo thỏa thuận, sau khi đã thành công Durer sẽ lo lắng tài chánh cho em mình đến trường cũng để hoàn thành giấc mộng họa sĩ.
Trong bữa tiệc khao mừng tốt nghiệp họa sĩ trẻ Durer nói với em : “Albert, đã đến lúc biến ước mơ thành hiện thực. Anh sẽ lo tiền học cho em”.
Người em xua tay nói : “Muộn rồi anh ơi ! Những tháng năm dưới hầm mỏ đã khiến các ngón tay em chai cứng, cộng thêm chứng thấp khớp… Em không thể nào cầm cọ để vẽ được nữa”.
Để tỏ lòng biết ơn lòng hy sinh cao cả của người em, Albrecht kiên trì tái hiện từng đường nét đôi bàn tay đã bầm dập áp vào nhau, với những ngón tay xương gầy hướng lên trời
Ông đặt tên cho bức tranh đơn giản là Bàn Tay (Hands), nhưng cả thế giới ngay lập tức đón nhận kiệt tác nghệ thuật và đặt tên cho món quà của tình thương ấy là : Bàn Tay Cầu Nguyện (The praying hands).
Bức tranh đã trở thành bất hủ, chính vì tấm lòng vàng của người em và tâm tình tri ân của người anh.
Bạn thân mến, tiền của sẽ qua đi, danh vọng cũng chẳng bền, nhưng các hành động yêu thương luôn có giá trị vĩnh cửu.
Khi chiêm ngưỡng tác phẩm xúc động này, hãy tự nhủ với lòng :
Những thành quả tôi đạt được là nhờ đến sự hi sinh cao cả của cha mẹ và của bao người.
Những bàn tay chai cứng trên ruộng đồng…
HAI TỪ “TRI ÂN” : Chúng ta không bao giờ nói đủ trong cuộc đời.
Và những nghĩa cử bác ái ta thực hiện có thể để lại những vết nhăn trên khuôn mặt hoặc khiến đôi bàn tay chai cứng :
CHÚNG SẼ LÀ BẤT TỬ ...


Góc Thư giản

Khi thấy chữ nhỏ muốn cho to ra, hãy nhấn vô Ctrl Key (bên trái phía dưới bàn gõ) đồng thời gõ vô Key dấu + (góc phải phía trên). Nếu gõ một lần chữ chưa đủ lớn, thì gõ hai lần, ba lần ...
Ngược lại, Bấm Ctrl KeyKey dấu -( kế góc phải phía dưới ), chữ sẽ nhỏ lại.