BS Đỗ Hồng Ngọc
Người thầy thuốc được dạy để chữa cái đau, cái bệnh cho con người nhưng con người không chỉ đau, chỉ bệnh, con người còn khổ nữa! Nỗi khổ còn khủng khiếp hơn cả nỗi đau, dày đặc dài lâu hơn nỗi đau, làm cho con người héo hắt, không sao có thể đạt được sức khỏe mà theo định nghĩa của Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO, 1946) là: Sự sảng khoái (bien-être; well-being) toàn diện về thể chất, tâm thần và xã hội, chớ không phải chỉ là không có bệnh hay tật! Chính cái khổ rồi cũng dẫn đến cái đau, cái bệnh, làm trầm trọng thêm tình trạng sức khỏe của con người. Ai cũng biết người mẹ đang cho con bú mà khổ vì ghen thì sữa có thể bị dứt đột ngột, con phải bị đói. Thuốc gì chấm dứt cơn ghen, tái lập phản xạ tiết sữa? Ai cũng biết người đau bao tử, người cao huyết áp không phải chỉ là do bao tử, do huyết áp, do vi trùng mà do sự bực dọc, đè nén, căng thẳng (stress) trong các mối quan hệ với gia đình, xã hội và cả với chính bản thân mình.
Người thầy thuốc có thể cho thuốc nhức đầu, đau bụng, thuốc ngủ, thuốc giải lo (anxiolityque) nhưng được bao lâu rồi đâu lại vào đó, nặng hơn, trầm trọng hơn vì nỗi khổ vẫn còn kia! Một nghiên cứu của Harvard cho thấy 60-90% các trường hợp người bệnh đến “khám bác sĩ” là có nguồn gốc từ stress, từ vấn đề tâm lý, tâm thần, từ đó sinh bệnh về thể chất.
Ngày nay, thời đại toàn cầu hóa, thế giới phẳng, khoa học kỹ thuật tiến bộ nhanh như vũ bảo, đời sống vật chất cải thiện không ngừng tưởng như sẽ mang lại hạnh phúc, an lạc cho kiếp sống con người nhưng dường như còn nhiều hơn những bất công, kỳ thị, chia cắt, còn đầy những “khổ đau ách nạn”, thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, khủng bố… tràn lan, con người ngày càng bất hạnh hơn, mà gốc vẫn từ tham sân si, từ vô minh do chính con người tạo ra để hủy diệt chính mình.
Cho nên phải “nương tựa vào chính mình” trước hết, phải thay đổi chính mình trước hết, và đó là lý do tại sao ngày người ta càng tìm đến thầy thuốc, nhà tham vấn, nhà trị liệu tâm lý, các cơ sở tôn giáo…
Căn bệnh thời đại toàn cầu hóa ngày nay là SAD. Buồn bã! Nhưng không phải. Đó là chữ viết tắt của Stress (căng thẳng), Anxiety (Lo âu) và Depression (trầm cảm). Ngày càng có nhiều phương thức trị liệu tâm lý được phát triển để đối trị. Nào CBT (liệu pháp nhận thức hành vi), nào ACT (liệu pháp chấp nhận, cam kết), MBSR, liệu pháp giảm thiểu căng thẳng dựa trên Thiền định (Meditation-based Stress Reduction) và MBCT liệu pháp nhận thức hành vi nhờ thiền định (Meditaton-based Cognitive Therapy). Không phải tự dưng người ta đến với Thiền định như một liệu pháp! Thiền định nở như nấm gặp mưa ở Âu Mỹ ngày nay, được coi như một liệu pháp tâm lý cơ bản, nhưng thực ra nếu chỉ dừng lại ở đó như tìm đến một lãng quên thì thật là đáng tiếc. Bởi chưa đạt đến Chánh định để từ đó có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp… của con đường Bát chánh đạo, với Giới Định Huệ để đối trị Tham Sân Si… tận gốc rễ thì còn lâu. Bởi không thể không thấy nghiệp báo, nhân quả để từ đó, thấy Duyên sinh, Không, Vô ngã, Thực tướng vô tường thì vẫn cứ còn luẩn quẩn không lối thoát.
Không gì tệ hại hơn người thầy thuốc mà hù dọa cho người ta sợ hãi về thân bệnh để trục lợi, hay người tu sĩ mà hù dọa cho người ta sợ hãi về tâm bệnh để trục lợi! Tại các thiền viện, các chùa chiền… thường thấy có Tham vấn đường, nơi người ta tìm đến để được giúp đỡ, để biết quay về nương tựa chính mình, thực hành chánh pháp, an lạc thân tâm. Người thầy thuốc, người tu sĩ trở thành một tham vấn viên (counseller) để giúp cho thân chủ (client), thí chủ của mình.
Tham vấn là một tiến trình đối thoại và tương tác giữa tham vấn viên và thân chủ, giúp xác định một vấn đề, giải quyết một khủng hoảng, quyết định một kế hoạch hành động. Một tiến trình đòi hỏi thời gian và một số điều kiện để thiết lập mối tương giao lành mạnh, truyền thông hiệu quả giữa tham vấn viên và thân chủ, nhằm giúp thân chủ tự khám phá, tự hiểu biết, tự quyết định và có hành động tích cực, làm chủ được cảm xúc, cư xử có trách nhiệm, thích nghi với hoàn cảnh và duy trì các mối quan hệ xã hội…
Tham vấn sức khỏe gồm tham vấn khủng hoảng (crisis counselling), tham vấn quyết định (counselling for decision-making) và tham vấn hành vi (behavioral counselling). Mỗi kiểu có tiến trình, vị trí của thân chủ, vai trò của tham vấn viên và phương pháp khác nhau, nhưng cốt lõi vẫn là mối quan hệ giữa một người có kỹ năng, có kiến thức và có tâm từ là tham vấn viên và một người có nhu cầu, có vấn đề là thân chủ. Nếu tương quan này mà bị trục trặc, gãy đổ, cuộc tham vấn sẽ thất bại.
Tham vấn đặt trọng tâm vào thân chủ hay còn gọi là “thân chủ trọng tâm” (client-centered) là cốt lõi của cả ba loại tham vấn sức khỏe nêu trên. Thân chủ là trọng tâm của tiến trình tham vấn, vì chính thân chủ chứ không phải ai khác biết rõ vấn đề của họ, cảm xúc thực sự của họ và những giải pháp của họ. Tham vấn viên là người giúp đỡ, hướng dẫn nhưng không quyết định thay họ được. Tham vấn viên giúp cho thân chủ tự khám phá, tự hiểu biết, tự quyết định. Có thể ví thân chủ là bà mẹ đau đẻ, còn tham vấn viên là cô mụ đỡ đẻ. Cô mụ giúp bà mẹ đẻ chứ không thể đẻ thay cho bà mẹ được.
Mối quan hệ, tương giao “lành mạnh” là bản chất chủ yếu của quá trình giúp đỡ này. Suy nghĩ và cảm xúc của thân chủ là yếu tố quan trọng chính yếu. Mối quan hệ giữa tham vấn viên và thân chủ là mối quan hệ sâu xa giữa con người với con người.
Cảm xúc và suy nghĩ của thân chủ là yếu tố quan trọng. Cuộc đối thoại và tương tác giữa tham vấn viên và thân chủ sẽ tùy thuộc vào bản chất chủ quan của vấn đề do thân chủ đặt ra.
Tham vấn đòi hỏi nhiều thời gian, sự bền lòng, những khoảnh khắc lặng im, khả năng vượt qua chính mình của tham vấn viên. Điều quan trọng là tham vấn viên phải có lòng tin mạnh mẽ vào khả năng tự điều chỉnh của thân chủ, tính bản thiện của thân chủ, từ đó khơi dậy nơi thân chủ lòng tự tin vào chính họ. Giải pháp đã luôn sẵn có. Vấn đề là nhận ra. Cuối cùng chính thân chủ tự giúp họ. Còn vai trò tham vấn viên là hỗ trợ, xúc tác mà thôi. Để có được mối quan hệ tốt đẹp đó, cần có một số điều kiện, cũng có thể gọi là phẩm chất, và kỹ năng cần thiết của tham vấn viên, đó là:
– Gần gũi thân chủ, dễ gặp gỡ, dễ tiếp xúc;
– biết lắng nghe;
– giúp tự tin;
– giữ bí mật;
– kiên định;
– giúp chọn lựa nhiều giải pháp phù hợp.
Các sai lầm thường gặp là:
– Phán đoán, đánh giá… sẽ đào sâu thêm mặc cảm;
– suy diễn, chụp mũ… sẽ làm lạc hướng;
– trấn an, che chở, an ủi… tạo lệ thuộc;
– điều tra, tò mò dẫn đến che đậy, giấu giếm;
– đưa ra lời khuyên, giải pháp tức thời… có tính áp đặt, chỉ đạo…
Đức tính quan trọng hàng đầu của tham vấn viên là có khả năng thấu cảm (emphathy), nghĩa là đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của thân chủ để thấu hiểu một cách sâu sắc suy nghĩ, cảm xúc của họ. Thân chủ thấy có người hiểu mình, thông cảm trọn vẹn với mình thì sự bộc lộ càng dễ dàng, thẳng thắn. Đặt mình trong tình huống của thân chủ, xem xét vấn đề theo quan điểm của thân chủ, đánh giá theo cách nhìn của thân chủ, tham vấn viên mới có thể trải qua các kinh nghiệm của thân chủ và thực sự cảm thông, từ đó giúp thân chủ tự khám phá, tự thay đổi. Các đức tính khác là chân thành (genuine) và tôn trọng (respect) hay chấp nhận (acceptance) là những đức tính đòi hỏi phải có ở một tham vấn viên để có thể tạo mối tương giao lành mạnh, truyền thông hiệu quả.
Cái gì làm cho ta khi vui thì tìm đến người này mà khi buồn khi khổ thì tìm đến người kia? Người này có đặc điểm gì, còn người kia cần có những phẩm chất gì? Rõ ràng khi vui, ta tìm ngay một bạn “nhậu”, ta cần nơi ồn ào, còn khi khổ khi buồn, ta tìm đến một người biết lắng nghe, biết chia sẻ. Người đó không thể ngồi với ta mà cứ nhìn đồng hồ, cứ lo ra vì những việc khác. Người đó không thể nói những lời đãi bôi, an ủi, vỗ về, phê phán đạo đức, tỏ ra thương hại, ban ơn. Người đó cũng không thể bép xép, hoặc suy diễn linh tinh. Lúc đó ta cần một người chia sẻ lặng lẽ, biết lắng nghe để ta được giãi bày. Giãi bày, trút hết nỗi lòng đã làm vơi đi bao nỗi khổ đau, giảm nhẹ đi một nửa gánh nặng. Một người biết lắng nghe? Một người chịu khó, ân cần, nghe ta tỏ bày những bức xúc? Một người biết giữ bí mật những điều ta nói với họ? Một người sẵn sàng có mặt bất cứ lúc nào, ở đâu, khi ta cần đến? Người đó còn phải biết tôn trọng ta hay ít ra chấp nhận ta như là ta? Dĩ nhiên, có tôn trọng thì mới lắng nghe. Chỉ cần một ánh mắt, một cử chỉ, lời nói không đúng lúc, đúng chỗ là đủ làm sụp đổ, đủ làm ta co cứng, gồng người, khựng lại, rồi giấu giếm, phân trần và trốn chạy…
Một người chỉ thoáng nhìn – dù đóng kịch có khéo léo đến đâu, có giả vờ ngon ngọt, giả vờ tôn trọng ta – mà cử chỉ, lời nói, cái nhìn, cái nghĩ mâu thuẫn thì ta biết ngay là không đáng tin cậy buộc ta phải thủ thế, phải đề phòng. Người đó không có tình thương thực sự. Vì người đó không thể hiểu mình. Mà muốn hiểu thì phải có khả năng đặt mình vào vị trí người khác. Có đặt mình vào vị trí người khác mới hiểu hết nguồn cơn. Một khi đã hiểu thì tình thương sẽ là tình thương đích thực, không phải vờ vĩnh, không phải kịch. Tình thương đích thực không nhất định là những lời an ủi đầu môi chót lưỡi, những lời khuyên hời hợt, những giọt nước mắt vắn dài, mà có khi là những quát tháo, nổi giận, xỉ vả. Xỉ vả, nổi giận, quát tháo mà ta vẫn vui, vẫn thấy nhẹ người vì được hiểu, được thương, được san sẻ. Bỏ được qua một bên những quan điểm riêng, giá trị riêng của mình để đặt mình vào địa vị người khác, hòa mình vào kinh nghiệm người khác quả là không dễ dàng nếu không sẵn có lòng từ tâm.
Để hiểu được còn phải vượt qua những rào cản của ngôn ngữ, kể cả những ngôn ngữ không lời và chọn lựa những ngôn ngữ sao cho cuộc đối thoại và tương tác diễn ra phù hợp tùy từng xúc cảm, suy nghĩ, hoàn cảnh. Tham vấn viên cho trẻ đường phố cần biết rành những tiếng lóng của trẻ đường phố, tham vấn viên cho mại dâm, ma túy đều phải hiểu và sống với những ngôn ngữ của họ. Khoảng cách sẽ được lấp đầy.
Nhưng thế vẫn chưa đủ. Thế cũng mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Còn đòi hỏi một cái nhìn trọn vẹn về cuộc sống, về con người, về mối tương quan của mỗi con người và hoàn cảnh xã hội. Bà mẹ Mạnh Tử không dời nhà đến ba lần thì không có thầy Mạnh Tử. Môi trường xã hội tác động lên con người một cách mạnh mẽ. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Một cô gái mại dâm có thể sẽ không là cô gái mại dâm. Người thanh niên nghiện xì-ke kia có thể sẽ không bao giờ nghiện xì-ke nữa. Những tác động qua lại giữa cá nhân, nhóm cộng đồng, xã hội gây ra những kết quả này kết quả khác tùy môi trường tương tác. Nghĩ như vậy, chính ta cũng có trách nhiệm đã góp phần tạo nên tình trạng xã hội như là một thành viên của xã hội đó. Nhìn bằng cái nhìn biến dịch, bằng cái nhìn tương tác, ta thấy cuộc sống thật là phong phú và khả năng thay đổi là có được ở mỗi con người. Ngay cả tình trạng tăng huyết áp kia của ta cũng không phải do chính nó. Nó là kết quả của sự co thắt mạch máu, kết quả của lưu lượng máu, kết quả của bề dày mạch máu, của sự vận động cơ thể, của thức ăn nhiều mỡ nhiều muối làm xơ vữa, làm giữ nước…, của sự tham lam, giận hờn, lo lắng, âu sầu, làm tiết ra những hormones. Nói khác, không có cái gọi là tăng huyết áp, nó chỉ là hậu quả của vô vàn tương tác. Cái nhìn đó làm cho ta tin tưởng ở con người hơn, yêu thương con người hơn, và giúp ta nhìn thấy tham vấn viên với thân chủ là một, tham vấn viên trở thành thân chủ và thân chủ cũng là tham vấn viên… Vì vậy mà một thân chủ khi trở thành tham vấn viên bao giờ cũng dễ tạo mối tương giao lành mạnh, tốt đẹp, các tiến trình truyền thông tham vấn được tiếp nhận dễ dàng, thực hiện được thay đổi hành vi một cách hiệu quả, cái đó gọi là giáo dục đồng đẳng (peer education).
Điều lạ lùng là 2600 năm trước, một người đã nói và có những đức tính, phẩm hạnh của một “tham vấn viên” vừa nêu lên, đó chính là Đức Phật. Ngài là một bậc y vương (thầy thuốc vua), một nhà sư phạm lỗi lạc, nhà tâm lý vĩ đại đã “hình tượng hóa” những đức tính, phẩm hạnh cần thiết của một tham vấn viên qua hình tượng những vị gọi là Bồ-tát, những người đã giác ngộ nhưng chưa muốn làm Phật, còn ở lại cõi Ta-bà này để giúp đời, giúp người. Bồ-tát Thường Bất Khinh (Sadaparibhuta) làm ta kinh ngạc! Cái tên đủ nói lên phẩm chất của ông: Thường là luôn luôn, Bất là không, và Khinh là coi nhẹ. Thường Bất Khinh là người luôn luôn không bao giờ coi nhẹ người khác, hay nói cách khác, người luôn luôn tôn trọng người khác. Đó chẳng phải là phẩm chất quan trọng hàng đầu để thiết lập mối tương quan bình đẳng giữa con người với con người sao? Thường Bất Khinh là vị Bồ-tát gặp bất cứ ai cũng chắp tay cung kính chào và nói câu: “Ngài là một vị Phật sẽ thành”. Vì ông tin rằng ai cũng là Phật, ai cũng sẽ thành Phật. Ông tin ở con người. Với lòng tin đó, ông có thể vực dậy một tâm hồn đầy mặc cảm, trao cho họ niềm tin vào chính mình. Khi người ta ngờ vực, đánh mắng, xua đuổi ông, ông vẫn mặc, vẫn kiên trì, vẫn một mực chắp tay cung kính nói lên câu đó với họ. Đến lúc họ giật mình nhìn lại, và nhen nhóm niềm tin. Đó là sự khởi đầu của Tín tấn niệm định tuệ. Bồ-tát Dược Vương (Bhaisajyaraja) là một Bồ-tát khác, thiết yếu trong tiến trình tham vấn.. Dược vương có nghĩa là thứ thuốc vua – thuốc hay hơn tất cả thứ thuốc khác. Đó là vị Bồ tát sống rất hồn nhiên, trong sáng, không tư lợi, không ích kỷ, không tính toan, luôn hòa đồng với mọi người, có khả năng “biến” (thị hiện) thành người này hay người khác, tức là một khả năng thấu cảm, đặt mình vào địa vị người này người khác để cảm xúc như họ, suy nghĩ, nói năng như họ. Nhờ vậy mà vượt qua được rào cản, hố sâu ngăn cách, kéo họ ra khỏi những khổ đau. Dược Vương nhờ phẩm hạnh đó mà “ai thấy cũng vui, ai gặp cũng mừng” (nhất thiết chúng sanh hỷ kiến). Ở ông, thân, khẩu, ý là một, không nói một đàng nghĩ một nẻo. Sự chân thành, trung thực là yếu tố quan trọng để tạo tương giao lành mạnh trong tham vấn. Vị Bồ-tát thứ ba ai cũng biết là Quán Thế Âm (Avalolitesvara), với hình ảnh một người phụ nữ tay cầm bình tịnh thủy chứa nước cam lồ, có thể dập tắt cả lửa sân hận, sợ hãi! Quán Thế Âm là “lắng nghe tiếng kêu của trần thế”! Và lúc nào cũng sẵn sàng, mỗi khi có người gọi đến tên. Lắng nghe với lòng yêu thương là vị Bồ tát có khả năng thấu cảm tuyệt vời nhất. Với cái nhìn dân gian, bà là người có nghìn mắt nghìn tay, thấy được mọi thứ, làm được mọi điều, để giúp đỡ người gặp khổ nạn. Bà có bình nước cam lồ “rưới vào đâu là tắt vùi ngọn lửa thù hận, tham lam, sợ hãi…” đến đó. Thực ra, biết lắng nghe thôi đã đủ làm nguôi, đủ “hạ hỏa”, đủ giúp sáng suốt trở lại mà thấy vấn đề đúng, hành động đúng như có nghìn mắt nghìn tay. Cho nên kỹ năng ‘lắng nghe’ là quan trọng số một trong tiến trình tham vấn. Quán Thế Âm còn có lòng đại Từ đại Bi. Từ bi không phải là thương hại. Cũng không phải là thương suông. Có khi Quán Thế Âm nổi giận, hiện ra ông Ác, đe đọa, quát nạt, giúp người ta tỉnh ngộ. Hình ảnh nữ của Quan Thế Âm thật tuyệt vời, tượng trưng cho bao dung, cho sức chứa, cho sự chịu đựng, nhẫn nại, lại rất nhạy cảm! Cuối cùng là Bồ-tát Diệu Âm (Gadgadasvara) – âm thanh vi diệu – là vị Bồ tát có khả năng hiểu được mọi thứ ngôn ngữ của mọi loài (giải nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn), nhờ đó mà hòa nhập được với mọi người, thấu cảm được mọi người (hiện nhất thiết sắc thân), thiết lập được một sự truyền thông, đối thoại hiệu quả với mọi người. “Đối thoại” không chỉ bằng lời mà bằng những âm thanh khác, kể cả âm thanh của sự im lặng. Với những biểu trưng đó, chính là những phẩm hạnh, những đức tính, những tố chất của một người tham vấn viên. Đức Phật nhờ có đầy đủ những phẩm hạnh “Bồ tát” mà truyền được kinh nghiệm của mình cho mọi người, giúp mọi người cũng thành Phật như mình!
(Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, 1.10.2016)