Thứ Hai, 4 tháng 12, 2023

LẠI MỘT MÙA XUÂN THA HƯƠNG - VCH

 TNT giới thiệu:
Không hiểu sao chỉ mới nghĩ tới mùa Xuân, lòng người như đã mở hội! Có lẽ hội từ dân gian ngàn xưa, hay hội từ đất trời hòa cùng cảnh sắc thiên nhiên.
Trong Xuân, lâng lâng hồn thường thoát ra những thanh âm tiết điệu hòa nhịp cùng nhân gian.
Cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, một trong những người có những rung cảm xuân tuyệt vời nhất. Xuân trong ông đã tạo nên những âm điệu bất tử ... bất tử...
Xuân nào mà chẳng nghe "Ly Rượu Mừng" nồng nàn hạnh phúc, "Đón Xuân" tươi vui, "Lá Thư Mùa Xuân" chan chứa tình...
Nhưng "Xuân Tha Hương" của ông sao mỗi lần nghe mỗi lần da diết, như chung cho những kẻ nhớ nhà, nhớ quê, mỗi độ xuân về!
VCH đã lựa nhạc phẩm này hòa cùng những cảnh sắc từ ống kính của mình, để diễn tả tâm tư cho riêng mình chăng?
Hình ảnh làng quê xa xưa miền Bắc, những cây cành nụ xuân chớm hé nhụy, nắng óng ả như tơ vàng quyện không gian.
Ôi cảnh chứa chan xuân hòa cùng giọng hát trầm ấm của Sĩ Phú, giọng hát tuyệt vời trong mọi thời gian thật êm nhẹ nhịp nhàng kể lể .
"Ngày xưa xuân thắm quê tôi.
Bao nhánh hoa đời đẹp tươi.
Mẹ tôi sai uốn cây cành, vun xới hoa mùa xinh xinh..."
Xưa Nay hòa nhập, rưng rưng kỷ niệm trào dâng, trong xuân người mẹ hiển hiện tâm trí đầu tiên.
"Thời gian nay quá xa xăm.
Tôi đã xa nhà đầm ấm.
Sống bao xuân lạnh lẽo âm thầm!"
Bối cảnh không gian, Phạm Đình Chương theo tiếng gọi lên đường, xa nhà đã "sống bao xuân lạnh lẽo âm thầm".
Vắng xa, ông giống người xưa ,"xót nhà huyên quạnh quẽ đã lâu", thương người mẹ già tựa cửa ngóng trông.
"Và xuân thay áo mấy mùa đợi chờ.
Mắt huyên lệ rưng rưng sầu héo đến bao giờ...."
Người nhạc sĩ tài hoa đã trải nỗi lòng mình qua ý nhạc lời như thơ chan đầy cảm xúc.
Toàn bộ lời như một bức tranh ngoại cảnh hòa cùng hồn người thật ăn ý.
Người nghe tới đâu thấm tới đó, thấm mãi cho tới khi dòng nhạc đã ngưng khi nào không hay.

VCH cảm nhận điều này, xen những hình chụp có tâm hồn mình trong đó để cố hoà cùng ý nhạc lời buồn như thơ Phạm Đình Chương. Video thật linh hoạt, cảnh sắc toát ra hơi xuân trong sáng vô ngần.
Những con đường, những phiên chợ xuân nơi đầu làng dưới gốc cây, những thiếu nữ yếm thắm quai thao xinh tươi.
Những hàng cau già cao vút thách đố tang thương cùng năm tháng chơ vơ quạnh quẽ dọc ao hồ vắng lặng, hiu hắt làm sao!
Có cả mây ngang phủ núi Tần Lĩnh của kẻ đi xa trở về không biết phương hướng nhà xưa của mình nơi nao !
Lắng đọng nghe giọng Sĩ Phú, ngắm nhìn hình VCH chụp, "Xuân Tha Hương" quả thật buồn, nhất là trong tiết trời đông buốt giá, đã sống xa quê bao năm mòn mỏi trông chờ....
Xin cám ơn Vũ Công Hiển, người luôn muốn mang vẻ đẹp tâm hồn đến cho bằng hữu.
TNT



Nhạc sĩ Nhât Bằng (1930 – 2004)

Có nhiều bài hát nghe rất quen thuộc suốt từ 1955 đến 1975 qua Đài Phát thanh Sài Gòn và Đài Quân Đội mà không biết tác giả là Nhật Bằng, ngoại trừ bài Thuyền Trăng. Bây giờ nghe lại, quá khứ tưởng rằng đã quên hiện ra dần...
Nhạc sĩ Nhật Bằng (sinh năm 1930) tại Hà Nội, theo học tại trường Bưởi ở Hà Nội và là bạn rất thân với hai nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm và Phạm Đình Chương. Ông có khiếu âm nhạc từ nhỏ. Năm 1947, khi chỉ mới 17 tuổi, ông sáng tác nhạc phẩm đầu tay “ĐợiChờ” kể lại mối tình học trò của mình khi còn ở Hà Nội. Lúc ấy, ông đang ở quê nội Thanh Hóa ngậm ngùi nhớ về Hà Nội của thuở học trò thơ ngây mà ông đã phải bỏ lại từ mùa thu khói lửa 1946 như hàng ngàn người khác. Tác phẩm đầu tay này có tên nguyên thủy là “Hoa Trăng” nhưng khi người bạn thân Phạm Đình Chương mang vào Nam để phổ biến đầu thập niên 50, Phạm Đình Chương đã đề nghị đổi tên thành ”Đợi Chờ”.
Năm 1952 ông nhập ngũ vào ngành quân nhạc. Tại đây ông làm quen với một số bạn mới như nhạc sĩ Văn Phụng, Đan Thọ, Nguyễn Hiền, Nguyễn Túc. Năm 1954, khi đất nước chia đôi, ông di cư theo trường quân nhạc vào Nha Trang.
Thời kỳ sáng tác sung mãn nhất của ông là từ năm 1956 đến 1969. Sự nghiệp của ông để lại cho đời sau gồm khoảng 100 nhạc phẩm thuộc 3 khuynh hướng rõ rệt: nhạc quê hương, nhạc tình cảm và nhạc chiến đấu.
Những bài nhạc quê hương của ông được dân chúng yêu mến như ”Sau Lũy Tre Xanh”, “Bóng Quê Xưa”, “Nước Mắt Quê Hương Này”, “Anh Về Một Mùa Trăng”, “Mái Tranh Chiều”, “Hương Quê”, “Tiếng Vọng Rừng Xanh”, “Khúc Nhạc Ngày Xuân”, “Thu Ly Hương”, “Mưa Đầu Mùa”... nhưng nổi tiếng nhất là bài “Thuyền Trăng” viết chung với “chuyên gia đặt lời” Thanh Nam.
Nhạc tình cảm của ông nhẹ nhàng, thanh thoát như “Dạ Tương Sầu Tương Tư”, “Một Chiều Thu”, “Bóng Chiều Tà”, “Hãy Quên Niềm Thương Nhớ”, v.v…
Nhạc chiến đấu của ông sáng tác trong thời gian ông phục vụ cho Phòng Văn Nghệ Cục Tâm Lý Chiến với cấp bậc Chuẩn Úy dưới quyền Trưởng Phòng là Đại Úy Đinh Thành Tiên (tức nhà thơ Tô Thùy Yên). Loại nhạc chiến đấu này đáng kể nhất là bài “Bóng Người Chiến Sĩ” và “Chiến Sĩ Ca”. “Chiến Sĩ Ca” có thể được xem là một trong những nhạc phẩm được biết đến nhiều nhất trong quân đội. Bản này được sáng tác năm 1968 và đã đoạt giải sáng tác nhạc quân đội xuất sắc nhất trong năm đó.
Sự kiện năm 1975 đã làm gia đình ông ly tán. Ba người em ruột của ông trong ban hợp ca Hạc Thành chạy được qua Mỹ trong năm 1975. Phần ông ở lại và đi tù cho đến năm 1982.
Năm 1990, ông cùng vợ và 5 con sang Mỹ theo diện HO và hiện định cư tại thành phố Herndon, tiểu bang Virginia cho đến ngày vĩnh viễn ra đi vì tai biến mạch máu não vào năm 2004.

https://saigonocean3.com/nghenhacNhatBang/NhatBang-2.htm ( Click để xem )



“Lệ Đá”. Trần Trịnh phổ thơ Hà Huyền Chi.

 Tình Yêu, Ôi Tình Yêu!

Một đề tài  muôn thưở trong văn chương, thi ca, âm nhạc kể cả trong lĩnh vực điện ảnh, hội hoạ và nhiếp ảnh… Đã biết bao tác phẩm ngợi ca tình yêu nhưng dường như vẫn còn thiếu, vì tình yêu vẫn luôn là “những vật đẹp muôn mầu”, cho dù biết “đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần sầu”, có muôn vàn cách trở, biết là sẽ “đau tủi cả đời”, nhưng sao con người vẫn vướng mắc? 

“Lệ Đá” một bài thơ tình diễm tuyệt, không hiểu tâm trạng nhà thơ Hà Huyền Chi khi xuất thần giãi bầy tình cảm lai láng của mình lúc đó ra sao? Nhưng ông đã khiến người đọc vô cùng cảm xúc với nỗi cô đơn tột cùng của mình, nhất là những ai cũng cùng có chung một tâm sự hoài niệm về một “tình yêu đã vỗ cánh rồi như của ông.

Trong tình yêu lạ lắm! Con người thường thích lặng lẽ, chẳng muốn thố lộ cùng ai, cảnh sắc quanh mình, trời trăng mây nước, lá hoa cây cỏ… như luôn khép mở là bạn để tâm sự, để chia sẻ, quả như “người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ?”.

Nhà Thơ Hà Huyền Chi cũng vậy, bất chợt thấy ngoại cảnh quanh mình khiến ông “tức cảnh sinh tình” thốt lên liên hồi những câu hỏi để giải toả những u uẩn trong hồn.

“ Hỏi đá xanh rêu…bao nhiêu tuổi đời.

Hỏi gót phiêu du….qua bao đỉnh trời.

Hỏi những đêm sâu…đèn vàng héo hắt.

Ái ân…bây giờ là nước mắt.

Cuối hồn một … thoáng nhớ mong manh…”

Thật là những ý thở than tột cùng lãng mạn, chan chứa nỗi đau cô đơn của mình.

Ngày trước, ông đã “ước mơ sao… trời đưng bão tố, để yêu thương càng nhiều gắn bó, và tháng ngày là men say nguồn thơ…” . Nhưng nào đâu ai có ngờ được bão tố! 

Cố nhạc sĩ Trần Trịnh (1937-2012), chỉ cần một ca khúc “Lệ Đá” này đã khiến ông vang danh trong làng âm nhạc Việt Nam trước 1975. Với nhịp điệu Slow Rock, những nốt nhạc mở đầu lên cao đã xoáy ngay vào hồn người nghe, sau mới dần trở lại âm điệu kể lể êm ả. Nơi điệp khúc, câu hát cuối “Em nhớ gì…không em ơi!!! ” để chuyển tiếp vô cùng truyền cảm khi lên cao, ngân dài…Thật tuyệt hay! 


VCH có lẽ đã tốn rất nhiều công sức để thực hiện video clip nhạc này, người coi, càng coi, coi kỹ đôi ba lần sẽ nhận ra điều này cùng giá trị tinh thần của tác giả.

Nhiều ảnh VCH chụp rất lạ, hiếm, không hiểu sao anh đã kiếm ra nơi đâu có những ngoại cảnh này? Hình chụp những tảng đá quả là đã xanh rêu từ bao đời ven nơi núi sát biển, những vách đá sừng sững cũng đã phủ mọc rêu xanh thách đố tang thương cùng bao năm tháng.

Hơn cả, khi thực hiện, để sát với tình cảm trong lời thơ ý nhạc, VCH đã sử dụng lượng hình chụp tới  9 người mẫu, với những tà áo dài tha thướt mềm mại, “mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười” tuỳ cảnh, mầu sắc vạt tà áo khép mở cũng khác nhau cho phù hợp.

Người xưa mỗi khi luận bàn về phái Đẹp đã truyền lại nhận xét “Nhất Dáng, Nhì Da, Tam Thanh, Tứ Sắc”, giờ coi hình VCH chụp, quả là mấy cô đã tạo “Dáng” thật yêu kiều quyến rũ, từ phía sau dáng đi nhẹ, nâng gót khoan thai, hoặc dáng nghiêng nghiêng thấy sao mà dịu dàng, êm ái… Nói chung, VCH đã rất thận trọng mỗi khi bấm máy, anh chỉ bấm khi nào “Dáng” đã phù hợp với tâm hồn, với thẩm mỹ của mình.

 

Nguyên Khang & Diễm Liên, một cặp song ca rất ăn khách của Trung Tâm Asia từ bao năm, đã trình diễn nhiều ca khúc “duo”. Cặp đôi này hát diễn tả thật trữ tình luôn ăn ý, nghe tưởng như đôi bạn này đã “tâm đầu ý hợp” từ lâu.

 

Một lần nữa, cám ơn công sức VCH đã giúp người coi lãng đãng quay về quá khứ của một thời. 

TNT 



Mùa Thu Không Trở Lại (Phạm Trọng Cầu) VCH

 ... Có lần, Phạm Trọng Cầu tiết lộ anh là tác giả ca khúc Mùa Thu Không Trở Lại. Tôi cãi, bởi vì trước năm 1975, tôi có tập nhạc 12 bài ca quen thuộc trên đất Pháp (trong đó có ca khúc Mùa Thu Không Trở Lại) của tác giả Phạm Trọng. Anh cười xác nhận, sau năm 1975 anh mới thêm vào chữ “Cầu” cho tên anh được đầy đủ như trong giấy khai sinh.
Nhạc sĩ cho biết: anh sinh đúng vào ngày Noel (25.12.1935) tại Phnom Penh (Nam Vang). Cha anh là trắc địa sư Phạm Văn Lạng, vốn gốc Hà Nội, nhưng đang làm việc tại đây nên năm 1943, đã đưa gia đình về Sài Gòn và mẹ của anh mở một nhà hàng ca nhạc mang tên Aristo. Tại đây, Phạm Trọng Cầu được tiếp xúc với những ban nhạc Philippines và một số nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng trong nước. Anh cũng bắt đầu học chơi đàn mandoline… Tuy nhiên, thời gian này khá ngắn ngủi - chưa tới 2 năm thì chiến cuộc lan tràn, gia đình anh phải tản cư lên Biên Hòa. Sau khi Nhật đầu hàng đồng minh, gia đình anh trở về Sài Gòn, rồi chuyển dần xuống miền Tây.
Năm 1953, Phạm Trọng Cầu thi vào trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn, và chàng trai 18 tuổi, nhớ về thời thơ ấu cắp sách đã sáng tác ca khúc Trường Làng Tôi… Tốt nghiệp xong, đến năm 1962 Phạm Trọng Cầu lại thi vào Nhạc viện Paris (Pháp).
Tại Paris, anh đã viết 12 bài ca quen thuộc trên đất Pháp, trong đó có Mùa thu không trở lại… Với ca khúc này, Phạm Trọng Cầu tâm sự: “Dạo ở Paris, mình gặp và yêu một cô gái Việt Nam có mái tóc đen dài, đôi mắt buồn vời vợi. Tình yêu đang độ trăng rằm thì nàng phải về nước và không bao giờ trở lại Paris nữa. Chúng tôi chia tay vào mùa thu - khung cảnh mùa thu ở châu Âu rất đẹp, nhưng nếu phải chia ly trong một cái nền như vậy thì nó lại trở nên thật tê tái: “Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại. Em ra đi mùa thu, sương mờ giăng âm u. Ngày em đi, nghe chơi vơi não nề. Qua vườn Luxembourg. Sương rơi che phố mờ, buồn này ai có mua? Từ chia ly, nghe rơi bao lá vàng, ngập dòng nước sông Seine. Mưa rơi trên phím đàn, chừng nào cho tôi quên?... Em ra đi mùa thu, mùa thu không còn nữa. Đếm lá úa mùa thu, đo sầu ngập tim tôi…”.
Tôi hỏi anh có phải cô ấy tên Thu không mà anh cứ lặp lại câu điệp khúc “Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại”? Anh trầm ngâm: “Đối với tôi... là một mối tình xa xưa thời còn trai trẻ. Gặp nàng vào mùa xuân, mùa hạ tình nồng cháy và mùa thu nàng ra đi. Hôm tiễn nàng ra sân bay, tôi trở về nhà phải đi ngang qua khu vườn Luxembourg. Khu vườn đó, khi đi ngang, tôi chợt nhận ra mùa thu, vì chân mình đá rất nhiều lá vàng, trong tôi tự nhiên vang một giai điệu "Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại...". Dù là mùa thu ở Paris rất đẹp, nhưng mà từ mùa thu đó, với tôi, mùa thu không bao giờ trở lại nữa, chỉ có thế thôi”... 
Hà Đình Nguyên



Góc Thư giản

Khi thấy chữ nhỏ muốn cho to ra, hãy nhấn vô Ctrl Key (bên trái phía dưới bàn gõ) đồng thời gõ vô Key dấu + (góc phải phía trên). Nếu gõ một lần chữ chưa đủ lớn, thì gõ hai lần, ba lần ...
Ngược lại, Bấm Ctrl KeyKey dấu -( kế góc phải phía dưới ), chữ sẽ nhỏ lại.