Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

Qui luật Hội họa căn bản

Tất cả mọi sự việc trên đời dù khó khăn hay giản dị, đều có những quy luật căn bản thành văn hay bất thành văn. Nắm vững được những quy luật này chúng ta sẽ dễ dàng thành công hơn thay vì phải mò mẫm tìm tòi mất khá nhiều thời gian. Quy luật căn bản dưới đây sẽ giúp cho chúng ta tránh được những lỗi lầm thường mắc phải mà không biết giải quyết ra sao. Sự việc này làm cho ta thấy chán nản vì không hài lòng với tác phẩm và thường đi đến chỗ bỏ cuộc. Những quy luật này dầu sao cũng chỉ là kim chỉ nam cho bước đầu. Chỉ cần một vài giờ để hiểu những quy luật, nhưng khi thực thi hay nói cách khác là áp dụng những quy luật này cần phải có thời gian thực tập. 
Kiên tâm thực tập là điều chính yếu đảm bảo cho sự thành công.
Dù cho có tài năng thiên phú, dù cho có thuộc lào quy luật mà thiếu thực tập cũng không giúp gì được.
ÁNH SÁNG (LIGHT)
Ánh sáng là linh hồn của vạn vật, của bức tranh. Nếu không có ánh sáng, vạn vật trở nên buồn tẻ, bức tranh thiếu những mầu sắc đậm nhạt khác nhau, sẽ trở nên chán ngắt. Nên nhờ ánh sáng, do mặt trời ở trên cao chiếu xuống, cho nên những phần có ánh nắng chiếu vào và những mặt phẳng (surface) bao giờ cũng phải sáng hơn những phần không có ánh sáng rọi vào. Bức tranh là một tờ giấy hay khung vải chỉ có một mặt phẳng, cho nên nắm vững được định luật quan trọng này ta sẽ dễ dàng tạo được chiều sâu.
BỐ CỤC (COMPOSITION)
Trước khi phác họa (sketch) cần phải chú ý đến bố cục để tránh những lỗi lầm căn bản. Thông thường người ta chia khung vải ra làm 16 phần đều nhau. Khi vẽ, những điểm chính yếu (point of interest hay focal point) cần phải đặt ở 3 góc theo hình L trong ranh giới 4 phần ở giữa và tránh đặt vào giữa trung tâm điểm của khung vải.
Tuy nhiên quy luật này không phải là bất dịch.
BÓNG TỐI (SHADOW)
Người ta thường dùng các màu tím lạnh để diễn tả bóng tối như Cobalt blue hay Dioxazine purple + thalo blue.
CÂN XỨNG (PROPORTION) 
Khi vẽ 2 người hay vật ở cùng một điểm phải chú ý đến sự cân xứng. Thí dụ cái ghế không thể vẽ quá lớn so với cái bàn, người đàn ông không thể nhỏ hơn người đàn bà, ngoại trừ khi ta muốn nhấn mạnh ở điểm đó. Đừng gây thắc mắc cho người thưởng ngoạn về những lỗi lầm này.
CHIỀU SÂU (DEPTH)
Khung vải chỉ là một mặt phẳng không có chiều sâu. Nhưng ta có thể tạo chiều sâu của bức tranh bằng những quy luật:
Xa nhỏ, gần lớn.
Gần rõ chi tiết, xa mờ.
Hình trước đè lên hình sau.
Mầu nóng (warm color) phía trước, mầu lạnh (cool color) phía xa
CHI TIẾT (DETAIL)
Chi tiết trong họa phẩm chỉ nên thực hiện vào giai đoạn cuối, sau khi đã hài lòng với bố cục, đường nét và mầu sắc như vậy sẽ không mất nhiều thì giờ để thay đổi lại.
CHỦ ĐỀ (MAIN SUBJECT) 
Bức tranh cần diễn tả làm sao cho người thưởng ngoạn nhận thức được người vẽ muốn truyền đạt một điều gì. Vì vậy hãy nên giản dị, không nên chọn những chủ đề quá bí hiểm.
ĐIỂM CHÍNH (MAIN POINT, CENTER OF INTEREST)
Sắp xếp sao cho những điểm chính thích hợp với bố cuc.
Mầu sắc của điểm chính phải sáng, phải tươi hơn những vật chung quanh.
ĐƯỜNG NÉT (LINE & SHAPE)
Tránh dùng những đường quá thẳng.
Tránh dùng những đường song.
Tránh vẽ nhữnh hình thù giống nhau. Thí dụ vẽ 2 con cá, nên đổi hướng, đổi mầu, đổi kích thước v.v…
HẬU CẢNH (BACK GROUND) 
Trong một bức tranh, hậu cảnh bao giờ cũng phải mờ, không rõ chi tiết. Mầu phải nhạt và có lẫn đôi chút mầu lạnh trong đó.
KỸ THUẬT (TECHNIQUE) 
Người ta vẽ tranh bằng 2 kỹ thuật khác nhau. Kỹ thuật mầu nước khác vơ"I kỹ thuật sơn dầu nhưng tựu chung có 2 cách: Vẽ thẳng (Direct approach) và vẽ 1 hay nhiều lớp lót (under painting).
LỚP LÓT (UNDER PAINTING) 
Với kỹ thuật này, người ta vẽ lớp mầu này chồng lên lớp mầu kia. Thông thường người ta vẽ mầu đậm trước và sẽ vẽ mầu nhạt lên trên. Lớp lót bao giờ cũng mỏng hơn là lớp sau. Có thể dùng nhiều mầu khác nhau.
MẦU SẮC (COLOR)
Những mầu vẽ không phải là cùng một cường độ (intensity) như nhau. Thí dụ mầu Thalogreen hay Thalo blue bao giờ cũng mạnh hơn những mầu xanh khác. Cần phải thực hành mới rõ.
Pha mầu luôn luôn phải có một chút mầu trắng trong đó. Không nên pha quá 4 mầu, trước khi pha phải rửa sạch dao hoặc bút, nếu không sẽ thành mầu chết. Tuy nhiên những mầu chết này sẽ làm nổi bật những mầu tươi sáng.
Muốn cho mầu đậm hơn, cho thêm chút mầu đối nghịch (complementary color), không nên cho mầu đen.
Muốn cho mầu sáng ra cho thêm chút mầu sáng hơn (brighter), không nên cho mầu trắng.
Muốn có sự hài hòa mầu sắc (harmony of color), hãy pha một chút mầu với mầu ở bên cạnh hay là cho một chút mầu của điểm chính vào tứ phía của bức tranh hay là cho một chút mầu sáng vào những mầu tối chết. Thí dụ vẽ hoa hồng nên cho một chút mầu hồng vào trong mầu xanh của lá và chút mầu xanh vào mầu hồng của hoa.
NÉT BÚT (BRUSHE STROKE)
Thông thường người ta hay mắc phải nững khuyết điểm là quá nặng tay với nét bút. Chỉ nên dùng bút đặt mầu vào chỗ. Vẽ mạnh quá mầu sơn sẽ trở nên bằng phẳng (flat). Khi vẽ lá cây, nét bút phải theo chiều của lá. Vẽ núi non, sông nước, nét bút cần theo triền núi và xuôi theo giòng nước. Khi diễn tả cảnh vật êm đềm thơ mộng, nét bút cần phải mờ dịu không trông rõ. Khi vẽ những vật ở gần có thể dùng những nét bút mạnh và sơ sài mầu sắc và sự đậm nhạt tương phản nhưng nét bút này không hợp với lối vẽ tự nhiên.
Nét bút cũng phải kể thêm một loại vẽ khô (dry brushes) tức là lấy mầu vào bút rồi thấm cho khô để khi vẽ mầu ra hơi nhạt.
TẦM MẮT (EYE LEVEL)
Trước khi phác họa (sketch) cần phải xác định tầm mắt ở chỗ nào trong bức tranh. Sự xác định này sẽ làm cho bức họa hợp lý hơn. Trong phong cảnh tầm mắt và đường chân trời là một và thường ở vị trí 1/3 hay 1/5 bức tranh. Nếu quá gần không thể tạo ra chiều sâu được.
XA GẦN
Ngoài những quy luật để tạo chiều sâu đã nói ở trên, ta có thể dùng mầu sắc để diễn tả theo thứ tự sau đâu:
Cận điểm         Chân trời

|Đỏ, Cam (Red, Orange)
|Cam, Vàng (Orange, Yellow)
|Vành, Xanh lá cầy (Yellow, Green)
|Xanh lá cây, Xanh lơ (Green, Blue)
|Tím, Xanh lơ (Violet, blue)
Xám, Xanh (Grey, Blue)


Quy luật về hội họa còn nhiều, nhưng nếu hiểu thấu đáo những điểm kể trên và cộng vào với công thức 1 K 3 T chúng ta sẽ thành công dễ dàng. Đó là:
KIÊN TÂM THỰC TẬP và QUY LUẬT CĂN BẢN.
Placentia 6/2004
BÙI XUÂN ĐÁNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Góc Thư giản

Khi thấy chữ nhỏ muốn cho to ra, hãy nhấn vô Ctrl Key (bên trái phía dưới bàn gõ) đồng thời gõ vô Key dấu + (góc phải phía trên). Nếu gõ một lần chữ chưa đủ lớn, thì gõ hai lần, ba lần ...
Ngược lại, Bấm Ctrl KeyKey dấu -( kế góc phải phía dưới ), chữ sẽ nhỏ lại.