Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

Xem tranh Nguyễn Quốc Tuấn: âm vang của không gian với thời gian …

thap_bat_la_han-nqt
Thập bát La hán Nguyễn Quốc Tuấn
Họa sĩ Nguyễn Quốc Tuấn qua đời tại Montreal ngày 20-3-2013, thọ 60 tuổi. Để tưởng nhớ họa sĩ, chúng tôi có bài sau đây nhân xem phòng tranh của anh năm 1999.
Mùa Hạ năm 1999 đến với người Việt ở “xứ lạnh tình nồng” sớm hơn, từ khi chớm Xuân, và ở lại đến nay, thời điểm trẻ nhỏ đã sắp “đốt đèn đi chơi”! Còn nóng hơn nữa với những người xa xứ chưa một ngày trở lại quê nhà như chúng tôi, một chiều 1-9-1999, tại phòng triển lãm galerie Port-Maurice ở thành phố Saint-Léonard ngoại ô Mộng-Lệ-An, được dự buổi khai trương phòng triển lãm của họa sĩ Nguyễn Quốc Tuấn với chủ đề “Âm-vang từ vạn-cổ / La mémoire des temps anciens“.
Hai mươi bức tranh sơn dầu của Nguyễn Quốc Tuấn đã đưa chúng tôi – và nhiều người thưởng ngoạn khác, tôi tin như vậy, đến một không gian nửa ảo nửa thực và ảo nhiều hơn thực: các bức tranh “trước mắt” diễn tả hoặc gợi lại, gợi hình, những cái không có đó, đã mất, xa vời hay không thể thấy. Những vang bóng một thời, đang dần mất – nếu chưa đã mất, ngay trên quê hương, không gian của thế giới hội họa mà Nguyễn Quốc Tuấn đã thành công vẽ lại, cái không gian đó, nơi những đình miếu đã được con người dựng lên từ nhiều ngàn năm, từ nhiều trăm năm! Những chất liệu và màu sắc của một dòng văn nghệ dân gian, của hoạt cảnh thế giới tâm linh của người Việt một thời và đã trường tồn với thời gian, cho đến gần đây…!
Với những chất liệu và motifs truyền thống, dân tộc hay mang tải một phần hồn của quá khứ, của một truyền thống, truyền thống Việt: những hình ảnh đó là một trộn lẫn đủ tam giáo mà còn là dấu vết của bái thần (?), của những thần linh “vô danh” được xưng tụng, những thần hoàng của làng, những kẻ có công hay vẫn thường “quấy rầy”, cả những cô hồn vất vưỡng, v.v. Nguyễn Quốc Tuấn đã làm sống lại những tuồng tích, những cảnh tượng chốn cung đình, đền miếu, bên cạnh những thần Rồng, những nhân vật huyền thoại, những tiên ông tiên bà, những đấng Thích-ca, nhiều vị bồ-tát như bất động – chắc vì đã đắc Đạo, La-hán (hoặc A-la-hán), đấng đã dứt mọi khổ não của phổ độ chúng sinh, những ông quan ông từ, những kẻ gắn bó với đình miếu ngày xưa, v.v. Và cả những hoạt cảnh hay phong tục ngày xưa, như cảnh thời lịch triều, như đôi trẻ “súc sắc súc sẻ” xin tiền lì xì ngày Tết, những lể tế nơi đền miếu, những người nhạc công nơi đền miếu, những chim muông hoa lá vây quanh chốn u mịch đó, những cảnh bốn mùa trông sao hoang vắng và cổ điển, v.v. Anh vẻ lại “được” cả những sứ-điệp vô ngôn của chốn tịnh không, và cả thời ánh sáng của từ-bi bát nhã! Đình chùa đã là một bức thông điệp văn hóa về quan niệm sống, về cuộc đời và kiếp người, về hy vọng hạnh phúc và hơn nữa, đạt Đạo! Toàn bộ hai mươi bức tranh như một thông điệp đông phương về vũ trụ và nhân sinh!
Có những bức rất gần gũi nghệ thuật sơn mài, qua màu, chất sơn, qua sự phối hợp tổng thể, …. Xử dụng kỹ thuật hiện đại, sơn dầu, một kỹ xảo đòi hỏi người vẽ trình độ cao, vững, có “tay” nghề. Những bột màu, phấn màu, thuốc nước, dầu, … những vật liệu có khả năng diễn tả lớn và khả năng hòa lẫn vô hạn. Nếu làm chủ được kỹ thuật, người họa sĩ sẽ nắm bắt được cái hiện thực toàn diện hơn những chất liệu và kỹ thuật khác như sơn mài, tranh lụa, tranh nước. Xem bộ tranh mới của Nguyễn Quốc Tuấn mà chúng tôi có cảm tưởng đang được “xem” thời gian, một thời gian đã quá vãng, đã qua, như “trở lại” hay “đang được nhớ lại” một cách tự động, một thời gian đang “đứng yên”!

Người xem có thể “thấy” cả cái “màu thời gian” qua nước sơn đen, vàng và đỏ, ba màu cơ bản của nghệ thuật trang trí đình chùa. Ba màu tạo sự uy nghi của thần thánh, sự nghiêm trang của chốn tôn miếu và thẩm mỹ lộng lẫy một cách tôn giáo. Những màu của tín ngưỡng dân gian, của đồ thờ, của thế giới tượng hình vì sự phối hợp ba màu diễn tả hết những tĩnh, động, những sắc nóng, sắc lạnh, những cái tiềm ẩn, đa nghĩa, sâu xa, … Kỹ thuật hiện đại và tiện lợi của sơn dầu giúp hài hòa trộn lẫn đa dạng. Vàng đủ loại : rải rác ở một số góc cạnh hay toàn diện là những vàng đất, vàng sơn, vàng thếp, vàng ủ, vàng mốc, vàng chất chồng, vàng người và thần, v.v. Kỹ thuật sơn dầu của anh cho thấy chung chung một màu vàng cũ “sống” lại, như màu vàng của giải thoát! Chúng tôi như thấy lại những tượng thờ bằng gỗ mít màu vàng mà những kẻ nứt đã được khéo léo trám bằng đất sét trắng đã được trộn với son. Màu vàng trên mặt tượng biểu hiệu sự tôn kính của chúng sinh cũng như lòng mong ước; và người ta vẫn nghĩ ánh sáng màu vàng đưa đến là cái nhìn tâm linh vào cõi Phật, thần! Màu đen người xem cũng có thể thấy những dị bản của màu như đen nhạt, đen biếc, đen tối, đen u trầm, đen kỳ ảo. Màu của một thế giới đen mờ vì thời gian, tối tăm vì lòng người. Còn màu đỏ tượng trưng cho hướng thượng, tìm kiếm hạnh phúc cũng là màu của cuộc sống, màu nối kết con người sống với kẻ đã khuất, kiếp này với kiếp trước, con người với thần linh, màu của trường tồn với thời gian, một màu sống và động thì anh ít dùng – hay đã pha chế hòa lẫn? 

Xem tranh Nguyễn Quốc Tuấn chúng tôi như thấy lại những miếu đền đình chùa đã có dịp viếng thăm khi còn ở chốn không gian Việt trước 1975; chúng tôi như thấy lại những điêu khắc, những mái cong, những nóc, cửa võng, những cửa sổ tròn, vuông, các vĩ, xà,… chạm khắc bởi nhiều thế hệ. Từng theo học triết Việt với cố giáo sư Kim Định, chúng tôi đã đến những nơi chốn đó “thoải mái”, không mặc cảm, không nghi ngờ, dù nhiều bí mật vẫn chưa bao giờ hiểu nổi. Về sau khi học ở Sư-phạm có lúc phải làm một tài liệu thính-thị, chúng tôi đã chọn đề tài những đền đồng-bóng, nay tôi như vẫn còn cái cảm giác ngạc nhiên thích thú khi viếng và dự lên đồng ở Phú-Nhuận hay Bà Chiểu, cũng như vẫn còn cảm được cái tĩnh lặng của đền đức thánh Trần ở đường Hiền-vương, cái âm u bí mật của một vài đền miếu ở Hốc Môn, Thủ Đức và Long An, hay cái bao la hoang vắng khó hiểu của chùa Ngọc Hoàng ở Đa-Kao!
Ông Hegel người Đức có câu nói nổi tiếng “Tout ce qui est réel est rationnel” (tất cả những gì có thật đều có cái hữu lý của nó), riêng hôm nay tôi như thấy “tout ce qui est passé est réel / présent / tout” (quá khứ đang “hiện thực” / đang sống / là tất cả”) theo lối viết mới của nhà thơ Du-Tử họ Lê! Cái đẹp thường chủ quan và đầy cảm tính, chúng tôi vẫn nghĩ Nguyễn Quốc Tuấn đã thành công vẽ lại, làm sống lại cái đẹp của thời gian, của muôn đời. Dĩ nhiên anh nhìn qua “lăng kính” của anh và theo thiển ý anh cũng chỉ “nhìn thấy” một phần cái “vạn cổ”! Nhưng cái không gian của một thời xa xưa gặp Nguyễn Quốc Tuấn như “đất tốt” gặp nhà nghề, mà cũng có thể nghệ sĩ Nguyễn Quốc Tuấn “trúng đất” khi tái tạo cái không gian trong dòng chảy tĩnh mặc mà không ngừng của nó. Hai mươi bức tranh như bấy nhiêu bài thơ hoài cổ, những níu kéo con người sống thời khoa học điện toán. Có những đề tài được “tái tạo” nhiều lần như các vị La-hán, lễ tế, v.v. nhưng mỗi bức tranh như những cảm xúc khác nhau. Anh đã dùng phần nào cái dĩa ngũ sắc với tâm hồn nghệ sĩ, với con mắt bén nhạy, “chín”, với hiểu biết hoặc đã khiến vô thức tiềm thức “làm việc” đã nhìn thấy và đã thành công, ít ra với chúng tôi, “tái tạo”, cung cấp một “hiện thực” cho chúng tôi nhìn thấy quá khứ. “Nhìn” ở đây là “thấy”, “hiểu” và “sống” ngày qua! Với tâm hồn nghệ sĩ, nhiều ký ức và bàn tay tài hoa, chúng tôi tin Nguyễn Quốc Tuấn hãy còn nhiều hứa hẹn thú vị khác cho giới thưởng ngoạn nghệ thuật!
Nguyễn Vy Khanh
1999
Nguồn: Sáng Tạo - Thư viện Văn học nghệ thuật 


TRANH SƠN DẦU NGUYỄN QUỐC TUẤN
Oil on canvas

1

2

3

4

5

  6

7



MỘT SỐ HÌNH ẢNH



Nguyễn Quốc Tuấn


Triển lãm tranh Nguyễn Quốc Tuấn tại Maryland (Hoa Kỳ) 4 - 1996


Nguyễn Quốc Tuấn và hiền thê (Chị Chương, ngồi phía sau NQT) về thăm gia đình
Sài Gòn 8 - 1996. Họa sĩ Nguyễn Văn Rô đứng bên trái
( tư liệu của Từ Cửu Kinh, Virginia )

     Tiểu sử :Nguyễn Quốc Tuấn , sinh năm 1954 tại Sàigòn
Tốt nghiệp Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định 1973 , 
Định cư cùng gia đình tại Montreal- Canada năm 1983.
Tốt nghiệp ngành đồ án và thiết kế ( Diplomat Technical Drafting và CAD )năm 1988

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Góc Thư giản

Khi thấy chữ nhỏ muốn cho to ra, hãy nhấn vô Ctrl Key (bên trái phía dưới bàn gõ) đồng thời gõ vô Key dấu + (góc phải phía trên). Nếu gõ một lần chữ chưa đủ lớn, thì gõ hai lần, ba lần ...
Ngược lại, Bấm Ctrl KeyKey dấu -( kế góc phải phía dưới ), chữ sẽ nhỏ lại.