Nhưng cuộc “trình làng” đầu tiên đó không chỉ bị giới mỹ thuật hàn lâm và các nhà phê bình chỉ trích mà công chúng Paris cũng đồng tình chống lại. Họ la ó phản đối, công kích thứ hội họa “nhảm nhí” chẳng ra quy tắc gì: hình nét lòe nhòe, màu sắc quệt lung tung chả rõ hình khối. Từ bức tranh “Ấn tượng mặt trời mọc” của Claude Monet, một nhà phê bình đã mỉa mai gọi những họa sĩ trẻ này là những “họa sĩ ấn tượng”. Cái tên châm biếm ấy đã được những họa sĩ trẻ chấp nhận và sử dụng trong một cuộc triển lãm năm 1877. Không ai ngờ rằng, sau này, trường phái Ấn Tượng đã đi vào lịch sử mỹ thuật thế giới như một trường phái lớn.
Ấn tượng mặt trời mọc” của Claude Monet, |
Trường phái Ấn Tượng là một bước tiến quan trọng của hội họa trong việc đi sâu nghiên cứu màu sắc, ánh sáng và không khí ngoài trời. Trước khi có trường phái Ấn Tượng thì hầu hết họa sĩ vẽ tranh trong xưởng họa, thể hiện trong tranh mình ánh sáng của xưởng họa, cho dù chủ đề trên tranh là sự việc xảy ra ngoài trời. Hội họa Ấn Tượng ra đời cho ta thấy trong thiên nhiên không có màu sắc nào cố định mà luôn luôn thay đổi từng giờ, từng ngày và từng mùa trong năm.
Nhìn lại lịch sử hội họa, Claude Monet chưa phải là họa sĩ tiên phong trong việc vẽ tranh theo ánh sáng ngoài trời mà trước đó, vào năm 1863 họa sĩ người Pháp là Édouard Manet (1832-1883) đã vẽ bức tranh “Bữa ăn trên bãi cỏ” theo ánh sáng ngoài trời làm sôi nổi dư luận vì phong cách mới lạ của nó."Bữa ăn trên bãi cỏ" của Édouard Manet |
Điểm mới của những họa sĩ Ấn Tượng là đi sâu nghiên cứu cái nhấp nhoáng của màu sắc luôn luôn thay đổi của không khí bao trùm vạn vật. Căn cứ vào sự phát hiện của nhà khoa học người Pháp là Michel Eugène Chevreul (1786-1889) về sự tương phản của màu sắc, những họa sĩ Ấn Tượng không pha màu trên bảng pha màu khi vẽ mà chỉ để những màu gần nhau rồi chúng “tự pha màu” trong nhãn cầu người xem khi khoảng cách giữa bức tranh và người xem vừa tầm.
Về mặt bút pháp, có thể thấy là với hội họa Ấn Tượng, cách tạo hình hoàn chỉnh trọn vẹn trước kia đã dần dần bị phá vỡ. Những nét cọ tách bạch, dứt khoát và những vệt màu ngày càng rút ngắn, thay thế cho các mặt sơn di nhẵn hay cách vờn khối quen thuộc. Dần dà trong tranh, nét màu chuyển hẳn thành những vệt ngắn hay lốm đốm, lấm tấm nhỏ. Họa sĩ muốn đoạt tuyệt với những nguyên tắc hàn lâm, cổ điển; với những quy tắc, quy phạm. Với bảng màu trong trẻo và tươi sáng, bút pháp ấy trở thành tiêu biểu cho phong cách Ấn Tượng mà Claude Monet (1840-1926) là đại diện xứng đáng nhất. Ông là thủ lĩnh của trường phái Ấn Tượng, người đầu tiên hình thành những nguyên tắc và hoạch định những kế hoạch thực hiện kỹ thuật hội họa ấn tượng.
Vương Ánh Nguyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét