Ảnh: Di ảnh nhạc sĩ La Hối, nhạc phẩm “Xuân và tuổi trẻ” và ngôi nhà số 91 đường Nguyễn Thái Học, Hội An, ngôi nhà của tộc họ La có di ảnh của ông
Kỷ niệm với Hội An
La Hối và “Xuân và tuổi trẻ”
(Thành phố Hội An có con đường nhỏ mang tên La Hối, người nhạc sĩ đã sáng tác bản nhạc xuân hay nhất của Việt Nam)
Theo anh Trương Nguyên Ngã, “mốc khởi đầu của nền tân nhạc Việt Nam là từ tháng 4 năm 1938, lần đầu tiên nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên ra Bắc để diễn thuyết và cổ động cho âm nhạc cải cách - một trào lưu mới sáng tác nhạc theo hệ thống nhạc lý phương Tây nhưng được đặt lời Việt, cho dù trước đó các nhạc sĩ trong Nam ngoài Bắc đã sáng tác nhiều nhưng chưa phổ biến rộng rãi.
Bắt nhịp với phong trào này, chưa đầy 4 năm sau đó, nhạc sĩ La Hối đã thành lập Hội Ái hữu Âm nhạc Faifo (Société philharmonique de Faifo) tại Hội An vào năm 1942.
Trụ sở hội đặt tại nhà ông Sấn thợ vàng tọa lạc tại đường Lý Thường Kiệt ngày nay, gồm các thành viên :
- La Hối sử dụng piano.
- Vương Quốc Mỹ, Vương Quang, La Gin,Trần Can sử dụng violon.
- Lâm Cự sử dụng bangio alto hoặc accordeon.
- La Xuân, Thái Chí Hải sử dụng bangio.
- Ghibou sử dụng saxophone alto hoặc trompet.
- Lê Văn Miêng, La Thiều sử dụng trống.
- Duy Liễu sử dụng saxophone tenor.
Đồng thời nhạc sĩ La Hối cũng dùng trụ sở này mở lớp dạy ký âm cho thanh niên theo học, có thể gọi đây là lớp dạy tân nhạc đầu tiên tại Hội An”.
La Hối tên thật là La Doãn Chánh, sinh năm 1920 trong một gia đình gốc Quảng Đông đã định cư tại thành phố Hội An từ nhiều đời. Từ nhỏ, ông là một học sinh chăm chỉ, học giỏi hầu hết các môn học và có khiếu đặc biệt về âm nhạc. Năm 14 tuổi, ông đã bắt đầu sáng tác những bản nhạc có giai điệu vui tươi, sôi nổi... Những năm 1936-1938, ông vào Sài gòn để học hết chương trình văn hóa và trau dồi thêm kiến thức về nhạc cổ điển Tây phương. Sau đó, ông trở về Hội An dạy đàn. Năm 1939, ông và một số nhạc sĩ thành lập Hội yêu âm nhạc (Société Philharmonique) và được tín nhiệm giao giữ chức hội trưởng. Ông là người đầu tiên đưa hành khúc cách mạng Việt Nam vào các chương trình hòa tấu và một số nhạc sĩ trẻ đã được ông hướng dẫn về âm nhạc như Dương Minh Ninh, Lê Trọng Nguyễn, Lan Đài.
Trong thời gian dạy nhạc, La Hối có yêu một cô giáo dạy đàn piano. Chuyện tình của hai người rất kín đáo nên ít người biết, ngay cả những người thân trong gia đình ông cũng không nhớ tên cô. La Hối đã gởi tặng hầu hết những sáng tác chưa phổ biến cho người yêu.
Trong giai đoạn Nhật chiếm Trung Quốc, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, phong trào kháng Nhật nổi lên mạnh mẽ trên cả 3 miền đất nước. La Hối đã tham gia tổ chức chống phát xít với bầu nhiệt huyết của tuổi thanh niên. Ông là lãnh đạo nòng cốt chống phát xít Nhật tại thành phố Hội An và vùng phụ cận. Ông đã có nhiều đêm cùng đồng đội thức trắng để in truyền đơn, viết biểu ngữ và lên kế hoạch tập kích quân đội Nhật nên bị hiến binh Nhật ráo riết truy nã. Cuối cùng, tổ chức của ông bị bại lộ và vào một ngày u ám của tháng 3 năm 1945 (ngày 19 tháng 2 năm Ất Dậu), ông bị bắt cùng với 10 thanh niên yêu nước. Sau nhiều ngày bị giam cầm và bị tra tấn dã man, 11 thanh niên yêu nước của Hội An đã bị phát xít Nhật xử bắn, chôn chung trong một huyệt mộ dưới chân núi Phước Tường, phía Tây Nam thành phố Đà Nẵng. La Hối đã hy sinh lúc tuổi đời chỉ mới 25.
Ông sáng tác rất nhiều, nhưng chỉ để lại khoảng 20 tác phẩm. Một số lớn đã bị hiến binh Nhật tịch thu, một số khác do người yêu của ông cất giữ. Những tác phẩm của ông đều xoay quanh đề tài tuổi trẻ và học đường, trong đó bản nhạc “Xuân và tuổi trẻ" vốn là một bản nhạc không lời được sáng tác vào thời kỳ ông bị hiến binh Nhật theo dõi (năm 1944), hoàn cảnh sống rất khó khăn, nhưng đây cũng là nhạc phẩm gây niềm hứng khởi tin yêu cuộc sống. Sau đó, một người bạn gốc Hoa là nhà thơ Diệp Truyền Hoa đã đặt lời Hoa với tiêu đề "Thanh niên dữ Xuân thiên" để phổ biến trong cộng đồng người Hoa ở Hội An.
Năm 1946, khi đến Hội An trình diễn cùng với đoàn ca vũ nhạc Anh Vũ, nhà thơ Thế Lữ, một trong những chủ tướng của phong trào Thơ Mới, đã rất yêu thích giai điệu của “Thanh niên dữ xuân thiên” nên đã xin phép gia đình nhạc sĩ La Hối được viết lời Việt cho nhạc phẩm này.
Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã soạn hòa âm và nhạc sĩ Văn Chung đã soạn vũ điệu cho “Xuân và tuổi trẻ”, khi trình diễn đã làm nức lòng người dân thành phố Hội An.
XUÂN VÀ TUỔI TRẺ
Ngày thắm tươi bên đời xuân mới,
Lòng đắm say bao nguồn vui sống.
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng,
Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng.
Ngày thắm tươi bên đời xuân mới,
Lòng đắm say bao nguồn vui sống.
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng,
Ta muốn luôn luôn cười với hoa .
Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời,
Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng vui reo
Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm
Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân thắm tươi.
Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời,
Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng reo
Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm
Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân thắm tươi.
Vui sướng đi cho đời tươi sáng,
Vui sướng đi cho lòng thêm tươi,
Ta hát ca đón mừng xuân mới,
Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái.
Hát vang lên đời ta thắm tươi,
Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa
Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca
Hát vang hòa lòng thêm hăng hái.
Hát vang lên đời ta thắm tươi,
Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa
Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca,
Xuân tưng bừng...
Theo : FB Huỳnh Duy Lộc
Ca khúc "Xuân và tuổi trẻ" với giọng ca Ánh Tuyết
Ca khúc “Xuân và tuổi trẻ” với giọng ca Khánh Ly
Ca khúc “Xuân và tuổi trẻ” với giọng ca Thái Thanh
Ca khúc "Xuân và tuổi trẻ" với giọng ca Diễm Liên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét