Hoàng Nguyên và “Ai lên xứ hoa đào”, "vương miện dành cho nhan sắc Đà Lạt”
(Bà nội Nyny ao ước buổi sáng thức dậy, mở mắt ra, thấy mình đang ở Đà Lạt. Ông ngoại Nyny cũng vậy, ao ước buổi sáng thức dậy, mở mắt ra, thấy mình đang ở Đà Lạt hay Đà Nẵng)
Hoàng Nguyên (tên thật là Cao Cự Phúc),
sinh ngày 3 tháng 1 năm 1930 tại Diễn Bình, Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông theo ông nội vào học ở Vinh và tham gia đoàn tuyên truyền kháng chiến Liên khu IV khi mới 16 tuổi, rồi theo cha vào Quảng Trị. Ông làm lại giấy khai sinh, ghi sinh ngày 3.1.1932 rồi vào học ở Trường Quốc học Huế, bị bắt rồi khi được trả tự do đã lên Đà Lạt dạy học tại Trường tư thục Tuệ Quang thuộc chùa Linh Quang do Thượng tọa Thích Thiện Tấn làm hiệu trưởng. Ông dạy Việt văn lớp đệ lục và thời gian này có dạy nhạc cho chàng trai sau này sẽ nổi tiếng với những nhạc phẩm ký tên Nguyễn Ánh 9.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 kể: “Anh Hoàng Nguyên – Cao Cự Phúc của tôi. Tôi gặp anh lần đầu tiên cách nay hơn 40 năm, khi đang học Trường Yersin ở Đà Lạt, thành phố thơ mộng sau này đã đi vào các tác phẩm vượt thời gian của anh. Dạo đó, biết tôi là một chú học trò mê âm nhạc có chút năng khiếu, Hoàng Nguyên đã để tâm chăm sóc. Chủ nhật hàng tuần, anh vào trường nội trú đón tôi ra nhà anh chơi và ân cần truyền đạt cho tôi những kiến thức ban đầu về âm nhạc. Nhà anh ở thật ra chỉ là một căn phòng đơn sơ trong khuôn viên Trường Bồ Đề, Đà Lạt, nơi anh đang dạy Anh văn cho các lớp trung học. Một chiếc giường đơn, một bàn viết bằng gỗ thông và một cây đàn guitar treo trên vách. Thời gian đó, Hoàng Nguyên còn phụ trách các buổi phát thanh của Hội Phật giáo trên làn sóng Đà Lạt. Một hôm, tôi rất bất ngờ và hạnh phúc được anh “mời” tham gia ban nhạc phát thanh của anh. Đó là lần đầu tiên tôi bước vào nghề ca nhạc, năm 1956”.
Năm 1956, trong một đợt lùng bắt những người có hoạt động chống chính quyền ở Đà Lạt, Hoàng Nguyên bị bắt vì là thành phần Việt Minh cũ và bị đày ra Côn Đảo. Sau một mối tình trắc trở với con gái của chúa đảo, ông được trả tự do, trở về Saigon. Ông tiếp tục sáng tác và dạy học ở Trường tư thục Quốc Anh. Năm 1961, ông theo học ban Anh văn tại Đại học Sư phạm Saigon. Trong thời gian theo học đại học, ông có quen biết với ông Phạm Ngọc Thìn, thị trưởng thành phố Phan Thiết. Bà Phạm Ngọc Thìn là nữ diễn viên Huỳnh Khanh, mến mộ tài năng của Hoàng Nguyên đã nhận ông làm em nuôi. Hoàng Nguyên dạy kèm cho Ngọc Thuận, con gái ông bà Phạm Ngọc Thìn. Hai người yêu nhau và Hoàng Nguyên trở thành con rể ông bà Phạm Ngọc Thìn, nhưng cuộc hôn nhân cũng chóng tan vỡ. Năm 1965, ông bị động viên vào Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, sau khi ra trường chuyển về Cục Quân cụ dưới quyền của Đại tá - nhạc sĩ Anh Việt và được giao phụ trách ban nhạc Hương Thời Gian. Ngày 21 tháng 8 năm 1973, ông mất trong một tai nạn xe hơi khi từ Vũng Tàu trở về Saigon.
Sự gắn bó của Hoàng Nguyên với thành phố Đà Lạt đã được thể hiện qua 4 ca khúc bất hủ của ông: “Bài thơ hoa đào” , “Ai lên xứ hoa đào” - mà nhà thơ Du Tử Lê ví von là “vương miện dành cho nhan sắc Đà Lạt” , "Hoa đào ngày xưa và “Đà Lạt mưa bay”.
“Bài thơ hoa đào” là ca khúc đầu tiên về Đà Lạt ông viết khi lần đầu tiên đặt chân lên thành phố sương mù, nhìn thấy sắc thắm của hoa đào:
"Chiều nào dừng chân phiêu lãng,
Khách đến đây thấy hoa đào vương lối đi…”
Nhưng hoa đào tươi thắm không chỉ có trên những con đường mà còn có cả trên má của những thiếu nữ, khiến cho:
“Khách ngất ngây thấy hoa nở trên má ai
Rồi yêu hoa trên má
Mà ghi câu luyến nhớ thành bài thơ…"
Ca khúc “Bài thơ hoa đào” với giọng ca Ngọc Minh: https://youtu.be/WGWv5qw8xF4
“Đà Lạt mưa bay” là ca khúc thể hiện nỗi buồn của cảnh hợp rồi tan ở thành phố có “sương ngủ trên đồi, sương vây thành phố” và những chiều mưa mùa hạ “mưa hoài, mưa ướt lạc vào hồn”:
Người đi rồi, hai đứa mình ở lại
Đà Lạt buồn trong nắng quái chiều hôm
Sương mù nhiều vãi trên làn tóc rối
Chiếc gối chung đầu mình kể chuyện đêm đêm.
Chừ anh đi rồi mình tôi còn ở lại
Đà Lạt buồn mưa mãi mãi không thôi
Sương ngủ trên đồi sương vây thành phố
Nhớ cánh hoa đào nào vương trên áo tôi.
Giã từ học đường, hai bàn tay trắng
Đi vào cuộc đời trắng hai bàn tay
Tôi vẫn nghe trong đêm đầy kể lể
Ưu tư cuộc đời những đứa thương vay.
Đà Lạt mưa hoài mưa ướt lạc vào hồn
Tôi về nhà trong lối ngõ không tên
Anh không về nên chuyến tàu đêm
Bỏ xuống âm thầm những người mình không quen.
Tôi ngồi đây bó gối chong đèn
Nghe mưa về gọi tôi ngoài phố.
Ca khúc “Đà Lạt mưa bay” với giọng ca Elvis Phương: https://youtu.be/Fe6V5iWRh8M
“Ai lên xứ hoa đào” là ca khúc boléro thể hiện trọn vẹn nhất tình yêu tha thiết dành cho Đà Lạt của một người đã thật sự gắn bó với phố núi với sương mù lãng đãng và sắc thắm của hoa đào, lời ca là lời nhắn nhủ khách phương xa mới đặt chân đến đây lần đầu:
Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi,
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôị
Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ,
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ
Nghe tâm tư mơ ước mộng đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa.
Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa
Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân aị
Ðường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa,
Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương,
Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên.
Ôi! Màu hoa đào, màu hoa đào chiều xuân nàọ
Ôi! Màu hoa đào như môi hồng người mình yêu,
Ôi! Màu hoa đào đã bao lần vì màu hoa
Mà lữ khách lắng hồn thơ dừng chân lãng du.
Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa
Cho tôi bớt mơ mộng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa,
Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương
Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào tôi vấn vương.
Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai.
Ca khúc “Ai lên xứ hoa đào” với giọng ca Khánh Ly (trong CD "Thành phố buồn" của Ngọc Minh): https://youtu.be/OCQoz-Soelw
Ca khúc “Ai lên xứ hoa đào” với giọng ca Hoàng Oanh & Trung Chỉnh: https://youtu.be/lH0bcVoh2EA
Album “Ai lên xứ hoa đào” với giọng ca Hoàng Oanh: https://youtu.be/LKjLOY15sxU
Nhạc phẩm : Ai lên xứ hoa đào Ca sĩ Ánh Tuyết trình bày
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét