Vô thường, nếu giải thích theo Phật giáo, mang ý nghĩa là "không chắc chắn", "thường thay đổi", "không trường tồn". Vô thường là một trong ba tính chất (Tam pháp ấn) của tất cả sự vật của đời sống. Vô thường là đặc tính chung của mọi sự sinh ra có điều kiện, tức là thành, trụ, hoại không (sinh, trụ, dị, diệt) . Từ tính vô thường ta có thể suy luận ra hai đặc tính kia là Khổ và Vô ngã. Trong Đạo học phương Đông của người Trung Hoa thì chữ "Dịch biến" đồng nghĩa với chữ "Vô thường" trong Đạo Phật. Do đó nghĩa đối nghịch với "Thường" là" Vô thường". Hay nói một cách khác: Vô thường nghĩa là không ở yên một trạng thái mà luôn luôn biến đổi. Trong Đạo Phật chữ Thường là chỉ cho Phật Tánh, Bản thể Chân như, tự tại, tự chủ không bị chi phối, biến đổi. Vì thế mà chữ Vô thường là không thường còn, bị biến thiên, bị mất đi. Trong kinh Đại Niết Bàn khi Phật nhập diệt Trời Phạm Thiên nói câu: "Chư hành vô thường Thị sanh diệt pháp..." Nghĩa là: các sở hành đều vô thường biến đổi, nó là pháp sanh diệt. Tôi phải nhập đề dài dòng văn tự như vậy vì khi nghe tên của một nhạc sĩ tài hoa, mang một phương danh đầy tính chất triết lý là "Vô Thường", tôi muốn viết đôi dòng về anh, vì tôi ngưỡng mộ tài năng về sở trường đàn ghi-ta cho loại nhạc hòa tấu của anh. Tôi nghe tiếng đàn của nhạc sĩ Vô Thường rất thường. Thật vậy, phải nói là rất thường. Cố nhạc sĩ Vô Thường tên thật là Võ Văn Thường, sinh năm 1940 tại Ninh Thuận, rất quen thuộc với giới trẻ trước năm 1975. Có lẽ hầu hết những ai ở Phan Rang cũng biết đến anh Bảy Rìu chủ quán cà phê Diễm, với phong thái rất nghệ sĩ, vui vẽ, rất điệu nghệ và ai cũng thương mến anh. Bảy Rìu là cái tên gọi mà chỉ có những người Phan Rang và bằng hữu thân thiết mới biết, còn ngoài đời thì người ta chỉ biết anh qua cái tên nghe rất tôn giáo là "Vô Thường", anh theo đạo Phật, mang pháp danh là Thiện Quả, anh nổi tiếng với ngón đàn tay trái rất đặc biệt mà nhiều nhạc sĩ sử dụng tây ban cầm hay đàn ghi-ta thường đánh giá cao về khả năng dùng tây ban cầm điêu luyện của anh.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh tên thật là Trần Ngọc Trọng sinh năm 1933 tại Nam Ðịnh. Năm 1950, ông về sống ở Hà Nội và học vĩ cầm từ người anh cả. Năm 1953, ông giành giải nhất của đài phát thanh Hà Nội về giọng hát. Năm 1955, ông di cư vào miền Nam Việt Nam. Tại đây ông sáng tác nhạc phẩm đầu tiên là "Ðò ngang" (viết cùng Y Vân). Năm 1982, Tuấn Khanh rời Việt Nam sang Hoa Kỳ rồi định cư tại Garden Grove, California. Năm 2008, ông về thăm Việt Nam và cho ra mắt đĩa nhạc Hoa soan bên thềm cũ.
Nguyễn Ánh 9 là nhạc sĩ nổi tiếng với những ca khúc sáng tác cả trước và sau năm 75 là Không, Ai Đưa Em Về, Buồn Ơi Chào Mi, Tình Khúc Chiều Mưa, Cô Đơn, Bơ Vơ, Tiếng Hát Lạc Loài, Mùa Thu Cánh Nâu, Tình Yêu Đến Trong Giã Từ… Ông đồng thời cũng là nhạc công piano nổi tiếng từ trước năm 1975, đã hợp tác với các vũ trường, phòng trà và đệm đàn cho nhiều danh ca Sài Gòn. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh năm 1940, là con út trong một gia đình khá giả có ba người con tại tỉnh Ninh Thuận. Sau đó gia đình ông chuyển đến Nha Trang, đến năm ông 11 tuổi thì vào Sài Gòn sinh sống.
Đó là xuất xứ của cái tên Nguyễn Ánh 9 nổi tiếng trong âm nhạc Việt Nam từ thập niên 1970 trở về sau. Việc lấy nghệ danh này cũng đánh dấu một sự biến chuyển quan trọng của cuộc đời, đó là từ nhạc công trở thành một nhạc sĩ. Thưở nhỏ Nguyễn Ánh 9 theo học trường Taberd ở Sài Gòn (nay là trường Trần Đại Nghĩa), đến năm 14 tuổi thì lên Đà Lạt để học nội trú tại trường Yersin cho đến năm 1958. Ông từng bỏ nhà đi năm 18 tuổi để theo đuổi đam mê âm nhạc, vì sự ngăn cấm của gia đình.
Năm 1955, trong thời gian học ở Đà Lạt, ông có quen biết với nhạc sĩ Hoàng Nguyên – tác giả của Ai Lên Xứ Hoa Đào, và được nhạc sĩ này dìu dắt vào con đường âm nhạc. Cứ mỗi ngày chủ nhật hàng tuần, nhạc sĩ Hoàng Nguyên vào trường nội trú để đón ông về nhà để truyền đạt những kiến thức căn bản về âm nhạc. Sau khi tốt nghiệp Tú tài 2, qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, Nguyễn Ánh 9 được vào tham gia chương trình Tuổi Xanh của Đài phát thanh Sài Gòn và Đài phát thanh Đà Lạt. Ông cũng cộng tác với chương trình Tiếng hát sinh viên do Duy Trác thực hiện. Từ đó, Nguyễn Ánh 9 đi khắp nơi biểu diễn piano ở các bar, các nhà hàng nổi tiếng. Nguyễn Ánh 9 bắt đầu sự nghiệp viết nhạc một cách rất tình cờ, bắt đầu từ chuyến đi Nhật biểu diễn cùng ca sĩ Khánh Ly vào tháng 8 năm 1970. Lần đó Khánh Ly được phía Nhật mời sang biển diễn trong khuôn khổ hội chợ văn hóa tại Osaka, và Nguyễn Ánh 9 đi cùng với vai trò là nghệ sĩ đệm đàn guitar cho Khánh Ly hát. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 kể lại rằng sau buổi diễn, khi cùng với Khánh Ly đứng chờ thang máy lên phòng khách sạn, thấy người bạn mình mang vẻ mặt buồn buồn, Khánh Ly lên tiếng hỏi: “Còn thương nó không bạn?” – Ý muốn hỏi về mối tình đầu năm 18 tuổi của ông mà Khánh Ly đã từng được nghe ông tâm sự. Sẵn cây đàn guitar trên tay, Nguyễn Ánh 9 gảy ngay rồi ngẫu hứng cất tiếng hát: “Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa…”.
Lúc đầu ông lấy tựa đề bài hát là “Không, Không… Tôi Không Còn Yêu Em Nữa”, với cảm hứng là từ một ca khúc của Christopher mang tên “Non, Non, Je ne t’aime plus”. Về sau, Nguyễn Ánh 9 cắt gọn tất cả, tựa đề chỉ còn lại một chữ “KHÔNG” duy nhất. Ca khúc “Không” được Khánh Ly thu lần đầu trong đĩa nhựa của dĩa nhạc Tình Ca Quê Hương. Bài hát này cũng đã trở thành một trong những nhạc phẩm gắn liền với cuộc đời ca hát của Elvis Phương sau đó.
Ngoài ra, bài “Không” cũng vượt ra khỏi ranh giới Việt Nam khi được nữ diva người Đài Loan Đặng Lệ Quân hát bằng cả lời Hoa lẫn lời Nhật, và rất được ưa chuộng tại các thị trường này.
Trước năm 1975, có 2 sáng tác rất nổi tiếng khác của ông, rất được yêu thích cho đến ngày nay, đó là Buồn Ơi Chào Mi và Tình Khúc Chiều Mưa. Ca khúc Buồn Ơi Chào Mi đặc biệt được yêu thích với giọng hát của danh ca Sĩ Phú, mời bạn nghe bên dưới:
Những năm đầu thập niên 1970, Nguyễn Ánh 9 cộng tác với nhiều vũ trường lớn ở Sài Gòn để đệm piano cho hầu hết những danh ca thời đó. Trong một cuộc phỏng vấn, Nguyễn Ánh 9 đã nói rằng ông thích nhất được đệm đàn cho hai danh ca Thái Thanh và Khánh Ly. Trong thời gian Nguyễn Ánh 9 làm làm việc tại phòng trà Anh Vũ, ông quen biết 1 nữ vũ công tại đây là bà Ngọc Hân. Năm 1965, họ kết hôn với nhau, khi đó ông 25 tuổi còn bà Ngọc Hân vừa tròn 20. Sau khi lấy nhau, bà quyết định bỏ nghề vũ công, toàn tâm toàn ý chăm lo gia đình để ông theo nghiệp âm nhạc. Sự hy sinh của bà nhiều lần được nhạc sĩ nhắc đến bằng tất cả lòng tri ân như sau: “Vợ tôi là một người phụ nữ dịu hiền nhân hậu, có lẽ chẳng người phụ nữ nào đủ vị tha và hy sinh cho chồng mình như cô ấy. Tôi mắc nợ trọn kiếp với người bạn đời, bởi tình yêu đã vĩnh viễn câm lặng, trái tim tôi không còn cảm giác sau hình ảnh của mối tình đầu”.
Sau tháng 4 năm 1975, thời gian đầu Nguyễn Ánh 9 cùng đi diễn ở các tỉnh với đoàn văn nghệ của ca nhạc sĩ Duy Khánh. Từ 1976, ông làm nhân viên kiểm soát xe lưu thông tại Xa cảng miền Tây cho đến năm 1978. Một thời gian Nguyễn Ánh 9 có mở một lớp dạy dương cầm. Năm 1982, Nguyễn Ánh 9 trở lại với âm nhạc; ông tiếp tục tham gia các chương trình hòa tấu và biểu diễn dương cầm ở nhiều nơi. Những năm cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, Nguyễn Ánh 9 có viết thêm một số ca khúc nữa như Mênh Mông Tình Buồn, Cho Người Tình Xa đặc biệt là chuỗi 3 bài hát có phần liên quan đến nhau: Cô Đơn, Bơ Vơ và Tiếng Hát Lạc Loài.
Trong một lần đứng trên sân khấu hải ngoại năm 2006 – tròn 10 năm trước khi qua đời – ông từng chia sẻ rằng nếu một ngày nào đó ông còn nữa, thì ông chỉ mong khán giả nhớ đến một bài hát mà ông yêu nhất và trân trọng nhất, đó là bài Cô Đơn. “Hạnh phúc như đôi chim uyên tung bay ngập trời nắng ấm Hạnh phúc như sương ban mai long lanh đầu cành nắng ấm…” (Cô Đơn)
Cho đến những năm cuối đời, Nguyễn Ánh 9 vẫn biểu diễn, tham gia một số đêm nhạc của ca sĩ Ánh Tuyết. Ông thường chơi dương cầm hàng tuần tại khách sạn Sofitel Plaza Saigon. Sau một thời dài với căn bệnh viêm phổi, suy tim, vào lúc trưa 14 giờ 00, ngày 14 tháng 4 năm 2016 ông hôn mê, và trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Đại học Y – Dược Sài Gòn, hưởng thọ 77 tuổi.
Phạm Duy sinh tại Hà Nội năm 1921, theo học các Trường Trung Học Thăng Long, Cao Ðẳng Mỹ Thuật, Kỹ Nghệ Thực Hành, tự học nhạc và đi huấn nghệ tại Pháp trong hai năm 1954-1955, học trò của Robert Lopez và bàng thính viên tại Institut de Musicologie, Paris.
Khởi sự đời nhạc của mình là một ca sĩ trong gánh hát Ðức Huy, đi hát lưu động trong những năm 1943-1945. Rồi trở thành cán bộ văn nghệ trong cuộc Kháng Chiến chống Pháp. Vào sinh sống tại miền Nam một vài năm trước khi đất nước bị phân chia, trong suốt hơn 20 năm, Phạm Duy là người phản ảnh đầy đủ mọi khía cạnh đời sống tình cảm của người dân trong nước.
Phạm Duy chia sự nghiệp của mình ra nhiều giai đoạn :
* Khởi đi từ dân ca, ghi lại hình ảnh người dân Việt Nam trong thời đấu tranh giành độc lập rồi tới trường ca là liên khúc của nhiều bài dân ca, nói lên sự vĩ đại của dân tộc Việt.
* Sau đó là tâm ca, những bài ca thức tỉnh lương tâm, phản đối bạo lực và lòng phi nhân.
* Tới đạo ca, mang tính chất thiền ca, là những bài hát đi tìm sự thật.
* Rồi tới tục ca, những bài hát tiếu lâm nói thẳng vào cuộc đời đầy rẫy ngụy thiện.
* Tới bé ca, nữ ca và bình ca là những khúc hoan ca.
* Chưa kể những tình khúc mà suốt 40 năm qua, nghĩa là trải qua ba thế hệ, bất cứ đôi tình nhân Việt Nam nào cũng đều hát tới và sẽ nhớ mãi.
Sau biến cố tháng Tư năm 1975, Phạm Duy và gia đình di cư qua Hoa Kỳ, cư ngụ tại Midway City, California, tiếp tục hành nghề hát rong và thường xuyên có mặt tại khắp nơi trên thế giới để hát những bài thuộc loại mới là tị nạn ca, ngục ca và hoàng cầm ca.
Từ mùa Xuân 1988, với sự hợp tác của con trai Duy Cường, Phạm Duy chuyển hướng từ nhạc đơn điệu qua nhạc đa điệu. Sau khi tung ra 10 bài rong ca với nhan đề Người Tình Già Trên Ðầu Non hay là Hát Cho Năm 2000, Phạm Duy hoàn tất Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ, bài này được khởi soạn từ 1975 và phải đợi 15 năm sau mới hoàn thành. Các trường ca Con Ðường Cái Quan và Mẹ Việt Nam cũng được phóng tác để trở thành nhạc giao hưởng.
Tới 1992 thì Phạm Duy rời lĩnh vực nhạc xã hội để tiến qua nhạc tâm linh với những nhạc phẩm Ðạo Khúc Thiền Ca, Trường Ca Hàn Mặc Tử...
1995 là lúc Phạm Duy đi vào kỹ thuật để thăng tiến nghệ thuật, tức là đi vào lãnh vực Multimedia. Ðĩa CD-Rom đầu tiên của người Việt Nam trên thế giới đã ra đời, mang tựa đề Voyage Through Motherland - Hành Trình Trên Ðất Mẹ (với trường ca Con Ðường Cái Quan là bản nhạc chính).
Từ 1997, Phạm Duy muốn được kết thúc sự nghiệp của mình vào năm 2000 và sẽ hoàn tất vào lúc đó một nhạc phẩm lớn, mang cao vọng thăng hoa được con đường dân ca mà ông đã chọn từ khi mới nhập cuộc hát rong, hát dạo. Nhạc phẩm đó là MINH HỌA TRUYỆN KIỀU, hoàn tất năm 2010.
Nhạc sĩ Phạm Duy đã hồi hương năm 2005, và tạ thế tại Sài Gòn ngày 27 tháng 1 năm 2013, trong niềm tiếc thương vô hạn của những người yêu quý dòng nhạc Phạm Duy.
Phạm Đình Chương (1929 – 1991) là một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc tiền chiến và là một tên tuổi lớn của tân nhạc Việt Nam. Ngoài ra ông còn là một ca sĩ với nghệ danh Hoài Bắc.
Phạm Đình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. Quê nội ông ở Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, thân phụ của Phạm Đình Chương là ông Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được hai người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long.
Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh.
Ông được nhiều người chỉ dẫn nhạc lý nhưng phần lớn vẫn là tự học. Trong những năm đầu kháng chiến, Phạm Đình Chương cùng các anh em Phạm Đình Viêm, Phạm Thị Quang Thái và Phạm Thị Băng Thanh gia nhập ban văn nghệ Quân đội ở Liên Khu IV.
Phạm Đình Chương bắt đầu sáng tác vào năm 1947, khi 18 tuổi, nhưng phần nhiều những nhạc phẩm của ông thường được xếp vào dòng tiền chiến bởi mang phong cách trữ tình lãng mạn. Các nhạc phẩm đầu tiên như Ra đi khi trời vừa sáng, Hò leo núi... có không khí hùng kháng, tươi trẻ.
Năm 1951 ông và gia đình chuyển vào miền Nam. Với nghệ danh Hoài Bắc, ông cùng các anh em Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng lập ban hợp ca Thăng Long danh tiếng. Thời kỳ này các sáng tác của ông thường mang âm hưởng của miền Bắc như nói lên tâm trạng hoài hương của mình: Khúc giao duyên, Thằng Cuội, Được mùa, Tiếng dân chài... Thời gian sau đó, ông viết nhiều bản nhạc nổi tiếng và vui tươi hơn: Xóm đêm, Đợi chờ, Ly rượu mừng, Đón xuân...
Sau khi cuộc hôn nhân với ca sĩ Khánh Ngọc tan vỡ, ông bắt đầu sáng tác tình ca. Ông đem tâm trạng đau thương vào những bài nhạc tình da diết, đau nhức, buốt giá tâm can: Đêm cuối cùng,Thuở ban đầu, Người đi qua đời tôi, Nửa hồn thương đau.
Có thể nói Phạm Đình Chương là một trong những nhạc sĩ phổ thơ hay nhất. Nhiều bản nhạc phổ thơ của ông đã trở thành những bài hát bất hủ, có một sức sống riêng như: Đôi mắt người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Mộng dưới hoa (thơ Đinh Hùng), Nửa hồn thương đau (thơ Thanh Tâm Tuyền), Đêm nhớ trăng Sài Gòn (thơ Du Tử Lê)... Phạm Đình Chương cũng đóng góp cho tân nhạc một bản trường ca bất hủ Hội trùng dương viết về ba con sông Việt Nam: sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long.
Sau 1975 Phạm Đình Chương định cư tại California, Hoa Kỳ. Ông mất 22 tháng 8 năm 1991 tại California. Theo một số tài liệu khác thì ông mất năm 1993.
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên sinh ngày 26 tháng 9 năm 1948 tạiHải Phòng, và là con thứ hai trong một gia đình 7 người con. Ông lớn lên trong môi trường sách vở và thơ văn, do gia đình ông có mở một nhà sách tên Thanh Bình ở Hải Phòng, và sau này ở trên đườngPhan Đình Phùng(nay là đườngNguyễn Đình Chiểu) khi vào định cư ởSài Gòn. Tại đây, ông học trường Trung họcNguyễn Trãivà sau đó làTrường Đại học Khoa học Sài Gòn.
Trong thập niên 1960, Ngô Thụy Miên có theo học vĩ cầm với Giáo sư Đỗ Thế Phiệt, và nhạc pháp với Giáo sư Hùng Lân tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Thời gian học ở đây, ông quen biết với Đoàn Thanh Vân (con gái của diễn viên Đoàn Châu Mậu), và hai người đã có một mối tình.[1]
Từ năm 1970 đến 1975, Ngô Thụy Miên làm kiểm soát viên không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất. Cũng khoảng thời gian đó, ông là Trưởng ban nhạc Luân Phiên tại Đài phát thanh Quân đội.[2]
Năm 1963, ông bắt đầu viết nhạc. Tình khúc đầu tiên mà ông sáng tác là bài "Chiều nay không có em" hoàn tất vào tháng 2 năm 1965, được giới sinh viên học sinh lúc bấy giờ hưởng ứng rất nồng nhiệt.
Vài năm sau, ông cho xuất bản một tập nhạc đầu tay lấy tựa "Tình khúc Đông Quân" (Đông Quân chính là bút hiệu đầu đời của ông trước khi đổi qua bút hiệu Ngô Thụy Miên bây giờ) in ronéo phát hành tại Sài Gòn năm 1969. Trong đó có nhiều bài đáng chú ý như: "Giáng ngọc", "Mùa thu này cho em" (sau đổi là "Mùa thu cho em"), "Gọi nắng" (sau đổi là "Giọt nắng hồng"), "Dấu vết tình yêu" (sau đổi là "Dấu tình sầu"), "Cho những mùa thu" (sau đổi là "Thu trong mắt em"), "Tình khúc tháng 6", "Mùa thu về trong mắt em" (sau đổi là "Mắt thu") và "Ngày mai em đi"... Tiếp theo, Ngô Thụy Miên có những nhạc phẩm phổ từ thơ của nhà thơ Nguyên Sa như: "Áo lụa Hà Đông", "Paris có gì lạ không em", "Tuổi 13"...
Năm 1974, Ngô Thụy Miên thực hiện băng nhạc đầu tay Tình Ca Ngô Thụy Miên gồm 17 tình khúc đã được viết trong khoảng thời gian 1965 – 1972. Với sự góp mặt của các ca sĩ và nhạc sĩ như Khánh Ly, Duy Trác, Thái Thanh, Lệ Thu, Thanh Lan, Duy Quang,...
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông vượt biên đến tị nạn tại đảo Pulau Bidong của Malaysia, và chính thức ra mắt một sáng tác viết từ năm 1975 là bài "Em còn nhớ mùa xuân" gởi tặng riêng cho người yêu của ông là Đoàn Thanh Vân. Sau 6 tháng ở trại tị nạn, nhạc sĩ được nước thứ ba bảo lãnh cho sang Montréal (Canada) vào tháng 4 năm 1979.
Từ San Diego (Hoa Kỳ), Đoàn Thanh Vân được tin người yêu đã đến được Canada, đã bay sang nối kết lại cuộc tình đã bị dở dang vì thời cuộc. Cùng năm 1979, cả hai qua sống tại San Diego rồi dời lên Quận Cam, California. Qua năm 1980, Ngô Thụy Miên bắt đầu đi làm về ngành điện toán cho trường UCLA, tại thành phố Olympia thuộc tiểu bang Washington.
Trong thập niên 1990, nhạc sĩ tiếp tục sáng tác với những ca khúc mới như "Cần thiết", "Em về mùa thu", "Trong nỗi nhớ muộn màng",… và nhất là Riêng một góc trời (1996). Năm 2000, nhạc phẩm "Mưa trên cuộc tình tôi" của ông được khán thính giả đón nhận một cách đặc biệt.
Tổng cộng đến nay, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã sáng tác được trên 70 ca khúc, với khoảng 20 bài từ trong nước. Theo đánh giá của nhiều người, thì Ngô Thụy Miên chính là "một nhạc sĩ tài hoa đích thực"...[3]
Trung tâm Thúy Nga từng thực hiện chương trình vinh danh và những sáng tác của ông:
Nói về việc bén duyên với các bản tình ca, nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên cho biết:[4]
"Với tôi, chiến tranh chỉ là giai đoạn. Tình yêu mới là vĩnh cửu. Từ khi bắt đầu viết nhạc, tôi đã chọn cho mình một hướng đi, đó là tình ca. Và trước tôi cũng như sau tôi đã có nhiều nhạc sĩ viết về chiến tranh, về quê hương, về thân phận… Tất cả chúng tôi đều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam, mỗi người một khuynh hướng khác nhau. Tôi chỉ xin được nhớ đến như một người viết Tình Ca không hơn không kém.
Tôi không viết nhạc để sống, mà tôi sống để viết nhạc… Nếu đời hay người đời chia sẻ được với tôi thì đó là một niềm vui".
Trần Thiện Thanh (12 tháng 6 năm 1942 – 13 tháng 5 năm 2005) là một trong những nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng nhất giai đoạn trước 1975. Một số bút hiệu khác của ông là Anh Chương (tên con trai ông), Trần Thiện Thanh Toàn (em trai ông, đã tử trận), Thanh Trân Trần Thị. Ông còn là ca sĩ với nghệ danh Nhật Trường và được xem như là một trong bốn giọng nam nổi tiếng nhất của nhạc vàng ("tứ trụ nhạc vàng"), ba người còn lại là: Hùng Cường, Duy Khánh, Chế Linh.
Trần Thiện Thanh sinh năm 1942 tại Phan Thiết. Ông đến Sài Gòn năm 1958, sau khi học xong thì làm giáo viên trung học. Sau đó, ông tốt nghiệp trường Hạ sĩ quan năm 1965, phục vụ tại Cục Tâm lý chiến Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa cho đến cuối tháng tư năm 1975. Ông cũng làm việc tại Ðài Phát thanh và Truyền hình Quân Ðội, từng là Trưởng ban văn nghệ của đài và sau năm 1968 còn phụ trách thêm chương trình phóng sự chiến trường.
Đầu thập niên 1960, Nhật Trường lập ban Tứ Ca Nhật Trường gồm ông và 3 nữ ca sĩ: Như Thủy (em gái của ông), Vân Quỳnh và Diễm Chi("nữ hoàng" của phong trào du ca chuyên hát nhạc Nguyễn Đức Quang, Ngô Mạnh Thu, Miên Đức Thắng, Bùi Công Thuấn). Ngoài ra, ông còn điều hành trung tâm phát hành nhạc và thu băng tên là “Tiếng Hát Đôi Mươi”.
Trong những năm cuối thập niên 1960, Hùng Cường, Chế Linh và Nhật Trường thường mặc quân phục lên sân khấu để hát nhạc lính. Ông hoạt động rất nhiều với các đài phát thanh VTVN và đài Truyền hình Việt Nam thời đó. Trong các phim kịch với đề tài người lính, Nhật Trường hay diễn chung với Thanh Lan. Đầu thập niên 1970, ông thực hiện một số nhạc cảnh về Đại úy Nguyễn Văn Đương trong đó ông đóng vai người lính còn Thanh Lan đóng vai người vợ hậu phương Nguyễn Thị Lệ. Đây là một tiết mục thu hút nhiều khán giả xem TV thời kì đó và loạt nhạc cảnh này đã được chuyển thành phim với tên Trên đỉnh mùa đông. Sau 1975, ông nằm trong danh sách những nghệ sĩ bị Nhà nước CHXHCN Việt Nam cấm hoạt động. Năm 1984, Trần Thiện Thanh được phép hoạt động lại. Nhưng ông từ chối làm việc dưới chế độ mới mặc dù ông vẫn soạn nhạc. Năm 1993, ông di cư sang Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình, ODP. Sau một thời gian sống tại Mỹ thì ông kết hôn với nữ ca sĩ Mỹ Lan. Trần Thiện Thanh qua đời vào ngày 13 tháng 5 năm 2005 tại nhà riêng ở thành phố Westminster,Quận Cam do bệnh ung thư phổi.
Nhạc sĩ Trúc Phương được mệnh danh là “ông hoàng dòng nhạc bolero”. Thế nhưng, người nhạc sĩ tài hoa có một cuộc sống đầy bi đát, hoàn toàn tỉ lệ nghịch với sự nổi tiếng, “giàu có” trong âm nhạc. Nhạc sĩ Trúc Phương qua đời năm 1995, do bệnh sưng phổi, hậu quả của những năm dài sống trong đói khổ. Trong 62 năm ở trọ trần gian, ông cho ra đời gần 100 ca khúc có giá trị. Nhạc của Trúc Phương có một vị trí không thay đổi, luôn làm say mê công chúng. Mỗi ca khúc ông viết đều sâu lắng, dễ nghe, dễ thuộc và ai cũng có thể hát được… nên lan tỏa. Bình dân nhưng vẫn không kém đi sự sang trọng. Từng ca từ, giai điệu được tác giả trau chuốt, chọn lọc. Các ca khúc của ông đã chắp cánh thành công cho nhiều thế hệ ca sĩ như: Thanh Thúy, Duy Khánh, Giao Linh, Phương Dung, Thanh Tuyền, Chế Linh, Nhật Trường, Tuấn Vũ, Đan Nguyên… Đến nay, những Nửa đêm ngoài phố, Thói đời, Buồn trong kỷ niệm, Ai cho tôi tình yêu, Tàu đêm năm cũ, Đôi mắt người xưa, Người xóm cũ, Sau những lần gối mỏi, Mưa nửa đêm… mang đầy tâm sự buồn của chính tác giả, vẫn tiếp tục vang lên từ mọi ngõ ngách, trên các sân khấu ca nhạc, được những ca sĩ tên tuổi hát. Tất cả bài hát như một định mệnh đầy đau khổ, đo ni đóng giày cho ông sau này
Nguồn : Nhạc xưa Blog , link : https://nhacxua.vn/
Có nhiều người vào một thời điểm nào đó, và ở một hoàn cảnh nào đó đã ao ước có đôi cánh của loài chim biển, thoát ra khỏi cảnh tù túng để sống với trời cao biển rộng. Tôi cũng đã có mơ ước như vậy. Chỉ đáng buồn là mơ ước này lại nhen nhúm khi tôi đang sống trên mảnh đất quê hương của mình khi hòa bình đã trở lại.
Thế rồi ước mơđã may mắn trở thành sự thật. Tôi đã vượt qua nửa vòng trái đất, sang bên kia bờ đại dương sống tại thành phố San Francisco, một thành phố thơ mộng xây cất trên 32 ngọn đồi. Nơi đây quanh năm tôi có thể ngắm bầy hải âu bay lượn qua cây cầu Golden Gate, giỡn với sóng biển lúc nào cũng rì rào.
Tuy không còn mong ước có đôi cánh dài để bay đi đâu nữa, nhưng ước mơ một đời sống tự do như loài chim biển lúc nào cũng tiềm ẩn trong tôi. Nghe sóng vỗ và ngắm bầy hải âu bay lượn trong cảnh hoàng hôn vẫn còn là cái thú mỗi buổi chiều trên đường đi làm về. Và khi dạo bờ biển với cái máy ảnh trên tay thì hải âu vẫn luôn là đề tài mà tôi yêu thích.
Mời các bạn ngắm một số hình ảnh hải âu bay lượn với sóng biển và nghe Bằng Kiều hát Bay Đi Cánh Chim Biển của Đức Huy, một nhạc sĩ yêu thiên nhiên, đã từng sống và có khá nhiều kỷ niệm với San Francisco. VCH
Trong Âm Nhạc, Thi ca, có lẽ Tình Yêu là một đề tài lớn, một đông lực chính đã tạo nên biết bao sáng tác bất hủ vĩnh cửu mãi cùng thời gian và không gian.
Nơi nào, tuổi nào mà chẳng có những kẻ yêu nhau, không phải “yêu chỉ là chết ở trong lòng một ít” mà đôi khi sẽ biết chết cả cuộc đời nhưng vẫn cứ yêu…
“Gặp một bữa là thấy mừng một bữa.
Gặp hai hôm là Nhị Hỷ của tâm hồn..”
Yêu lạ lẫm lắm, đôi khi lần đầu chỉ mới ánh mắt chạm nhau, hồn đã lâng lâng ngây dại, tim đập nhanh hơn, máu đã rạo rực khơi dòng…
Nào ai cắt nghĩa được tình yêu ?
“Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt.
Bằng mây nhè nhẹ gió êm trôi..”
Thơ thẩn, thẩn thơ, nhớ mong biết bao!
Nhưng vẫn mong“Em cứ hẹn, nhưng em đừng đến nhé. Để lòng buồn anh dạo khắp quanh sân..”. Tại sao vậy? Vì có lẽ đó mới đích thực là cảm giác, cảm xúc của tình yêu, tình si, tình ngây dại…
Say đắm yêu, nhớ nhau tột cùng nhưng đã “nghìn trùng xa cách”, nhạc sĩ Quốc Dũng đã cuồng nhiệt trút hết tâm tình u uẩn của mình với người yêu. Anh đã nhắc gọi tên người tình trong suốt ca khúc, với một nhịp điệu mạnh, dồn dập như hơi thở, nhưng không kém phần da diết, với tựa đề “MAI”, anh đã kể lể cuộc tình mình từ ngày đầu cho tới lúc đôi lứa mãi mãi xa nhau…
“MAI! Anh đã quen em một ngày, anh đã yêu em một ngày, một tình yêu quá không may”.
Mở đầu đã thấy cuồng yêu, đã thấy cay đắng xót xa, cho tới đoạn cuối.
“MAI! Anh biết em trong một ngày. Anh đã yêu trong một ngày, để sầu đau đến bao ngày. Đời mình còn dài trong năm tháng chua cay, còn tìm đâu thấy những ngày vui. Chuyện tình mình tựa như cơn gió trôi đi, riêng lòng anh xót xa biệt ly.”
Chấm dứt, giọng Elvis Phương vẫn luôn là hàng đầu để chuyên chở tình yêu, giọng hát anh thật trữ tình, tràn ngập yêu thương hờn trách thay cho Quốc Dũng gửi đến cho MAI.
Không hiểu sao VCH lại lựa ca khúc này, hơn nữa lại chỉ lựa hình ảnh của MAI, dĩ nhiên là MAI hiện giờ, MAI hiện đại, đẹp kiêu sa, rất fashion, nhưng vẫn hiểu là MAI tượng trưng của Quốc Dũng ngày trước.
Cám ơn VCH đã cống hiến thêm một video Tình Yêu có giá trị nghệ thuật tuyệt vời. TNT.
Xin click & open full screen để thưởng thức MAI (Quốc Dũng ) & vuconghienPlaylist (24 ca khúc tuyệt hay)
Trong khuya, giọng hát Hương Lan ngọt ngào đầy tình tự quê hương, mở đầu Video Clip “Nha Trang” đã khiến người xem thực sự rung cảm với tràn đầy hình ảnh “quá chuẩn” của VCH.
Thật cảm xúc cho những ai đã sinh ra lớn lên hay đã có một thời gắn bó hoặc ghé qua Nha Trang đôi ba lần…
“Ầm ầm tiếng sóng xa đưa…”
Quả thực, ầm ầm tiếng sóng cũng như đang xa đưa quá khứ về lại trong lòng…
Nha Trang trước thập niên 70, êm ả thơ mộng.
Từ mạn Cầu Đá nhìn ra khơi, phíaNam các hòn Miếu, bãi Chủ, hòn Tầm, hòn Mun, Đông Nam có đảo Hòn Tre lớn nhất hiện là khu nghỉ mát Vinpearl.
Cũng nơi này, về hướng thành phố, bắt đầu hơi lên dốc, phía tay trái một quán giải khát ăn nhậu loại bỏ túi, vẫn gọi là quán Bà Mười, tay phải là khu Hải Học Viện, leo lên Biệt Điện Vua Bảo Đại.
Khi xuống dốc, dãy phố Chụtt hiện ra, nơi đây có khu chợ ngày đó có tiệm phở, bánh mì gà thơm ngon không chê vào đâu được. Phở gà khô nước soup đặc biết, bánh mì nóng hổi ròn tan kẹp trong thịt gà cùng nước sauce. Ăn thì khỏi nói, phải một lúc hai tô mới đã thèm, còn bánh mì mua kèm theo 2,3 ổ mang về cho các bạn.
Chạy dài từ Chụtt ra đại lộ Duy Tân, dọc bãi biển xen kẽ những rặng phi lao. Bên trái đa phần những khu biệt thự, nhà ở xây cất từ thời Pháp thuộc.
Biển Nha Trang thiên nhiên ngút ngàn, ngó ra hòn Dung (Pyramid), hòn Rùa, ngày đêm biển sóng vỗ bờ ầm ì, khiến gây nỗi nhớ nhà triền miên cho những kẻ "xa quê hương nhớ mẹ hiền" còn độc thân ngày đó.
Cuối tuần có thể ra khu cầu Hà Ra Xóm Bóng ăn gỏi cá với nước riêu chấm, nếu lái xe thẳng Quốc lộ 1, qua đèo Rù Rì, xuống đèo, ghé bãi biển Đại Lãnh hay xóm chài Lương Sơn ăn sò huyết nướng, tôm hùm hấp…Bạn bè ngất ngưởng lúy túy vài két bia, ngà ngà lâng lâng, nào ai biết đâu là bến, thấy đâu là bờ? Nếu còn hăng ,chạy luôn đến Sông Cầu hay qua đèo Cù Mông tới Quy Nhơn thăm bạn.
Nói chung, bao quanh Nha Trang nơi nào cũng là nơi tìm đến để thoải mái cho tâm hồn. Nếu muốn vắng lặng tâm tình, qua Ba Ngòi, phía trái Quốc lộ 1 sẽ có những quán chòi tranh xen trong rừng dừa sát ra biển, ghé vào nghỉ ngơi ăn trưa hay giải khát. Đậm tình hơn, vào những đêm trăng sáng, nơi cầu Đá Bạc, sẽ luôn có dăm ba cặp mặn nồng thề non hẹn biển, cho dù chẳng biết mai này đời sẽ ra sao?
Ôi Nha Trang ngày đó! Đâu đâu cũng bè bạn, những người trai đầu đời gió bụi dọc ngang, tóc xanh lộng gió trùng khơi.
Hợp tan, tan hợp, bỗng chốc lại có tin một vài người bạn vĩnh viễn bỏ cuộc chơi. Quả như "Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi".
"Còn đâu những chiều vui xưa.
Còn đâu những chiều say sưa.
Ngồi nơi biển buồn trông ra khơi mênh mông..."
Những lời hát Hương Lan quyện trong hồn, những cảnh đẹp Nha Trang qua ống kính VCH sao mà quá đậm tình nét đẹp quê hương!
Cố nhạc sĩ Minh Kỳ đã để lại cho Nha Trang một ca khúc để đời.
VCH mở đầu, kết thúc video bằng dáng người con gái, vạt áo dài tóc xõa tung bay, như đang có tâm sự, cũng đứng nhìn “ra khơi mênh mông”, khiến người xem gợi nhớ!
Đời sống thì hữu hạn, biển vẫn muôn đời xa vắng mênh mông...
Nha Trang cả một quãng đời, một chuỗi dài ký ức, nào cho ai có thể "tắm hai lần trên cùng một dòng sông"!
Bây giờ mời cùng VCH thăm lại những hình ảnh thơ mộng miền quê hương cát trắng, hơn cả nghe lại giọng hát quá ngọt ngào đậm tình Nha Trang của Hương Lan.
Và không quên cám ơn VCH đã miệt mài thực hiện một video tuyệt vời! TNT
Khi thấy chữ nhỏ muốn cho to ra, hãy nhấn vô Ctrl Key(bên trái phía dưới bàn gõ) đồng thời gõ vô Key dấu + (góc phải phía trên). Nếu gõ một lần chữ chưa đủ lớn, thì gõ hai lần, ba lần ... Ngược lại, Bấm Ctrl Key và Key dấu -( kế góc phải phía dưới ), chữ sẽ nhỏ lại.