Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2023

Nhạc sĩ NGUYỄN ÁNH 9


Nguyễn Ánh 9 là nhạc sĩ nổi tiếng với những ca khúc sáng tác cả trước và sau năm 75 là Không, Ai Đưa Em Về, Buồn Ơi Chào Mi, Tình Khúc Chiều Mưa, Cô Đơn, Bơ Vơ, Tiếng Hát Lạc Loài, Mùa Thu Cánh Nâu, Tình Yêu Đến Trong Giã Từ… Ông đồng thời cũng là nhạc công piano nổi tiếng từ trước năm 1975, đã hợp tác với các vũ trường, phòng trà và đệm đàn cho nhiều danh ca Sài Gòn.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh năm 1940, là con út trong một gia đình khá giả có ba người con tại tỉnh Ninh Thuận. Sau đó gia đình ông chuyển đến Nha Trang, đến năm ông 11 tuổi thì vào Sài Gòn sinh sống.

Đó là xuất xứ của cái tên Nguyễn Ánh 9 nổi tiếng trong âm nhạc Việt Nam từ thập niên 1970 trở về sau. Việc lấy nghệ danh này cũng đánh dấu một sự biến chuyển quan trọng của cuộc đời, đó là từ nhạc công trở thành một nhạc sĩ. Thưở nhỏ Nguyễn Ánh 9 theo học trường Taberd ở Sài Gòn (nay là trường Trần Đại Nghĩa), đến năm 14 tuổi thì lên Đà Lạt để học nội trú tại trường Yersin cho đến năm 1958. Ông từng bỏ nhà đi năm 18 tuổi để theo đuổi đam mê âm nhạc, vì sự ngăn cấm của gia đình.

Năm 1955, trong thời gian học ở Đà Lạt, ông có quen biết với nhạc sĩ Hoàng Nguyên – tác giả của Ai Lên Xứ Hoa Đào, và được nhạc sĩ này dìu dắt vào con đường âm nhạc. Cứ mỗi ngày chủ nhật hàng tuần, nhạc sĩ Hoàng Nguyên vào trường nội trú để đón ông về nhà để truyền đạt những kiến thức căn bản về âm nhạc. Sau khi tốt nghiệp Tú tài 2, qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, Nguyễn Ánh 9 được vào tham gia chương trình Tuổi Xanh của Đài phát thanh Sài Gòn và Đài phát thanh Đà Lạt. Ông cũng cộng tác với chương trình Tiếng hát sinh viên do Duy Trác thực hiện. Từ đó, Nguyễn Ánh 9 đi khắp nơi biểu diễn piano ở các bar, các nhà hàng nổi tiếng. Nguyễn Ánh 9 bắt đầu sự nghiệp viết nhạc một cách rất tình cờ, bắt đầu từ chuyến đi Nhật biểu diễn cùng ca sĩ Khánh Ly vào tháng 8 năm 1970. Lần đó Khánh Ly được phía Nhật mời sang biển diễn trong khuôn khổ hội chợ văn hóa tại Osaka, và Nguyễn Ánh 9 đi cùng với vai trò là nghệ sĩ đệm đàn guitar cho Khánh Ly hát.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 kể lại rằng sau buổi diễn, khi cùng với Khánh Ly đứng chờ thang máy lên phòng khách sạn, thấy người bạn mình mang vẻ mặt buồn buồn, Khánh Ly lên tiếng hỏi: “Còn thương nó không bạn?” – Ý muốn hỏi về mối tình đầu năm 18 tuổi của ông mà Khánh Ly đã từng được nghe ông tâm sự. Sẵn cây đàn guitar trên tay, Nguyễn Ánh 9 gảy ngay rồi ngẫu hứng cất tiếng hát: “Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa…”.

Lúc đầu ông lấy tựa đề bài hát là “Không, Không… Tôi Không Còn Yêu Em Nữa”, với cảm hứng là từ một ca khúc của Christopher mang tên “Non, Non, Je ne t’aime plus”. Về sau, Nguyễn Ánh 9 cắt gọn tất cả, tựa đề chỉ còn lại một chữ “KHÔNG” duy nhất. Ca khúc “Không” được Khánh Ly thu lần đầu trong đĩa nhựa của dĩa nhạc Tình Ca Quê Hương. Bài hát này cũng đã trở thành một trong những nhạc phẩm gắn liền với cuộc đời ca hát của Elvis Phương sau đó.

Ngoài ra, bài “Không” cũng vượt ra khỏi ranh giới Việt Nam khi được nữ diva người Đài Loan Đặng Lệ Quân hát bằng cả lời Hoa lẫn lời Nhật, và rất được ưa chuộng tại các thị trường này.

Trước năm 1975, có 2 sáng tác rất nổi tiếng khác của ông, rất được yêu thích cho đến ngày nay, đó là Buồn Ơi Chào Mi và Tình Khúc Chiều Mưa.  Ca khúc Buồn Ơi Chào Mi đặc biệt được yêu thích với giọng hát của danh ca Sĩ Phú, mời bạn nghe bên dưới:

Những năm đầu thập niên 1970, Nguyễn Ánh 9 cộng tác với nhiều vũ trường lớn ở Sài Gòn để đệm piano cho hầu hết những danh ca thời đó. Trong một cuộc phỏng vấn, Nguyễn Ánh 9 đã nói rằng ông thích nhất được đệm đàn cho hai danh ca Thái Thanh và Khánh Ly. Trong thời gian Nguyễn Ánh 9 làm làm việc tại phòng trà Anh Vũ, ông quen biết 1 nữ vũ công tại đây là bà Ngọc Hân. Năm 1965, họ kết hôn với nhau, khi đó ông 25 tuổi còn bà Ngọc Hân vừa tròn 20. Sau khi lấy nhau, bà quyết định bỏ nghề vũ công, toàn tâm toàn ý chăm lo gia đình để ông theo nghiệp âm nhạc. Sự hy sinh của bà nhiều lần được nhạc sĩ nhắc đến bằng tất cả lòng tri ân như sau: “Vợ tôi là một người phụ nữ dịu hiền nhân hậu, có lẽ chẳng người phụ nữ nào đủ vị tha và hy sinh cho chồng mình như cô ấy. Tôi mắc nợ trọn kiếp với người bạn đời, bởi tình yêu đã vĩnh viễn câm lặng, trái tim tôi không còn cảm giác sau hình ảnh của mối tình đầu”.

Sau tháng 4 năm 1975, thời gian đầu Nguyễn Ánh 9 cùng đi diễn ở các tỉnh với đoàn văn nghệ của ca nhạc sĩ Duy Khánh. Từ 1976, ông làm nhân viên kiểm soát xe lưu thông tại Xa cảng miền Tây cho đến năm 1978. Một thời gian Nguyễn Ánh 9 có mở một lớp dạy dương cầm. Năm 1982, Nguyễn Ánh 9 trở lại với âm nhạc; ông tiếp tục tham gia các chương trình hòa tấu và biểu diễn dương cầm ở nhiều nơi. Những năm cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, Nguyễn Ánh 9 có viết thêm một số ca khúc nữa như Mênh Mông Tình Buồn, Cho Người Tình Xa đặc biệt là chuỗi 3 bài hát có phần liên quan đến nhau: Cô Đơn, Bơ Vơ và Tiếng Hát Lạc Loài.

Trong một lần đứng trên sân khấu hải ngoại năm 2006 – tròn 10 năm trước khi  qua đời – ông từng chia sẻ rằng nếu một ngày nào đó ông còn nữa, thì ông chỉ mong khán giả nhớ đến một bài hát mà ông yêu nhất và trân trọng nhất, đó là bài Cô Đơn. “Hạnh phúc như đôi chim uyên tung bay ngập trời nắng ấm Hạnh phúc như sương ban mai long lanh đầu cành nắng ấm…” (Cô Đơn) 


Cho đến những năm cuối đời, Nguyễn Ánh 9 vẫn biểu diễn, tham gia một số đêm nhạc của ca sĩ Ánh Tuyết. Ông thường chơi dương cầm hàng tuần tại khách sạn Sofitel Plaza Saigon. Sau một thời dài với căn bệnh viêm phổi, suy tim, vào lúc trưa 14 giờ 00, ngày 14 tháng 4 năm 2016 ông hôn mê, và trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Đại học Y – Dược Sài Gòn, hưởng thọ 77 tuổi. 

Đông Kha

Nguồn : NhacXua.net 

Link :  https://nhacxua.vn/

Click HERE ( Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Góc Thư giản

Khi thấy chữ nhỏ muốn cho to ra, hãy nhấn vô Ctrl Key (bên trái phía dưới bàn gõ) đồng thời gõ vô Key dấu + (góc phải phía trên). Nếu gõ một lần chữ chưa đủ lớn, thì gõ hai lần, ba lần ...
Ngược lại, Bấm Ctrl KeyKey dấu -( kế góc phải phía dưới ), chữ sẽ nhỏ lại.