Phối cảnh là một kỹ thuật vẽ trong hội họa dùng để thể hiện các hình ảnh 3 chiều một cách gần đúng trên bề mặt 2 chiều (giấy, vải,…); khiến tranh vẽ trở nên trực quan hơn.
Kỹ thuật vẽ - Phối Cảnh 1 Điểm Tụ
Kỹ thuật vẽ - Phối Cảnh 2 Điểm Tụ
Kỹ thuật vẽ - Phối Cảnh 3 Điểm Tụ
Phối cảnh là khám phá tuyệt vời của các nghệ sĩ Ý thời Phục hưng, dựa trên các nguyên tắc hình học.
Filippo Brunelleschi, được coi là cha đẻ của kiến trúc thời Phục hưng, là kiến trúc sư, nhà điêu khắc người Ý, và hiện được công nhận là kỹ sư hiện đại đầu tiên. Filippo Brunelleschi là người thử nghiệm và phát hiện ra các quy luật phối cảnh. Ông đã vẽ một bức tranh về Baptistry ở Florence theo hệ thống đường tầm mắt và điểm tụ dựa trên quy luật phối cảnh của ông.
So sánh hai bức tranh ở trên, một bức không sử dụng phối cảnh, bức còn lại sử dụng phối cảnh đơn giản (1 điểm tụ).
Những cái cây và 2 đầu hồ nước đều có cùng một kích thước trong hình đầu tiên cho dù chúng ở gần hay xa người nhìn. Ngoài ra, 2 con đường chính vẫn giữ nguyên độ rộng ngay cả khi chúng rất dài. Bức tranh tạo ra một cảnh quan khá bằng phẳng.
Ở hình thứ hai, khung cảnh trở nên trực quan hơn. Những cảnh vật ở gần sẽ lớn hơn so với cảnh vật ở xa. Và điều này đã mang lại chiều sâu cho bức tranh. Con đường và hồ nước dường như thu hẹp lại khi nó lùi dần về phía xa.
Phối cảnh làm nền tảng cho bố cục của hầu hết các tác phẩm nghệ thuật. Trong cuốn sách này, chúng tôi sẽ chỉ bạn cách sử dụng tốt nhất các kỹ thuật phối cảnh để cho tác phẩm nghệ thuật của bạn trở nên trực quan và sinh động hơn.
Để bắt đầu học vẽ phối cảnh, tôi sẽ giới thiệu cho bạn một số dụng cụ cần để sử dụng. Bạn có thể không cần phải mua tất cả các mặt hàng được liệt kê dưới đây, tốt nhất là bạn nên trải nghiệm dần dần. Bắt đầu với các loại bút chì được đề xuất, và khi bạn muốn thử một cái gì mới hãy mua thêm. Đối với gôm, bạn nên sử dụng gôm mềm để tránh bong tróc giấy. Đối với giấy, bạn nên bắt đầu với loại giấy có trọng lượng trung bình.
TẦM NHÌN HÌNH NÓN
Khi chúng ta quan sát từ bất kỳ góc độ nào, đều có một trường nhìn bao quanh chúng ta, bên trong phạm vi trường nhìn là vùng chúng ta nhìn rõ mọi vật, bên ngoài phạm vi là vùng chúng ta nhìn mọi vật mờ dần. Hiệu ứng tổng thể tạo ra “hình nón” của tầm nhìn.
Con người có góc nhìn xấp xỉ 60 độ mà vật thể không bị biến dạng, mở rộng như một hình nón tưởng tượng từ mắt của họ về phía trước. Ngoài góc 60 độ, các vật thể bắt đầu mờ dần, khó có thể nhận thức được gì ngoài ánh sáng và bóng tối. Điều này thể hiện độ mờ mà chúng ta nhìn thấy bằng mắt. Trong sơ đồ, hình nón được biểu thị với góc 60 độ bắt đầu từ điểm nhìn, nó lệch 30 độ về bên trái và bên phải của đường ngắm, tương tự lệch 30 độ lên trên và xuống dưới của đường ngắm.
Đường tầm mắt (còn gọi là Đường chân trời) là một đường thẳng nằm ngang với tầm mắt người nhìn, phân chia mặt đất với bầu trời hay mặt nước với bầu trời, nên còn được gọi là đường chân trời.
Ở trong tranh, đường tầm mắt có thể thay đổi, nó phụ thuộc vào độ cao, thấp của vị trí người vẽ. Khi vẽ theo mẫu, cần xác định được đường tầm mắt để vẽ hình cho đúng.
Điểm tụ
Các đường song song với đường mặt đất (ở hình hộp, hình trụ, nhà, đường tàu hỏa...) hướng về chiều sâu, càng xa càng thu hẹp và cuối cùng gặp nhau ở một điểm tại đường tầm mắt, điểm đó được gọi là điểm tụ.
Khi vẽ theo mẫu, cần xác định điểm tụ để vẽ cho đúng.
SỬ DỤNG ĐƠN VỊ ĐO LƯỜNG
Để vẽ một chủ đề lớn như: cảnh quan đường phố, khu đô thị,… phải tính tới tỷ lệ và phối cảnh, rất khó để vẽ chính xác trừ khi bạn sử dụng hệ thống đo lường.
Đối với cảnh quan đô thị ở đây, tôi sử dụng chiều cao mỗi tầng nhà (3 mét) để xác định đơn vị đo lường 1 mét. Ngay góc ngã tư tòa nhà cao nhất là 3 tầng (9 mét), chia mỗi tầng nhà ra làm 3 mét, vị trí đường chân của tòa nhà cũng được chia ra: 3 mét cho khối nhà cao tầng, 5 mét cho sảnh vào nhà. Chiều rộng của con đường hẻm đo bằng chiều rộng của khối nhà cao nhất (3 mét).
Chú ý đường thẳng đứng ở gần sẽ dài hơn đường thẳng ở xa (cùng độ cao thực tế), các đường thẳng song song với nhau nhỏ dần về điểm tụ. Để vẽ chính xác phối cảnh, ngoài việc sử dụng hệ thống đo lường, bạn phải xác định đường tầm mắt và vị trí điểm tụ cho đúng.
PHỐI CẢNH ĐƠN GIẢN
Các quy tắc để vẽ phối cảnh khá đơn giản, có nhiều cách để vẽ phối cảnh tùy thuộc vào góc nhìn của bạn và đối tượng cần vẽ, bạn cần sử dụng phối cảnh cho phù hợp. Vẽ tranh dựa vào quan sát giúp bạn thấy được phối cảnh hoạt động như thế nào trong thực tế. Ở đây chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn một số quy tắc cơ bản để bạn hiểu rõ hơn về phối cảnh.
Quy tắc số 1 để vẽ phối cảnh là các đối tượng có cùng kích thước thực sẽ nhỏ dần khi lùi ra xa.
Trong hình vẽ trên người phụ nữ và người đàn ông có cùng chiều cao thực, nhưng trong phối cảnh ta thấy người đàn ông trở nên nhỏ lại và lùi ra xa. Những thanh đứng cũng trở nên ngắn hơn và mỏng hơn khi chúng đến gần điểm tụ, khoảng cách giữa chúng cũng nhỏ lại. Hình vẽ này giúp ta thấy được những gì xảy ra trong mắt người xem và tạo được chiều sâu rõ ràng trên bề mặt giấy.
Quy tắc số 2 để vẽ phối cảnh là các đường thẳng song song (thực tế) sẽ hẹp dần khi lùi ra xa và gặp nhau tại điểm tụ.
Trong sơ đồ dưới đây, khối hình hộp chữ nhật cao hơn tầm mắt người nhìn, có vẻ đây là 1 công trình nhỏ. Các đường gạch đứt cho thấy các mặt xa của khối hình hộp chữ nhật mà mắt thường không nhìn thấy được. Có thể nhận thấy, tất cả các đường thẳng song song đều hẹp dần khi lùi ra xa, tuân theo quy tắc phối cảnh và gặp nhau tại điểm tụ.
Quy tắc số 3 để vẽ phối cảnh là các đối tượng ở gần sẽ rõ nét và chi tiết hơn các đối tượng ở xa.
Trong hình vẽ dưới đây, các khối trụ gỗ hai bên lối đi dường như mờ dần khi lùi ra xa và ít chi tiết hơn các khối trụ gỗ ở gần. Bạn đưa mắt xa hơn nữa sẽ thấy hàng cây bên kia bờ sông chỉ còn lại mảng đen, nơi đó ta không thể nhìn thấy từng cái cây, tán cây; phía sau hàng cây là ngọn núi dường như dần biến mất vào không trung. Đây là hiệu ứng của quy tắc xa - gần trong phối cảnh, giúp tạo ra chiều sâu rõ ràng trên bề mặt giấy.
Nguồn : DO ART
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét