Có nhiều bài hát nghe rất quen thuộc suốt từ 1955 đến 1975 qua Đài Phát thanh Sài Gòn và Đài Quân Đội mà không biết tác giả là Nhật Bằng, ngoại trừ bài Thuyền Trăng. Bây giờ nghe lại, quá khứ tưởng rằng đã quên hiện ra dần...
Nhạc sĩ Nhật Bằng (sinh năm 1930) tại Hà Nội, theo học tại trường Bưởi ở Hà Nội và là bạn rất thân với hai nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm và Phạm Đình Chương. Ông có khiếu âm nhạc từ nhỏ. Năm 1947, khi chỉ mới 17 tuổi, ông sáng tác nhạc phẩm đầu tay “ĐợiChờ” kể lại mối tình học trò của mình khi còn ở Hà Nội. Lúc ấy, ông đang ở quê nội Thanh Hóa ngậm ngùi nhớ về Hà Nội của thuở học trò thơ ngây mà ông đã phải bỏ lại từ mùa thu khói lửa 1946 như hàng ngàn người khác. Tác phẩm đầu tay này có tên nguyên thủy là “Hoa Trăng” nhưng khi người bạn thân Phạm Đình Chương mang vào Nam để phổ biến đầu thập niên 50, Phạm Đình Chương đã đề nghị đổi tên thành ”Đợi Chờ”.
Năm 1952 ông nhập ngũ vào ngành quân nhạc. Tại đây ông làm quen với một số bạn mới như nhạc sĩ Văn Phụng, Đan Thọ, Nguyễn Hiền, Nguyễn Túc. Năm 1954, khi đất nước chia đôi, ông di cư theo trường quân nhạc vào Nha Trang.
Thời kỳ sáng tác sung mãn nhất của ông là từ năm 1956 đến 1969. Sự nghiệp của ông để lại cho đời sau gồm khoảng 100 nhạc phẩm thuộc 3 khuynh hướng rõ rệt: nhạc quê hương, nhạc tình cảm và nhạc chiến đấu.
Những bài nhạc quê hương của ông được dân chúng yêu mến như ”Sau Lũy Tre Xanh”, “Bóng Quê Xưa”, “Nước Mắt Quê Hương Này”, “Anh Về Một Mùa Trăng”, “Mái Tranh Chiều”, “Hương Quê”, “Tiếng Vọng Rừng Xanh”, “Khúc Nhạc Ngày Xuân”, “Thu Ly Hương”, “Mưa Đầu Mùa”... nhưng nổi tiếng nhất là bài “Thuyền Trăng” viết chung với “chuyên gia đặt lời” Thanh Nam.
Nhạc tình cảm của ông nhẹ nhàng, thanh thoát như “Dạ Tương Sầu Tương Tư”, “Một Chiều Thu”, “Bóng Chiều Tà”, “Hãy Quên Niềm Thương Nhớ”, v.v…
Nhạc chiến đấu của ông sáng tác trong thời gian ông phục vụ cho Phòng Văn Nghệ Cục Tâm Lý Chiến với cấp bậc Chuẩn Úy dưới quyền Trưởng Phòng là Đại Úy Đinh Thành Tiên (tức nhà thơ Tô Thùy Yên). Loại nhạc chiến đấu này đáng kể nhất là bài “Bóng Người Chiến Sĩ” và “Chiến Sĩ Ca”. “Chiến Sĩ Ca” có thể được xem là một trong những nhạc phẩm được biết đến nhiều nhất trong quân đội. Bản này được sáng tác năm 1968 và đã đoạt giải sáng tác nhạc quân đội xuất sắc nhất trong năm đó.
Sự kiện năm 1975 đã làm gia đình ông ly tán. Ba người em ruột của ông trong ban hợp ca Hạc Thành chạy được qua Mỹ trong năm 1975. Phần ông ở lại và đi tù cho đến năm 1982.
Năm 1990, ông cùng vợ và 5 con sang Mỹ theo diện HO và hiện định cư tại thành phố Herndon, tiểu bang Virginia cho đến ngày vĩnh viễn ra đi vì tai biến mạch máu não vào năm 2004.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét