Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

“Ngôi nhà đích thực”của chúng ta.

Nói về nhà – mái ấm gia đình, thầy Thích Nhất Hạnh cho rằng:
“Ngôi nhà của chúng ta phải là một nơi an toàn, thân thương và ấm cúng. Chính chúng ta phải là người xây dựng nên ngôi nhà của mình bằng những yếu tố đó.”
Ngôi nhà – mái ấm đích thực
Mỗi người trong chúng ta đều đang cố gắng đi tìm cho mình một ngôi nhà đích thực. Chúng ta biết rằng ngôi nhà đó đang ở trong ta và với năng lượng chánh niệm, ta có thể trở về mái ấm đích thực của mình ngay trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Tăng thân cũng là nhà chúng ta.
Ở Việt Nam, người chồng gọi vợ mình là “nhà tôi” và người vợ cũng gọi chồng mình là “nhà” của cô ấy. “Nhà tôi” có nghĩa là căn nhà của tôi. Khi có người hỏi: “Vợ anh đâu rồi?” người kia sẽ trả lời: “Nhà tôi đang ra bưu điện.”
Cũng đã có một vị khách hỏi người vợ: “Ai trang trí nhà bạn mà đẹp quá vậy?” Cô vợ trả lời: “Nhà tôi sửa soạn cái nhà tôi”, điều đó cũng có nghĩa là “chồng tôi đã làm cho ngôi nhà của chúng tôi trở nên đẹp như vậy đó”. Hay khi người chồng gọi vợ: “Nhà mình ơi!” (nhà của tôi), cô vợ sẽ đáp là: “Em đây! Nhà mình ơi.”
Khi quý vị có một mối liên hệ như vậy, nghĩa là người kia là ngôi nhà của quý vị, thì quý vị cũng hãy là một ngôi nhà đích thực cho người đó. Tuy nhiên, trước nhất, quý vị phải là ngôi nhà đích thực cho chính mình thì mới có thể là ngôi nhà cho người thương của quý vị. Và chánh niệm là sự thực tập để có thể là một ngôi nhà đích thực cho chính ta và cho những người ta thương.
Ta phải là "ngôi nhà đích thực" cho chính mình thì mới có thể là "ngôi nhà" cho người mà ta thương mến.
Nhà là nơi ta thấy thoải mái, an toàn
Ở Làng Mai, mỗi khi nghe chuông, chúng ta ngừng lại mọi suy nghĩ, nói năng hoặc hành động. Chúng ta để sự chú tâm vào hơi thở vào ra và đọc thầm: “Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe. Tiếng chuông huyền diệu đưa về quê hương.” Ngôi nhà đích thực của ta đang ở trong ta. Ngôi nhà đích thực của chúng ta là bây giờ và ở đây.
Vì vậy sự thực tập quay về nhà là điều mà chúng ta làm suốt mỗi ngày, bởi vì trong chúng ta, ai cũng chỉ thấy thoải mái khi được ở trong nhà của mình. Ngôi nhà của chúng ta đang có đó và chúng ta có thể quay về nhà trong mỗi phút mỗi giây. Ngôi nhà của chúng ta phải là một nơi an toàn, thân thương và ấm cúng. Do đó, chính chúng ta phải là người xây dựng nên ngôi nhà của mình bằng những yếu tố đó.
Tuần trước, tôi có ngồi uống trà với một cặp vợ chồng người Anh. Họ đã sống hai tuần ở Làng Mai với quý thầy ở xóm Thượng. Người vợ nói: “Thật lạ. Đây là lần đầu tiên con sống ở một nơi có cả trăm người đàn ông và không có phụ nữ. Vậy mà con cảm thấy rất an toàn ở xóm Thượng. Con chưa bao giờ cảm thấy an toàn như vậy.”
Ở xóm Thượng, cô ta là người phụ nữ duy nhất, nhưng cô thấy rất an toàn. Và nơi nào mà cô ta cảm thấy an toàn thì nơi đó là nhà cô ta, bởi vì ngôi nhà phải là nơi mà khi sống trong đó ta cảm thấy an toàn. Vậy, quý vị có phải là một nơi an toàn cho những người thương của quý vị không? Quý vị có đủ vững chãi, mạnh mẽ để bảo vệ cho người thương của mình không?
Người chồng nói: “Hai tuần vừa qua có lẽ là hai tuần tuyệt nhất trong đời con.” Đó chính là nhờ công trình xây dựng tăng thân. Khi quý vị xây dựng một tăng thân thì quý vị cũng đang xây dựng một mái ấm cho chính mình. Ở nơi đó, quý vị cảm thấy như nhà của mình, dễ chịu và an toàn.
Nếu quý vị không thấy an toàn trong tự thân thì quý vị không phải là ngôi nhà cho chính mình và không thể là một ngôi nhà cho người thương của quý vị. Đó là lý do tại sao quay trở về với chính mình để tạo nên một nơi an toàn cho mình và cho những người mình thương lại quan trọng đến như vậy.
Xây dựng ngôi nhà đích thực
Yếu tố đầu tiên để làm nên ngôi nhà đó là hình hài, thân thể của chúng ta. Nếu không biết cách chăm sóc thân thể mình thì chúng ta không thể nào có được một ngôi nhà đích thực. Vì vậy ta cần học cách thở, cách đi, cách trở về với thân và buông thư những căng thẳng trong thân. Đó là điều đầu tiên ta cần làm để xây dựng ngôi nhà đích thực của chính mình.
Yếu tố thứ hai làm nên ngôi nhà đích thực là cảm thọ – các cảm giác và cảm xúc trong ta. Nếu muốn có một ngôi nhà đích thực, chúng ta phải học cách chăm sóc các cảm thọ của mình, những cảm thọ dễ chịu cũng như những cảm thọ khó chịu, những cảm xúc đau buồn trong ta.
Ngôi nhà đích thực của chúng ta còn được làm bởi yếu tố thứ ba là tri giác. Phần lớn khổ đau, buồn giận của chúng ta đều phát sinh từ những tri giác sai lầm. Chúng ta có tri giác sai lầm về chính ta và về người khác. Căn cứ trên những tri giác ấy, chúng ta tạo ra biết bao giận hờn, sợ hãi, buồn đau và tuyệt vọng .
Việc xây dựng ngôi nhà đích thực bắt đầu từ chính bản thân ta.
Đó là lý do vì sao chúng ta phải học cách chăm sóc những tri giác của mình bằng sự thực tập nhìn sâu. Chúng ta không nên quá chắc chắn về những tri giác của mình, bởi vì có thể đó là nguyên nhân gây nên rất nhiều khổ đau cho chính chúng ta và cho kẻ khác. Chúng ta cần cẩn thận và tự hỏi: Có chắc như vậy không? Có chắc cái tri giác mà mình tiếp nhận đó là đúng hay không?
Năm giác quan của chúng ta (gồm thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác) là năm cánh cửa mở ra để tiếp nhận các thông tin từ thế giới bên ngoài. Vì vậy, nếu biết cách hộ trì các cánh cửa giác quan này, nếu có đủ năng lượng của niệm và định thì chúng ta có thể tránh được rất nhiều tri giác sai lầm và không tạo nên những hiểu lầm, giận hờn, sợ hãi, v.v. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chính chúng ta.
Học cách yêu thương chính mình
Bụt Shakya Muni từng nói rằng vị Bụt xuất hiện trong tương lai sẽ có tên là Maitreya, đức Bụt của tình thương. Từ “Maitreya” trong tiếng Phạn có nghĩa là tình thương. Ngoài ra, từ “maitreya” còn có gốc “mittra”, nghĩa là tình bạn , vì vậy đức Bụt tương lai của chúng ta sẽ là một người rất trẻ và có tên là đức Bụt của tình thương (the Buddha of Love hay Mr. Love).
Qua phần trước , ta đã biết rằng: ta chỉ có thể trở thành “ngôi nhà đích thực” cho những người thương yêu khi ta là ngôi nhà cho chính mình.
Khi nói về tình thương, chúng ta thường nghĩ rằng: thương có nghĩa là thương một ai đó. Chúng ta tin chắc là mình biết thương mình rồi. Nhưng kỳ thực, không phải nhiều người trong chúng ta biết thương chính mình.
Chúng ta chưa thực sự biết thương mình, hay nói cách khác, chúng ta chưa biết cách chăm sóc và thương yêu mình như thế nào cho đúng. Vì vậy đức Bụt của tương lai sẽ dạy cho chúng ta cách thương yêu và chăm sóc chính mình.
Khi biết thương và chăm sóc chính mình, ta mới có khả năng thương yêu và chăm sóc những người khác. Làm sao anh có thể thương yêu và chăm sóc một ai khác nếu như anh không biết thương yêu và chăm sóc chính bản thân anh? Thương yêu chính mình là nền tảng để thương yêu một ai khác. Đây là một điều rất rõ ràng. Vì vậy ta cần phải học cách chăm sóc thân thể, cảm thọ và tri giác của mình, đó là điều rất quan trọng.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Góc Thư giản

Khi thấy chữ nhỏ muốn cho to ra, hãy nhấn vô Ctrl Key (bên trái phía dưới bàn gõ) đồng thời gõ vô Key dấu + (góc phải phía trên). Nếu gõ một lần chữ chưa đủ lớn, thì gõ hai lần, ba lần ...
Ngược lại, Bấm Ctrl KeyKey dấu -( kế góc phải phía dưới ), chữ sẽ nhỏ lại.